Đáp án của bài toán công nghệ năng lượng mới

13:58 | 03/08/2018

898 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại Diễn đàn “Công nghệ và năng lượng Việt Nam 2018”, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam - tầm nhìn đến 2050 cũng như thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến xung quanh nội dung này.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: Làm chủ công nghệ năng lượng mới

dap an cua bai toan cong nghe nang luong moi

Năng lượng đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Một trong các giải pháp quan trọng của ngành năng lượng là đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã khai thác nguồn thủy điện gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng, nên chúng ta đã và đang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Do đó, cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng mới, năng lượng tái tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Song song với các chính sách và giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống như than, thủy điện... Chính phủ đã và đang thiết lập khung chính sách nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp và hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Có thể kể đến một số chính sách nổi bật như: Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030; Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam...

dap an cua bai toan cong nghe nang luong moi
Toàn cảnh diễn đàn

Tuy nhiên, ngành năng lượng vẫn đang phải đối mặt với bài toán phức tạp mà mọi quốc gia đều phải đối mặt, điều này càng khó khăn hơn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ năng lượng mới đang đặt Việt Nam trước một thách thức và thời cơ để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đó là cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời chuyển giao, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện mặt trời.

Trước thực tế đó, thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ với sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan có liên quan đã nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ.

Đặc biệt, đối với ngành năng lượng, trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định: Chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.

Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thành: Huy động mọi nguồn lực phát triển năng lượng

dap an cua bai toan cong nghe nang luong moi

Mục tiêu phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn tới, theo nội dung Tờ trình số 12005/TTr - BCT ngày 21/12/2017 đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035, là huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng để cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao và mức giá hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường và hoàn thành các mục tiêu phát triển năng lượng - kinh tế - xã hội bền vững. Từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.

Mục tiêu cụ thể phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn tới là cung cấp đủ nhu cầu các dạng năng lượng trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2016-2035. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp năm 2025 đạt từ 137-147 triệu tấn dầu tương đương; năm 2035 từ 218-238 triệu tấn dầu tương đương. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2025 đạt 83-89 triệu tấn dầu tương đương; năm 2035 từ 121-135 triệu tấn dầu tương đương.

Xây dựng các cơ sở lọc dầu cung cấp tối thiểu 70% nhu cầu trong nước vào năm 2035. Dự trữ chiến lược về dầu thô và các sản phẩm xăng dầu đạt 90 ngày nhập ròng vào năm 2020. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng: Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng của tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so sánh với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2025 đạt 6% và đến năm 2035 đạt 10%.

Thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học. Thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, sản xuất nhiệt và nhiên liệu giao thông. Duy trì tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp ở trên mức 30% đến năm 2035.

Giảm thiểu biến đổi khí hậu trong phát triển năng lượng: Giảm phát thải CO2 từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường 12% vào năm 2025, đạt 15% vào năm 2030 và đạt mức 18% vào năm 2035 và tiếp tục thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện lực; phát triển thị trường tiêu thụ khí đốt theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đóng vai trò là chiến lược khung hay chiến lược tổng thể của toàn ngành năng lượng để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch của các phân ngành năng lượng (điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo) trong các giai đoạn. Các quy hoạch các phân ngành năng lượng trong các giai đoạn sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội đất nước, những biến đổi về tình hình cung cầu năng lượng trên thế giới để cụ thể hóa việc phát triển các phân ngành năng lượng trong mỗi thời kỳ cho phù hợp.

Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy: Đa dạng hóa các hình thức đầu tư

dap an cua bai toan cong nghe nang luong moi

Để phát triển công nghệ điện gió, điện mặt trời trong ngành công nghiệp năng lượng, hoạt động khoa học công nghệ cần tập trung nghiên cứu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dây chuyền thiết bị đồng bộ của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện; các giàn khoan khai thác dầu khí và các thiết bị, kết cấu siêu trường, siêu trọng khác phục vụ ngành công nghiệp dầu khí; nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ nhằm làm chủ trong chế tạo các thiết bị năng lượng.

Bên cạnh đó cần khuyến khích, hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt là tại các tập đoàn kinh tế. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong chế tạo các thiết bị năng lượng. Xây dựng, phát triển các tập đoàn mạnh trong chế tạo các thiết bị năng lượng. Đồng thời, chủ động và tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến tới sản xuất chế tạo thiết bị toàn bộ trong một số lĩnh vực trọng điểm: Nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị toàn bộ các nhà máy điện gió, điện mặt trời, thiết bị của hệ thống truyền tải và phân phối điện. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị năng lượng.

Tiến sĩ Michael Braun - Chuyên gia tư vấn công nghệ và chuyển giao công nghệ (CHLB Đức): Triển khai ngay lưới điện thông minh

dap an cua bai toan cong nghe nang luong moi

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải triển khai ngay lưới điện thông minh vì nó là cơ sở hạ tầng lưới điện tiên tiến, trong đó cho phép chúng ta xử lý kỹ thuật số và cho phép quản lý luồng dữ liệu và thông tin hiệu quả nhằm nâng cao độ tin cậy, an ninh và hiệu quả của lưới điện tự động tối ưu hóa hoạt động lưới điện và tài nguyên, với an ninh mạng đầy đủ.

Đồng thời, lưới điện thông minh còn tích hợp các nguồn tài nguyên được phân phối và phát điện, bao gồm năng lượng tái tạo phát triển và kết hợp đáp ứng nhu cầu, các nguồn lực bên cầu và các nguồn lực tiết kiệm năng lượng; triển khai các công nghệ thời gian thực, việc tự động, tương tác, tối ưu hóa đo lường, truyền dữ liệu liên quan đến hoạt động và trạng thái lưới; tích hợp các thiết bị người dùng và thiết bị tiêu dùng “thông minh”; cho phép triển khai và tích hợp công nghệ tích trữ điện và công nghệ khu chứa dự trữ, bao gồm xe điện sạc plug-in, xe điện hybrid và điều hòa không khí dự trữ nhiệt cung cấp cho người tiêu dùng thông tin và phương án kiểm soát kịp thời.

Với những tính năng trên, việc triển khai lưới điện thông minh chính là chìa khóa rất quan trọng để giúp Việt Nam sử dụng tốt hơn năng lượng tái tạo.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, viện, trường tại diễn đàn, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, đáp ứng mục tiêu phát triển của ngành năng lượng.

(Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng)


Với đặc điểm địa hình và khí hậu như Việt Nam, cần tập trung phát triển 3 dạng năng lượng tái tạo là điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối, bởi đây là những nguồn năng lượng tiềm năng, tạo nguồn cung tốt cho tương lai.

(Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi)


Để làm được 1MW điện mặt trời chỉ cần 1ha mặt bằng và có thể làm ở mọi vùng, miền trên cả nước, nhất là việc sử dụng các panel đặt trên mái nhà, chi phi lại thấp khi 1 bộ pin mặt trời nối lưới với công suất 3-4kW chỉ khoảng 80-100 triệu đồng. Nếu nhà nào cũng đặt pin mặt trời thì công suất thu về sẽ rất lớn.

Lợi ích kinh tế mà điện mặt trời mang lại rất lớn, không chỉ cho ngành điện mà cả các hộ gia đình. Bởi nếu 1 nhà dùng 1 tháng khoảng 300-400kWh thì cũng chỉ mất 6-7 năm là có thể thu hồi được vốn, trong khi mái nhà được phủ pin cũng mát mẻ hơn.

(GS.TSKH Trần Đình Long)


Ngành Dầu khí hiện đang ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất so với các ngành công nghiệp khác ở trong nước, bởi vì khai thác dầu khí là lĩnh vực khoa học kỹ thuật chuyên sâu và khó, đòi hỏi các kiến thức tổng hợp của nhiều chuyên ngành khoa học như công nghệ thông tin, toán, địa chất, tự động hóa, vật lý...

Trong thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ bằng việc tiếp nhận thành tựu khoa học công nghệ mới, làm chủ và cải tiến công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn trong hoạt động sản xuất. Hoạt động khoa học công nghệ được triển khai ở tất cả khâu thượng nguồn - trung nguồn - hạ nguồn, các lĩnh vực kinh tế, quản lý, an toàn và môi trường dầu khí.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lặp đặt chân đế siêu trường, siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

(Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy)

Nguyễn Hoan