Dự toán ngân sách nhà nước 2022: Hỗ trợ đối tượng khó khăn cần được cụ thể hóa và minh bạch hơn

11:00 | 05/11/2021

957 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 5/11, Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) phối hợp với Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức tọa đàm “Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 - Khả năng đáp ứng mục tiêu về An sinh xã hội”.
Dự toán ngân sách nhà nước 2022: Hỗ trợ đối tượng khó khăn cần được cụ thể hóa và minh bạch hơn
Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022

Tọa đàm thảo luận đưa ra các giải pháp huy động và sử dụng NSNN để đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội năm 2022 cũng như các vấn đề đặt ra với các chính sách an sinh, xã hội trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Năm 2021, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động nghiêm trọng đến mọi hoạt động của nền kinh tế và đời sống nhân dân. Tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng đã ảnh hưởng đáng kể tới việc thực thi các nhiệm vụ thu - chi ngân sách trong năm.

Nhiều chính sách quan trọng chưa có tiền lệ đã được ban hành để từng bước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh tài chính quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân, “không bỏ ai lại phía sau”... Tuy nhiên, dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, tiếp tục tác động tiêu cực tới người dân và doanh nghiệp, đòi hỏi Chính phủ cần phải thực hiện nhiều hơn các chính sách hỗ trợ trong năm 2022, bên cạnh việc rà soát và điều chỉnh các chính sách đã ban hành và thực hiện trong năm 2021.

Ngày 22/10 vừa qua, Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội đã được Bộ Tài chính công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến. Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2022 đặt ra một số mục tiêu, trong đó có “huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội”.

Dự toán ngân sách nhà nước 2022: Hỗ trợ đối tượng khó khăn cần được cụ thể hóa và minh bạch hơn

Theo đó, về thu NSNN, dự toán thu NSNN năm 2022 đã thận trọng hơn khi dự báo tổng thu cân đối NSNN 2022 chỉ tăng so với ước thực hiện 2021 có 3,4 %. Các khoản thu chính được dự toán với sự thận trọng khi thu từ sử dụng đất giảm so 4 % so với cùng kỳ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 5,1% so với số ước thực hiện 2021 và số thu từ dầu thô giảm đi. Trong trường hợp dự kiến thu NSNN không tăng thu như kế hoạch hoặc nhu cầu chi tăng mạnh thì cần có kịch bản và biện pháp để xử lý.

Về chi NSNN, dự toán chi NSNN năm 2022 đã cho thấy xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh dù còn chưa thực sự rõ nét. Chi thường xuyên tăng 5,1% so với dự toán năm 2021 với tăng chi cho một số chính sách an sinh xã hội quan trọng, phát sinh mới là cần thiết và hợp lý. Dự toán chi thiếu thông tin chi tiết về việc ban hành và triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngoài ra, việc điều chỉnh lại tỷ lệ phân chia NSNN của một số địa phương như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội là cần thiết khi bối cảnh dịch bệnh đặt ra nhu cầu về chi NSNN rất lớn.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Khoa Tài chính Công - Học viện Tài chính) nhận định: “Dự thảo NSNN 2022 không chi tiết về chi đầu tư như chi thường xuyên vì vậy rất khó đánh giá liệu NSNN có đủ đảm bảo 20% cho giáo dục, 2% cho khoa học công nghệ, 1% cho môi trường như yêu cầu của quy định hiện hành. Cần có sự nhất quán trong các chỉ tiêu dự toán NSNN qua các năm, nếu có thay đổi cần phải được giải thích đầy đủ. Đồng thời, rất cần có phân tích đánh giá kỹ hơn về chi NSNN 2022, nhất là chi hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch”.

TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VESS, thành viên của Liên minh BTAP nhận định: “Nhìn chung bản dự thảo NSNN 2022 đã phản ánh được tinh thần chia sẻ hành động và huy động nguồn lực đương đầu với khó khăn trong đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, ngân sách cần được cụ thể hóa hơn, minh bạch hơn trong việc nêu bật nguồn ngân sách sẽ được sử dụng như thế nào, chấp hành ra sao, nhằm hướng tới những đối tượng khó khăn nhất, cụ thể ở đây tôi muốn nhấn mạnh tới là người lao động di cư tại các đô thị chịu ảnh hưởng dịch nặng nề khiến họ phải mất việc hoặc ngừng việc và trở về quê quán. Có một nghịch lý cần lưu ý là, những tỉnh nghèo nhất thường đồng thời có nhiều người di cư nhất, thì lại là những tỉnh cần chi tiêu nhiều nhất trong việc hỗ trợ người lao động di cư trở về. Chính vì thế, cần có sự phân bổ ngân sách cho các tỉnh khó khăn nhất theo một cơ chế đặc biệt và giám sát chặt chẽ sự chấp hành”.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thương - Quyền giám đốc điều hành CDI, tổ chức điều phối Liên minh BTAP cho rằng: Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 qua các chính sách như Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP… Tuy nhiên, mức hỗ trợ cao nhất theo các nghị quyết này vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, chưa kể hỗ trợ của Chính phủ là 1 lần trong khi mỗi đợt dịch Covid-19 bùng phát kéo dài ít nhất là 2 tháng. Theo ông Nguyễn Quang Thương, Chính phủ Việt Nam có thể tăng mức hỗ trợ cho bằng tiền mặt cho người dân, qua đó kích cầu, góp phần hoàn thành mục tiêu NSNN năm 2022”.

Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp chương trình Quản trị tốt, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đang hướng tới mục tiêu “An sinh xã hội toàn dân” và để đạt được mục tiêu này, Việt Nam nên quy định mức phân bổ ngân sách tối thiểu cho an sinh xã hội (có thể từ 6-10% GDP), và tăng chi từ NSNN cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, để người lao động tự do có đầy đủ các quyền lợi tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc”.

Phú Văn

Dự kiến để lại cho ngân sách TP HCM hơn 21% trong năm sauDự kiến để lại cho ngân sách TP HCM hơn 21% trong năm sau
Ưu tiên hàng Việt Nam khi mua sắm bằng ngân sách nhà nướcƯu tiên hàng Việt Nam khi mua sắm bằng ngân sách nhà nước
Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc