Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh đến cước vận tải

14:51 | 17/02/2022

1,557 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại rất thấp. Giá xăng dầu tăng, để cân đối thu chi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới...

Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục trong 8 năm qua đã tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải khách. Theo nguyên tắc thị trường, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá cước vận tải tăng, thời điểm này, nhiều đơn vị vẫn đang nghe ngóng, tính toán để chiều chỉnh cơ cấu giá thành vận tải.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc taxi Nguyên Minh cho biết, nếu xăng dầu tăng giá vào kỳ tới, doanh nghiệp sẽ phải tăng giá cước vận tải bởi xăng dầu chiếm 35-40% giá thành vận tải khi xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải.

Còn ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty Taxi Mai Linh miền Bắc cho rằng, dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc.

“Nếu giá xăng dầu vẫn giữ nguyên, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước. Điều này sẽ khiến khách sụt giảm mạnh hơn”, ông Hùng cho biết.

Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh đến cước vận tải
Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh đến cước vận tải.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho hay, số xe của đơn vị mới hoạt động được 30% lượng phương tiện dù hoạt động du lịch, đi lại đang từng bước khôi phục.

“Giá nhiên liệu tăng liên tục càng làm đơn vị vận tải khó khăn hơn. Nếu doanh nghiệp vận tải tăng giá là không chia sẻ với người dân, không phù hợp với tình hình hiện tại, trong khi giá nhiên liệu không ngừng leo thang", ông Bằng nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, không loại trừ khi tăng giá nhiên liệu, doanh nghiệp sẽ tăng giá cước.

"Vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại rất thấp. Giá xăng dầu tăng, để cân đối thu chi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch", ông Quyền nói.

Khi giá cước tăng cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ phải tính toán vào cơ cấu giá thành vận tải. Cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này.

Đề xuất giải pháp, ông Quyền cho rằng, Nhà nước cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng/lít xăng dầu. Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, cần xem xét điều chỉnh giảm thu loại thuế này. Giải pháp này sẽ giảm tác động dây chuyền đến các lĩnh vực khác.

Tăng cường kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá cước vận tảiTăng cường kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải
Từ 15/2, gỡ bỏ hạn chế tần suất bay quốc tếTừ 15/2, gỡ bỏ hạn chế tần suất bay quốc tế
Lại bàn việc chuyển quyền cấp GPLX từ Bộ Giao thông sang Bộ Công anLại bàn việc chuyển quyền cấp GPLX từ Bộ Giao thông sang Bộ Công an

Xuân Hinh