Kiện toàn bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp Nhà nước:

Đừng coi nhẹ pháp chế!

09:28 | 26/08/2012

2,637 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Thời gian qua chúng ta đã có một số vụ tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) có tính chất quốc tế và phần thua thiệt đa số nghiêng về phía các DN Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến những rủi ro pháp lý của các DN trong thời gian qua là không am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế, thậm chí có DN không nắm được quy định của pháp luật Việt Nam, mà quan trọng hơn là các DN không thấy được vai trò của các cố vấn pháp lý trong đời sống DN nên thiếu quan tâm đầu tư.

Cái nhìn khác về vai trò Pháp chế DN

Mới đây, Bộ Tư pháp phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội nghị sinh hoạt Pháp chế DN Quý III/2012. Đây được coi là cơ hội tốt để khối các DN TƯ nhìn lại một năm thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn và tổ chức bộ máy của bộ phận pháp chế để tạo lập cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động pháp chế trong các DN Nhà nước ở TƯ, qua đó khắc phục những lúng túng trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động cũng như tổ chức của công tác pháp chế.

Theo phân tích của đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh của DN đang gặp khó khăn như hiện tại, việc thuyết phục HĐQT, HĐTV tổ chức một bộ phận pháp chế trực thuộc Ban Tổng giám đốc là tương đối nan giải. Tuy nhiên, nếu lồng ghép pháp chế vào thanh tra, tổ chức nhân sự hay văn phòng thì đó nhất thiết cũng phải là một bộ phận độc lập, với nhiều chuyên viên có trình độ chuyên môn khác nhau, nhằm ứng phó với những biến động khó lường của môi trường kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị

Theo bà Trần Thanh Hương, Trưởng ban Pháp chế - Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), cán bộ pháp chế phải có bản lĩnh và cá tính nhất định mới có thể đóng góp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh của đơn vị. Thường thì một cán bộ pháp chế bị giằng xé ghê gớm giữa quan hệ chủ lao động - người lao động. Bởi vậy, nếu can gián không khéo, điều đó sẽ gây phản cảm lớn trong nội bộ DN, dẫn đến vị thế của pháp chế bị ảnh hưởng, hạ thấp.

Bài tham luận của đại diện PVFCCo cũng khẳng định, pháp chế DN có được coi trọng đúng mức hay không và DN kiểm soát rủi ro pháp lý theo cách thức nào phụ thuộc rất lớn vào đặc thù của mỗi DN (quy mô, chế độ, môi trường pháp lý - xã hội...). DN có thể đảm bảo các yếu tố pháp lý trong hoạt động của mình bằng nhiều cách, trong đó có việc thuê dịch vụ bên ngoài, tuyển dụng luật sư làm bán thời gian, chuyên viên hay thành lập tổ pháp chế độc lập... Tuy nhiên, việc kiện toàn bộ phận pháp chế vẫn là liệu pháp tối ưu trong bối cảnh thị trường ngày càng minh bạch, công bằng và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. “Làm kinh doanh cũng phải biết giữ những bí mật lại cho riêng mình. Cộng thêm sự hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của đơn vị, đó là lí do các DN nên chủ động phát triển bộ phận Pháp chế, thay vì thuê hợp đồng thời vụ dịch vụ pháp lý từ bên ngoài”, bà Hương nói.

Trong khi đó, Luật sư Đào Ngọc Lý, Trợ lý Pháp luật Tổng giám đốc TCT Chè Việt Nam lại đưa ra đề nghị: Nên luật sư hóa bộ phận pháp chế trong các DN Nhà nước để phòng ngừa tối đa rủi ro đến từ pháp luật. “Đặc biệt với các hợp đồng kinh tế liên quan đến sự sống còn của DN, việc bộ phận pháp chế sát cánh cùng các ban chức năng ngay từ đầu sẽ là hợp lý nhất. Đó là lý do vì sao tôi luôn giữ nguyên quan điểm: nên dần dần Luật sự hóa bộ phận Pháp chế của các tập đoàn, tổng công ty mũi nhọn, có chức năng điều tiết nền kinh tế vĩ mô”.

Xung quanh vấn đề trên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Lê Minh Hồng khẳng định, một DN mạnh là một DN có bộ phận pháp chế đủ tự tin trước mọi tình huống, mọi vấn đề pháp luật. “Bộ phận pháp chế phải đồng hành với mỗi văn bản, hợp đồng, điều khoản quy định nội bộ. Có như vậy, rủi ro mới được đẩy lùi và chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh mới cập bến an toàn”, Luật sư Lý tham luận.

Lãnh đạo quan tâm là yếu tố quyết định 

Luật sư Trần Văn Bình, Trưởng phòng Luật (Vietsovpetro) cho rằng, bộ phận pháp chế chính là những nhân tố đảm bảo tính an toàn pháp lý trong kinh doanh của DN. Đối với các nước phát triển, quá trình hoạt động của DN không thể thiếu bóng dáng của các cố vấn pháp lý. Đồng chí Trưởng phòng Luật cũng khẳng định, để một bộ phận pháp chế trong DN đủ mạnh nhất thiết phải hội tụ đủ 3 yếu tố: Lãnh đạo DN coi trọng; Cán bộ pháp chế đủ bản lĩnh; Phối hợp hoàn hảo với các bộ phận thương mại - kinh doanh. “May mắn cho chúng tôi, phòng luật là một trong 5 bộ phận chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng giám đốc nên vấn đề pháp chế với Vietsovpetro tương đối an toàn. Vận dụng pháp luật trong DN chỉ là một phần, điều cốt tử là làm sao các cán bộ pháp chế phải đưa pháp luật vào sản xuất - kinh doanh, vận dụng linh hoạt để đóng góp và mục tiêu tài chính cuối cùng”.

Kết luật Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ: “Ở nước ta, vai trò của các cố vấn pháp lý đối với hoạt động của DN trước đây chưa được các DN quan tâm. Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh, thương mại chịu áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều DN đã tăng cường và củng cố vai trò của các cố vấn pháp lý trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, vai trò của các cố vấn pháp lý chỉ mới được các DN ở những thành phố lớn quan tâm, còn các DN ở những tỉnh thành khác thì hầu như không để ý đến!”.

Theo kinh nghiệm của một số DN liên doanh liên kết với đối tác nước ngoài tại Việt Nam thì nên dùng ngay đội ngũ luật sư tư vấn nước ngoài rất hùng hậu cả về lượng và chất hiện nay. Thế nhưng, giải pháp này xem ra có vẻ không ổn bởi không ai hiểu Luật Việt Nam hơn luật sư Việt Nam, chưa kể vì thiếu quan hệ và rào cản ngôn ngữ.

Để giải bài toán pháp luật, một số chủ DN cho rằng, trước khi thuê tư vấn nước ngoài nên tham khảo qua các nhà tư vấn Việt Nam rồi cùng tìm hiểu, lựa chọn đối tác và đàm phán về kinh phí và quyền lợi các bên khi thắng hoặc khi thua, tuy nhiên điều đó chỉ phù hợp trong trường hợp thuê luật sư khi đã có tranh chấp. Còn trong hoạt động kinh doanh, các DN nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nên có kế hoạch tài chính cho hoạt động tư vấn pháp luật và nếu có thể nên cơ cấu luật sư trong bộ máy của DN.

Hữu Tùng

(Năng lượng Mới số 149, ra thứ Sáu ngày 24/8/2012)

DMCA.com Protection Status