Cuộc chiến Ukraine khiến Châu Âu lao đao

16:25 | 04/05/2022

858 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những lo ngại về sự suy giảm kinh tế trong khu vực đồng euro do cuộc chiến tại Ukraine đã thành hiện thực. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính mức tăng trưởng các nước châu Âu chỉ đạt 2,8% so với 3,9% được dự báo hồi tháng 1-2022 và 4,3% hồi tháng 10-2021. Cái giá phải trả quá lớn.
Cuộc chiến Ukraine khiến Châu Âu lao đao
Hình minh họa

Mới đây, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng ước tính tăng trưởng trong các nước OECD sẽ bị giảm khoảng 1,4 điểm và lạm phát sẽ tăng 2,5 điểm trong vòng một 1 năm nếu cuộc chiến tại Ukraine kéo dài.

Lạm phát kỷ lục

Gần 2 tháng sau khi bắt đầu, cuộc chiến ở Ukraine tăng áp lực lên giá cả. Giá dầu vẫn trên 100 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3-2022. 1 tháng trong đó, khí đốt, lúa mì, nhôm, niken và các nguyên liệu thô khác tăng vọt lên mức cao kỷ lục, khiến lạm phát của châu Âu vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, tới 7,5%.

IMF cảnh báo rằng, những nước có lĩnh vực sản xuất tương đối lớn và phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó Italia và Đức dẫn đầu, nơi Nga cung cấp rất nhiều khí đốt.

Vốn đã suy yếu do sự gián đoạn của chuỗi sản xuất toàn cầu sau cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 gây ra năm 2021, Đức đã bị IMF hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 xuống 2,1%, giảm 1,7 điểm so với dự báo hồi tháng 1-2022. Italia dự kiến chỉ tăng 2,3%, giảm 1,5 điểm. Pháp cũng sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề với GDP tăng 2,9% trong năm 2022, tức là thấp hơn 0,6 điểm so với dự báo tháng 1-2022...

Theo một ước tính được Ngân hàng Trung ương Đức công bố hôm 22-4-2022, một lệnh cấm vận ngay lập tức của châu Âu đối với khí đốt của Nga có thể khiến Đức thiệt hại lên tới 5% GDP trong năm nay. Lạm phát, vốn đã tăng phi mã trong nước, có thể tăng 1,5 điểm vào năm 2022 và 2 điểm vào năm 2023, so với kịch bản kinh tế không có lệnh cấm vận.

Lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga đã trở thành chủ đề của các cuộc thảo luận gay gắt giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Chính phủ Đức phản đối mạnh nhất việc ngừng nhập khẩu khí ngay lập tức, vì cho rằng việc phản đối này là vì sự ổn định kinh tế, xã hội trong nước và những hậu quả đối với các nền kinh tế EU khác.

Sự phản đối của Đức khiến Ukraine và một số nước châu Âu cảm thấy khó chịu. Nên nhớ, ngành công nghiệp của Đức phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên của Nga, chiếm 55% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Đức. “Tôi không thấy lệnh cấm vận khí đốt có thể chấm dứt chiến tranh” - Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel mới đây - “Chúng tôi muốn tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, hàng triệu việc làm mất đi và các nhà máy sẽ không bao giờ mở cửa trở lại”.

Tuy nhiên, trong quý I/2022, Đức đã giảm nhập khẩu khí đốt của Nga xuống còn 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu, bằng cách đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như Qatar hoặc Mỹ. Đức gần đây đã chi 3 tỉ euro để xây dựng các terminal lớn về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà hiện tại Đức chưa có. Tuy nhiên, Chính phủ Đức không kỳ vọng có thể bỏ qua khí đốt của Nga trước giữa năm 2024.

Cuộc chiến Ukraine khiến Châu Âu lao đao
Lạm phát tại Châu Âu tăng vọt

Thế giới bị vạ lây?

Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, cảnh báo: “Chúng ta đang bị tác động khủng khiếp của cuộc chiến ở Ukraine. Chúng ta thấy cuộc chiến có thể sẽ có tác động đến tương lai kinh tế toàn cầu”. Ngay từ khi cuộc chiến Ukraine chưa xảy ra, IMF và WB đã dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 5,9% năm 2021 xuống 4,4% trong năm 2022.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, dù vẫn duy trì quan hệ làm ăn với Nga, cũng sẽ bị thiệt hại bởi cuộc chiến Ukraine. Tại kỳ họp Quốc hội hôm 11-3-2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã dự báo khó có thể duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian tới. Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 5,5%, thấp nhất từ 30 năm qua. Năm 2021, Trung Quốc tăng trưởng tới 8,1%.

Trớ trêu thay, ở một số khía cạnh, triển vọng kinh tế của Nga lại tốt hơn so với phương Tây. Giống như Nga, châu Âu đang trải qua hoặc sẽ sớm trải qua lạm phát hai chữ số. Sự khác biệt lớn là lạm phát của Nga đang giảm trong khi lạm phát của châu Âu lại tăng cao (đặc biệt là giá thực phẩm và năng lượng) đến mức có khả năng khơi dậy sự phẫn nộ và phản đối của công chúng.

Tờ Financial Times của Anh còn lưu ý các dấu hiệu cho thấy lĩnh vực tài chính Nga đang hồi phục sau đợt trừng phạt ban đầu của phương Tây. Doanh thu bán dầu và khí đốt của Nga tới hơn 1 tỉ USD/ngày vào tháng 3-2022, giúp bù đắp lượng dự trữ ngoại hối bị phương Tây tịch thu. Với tình hình như hiện nay, Nga sẽ có thể thay thế các nguồn dự trữ ngoại hối bị thu giữ trong thời gian ngắn nhất có thể. Các ngân hàng trong nước cũng có vẻ đã ổn định trở lại. Nhu cầu về thanh khoản của Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm mạnh và toàn bộ các ngân hàng thương mại có thể sớm tìm thấy lượng tiền gửi dư thừa, tờ Financial Times dẫn phân tích của Viện Tài chính quốc tế. Vì vậy, trái với kỳ vọng của G7 rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ làm sụp đổ nền kinh tế Nga, Financial Times cho biết, hệ thống tài chính Nga dường như đang phục hồi sau cú sốc trừng phạt đầu tiên.

Cuộc chiến tại Ukraine vẫn tiếp diễn khốc liệt và chưa có bất kỳ một giải pháp ngoại giao nào để hy vọng chấm dứt. Hai bên tham chiến cũng như các bên liên quan đều đã và đang phải chịu những thương vong và thiệt hại kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, Mỹ vẫn là “ngư ông đắc lợi” từ cuộc xung đột này. Cấm vận năng lượng của Nga, EU phải cầu cứu khí đốt từ Mỹ, giá lương thực tăng cao, các nhà nông nghiệp Mỹ sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh trên thị trường lương thực thế giới.

Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Đức, một lệnh cấm vận ngay lập tức của châu Âu đối với khí đốt của Nga có thể khiến Đức thiệt hại lên tới 5% GDP trong năm nay.

S.Phương