Các tổ chức đoàn thể trong PVN

Công nghệ - “Chìa khóa” của đổi mới

07:11 | 21/03/2019

707 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác tái cấu trúc. Trong xu thế đó, các tổ chức đoàn thể (công đoàn, đoàn thanh niên) trong PVN cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0 để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Ông Vũ Ngọc Trình - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Trưởng ban Công nghệ Thông tin VPI - có những chia sẻ về vấn đề này.

PV: Cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) đang đặt mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp trước những vận hội và thách thức mới. Ông nhận định như thế nào về ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến sự phát triển của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là công đoàn?

cong nghe chia khoa cua doi moi

Ông Vũ Ngọc Trình: CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, làm thay đổi hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị, đồng thời là động lực vô cùng lớn làm thay đổi “diện mạo” thị trường lao động và việc làm.

Bên cạnh đó, từ ngày 12-11-2018, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tham gia CPTPP, công đoàn không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động (NLĐ). Đối với tổ chức công đoàn, thách thức lớn nhất là trong tương lai không xa, ở cấp cơ sở sẽ xuất hiện các tổ chức đại diện khác của NLĐ, hay còn gọi là đa công đoàn. Vấn đề cạnh tranh để giữ chân và thu hút mới đoàn viên công đoàn là điều tất yếu sẽ xảy ra. Ngoài ra, trong lĩnh vực lao động, công đoàn, CPTPP cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác như: Thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đàm phán thỏa thuận lao động tập thể, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu... Quan hệ lao động có thể có những diễn biến phức tạp hơn.

Tham gia CPTPP, công đoàn không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho NLĐ. Đối với tổ chức công đoàn, thách thức lớn nhất là trong tương lai không xa, ở cấp cơ sở sẽ xuất hiện các tổ chức đại diện khác của NLĐ, hay còn gọi là đa công đoàn. Bên cạnh đó, từ ngày 12-11-2018, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

PV: Theo ông, với xu thế đó, các tổ chức đoàn thể trong ngành Dầu khí cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm như thế nào?

Ông Vũ Ngọc Trình: PVN và các doanh nghiệp thành viên đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác tái cấu trúc trong thời gian tới. Công nghệ cao cùng với các mô hình/phương thức quản trị tiên tiến nhất trên thế giới đang được ứng dụng vào các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành tác nghiệp và chuyên môn, với mục tiêu mang lại hiệu quả cao nhất. Trong bối cảnh như vậy, tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của NLĐ nói chung, đoàn viên thanh niên nói riêng, về quyền và lợi ích chính đáng sẽ ngày càng cần được quan tâm hơn.

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) đặt mục tiêu tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn theo phương châm hướng về cơ sở; chú trọng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ; tăng cường phát triển lợi ích đoàn viên, lấy lợi ích đoàn viên làm điểm tập hợp thu hút đoàn viên và NLĐ; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định và phát triển; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; góp phần vào sự phát triển của PVN và của đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Ban Chấp hành CĐ DKVN đã đưa ra khẩu hiệu hành động: “Bản lĩnh, đoàn kết, đổi mới, hành động, vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, vì lợi ích đoàn viên, NLĐ”.

Theo tôi, các tổ chức đoàn thể trong ngành Dầu khí cần tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, linh hoạt, khoa học, hoạt động hiệu quả; đặc biệt chú trọng khai thác các tiềm năng của CMCN 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (học máy), dữ liệu lớn (Big Data)… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức đoàn thể, quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, động viên hỗ trợ kịp thời, cung cấp các dịch vụ/tiện ích thiết thực để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ.

cong nghe chia khoa cua doi moi
Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động qua mạng xã hội

PV: Ông có những đề xuất nào về các giải pháp công nghệ giúp đổi mới hoạt động của các tổ chức đoàn thể?

Ông Vũ Ngọc Trình: Trong cuộc họp Ban Chấp hành CĐ DKVN gần đây, tôi đã đề xuất một số giải pháp mới về ứng dụng công nghệ vào các hoạt động đoàn thể giúp giải đáp các thắc mắc, hỗ trợ NLĐ và đoàn viên thanh niên.

Các giải pháp/phần mềm được đề xuất đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, có thể chạy trên máy tính, các thiết bị di dộng (Android, iOS); đặc biệt khai thác triệt để trí tuệ nhân tạo như: Học máy, khai phá dữ liệu. Từng giải pháp đều ứng dụng an ninh số (các thuật toán mã hóa/giải mã...) để bảo mật thông tin cho các dữ liệu thu thập/quản lý. Các giải pháp này giúp hỗ trợ giải đáp các thắc mắc về pháp luật, quản lý cơ sở dữ liệu của NLĐ, từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để quan tâm tốt hơn, kịp thời hơn đến NLĐ, đoàn viên thanh niên.

Giải pháp xây dựng phần mềm Chatbot thông minh để tư vấn pháp luật tự động cho người lao động, đoàn viên thanh niên. Phần mềm này lưu trữ Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, các câu hỏi và đáp án cho các tình huống điển hình liên quan đến hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, lương, thu nhập, nghỉ hưu…

PV: Ưu điểm của những giải pháp này so với việc NLĐ tự tra cứu văn bản pháp luật trên mạng Internet là gì, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Trình: Để hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, NLĐ cần có hiểu biết cơ bản về pháp luật. Giải pháp tôi đề xuất là xây dựng phần mềm Chatbot thông minh để tư vấn pháp luật tự động cho NLĐ, đoàn viên thanh niên. Phần mềm này lưu trữ các văn bản pháp luật liên quan đến NLĐ như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, các câu hỏi và đáp án cho các tình huống điển hình, hay xảy ra hoặc đã xảy ra (liên quan đến hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, lương, thu nhập, nghỉ hưu…).

NLĐ đặt câu hỏi tra cứu thông tin về pháp luật theo một hoặc nhiều tiêu chí (tên văn bản, số văn bản, ngày phát hành, cơ quan phát hành, lĩnh vực, trích yếu, tình huống pháp luật…), phần mềm này sẽ tự động tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu để chọn ra đáp án phù hợp với câu hỏi. Nếu đáp án chưa có trong cơ sở dữ liệu, phần mềm sẽ tự động chuyển câu hỏi cho chuyên gia, cộng tác viên pháp luật, lãnh đạo doanh nghiệp để trả lời ngay hoặc sau một thời gian nhất định. NLĐ khác cũng có thể tham gia trả lời, chia sẻ kinh nghiệm về câu hỏi/tình huống đó. Các đáp án đúng sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của phần mềm (Chatbot) để phần mềm có thể trả lời tự động cho các câu hỏi/tình huống tương tự trong lần sau.

Các ưu điểm nổi bật của Chatbot thông minh so với việc tra cứu đơn thuần trên Internet là: Câu trả lời được tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu đã được chọn lọc, thiết kế riêng cho NLĐ, nên sẽ sát với nhu cầu thực tế của NLĐ hơn. Chatbot thông minh có sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, thống kê các câu hỏi/lĩnh vực được quan tâm nhiều, từ đó đưa ra gợi ý như tổ chức các cuộc hội thảo, tư vấn pháp luật trực tiếp, cập nhật kiến thức cho NLĐ; tiếp nhận các câu hỏi, ý kiến bằng giọng nói (hotline thông minh). Hiện nay, chưa có Chatbot thông minh được thiết kế riêng cho tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên để tư vấn pháp luật tự động cho NLĐ (cả giọng nói và văn bản).

cong nghe chia khoa cua doi moi
Mục tiêu cao nhất của các tổ chức đoàn thể là NLĐ hạnh phúc trong công việc và cuộc sống, cùng xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững

PV: Có ý kiến cho rằng, mạng xã hội là một nền tảng mở giúp tăng cường tính tương tác giữa những người sử dụng. Ông có đề xuất giải pháp nào để tận dụng thế mạnh của mạng xã hội?

Ông Vũ Ngọc Trình: Đúng như vậy. Mạng xã hội là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác đoàn thể. Tôi đề xuất xây dựng một phần mềm thông minh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ thông qua mạng xã hội giúp người sử dụng lao động có thể quan tâm kịp thời hơn đến NLĐ.

Phần mềm sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (học máy), khai phá quan điểm (Opinion Mining, Sentiment Analysis...), thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để tổng hợp một cách tự động các trạng thái biểu cảm (tích cực, tiêu cực, vui, buồn…), các vấn đề NLĐ, đoàn viên thanh niên đang quan tâm trong quá trình làm việc và trong cuộc sống. Từ đó, các cán bộ công đoàn, đoàn thanh niên và các cấp lãnh đạo tại doanh nghiệp có thể chia sẻ, giải đáp, giải tỏa sớm các bức xúc của NLĐ, đoàn viên thanh niên, không để xảy ra tình trạng bức xúc kéo dài. Phần mềm này cũng cho phép hỗ trợ định hướng dư luận thông qua mạng xã hội, giúp tuyên truyền các chính sách, pháp luật, chủ trương của lãnh đạo doanh nghiệp, và cũng có thể áp dụng để xử lý hiệu quả khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội.

PV: Được biết, cách đây 10 năm, ông là người đề xuất, trực tiếp triển khai phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đoàn viên thanh niên cho VPI và PVN. Sau 10 năm sử dụng, phần mềm này cần cải tiến như thế nào để có thể sử dụng cho cả tổ chức công đoàn, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Trình: Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đoàn viên thanh niên cần bổ sung các tính năng để phù hợp với đặc thù, chức năng hoạt động của tổ chức công đoàn, ví dụ như định kỳ cập nhật thu nhập của NLĐ để phân loại NLĐ có thu nhập thấp… để có các phương án hỗ trợ kịp thời.

Phần mềm lưu trữ các thông tin về sức khỏe của NLĐ thông qua kết quả khám sức khỏe định kỳ; chi tiết quyền lợi, địa chỉ các bệnh viện, phòng khám bảo lãnh viện phí theo bảo hiểm chăm sóc sức khỏe; tiền sử bệnh, dị ứng thuốc, nhóm máu trong trường hợp cấp cứu; kết nối với các hồ sơ bệnh án tại các bệnh viện mà NLĐ khám chữa bệnh để trao đổi thông tin tự động, hỗ trợ cho quá trình khám chữa bệnh, điều trị… của NLĐ.

Có thể xây dựng phần mềm tự động truy cập vào website của các thương hiệu, siêu thị, các kênh bán hàng online uy tín… để chọn lọc các thông tin về chương trình khuyến mãi, thời gian khuyến mãi, địa điểm, đối tượng, điều kiện được hưởng khuyến mãi… giúp NLĐ có thể tiếp cận nhanh nhất và thuận tiện nhất.

Phần mềm này được phân cấp, phân quyền, chỉ doanh nghiệp nào biết doanh nghiệp đó, người nào biết người đó. Cấp thấp nhất có trách nhiệm nhập, cập nhật dữ liệu (tổ công đoàn, chi đoàn thanh niên). Từ cấp công đoàn, đoàn thanh niên cơ sở thành viên trở lên không phải nhập dữ liệu, mà chỉ quản lý, khai thác thông tin (tra cứu, tạo các báo cáo thống kê, tổng hợp từ các doanh nghiệp trực thuộc).

Phần mềm cũng cho phép trao đổi, tích hợp dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp khác để khai thác hiệu quả các thông tin đã được nhập vào cơ sở dữ liệu.

PV: Các doanh nghiệp thường hợp tác với các doanh nghiệp khác để có những chương trình giảm giá, khuyến mãi, nhưng chưa có giải pháp nào để quản lý, bảo đảm NLĐ có thể sử dụng các chương trình giảm giá, khuyến mãi này một cách thuận tiện nhất. Ông có đề xuất giải pháp nào để quản lý và thông báo các chương trình khuyến mãi đến NLĐ một cách hiệu quả nhất?

Ông Vũ Ngọc Trình: Tôi cho rằng có thể xây dựng phần mềm tự động truy cập vào website của các thương hiệu, siêu thị, các kênh bán hàng online uy tín… để chọn lọc các thông tin về chương trình khuyến mãi, thời gian khuyến mãi, địa điểm, đối tượng, điều kiện được hưởng khuyến mãi… giúp NLĐ có thể tiếp cận nhanh nhất và thuận tiện nhất với thông tin sản phẩm giảm giá mà bản thân, gia đình đang có nhu cầu… Phần mềm sẽ tự động đề xuất các mặt hàng, các chương trình, địa điểm khuyến mãi phù hợp nhất cho NLĐ dựa trên thói quen tìm kiếm, truy cập, sở thích của NLĐ.

PV: Các giải pháp trên có thể tích hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh không, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Trình: Tôi cho rằng hoàn toàn có thể tích hợp các ý tưởng trên với nhau, để xây dựng thành một hệ thống hoàn chỉnh, liên kết, trao đổi thông tin tự động.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Linh Chi

DMCA.com Protection Status