Đại gia dầu khí: Than là “vua” khi giá khí đốt tăng cao và rủi ro đối với mục tiêu năng lượng sạch hơn

07:00 | 16/10/2021

|
(PetroTimes) - CNBC ngày 13/10/2021 đưa tin về quan ngại của lãnh đạo một số đại gia dầu khí trước tình trạng giá khí đốt tăng cao dẫn đến việc sử dụng than đá tăng vọt, một trong những loại nhiên liệu gây ô nhiễm hơn mà châu Âu đang cố gắng giảm thiểu việc sử dụng.

Phát biểu với CNBC hôm thứ Tư tại diễn đàn của Tuần lễ Năng lượng Nga tại Moscow, Giám đốc điều hành TotalEnergies Patrick Pouyanne nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt một sự ổn định giá cả trên thị trường năng lượng, cho rằng giá khí đốt thấp hơn sẽ giúp làm giảm nhu cầu sử dụng than, và việc chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn phần nào dẫn đến sự mất cân bằng trên thị trường. Giá khí đốt tăng cao dẫn đến việc sử dụng than tăng vọt và thế giới phải vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt ngày càng trầm trọng. Cũng như nhiều Giám đốc điều hành công ty dầu khí khác, Pouyanne bày tỏ quan ngại về sự rủi ro khi tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo mà hiệu quả lại phụ thuộc vào thời tiết.

Đại gia dầu khí: Than là “vua” khi giá khí đốt tăng cao và rủi ro đối với mục tiêu năng lượng sạch hơn
Nhà máy nhiệt điện chạy bằng than Torow tại Bogatynia, Ba Lan. Ảnh: Bloomberg.

Than hôm nay là một vị vua, vì than đá rẻ hơn tất cả các nguồn năng lượng khác

Patrick Pouyanne nói giá khí đốt cao không phải là tin tốt, kết quả kinh doanh trước mắt của công ty có thể tốt hơn, nhưng đối với khách hàng thì không. Việc thay thế than bằng khí đốt là tốt cho biến đổi khí hậu, nhưng để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải có một mức giá khí đốt thấp hơn. Lãnh đạo TotalEnergies đã ví von than ngày nay là “một vị vua”, bởi vì than đá rẻ hơn tất cả các nguồn năng lượng khác. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gần gấp 4 lần kể từ đầu năm. Điện sản xuất từ ​​than đá đã tăng vọt ở châu Âu, và giá than giao sau ở châu Âu đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm. Thực tế này thật là trớ trêu khi châu Âu đang cố gắng giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm. Pouyanne cho biết “đối với chúng tôi mức giá ngày hôm nay quá cao. Chúng tôi phải tìm kiếm sự ổn định, quay trở lại với một mức giá bình thường hơn”.

Giá khí đốt đang tăng lên mức cao kỷ lục ở châu Âu. Tình trạng thiếu điện cũng đang ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp ở khắp châu Á, buộc nhiều nhà máy phải đóng cửa. Thực trạng này xảy ra do sự thiếu hụt nguồn cung và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, thúc đẩy nhu cầu cao hơn về khí đốt, loại nhiên liệu sạch hơn. Nhu cầu cũng đang phục hồi sau giai đoạn suy thoái do đại dịch Covid, các nền kinh tế mở cửa trở lại và phục hồi hoạt động du lịch trên thế giới. Các mặt hàng năng lượng khác, bao gồm dầu mỏ cũng đã tăng vọt trong những tuần gần đây, với giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế giao dịch ở mức 83,37 USD lúc 12:00 p.m. ET (13/10), mức cao nhất kể từ năm 2018 và tăng 64% kể từ đầu năm nay. Giá chuẩn dầu WTI của Mỹ đạt mức cao nhất trong bảy năm trong tuần này và được giao dịch ở mức 80,63 USD vào buổi trưa theo giờ ET. Giá năng lượng tăng đột biến cũng diễn ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và tình trạng thiếu container vận chuyển, cả hai yếu tố này góp phần làm cho lạm phát gia tăng nhanh chóng.

Cuộc khủng hoảng năng lượng này là một bài họccho các công ty dầu khí

Theo Giám đốc điều hành TotalEnergies, đây không chỉ đơn thuần là một cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, mà là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, xuất phát từ cả nhu cầu về khí đốt từ Trung Quốc và châu Á tăng mạnh, cũng như nhu cầu về khí đốt cao hơn do chuyển đổi năng lượng, từ than đá sang khí đốt, một sự chuyển đổi tốt hơn cho biến đổi khí hậu.

Đại gia dầu khí: Than là “vua” khi giá khí đốt tăng cao và rủi ro đối với mục tiêu năng lượng sạch hơn
Đại gia dầu khí: Than là “vua” khi giá khí đốt tăng cao và rủi ro đối với mục tiêu năng lượng sạch hơn. Ảnh: Tư liệu.

Cuộc khủng hoảng năng lượng này là một bài học cho các công ty dầu khí, khi các công ty ngày càng đưa nhiều năng lượng tái tạo vào hệ thống điện của mình, mà các nguồn năng lượng tái tạo lại không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết. Như nhiều Giám đốc điều hành công ty dầu khí khác, Pouyanne đã đề cập đến những rủi ro của năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết. Brazil, một nước tập trung vào sử dụng năng lượng thủy điện, đã thiếu năng lượng do mưa ít hơn trong năm nay, còn các khu vực khác trên thế giới đầu tư nhiều vào năng lượng mặt trời và gió thì lại có ít nắng và gió hơn.

Giám đốc điều hành BP Bernard Looney nhất trí với lo ngại của Pouyanne. “Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng này ở châu Âu đã nhắc nhở chúng ta rằng năng lượng là một phần huyết mạch của xã hội”, “chúng ta đều hiểu rằng mặt trời không chiếu sáng vào ban đêm và gió không phải lúc nào cũng thổi, vì vậy cần phải suy nghĩ giải quyết vấn đề liên quan đến khả năng gián đoạn của năng lượng tái tạo”.

Trước nỗ lực của các chính phủ muốn giảm sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, Looney cho rằng nếu nguồn cung biến mất và nhu cầu không thay đổi, thì hậu quả sẽ là sự leo thang về giá cả, do vậy, cần thiết lập một hệ thống vận hành với sự tham gia của cả bên cung và bên cầu. Nếu chỉ khắc phục vấn đề liên quan bên cung mà không xem xét đến nhu cầu của người sử dụng thì không thể tạo được một hệ thống ổn định, mà lại dẫn đến một hệ thống dễ biến động hơn.

Pouyanne cho biết việc sử dụng khí đốt gia tăng do thời tiết lạnh hơn so với đầu năm đã làm suy giảm tất cả các kho dự trữ khí đốt và dẫn đến tình trạng thị trường căng thẳng như hôm nay. Sau mùa đông, giá khí đốt sẽ quay trở lại mức thấp hơn và việc này sẽ tốt cho tất cả mọi người./.

Thanh Bình