Giá dầu giảm, các nền kinh tế ra sao?

08:00 | 06/12/2014

678 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Giá dầu thô thế giới đang sụt giảm nghiêm trọng, xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia phải chịu những áp lực nặng nề. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) gánh vác trọng trách khai thác và xuất khẩu dầu thô, mang lại nguồn thu quan trọng cho ngân sách, trước thực trạng này sẽ chịu tác động như thế nào? Báo Năng lượng Mới có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Thành viên Hội đồng Thành viên Petrovietnam, Phó chủ tịch Thường trực Hội Dầu khí Việt Nam về vấn đề đang được coi là rất “nóng” này.

Năng lượng Mới số 380

PV: Cán cân quyền lực dường như đã thay đổi khi OPEC buộc phải thừa nhận rằng khả năng kiểm soát giá dầu của họ có giới hạn. Được biết, OPEC vẫn sẽ giữ nguyên trần sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày, bất chấp sự dư thừa nguồn cung toàn cầu khiến giá dầu lao dốc trong vài tháng qua. Ông đánh giá như thế nào về các yếu tố gây khủng hoảng giá dầu hiện nay?

TS Nguyễn Xuân Thắng

TS Nguyễn Xuân Thắng: Theo nhiều giai đoạn khác nhau, giá dầu thế giới biến động lên xuống gắn liền với nhiều nguyên nhân và ảnh hưởng đến những nền kinh tế khác nhau, cũng phục vụ và ảnh hưởng đến những mục đích kinh tế và chính trị của những khu vực và châu lục từng thời kỳ.

Hãy nhìn lại những cuộc khủng hoảng giá dầu giai đoạn 1971-1973, giai đoạn chiến tranh vùng Vịnh 1991-1993, giai đoạn 1998-2002, gần đây nhất là giai đoạn 2008-2010 và hiện nay bắt đầu từ tháng 10-2014.

Khủng hoảng giá dầu, cũng có thể nói là giai đoạn mà mức giá lên cao một cách khủng khiếp như giai đoạn 2008-2010 lên đến 148USD/thùng, hay như giai đoạn 1998-2001 xuống thấp nhất mức kỷ lục có khi chỉ trên 9USD/thùng dầu thô.

Từ việc tăng giảm dầu mỏ của tổ chức OPEC những năm trước đây, việc đẩy giá dầu lên cao, tăng cung để giá dầu xuống hoặc việc mua bán, tích trữ dầu mỏ của các quốc gia luôn là các đề tài thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Các nước lớn luôn có các động thái gây sức ép đến các nước có nguồn dầu mỏ lớn; ngược lại các nước này cũng biết lợi dụng quyền khống chế sản lượng khai thác và định giá để mặc cả theo các ý đồ kinh tế chính trị.

Có những nhà phân tích cho rằng giá dầu lên xuống là do mục đích chính trị, có nhà nghiên cứu thì cho rằng do tác động của quy luật cung cầu và tác động của các yếu tố thị trường, cũng có người bình luận là do chiến tranh, thiên tai... Chung quy lại thì do tổng hợp các yếu tố hợp thành, các yếu tố này tác động lẫn nhau và do yếu tố nào tác động quyết định sẽ kéo theo các yếu tố khác.

Từ giữa quý II/2014 đến nay giá dầu thế giới bình quân đã giảm 25%. Các nước trong các khu vực khác nhau như Mỹ Latinh, khu vực các nước vùng Vịnh, khu vực Bắc Phi, khu vực Bắc Âu - Liên bang Nga hay các nước Đông Nam Á là những khu vực có tiềm năng dầu khí và là những nước sản xuất và xuất khẩu dầu khí có thể góp phần thay đổi cán cân quyền lực kinh tế - chính trị thế giới. Cuộc cách mạng dầu đá phiến (shale oil) hiện nay là bước nhảy vọt và tạo ra điểm "nút" trong giai đoạn thay đổi về chất của lĩnh vực dầu khí. Nhiều nhà phân tích dự báo nguồn dầu đá phiến đã thăm dò tìm kiếm mà Mỹ có được làm tăng thêm 1/3 nguồn trữ lượng dầu của Mỹ. Theo thống kê của Tổ chức Năng lượng Quốc tế thì lượng dầu của Mỹ đã vượt qua lượng dầu của Nga và Arập Xêút trong những năm gần đây. Trước đây các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là những nền kinh tế nhập khẩu dầu chiếm tỷ trọng lớn nhất thế giới, thì hiện nay Mỹ đã giảm nhập khẩu dầu và đôi khi cũng tung ra thị trường nguồn dầu thô dự trữ, điều đó đã làm ảnh hưởng đến tình hình cung cầu và giá dầu thô trên thế giới.

PV: Vậy theo ông, những nguyên nhân chính giá dầu suy giảm nhanh chóng vừa qua là do đâu?

TS Nguyễn Xuân Thắng: Trong những năm trước đây, khi giá dầu giảm mạnh, bằng các giải pháp can thiệp thông qua quy luật quan hệ cung cầu, các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thế giới OPEC thường nhóm họp để bàn chuyện can thiệp thị trường. Hoặc cùng Tổ chức năng lượng quốc tế quyết định điều chỉnh giá lên xuống. Tuy vậy, các nước vì lợi ích và khó khăn của mình vẫn khai thác và tung ra thị trường với khối lượng lớn hơn nhiều hạn mức được giới hạn nhằm tăng thu nhập cho quốc gia mình. Việc muốn can thiệp và làm xoay chuyển giá dầu vẫn là một vấn đề lớn.

Chung quy lại thì giá dầu thế giới hiện nay giảm là do quan hệ cung cầu, nền kinh tế thế giới chưa phục hồi hẳn sau suy giảm kinh tế; do Mỹ triển khai khai thác dầu đá phiến (chiếm 1/3 tỷ trọng dầu của nước Mỹ); do Arập Xêút cạnh tranh bán giá rẻ để giành thị phần tại Mỹ và do các yếu tố địa lý, chính trị liên quan đến Nga và Iran...

PV: Xin ông cho biết thị phần khai thác dầu hiện nay, những tác động tích cực và tiêu cực của việc giá dầu giảm và ông có thể dự báo khi nào giá dầu sẽ ổn định trở lại?

TS Nguyễn Xuân Thắng: Thị phần khai thác chủ yếu hiện nay Nga chiếm khoảng 11%, OPEC 30%, khoảng 59% là các nước còn lại. Với giá dầu như hiện nay sẽ tác động rất mạnh đến nền kinh tế của nhiều nước, ví dụ nước Nga là nước sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu góp phần 30-50% thu ngân sách quốc gia và chiếm 11% thị phần khai thác dầu thế giới, thì giai đoạn này và trong năm tới do giá dầu giảm cũng giảm thu đến 20-25% tổng thu. Arập Xêút cũng bị áp lực về cung ứng dầu vì vậy, phải giảm giá để vẫn tham gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ, trong đó nguồn cung cho Mỹ cũng đã được đảm bảo để ít bị tác động bởi các chi phối của quan hệ cung - cầu. Người tiêu thụ dầu trên thế giới cho các ngành công nghiệp cũng như dân dụng sẽ được hưởng lợi nhờ giá dầu hạ.

Đến nay giá dầu Brent giao dài hạn (bán term) cho đầu quý I/2015 khoảng 80USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI khoảng 76USD/thùng. Mức giá dầu này được ước đoán trên thực tiễn sẽ còn giữ đến quý II/2015. Quyết định của OPEC (chiếm 30% lượng khai thác và thị phần dầu thế giới) duy trì khai thác 30 triệu thùng dầu/ngày đã làm giá dầu thấp nhất trong chục năm qua.

PV: Xin ông cho biết, sự tụt dốc không phanh của giá dầu thế giới có tác động như thế nào đến cơ cấu doanh thu của Petrovietnam?

TS Nguyễn Xuân Thắng: Theo con số kế hoạch năm 2015 thì thu ngân sách Nhà nước khoảng 910 ngàn tỉ đồng, trong đó thu từ dầu thô với giá dầu dự kiến ước 100USD/thùng (khoảng 780USD/tấn). Phải nói lại rằng, trong giai đoạn vừa qua thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu ngành và sản phẩm hiện nay khi thực hiện Quyết định 46 của Thủ tướng Chính phủ thì tổng doanh thu cũng như thu nộp Ngân sách Nhà nước theo cơ cấu 40-30-30; Nghĩa là từ dầu thô chiếm 40%, từ các ngành công nghiệp như khí - điện - đạm chiếm 30%, từ dịch vụ dầu khí chiếm 30%. Trước đây, thu ngân sách của Petrovietnam chiếm phần chủ yếu từ dầu thô, hiện nay đã thay đổi và sản phẩm từ dầu thô, từ nguồn khí đã được chế biến cho ra các sản phẩm xăng, dầu các loại, cho sản xuất điện, sản xuất phân đạm rồi.

Theo kế hoạch năm 2014 thì doanh thu bán dầu chiếm tỷ trọng khoảng 37% doanh thu toàn Tập đoàn (khoảng gần 11,8 tỉ USD), từ quý III giá dầu bắt đầu giảm, tuy vậy Petrovietnam đã đưa một số mỏ vào phát triển và khai thác nên tăng sản lượng khai thác để bù đắp phần nào vào giá dầu thô giảm mạnh.

PV: Kết quả kinh doanh năm 2014 của Petrovietnam đến thời điểm này và khả năng cân đối nguồn thu ra sao, thưa tiến sĩ?

TS Nguyễn Xuân Thắng: Theo báo cáo kết quả kinh doanh đến hết tháng 11/2014 của Petrovietnam, các chỉ tiêu chủ yếu như sau: Chính phủ giao cho Petrovietnam khai thác dầu khí năm 2014 là 25,71 triệu tấn dầu quy đổi, Tập đoàn phấn đấu đạt 27 triệu tấn, 11 tháng đầu năm đã khai thác 25,06 triệu tấn. Chỉ tiêu kế hoạch 2014 tổng doanh thu toàn Tập đoàn là 666,5 nghìn tỉ đồng, thực hiện trong 11 tháng năm 2014 đạt 688,8 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách 11 tháng đạt 158,6 nghìn tỉ đồng. Như vậy trong 11 tháng đầu năm nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch của cả năm. Petrovietnam đang phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch ở mọi chỉ tiêu cơ bản nhất năm 2014 và chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch năm 2015 với các kịch bản khác nhau.

Giá dầu xuống thì giá thành các sản phẩm sẽ hạ và như vậy giá cả sẽ xuống, thu ngân sách có bị hụt theo tỷ lệ nào đó, nhưng các ngành công nghiệp và sinh hoạt của dân chúng và lạm phát sẽ được kiểm soát tốt hơn. Cũng cần nói lại là nước ta là nước vừa xuất khẩu một phần dầu thô và cũng nhập sản phẩm dầu, vì thế khả năng cân đối nền kinh tế là không còn khó khăn như trước đây nữa.

Một số nhà phân tích cũng đề cập là: "Trong lúc giá dầu thô thế giới giảm thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đặt mục tiêu khai thác tăng thêm 1 triệu tấn dầu trong năm nay". Nói như vậy chưa chuẩn vì năm nay sản lượng khai thác được tăng lên là do một số vỉa dầu và giếng dầu được phát hiện và đưa vào khai thác sớm, cũng như đã áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để tăng hệ số thu hồi dầu.

Và một điểm nữa về ý kiến cho rằng "thiệt đơn thiệt kép vì giá dầu xuống" và vì "phải chia cho phía Nga 49% trong liên doanh" thì cần giải thích lại là: Trong hoạt động dầu khí, chúng ta ngoài Luật Doanh nghiệp thì chủ yếu chi phối theo Luật Dầu khí, nghĩa là sau khi các nhà đầu tư có sản phẩm dầu, trước tiên phải nộp các loại thuế như: Thuế tài nguyên 18-25%, thuế xuất khẩu, tiền thuê mặt nước mặt biển, các khoản chi 35-75% giá trị tấn dầu đó, mà các khoản chi này chủ yếu chi tại Việt Nam như chi phí khoan, thuê tàu bè, trực thăng, vật tư thiết bị dịch vụ. Sau đó còn lại lợi nhuận phải nộp 50%, và tiền lợi nhuận sau thuế mới chi cổ tức. Như vậy thì nhà đầu tư Nga chỉ chuyển về nước 10-15% trong tổng số đó thôi chứ không phải 49% trong tổng số giá trị bán dầu.

Hiện nay, giá thành khai thác trung bình của Việt Nam khoảng 210-230USD/tấn dầu thô (trên 30USD/thùng) và giá bán hiện nay là 800USD/tấn thì bảo đảm lợi nhuận vẫn cao. Đặc biệt, Vietsovpetro là đơn vị khai thác dầu lớn nhất Việt Nam thì giá thành khai thác chỉ từ 25-27USD/thùng, hiệu quả kinh tế rất cao khi giá dầu thô đang giảm.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015), các chỉ tiêu do nhà nước giao chắc chắn sẽ được Petrovietnam hoàn thành xuất sắc do các mỏ và giếng dầu mới trong và ngoài nước đang và sẽ đưa vào khai thác. Các công trình đầu tư những năm qua bắt đầu và sẽ phát huy hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Tiến Dũng (thực hiện)

 

DMCA.com Protection Status