EU âm thầm nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga

18:03 | 06/08/2022

|
(PetroTimes) - Truyền thông đã đưa ra nhiều cách gọi khác nhau để thể hiện sự nhượng bộ của châu Âu trong cuộc chiến năng lượng với Nga. Bloomberg gọi đây là "sự điều chỉnh đối với các lệnh trừng phạt trước đây". Dù được gọi là gì, nó đều có chung một điểm: EU đang nới lỏng thòng lọng. Và cũng không chỉ EU đang nhượng bộ, chuyên gia Oilprice phân tích.
EU âm thầm nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga

Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định bổ sung miễn trừ các lệnh trừng phạt Nga, điều này sẽ cho phép các nước ngoài EU giao dịch với các công ty bị trừng phạt của Nga, bao gồm các ngân hàng và công ty nhà nước như Rosneft. Những miễn trừ này hiện áp dụng với các chuyến hàng thực phẩm, hàng hóa nông nghiệp và dầu mỏ đến các nước thứ ba bên ngoài EU.

Những nội dung này được ghi rõ trong thông cáo của Hội đồng châu Âu công bố vòng trừng phạt mới nhất nhắm vào vàng của Nga. EU viện lý do muốn tránh mất an ninh lương thực trên toàn cầu, không muốn Nga làm mất ổn định tình hình nông sản và thực phẩm ở Ukraine.

Thực chất EU đang thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga không hiệu quả như mong muốn, nói rằng không muốn làm tổn thương các bên thứ ba không tham gia vào cuộc xung đột Ukraine, mà thực ra là đã làm tổn thương chính họ.

Khi EU điều chỉnh các biện pháp trừng phạt để cho phép buôn bán nhiều dầu hơn của Nga nhằm tránh giá dầu tăng đột biến, thì Anh do dự trong lệnh cấm bảo hiểm dầu đối với các tàu của Nga. Việc Vương quốc Anh tham gia vào việc siết chặt bảo hiểm là rất quan trọng vì phần lớn các công ty bảo hiểm có trụ sở tại Anh, nhưng họ đang chững lại, Tờ Oilprice cho biết.

Mỹ, không giống như EU, vẫn đang cố gắng giảm thu nhập từ dầu của Nga bằng cách giới hạn giá. Anh, Canada, Đức, Nhật Bản, Pháp và Ý đã đồng ý theo đuổi giới hạn này.

Tuy nhiên, giới hạn cũng không phải là toán đơn giản. Các chuyên gia đều chỉ ra những hậu quả nếu áp giá trần đối với dầu Nga.

Trước hết, điều này làm tăng thêm sự phức tạp cho thị trường năng lượng và khiến các giao dịch trở nên khó khăn hơn, khiến giá cả cao hơn so với mức bình thường, trượt khỏi các quy luật thị trường vốn có. Và không phải mọi hoạt động thương mại đều nằm trong tầm với của G7.

Cũng không có cơ chế nào để buộc các quốc gia phải mua dầu với giá này và không phải với giá khác. Trung Quốc và Ấn Độ nằm ngoài cuộc chơi của phương Tây, họ sẽ làm những gì họ thấy cần.

Rõ ràng rằng, Nga có thể từ chối xuất khẩu dầu với giá thấp hơn, mặc dù điều đó không chỉ cắt đứt một trong số ít nguồn thu bên ngoài mà còn yêu cầu đóng cửa các giếng dầu không dễ khởi động lại.

Điều này có thể làm giảm nguồn cung cho các thị trường thế giới, đẩy giá lên và lại khiến thế giới lâm vào cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn.

Elena