Gặp người “giữ máu” cho giếng khoan

08:00 | 11/04/2016

1,290 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Gặp TS Hoàng Hồng Lĩnh lần thứ hai mới biết anh là con trai của ông Hoàng Lộc (nguyên Bí thư Đảng ủy Viện Dầu khí, Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Dầu khí) là nhân vật trong bài: “Người lính Điện Biên trên mặt trận dầu khí”. Cha truyền con nối, TS Hoàng Hồng Lĩnh hiện công tác tại Phòng Dung dịch, Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng Vietsovpetro và là chủ nhiệm đề tài hệ dung dịch KGAC - cùng nhóm đồng tác giả Nguyễn Thành Trường, Nguyễn Xuân Quang, Bùi Văn Thơm, Đào Viết Văn.  

Trước đây, khi thi công dung dịch với những giếng khoan phức tạp, khoan qua những địa tầng sét hoạt tính cao, giếng khoan có góc nghiêng lớn, giếng cắt thân, Vietsovpetro thường phải thuê dịch vụ dung dịch của các công ty dịch vụ dung dịch bên ngoài. Chi phí thuê dịch vụ dung dịch hằng năm, có khi lên đến 25 triệu USD cho 24 giếng khoan (năm 2014).

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của ngành khoan - khai thác dầu khí Vietsovpetro, đặc biệt là trong tình hình giá dầu liên tục giảm sâu như hiện nay, cần áp dụng những sáng kiến - sáng chế, hợp lý hóa sản xuất, để tiết giảm chi phí tối đa, tăng cường khả năng tự lực thi công dung dịch và tiến tới có thể làm dịch vụ ra bên ngoài Vietsovpetro.

Việc này đòi hỏi chuyên ngành dung dịch phải nhanh chóng nghiên cứu ra một hệ dung dịch mới, tương đương với các hệ dung dịch tiên tiến, nhằm rút ngắn thời gian thi công, ổn định thành giếng khoan, đảm bảo an toàn vỉa sản phẩm và đạt được hiệu quả thi công cao. Đặc biệt là có thể thay thế thuê dịch vụ dung dịch bên ngoài.

gap nguoi giu mau cho gieng khoan
TS Hoàng Hồng Lĩnh

Theo TS Hoàng Hồng Lĩnh, chủ nhiệm đề tài, từ những mục tiêu cấp thiết đó, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu, thí nghiệm, kết hợp sáng tạo có chọn lọc, giữa hệ dung dịch truyền thống FCL/AKK của Vietsovpetro với hệ dung dịch KCL/Glycol tiên tiến trên thế giới và đã thiết lập được hệ dung dịch mới KGAC, có chất lượng tương đương với hệ dung dịch tiên tiến Glydril của MI SWACO mà các nhà thầu quốc tế đang sử dụng.

Sau quá trình thử nghiệm thành công, năm 2015, lãnh đạo Vietsovpetro đã cho phép Xí nghiệp Khoan & Sửa giếng tiếp tục áp dụng rộng rãi hệ dung dịch KGAC tại 7 giếng khoan của Vietsovpetro. Kết quả áp dụng đại trà hệ KGAC đều đạt các kết quả khả quan, chưa có các sự cố liên quan đến dung dịch và xu hướng sẽ tăng dần việc áp dụng hệ dung dịch KGAC trong các năm tiếp theo (dự kiến năm 2016, tại 16 giếng; năm 2017, tại 18 giếng; năm 2018, tại 20 giếng…).

Về hiệu quả kinh tế khi áp dụng hệ dung dịch này, nhóm tác giả đã làm một phép so sánh chi phí thuê dịch vụ dung dịch của giếng 10P (sử dụng hệ dung dịch Ultradril của Công ty MI SWACO) với chi phí tự thi công giếng 11P bằng hệ dung dịch KGAC. Hai giếng này đều thi công trên giàn Tam Đảo 2 và cùng có các điều kiện địa chất tương tự. Sau khi quy cả 2 giếng về cùng điều kiện so sánh khoảng độ sâu khoan, tốc độ khoan thương mại và xét đến cả thời gian thuê giàn đã chỉ ra rằng, nếu sử dụng hệ dung dịch KGAC cho giếng 11P sẽ tiết kiệm được khoảng 1.088.000USD. Nếu chỉ tính riêng chi phí hóa phẩm thi công dung dịch sử dụng hệ dung dịch KGAC có thể tiết kiệm được khoảng 160.000USD (so với dùng hệ Glydril) và tiết kiệm khoảng 400.000USD (so với dùng hệ Ultradril), tính trung bình cho một giếng khoan.

Vì sao ví dung dịch là máu của giếng khoan?, tôi đặt câu hỏi với TS Hoàng Hồng Lĩnh thì được anh giải thích rất cặn kẽ. Vì dung dịch tốt sẽ tác động lên thành giếng và giảm thiểu cái xấu vào vỉa sản phẩm, cũng như cơ thể con người nếu máu tốt thì khỏe mạnh còn nếu máu xấu thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe trên mọi hệ thống ở cơ thể người.

Gắn bó nhiều năm trong nghề anh Hoàng Hồng Lĩnh bảo giờ có thể ngửi bằng mũi, nhìn bằng mắt, sờ bằng tay dung dịch là đoán được sơ bộ nguyên nhân phức tạp. Nếu để tĩnh rất khó nhận biết, tai nghe không bằng mắt thấy, nhưng khi lắc và dùng tay sờ dung dịch thì sẽ đoán được chất lượng dung dịch như thế nào. Nếu dung dịch tốt thì sẽ ức chế sét tốt và bùn khoan lên sẽ khô, kéo bộ khoan cụ lên sẽ sạch bong, không dính sét vào bộ khoan cụ bởi vì sét đã bị ức chế, không trương nở.

Thứ hai mùn sét đi qua sàn rung bị ức chế vón cục như những viên socola. Bên cạnh việc ngửi bằng mũi, nhìn bằng mắt, sờ bằng tay thì kỹ sư dung dịch với sự hỗ trợ các thiết bị đo sẽ đánh giá chất lượng dung dịch tốt hay xấu. Khi dung dịch có sự cố thì những người kỹ sư có kinh nghiệm sẽ bắt mạch được chính xác nguyên nhân, từ đó tìm đúng giải pháp kỹ thuật để chữa bệnh tận gốc của vấn đề. Vì cùng một hiện tượng dung dịch tăng độ nhớt hay dung dịch giảm độ nhớt nhưng có nhiều nguyên nhân, bắt bệnh càng sớm thì xử lý càng tốt.

Bên cạnh công tác nghiên cứu thành công hệ dung dịch KGAC thì kết quả này còn đưa vào giáo trình đào tạo nội bộ về dung dịch nhằm nâng cao trình độ cho anh em kỹ sư và thợ dung dịch, cũng như các kỹ sư và công nhân đội khoan để phối hợp với nhau trong công việc tốt hơn. Đồng thời Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng cũng cử kỹ sư, công nhân ra các giàn khoan, đặc biệt là những giàn thuê dịch vụ dung dịch vừa giám sát thi công vừa hỗ trợ các anh em đang làm việc trên giàn để học hỏi kinh nghiệm cùng họ. Biết công nghệ của họ để sau về áp dụng cho quá trình làm việc của phòng dung dịch.

gap nguoi giu mau cho gieng khoan
Giếng khoan dùng hệ dung dịch KGAC

Hiện nhân lực phòng dung dịch khoan có 12 người vừa nghiên cứu vừa quản lý kỹ sư và thợ dung dịch khoảng 30 người nhưng biên chế ở các đội khoan, còn phòng dung dịch phụ trách chuyên môn. “Chúng tôi chỉ đạo quy trình pha chế, xử lý dung dịch, các đơn điều chỉnh dung dịch, anh em ngoài giàn khoan phải gửi báo cáo về để phòng xem và điều chỉnh đúng, đạt yêu cầu kỹ thuật. Hiện tổng cộng đội ngũ làm dung dịch ở Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng trên 40 người”, TS Hoàng Hồng Lĩnh cho hay.

Như vậy việc sử dụng hệ dung dịch KGAC đã đảm bảo các tiêu chí về mặt kỹ thuật, an toàn môi trường và kinh tế, góp phần giải quyết được những vấn đề vướng mắc, khó khăn hiện nay trong bối cảnh giá dầu suy giảm, đồng thời đào tạo được một đội ngũ cán bộ, công nhân viên chuyên ngành dung dịch có chuyên môn cao, có thể tự thi công dung dịch trọn gói những giếng khoan phức tạp mà không cần thuê dịch vụ dung dịch bên ngoài, tiến tới làm dịch vụ về dung dịch khoan cho các công ty dầu khí ngoài Vietsovpetro trong tương lai.

Sau sự thành công hệ dung dịch KGAC, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã yêu cầu Phòng Dung dịch khoan - Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng tái sử dụng các dung dịch đắt tiền. Đây là một trong những giải pháp tiết giảm chi phí của Vietsovpetro trong tình hình giá dầu giảm sâu hiện nay… Theo anh Hồng Lĩnh, nếu như trước đây sau khi khoan xong một giếng thì dung dịch sẽ bỏ đi hoặc có tái sử dụng nhưng không hiệu quả kinh tế, tuy nhiên, hiện nay, với áp lực tiết kiệm chi phí đến mức tối đa thì nhóm tác giả phải nghiên cứu cách xử lý giữ dung dịch tại giàn khoan hoặc phối hợp với Xí nghiệp Vận tải biển & Công tác lặn bơm dung dịch xuống tàu chuyển ra các giàn khoan sử dụng hệ dung dịch tương ứng. Nhờ vậy các giếng khoan có thể sử dụng dung dịch tái sử dụng, tiết kiệm chi phí hóa phẩm, thời gian gia công, đồng thời cũng tiết kiệm việc vận chuyển (thời gian vận chuyển từ giàn khoan này đến giàn khoan khác gần hơn vận chuyển hóa phẩm từ đất liền ra giàn khoan), tiết kiệm thời gian giàn chờ đợi vì chi phí của một giàn khoan hoặc giàn thuê một ngày rất cao.

Không dừng lại ở hệ dung dịch KGAC, nhóm tác giả dung dịch của Vietsovpetro đã hoàn thành nghiên cứu thí nghiệm trong la-bô với hệ dung dịch KGAC PLUS có chất lượng cao hơn so với hệ KGAC và chuẩn bị đưa vào thử nghiệm tại một giếng khoan, dự kiến trong tháng 4-2016, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả tự lực thi công dung dịch của Vietsovpetro tại các giếng khoan phức tạp để giảm thiểu hơn nữa chi phí thuê dịch vụ dung dịch của bên ngoài.

Thiên Thanh

Năng lượng Mới 512

DMCA.com Protection Status