ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022

07:49 | 30/11/2022

4,150 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 29/11, tại Hà Nội, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững 2022 với chủ đề: "ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022 (ESG-A key to sustainable development)".

Tham dự Hội thảo có ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chuyên gia tăng trưởng xanh, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường (Bộ Kế hoạch & Đầu tư); ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Tư vấn các chương trình ESG, KPMG Việt Nam và Campuchia; ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Công ty CP Đầu tư CME Solar/Deputy Chairman. Cùng đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các diễn giả, cơ quan báo chí – truyền thông và gần 40 doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam.

ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022
Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi thẳng thắn, chia sẻ những giải pháp sáng tạo, những ứng dụng mới nhằm thúc đẩy và lan tỏa giá trị bền vững trong mỗi doanh nghiệp, tạo nên những cộng đồng doanh nghiệp bền vững ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau.

Điểm đặc biệt của Hội thảo năm nay là hai phiên thảo luận mở với sự góp mặt của các đại diện đến từ UNDP Việt Nam, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường và hàng chục doanh nghiệp.

Các đại biểu khách mời, đại diện DN tham dự Hội thảo
Các đại biểu khách mời, đại diện DN tham dự Hội thảo

Thời gian qua, Báo Đầu tư đã luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ nhiệt thành của các thành phần tham gia trong xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức. Tại cuộc hội thảo này, Báo Đầu tư mong muốn được bày tỏ sự trân trọng và tri ân sâu sắc đối với các đơn vị đã đồng hành vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

“Hành động của mỗi doanh nghiệp dù nhỏ đều đóng vai trò quan trọng vào tiến trình thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng. Tôi tin rằng với sự chia sẻ, đồng hành của ngày càng nhiều doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp tiêu biểu đang có mặt /tại đây, sẽ góp phần lan tỏa và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam hiểu hơn về các tiêu chí ESG và áp dụng nó vào hoạt động”, Tổng Biên tập Lê Trọng Minh cho biết.

ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022
Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận thứ I

Tại phiên thảo luận đầu tiên do Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh chủ trì, các diễn giả đại diện cho các doanh nghiệp SABECO, CME Solar, FTI Consulting, KPMG đã có cơ hội trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia về thực tế thực hành ESG tại Việt Nam. Phiên thảo luận cũng đưa ra một số khuyến nghị về chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng triển khai và áp dụng rộng rãi các tiêu chí ESG trong hoạt động của mình.

Theo các chuyên gia, ESG là vấn đề quan trọng trong kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó Việt Nam và châu Á là trung tâm của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, các nhà đặt hàng đều đều quan tâm lớn tới ESG, một khi đã là nhà cung ứng các sản phẩm hàng hóa thì phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mà nhà mua hàng đặt ra.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng: "Chúng ta đang trong quá trình thực hiện phát triển bền vững và đây là bắt buộc chứ không phải mong muốn nữa. Mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Chính phủ tưởng như còn xa, nhưng thật ra chỉ còn 28 năm. Do đó, cần phải thực hiện ngay, không thể chậm trễ.

ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam

Trong điều kiện hạn chế về tài chính, nguồn lực, nhưng một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để tìm ra hướng đi thích hợp. Ông Patrick Haverman khuyên, tùy từng phạm vi hoạt động, năng lực cung ứng và điều kiện tài chính, doanh nghiệp có thể làm dần dần, làm từng hạng mục để dần đạt tới các mục tiêu đặt ra.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chuyên gia tăng trưởng xanh (Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, ESG là một cách tiếp cận mà doanh nghiệp cần hướng tới trong bối cảnh hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững và xa hơn là phát thải về 0 vào 2050.

ESG là một phiên bản cập nhật hơn của việc thực hiện trách nhiệm xã hội, của thực hành doanh nghiệp phát triển bền vững và cũng thực sự mới mẻ với Việt Nam. Do đây là vấn đề mới và khó, làm thế nào để dẫn dắt đi vào thực tế thì cần sự đồng thuận của các chủ thể. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.

Nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Ngân sách nhà nước: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho tăng trưởng xanh, thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Nick Wood, Cố vấn cấp cao FTI Consulting cho biết, sẽ không có dư địa cho các doanh nghiệp không tuân thủ, muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu, muốn thúc đẩy xuất khẩu thì chỉ có con đường tuân thủ và mỗi quốc gia sẽ có hỗ trợ nhất định cho các doanh nghiệp trên hành trình thực hiện.

Cũng theo ông Nick Wood, cam kết về phát thải ròng bằng 0 đã đưa ra các tiêu chuẩn không dễ tuân thủ, vẫn cần thêm nhiều thời gian để cụ thể hóa mục tiêu này. Điều này là thực tế với cả các doanh nghiệp trên toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam, nhưng khó mấy thì vẫn phải thực hiện. Bởi các thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ, EU đã đưa ra các quy định về quá trình sản xuất cụ thể với một số ngành hàng và yêu cầu nhà cung ứng phải tuân thủ.

Trong phiên thảo luận thứ 2, đại diện các doanh nghiệp NESTLÉ Việt Nam, AEON Việt Nam, IPEI Belgium, TH Group, TUI Blue Nam Hoi An đã đưa ra những câu chuyện thú vị về hành trình hiện thực hóa thành công các mục tiêu về dịch vụ, sản xuất và tiêu dùng, bài học kinh nghiệm và mong muốn tiếp tục được đồng hành cùng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng như các bộ, ngành liên quan trên chặng đường thực hiện sứ mệnh thúc đẩy tiêu dùng- sản xuất bền vững.

ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022
Đại diện các doanh nghiệp tại phiên thảo luận lần II

Nhân dịp này, Báo Đầu tư cũng tổ chức Lễ vinh danh doanh nghiệp đồng hành cùng Sự nghiệp Phát triển Bền vững cho gần 40 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đồng hành cùng các chương trình Phát triển bền vững và CSR của cơ quan Báo Đầu tư trong hành trình 5 năm qua. Đây cũng là những doanh nghiệp đã tiên phong ứng dụng tiêu chí Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) nhằm ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng do bệnh dịch, bất ổn địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng để duy trì hoạt động ổn định, phát triển bền bỉ, đóng góp cho cộng đồng và bảo vệ môi trường.

ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022
Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh trao Kỷ niệm chương có các đối tác, doanh nghiệp đã đồng hành cùng các chương trình Phát triển bền vững và CSR của cơ quan Báo Đầu tư trong hành trình 5 năm qua.
ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022
Ông Phạm Trần Nguyễn, Phó Giám đốc Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Bắc (PVFFCo North) đại diện cho Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFFCo North) lên nhận Kỷ niệm chương
ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022
Đại diện các DN tiêu biểu tại buổi lễ vinh danh

ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Sau đại dịch, quản trị doanh nghiệp bền vững và thực hành đánh giá doanh nghiệp trên khung ESG đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Theo báo cáo: “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam” do PwC công bố ngày 26/10, có 80% doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong vòng 2-4 năm tới. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu hành trình ESG và đang tồn tại một khoảng cách lớn từ kỳ vọng tới hành động. Trong khi 57% các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG thì 58% các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam lại đang tiếp cận theo hướng “quan sát và chờ đợi”. Lý do là hầu hết các doanh nghiệp trên đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kiến thức về ESG.

Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, có 79% nhà đầu tư toàn cầu đồng ý rằng phương pháp quản lý rủi ro và cơ hội liên quan tới ESG là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào một công ty.

Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự thay đổi đến từ đại dịch, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm hơn tới việc tiếp cận các tiêu chí về ESG với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội.

Minh Châu

DMCA.com Protection Status