Nguyên Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Hà Duy Dĩnh:

Hãy cống hiến hết mình!

17:44 | 19/08/2016

1,396 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nguyên Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Hà Duy Dĩnh luôn để lại ấn tượng sâu sắc với người lao động Dầu khí bởi phong thái giản dị, khiêm tốn. Những kỷ niệm, bài học kinh nghiệm về những năm tháng ông cống hiến cho ngành, cho người lao động vẫn còn vẹn nguyên giá trị, đáng là tấm gương cho nhiều thế hệ noi theo…  

Tiếng gọi Dầu khí

Năm 1971, ông tốt nghiệp đại học tại thành phố Hải Phòng với bảng điểm của các thủ khoa giỏi nhất Hải Phòng, năm ấy còn có người bạn đồng hương, rồi đồng nghiệp về sau là Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Đỗ Văn Hậu.

hay cong hien het minh
Ông Hà Huy Dĩnh với người lao động trên công trường

Kết quả thi năm đó đã khiến ông được Đảng, Nhà nước cử sang Liên Xô (trước đây) học với 17 người bạn đồng hương. Trải qua một năm dự bị học tiếng Nga tại thành phố Minsk, thủ đô của Belarus, ông được chuyển về Trường Đại học Địa chất thăm dò tại thủ đô Mascow. Với những khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ, những kiến thức mới mẻ ở ngôi trường danh tiếng đã cho ông một cuộc sống đầy say mê, thú vị và kỳ diệu. Ông dần thấu hiểu, địa chất là một môn khoa học có tầm vóc lớn lao, tất cả những môn khoa học tự nhiên, tinh hoa xã hội ông gần như tập trung vào đó hết. Học giỏi các môn tự nhiên cũng là điều kiện thuận lợi giúp ông phát triển hết khả năng của mình. Ngoài việc tiếp thu những kiến thức sâu rộng về địa chất nói chung và địa chất dầu khí nói riêng ông còn tiếp thu được những nét đặc sắc của văn hóa Nga, nền văn hóa được toàn thể nhân loại ngưỡng mộ. Những năm học tập tại Nga đã giúp ông trưởng thành rất nhiều. Đặc biệt, ông Dĩnh có tâm niệm lớn nhất là đã học được cách làm người - cách đối nhân xử thế, đức tính ấy được thể hiện trong mỗi “lời ăn tiếng nói” lúc nào cũng khiêm tốn, nhẹ nhàng, nhường nhịn mà còn chân tình, cởi mở, hết lòng với đội ngũ người lao động, thể hiện trong các hoạt động của mình.

5 năm học tại Moscow, ông sớm bộc lộ là một thanh niên có tố chất làm “lãnh đạo”, đặc biệt trong công tác đoàn thể. Nhờ tinh thần xung kích, cống hiến trong hoạt động đoàn thanh niên nên ông được bầu vào Thường vụ Thành đoàn Moscow, một tổ chức rất lớn, quy tụ tới hơn 30 trường đại học có lưu học sinh Việt Nam học tập. Trước khi kết thúc đại học một năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô đã chính thức đề nghị giữ ông ở lại để hoạt động đoàn thanh niên chuyên trách ở Liên Xô. Một vinh dự rất lớn lao nhưng ông đã từ chối chỉ với một lý do duy nhất, quê hương đang cần ông mang những kiến thức dầu khí quý báu về để xây dựng đất nước.

Người “có duyên” với công tác đoàn thể

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) chính là nơi ông Dĩnh bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành Dầu khí. Thực hiện công việc chuyên trách của một cán bộ nghiên cứu được 2 năm, Tiến sĩ Hà Duy Dĩnh được đề nghị giữ chức Trưởng ban Phụ trách xây dựng và có một thời gian làm Chủ tịch Công đoàn Viện Dầu khí. Hơn 20 năm trước, xung quanh Viện Dầu khí khang trang như bây giờ là vùng đất khá hoang vu, hẻo lánh, bao quanh là ao, hồ, đồng ruộng. Ông Dĩnh còn nhớ như in những ngày đầu, bản thân ông và nhiều cán bộ, công nhân phải trồng từng gốc cây, ngọn cỏ. Kể cả việc tham gia sửa sang, san lấp những con đường gập ghềnh đầy ổ voi, ổ gà. Và đó là những thành quả đầu tiên đối với ngành Dầu khí mà ông không bao giờ quên.

Sau khi hoàn thành trụ sở VPI, một thời gian sau lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí điều động ông về làm Chánh văn phòng Đảng ủy. Ông lại nghĩ mình như có duyên với công tác đoàn thể, cảm thấy qua công việc này mình có thể giúp những thành viên trong ngôi nhà chung gắn kết lại được với nhau, ông đã nhận lời. Qua 10 năm tìm hiểu, trăn trở, khoảng năm 2002-2003, ông chính thức đề nghị ban lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí thành lập Đảng bộ toàn ngành.

Khi ấy được bầu làm Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, ông đã tham mưu với Chủ tịch HĐTV Đinh La Thăng và Đảng ủy xây dựng một đề án gửi tới với Đảng ủy Khối Kinh tế Trung ương (nay là Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương). Trước khi có được sự thống nhất trong Đảng bộ toàn ngành là cả một quá trình “lao tâm khổ tứ” và trăn trở của nhiều người, trong số đó có ông Hà Duy Dĩnh. Về việc này, trước năm 2000 ông Dĩnh đã từng đề xuất ý kiến với Ban Cán sự Đảng và Đảng bộ cơ quan nhưng không được chấp nhận với lý do: “các đảng bộ dầu khí trực thuộc Đảng bộ địa phương thì mối quan hệ giữa đơn vị với địa phương được gần gũi và thắt chặt hơn, tạo điều kiện để đơn vị phát triển”. Điều này nghe cũng rất có lý, nhưng ông Dĩnh đã chỉ ra rằng, tổ chức Đảng ở từng đơn vị và ngay cả Đảng bộ cơ quan tổng công ty sẽ thiếu đi sự thống nhất trong lãnh đạo, theo đó sức mạnh lãnh đạo giảm sút và hệ thống chính trị của ngành Dầu khí bị khập khiễng thì không thể tạo ra sức mạnh đồng bộ được.

Ông cũng cho rằng, Đảng bộ địa phương không có điều kiện để lãnh đạo công tác sản xuất kinh doanh, công tác cán bộ và công tác quần chúng. Ba nhiệm vụ trọng yếu của mỗi Đảng bộ như thế thì Đảng bộ địa phương không có đủ điều kiện để lãnh đạo, chỉ đạo.

hay cong hien het minh
Ông Hà Duy Dĩnh với đời thường

Khoảng tháng 12-2005 ông đã cùng ông Nguyễn Hữu Tuyến - hai Phó bí thư Đảng bộ cơ quan tổng công ty đến gặp ông Đinh La Thăng đề nghị vấn đề này. Ông Thăng lắng nghe và đồng ý và giao cho ông cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Văn phòng Đảng ủy tiến hành các thủ tục cần thiết như xây dựng đề án sao cho khoa học nhất, có sức thuyết phục nhất để báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Ngày 15-12-2008 công tác chuyển đảng đã hoàn tất. Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thống nhất chính thức đi vào hoạt động; tổ chức Đoàn Thanh niên cũng thống nhất về một mối. Kể từ đó đến nay mô hình ấy đã thể hiện sức mạnh trong lãnh đạo mọi mặt hoạt động của Tập đoàn Dầu khí để các đơn vị và tập đoàn có được diện mạo như ngày hôm nay.

Lúc đó, ông Dĩnh giữ hai chức vụ, vừa là Phó bí thư Thường trực vừa là Chủ tịch Công đoàn ngành thì quá sức nên ông đã đề nghị Đảng ủy cho ông thôi chức Phó bí thư để chuyên tâm làm công tác công đoàn. Ông Hà Duy Dĩnh đã theo học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Công việc đoàn thể chính là nơi giúp ông khai phá được bản thân mình rõ nét, bên cạnh sự say mê về địa chất.

Cái tầm và cái tâm của người thủ lĩnh công đoàn

Trên cương vị Chủ tịch Công đoàn, làm thế nào để hoạt động đoàn thể cho tốt luôn là trăn trở của ông Hà Duy Dĩnh. Ông từng tâm sự với đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách rằng, nhiệm vụ của người làm công đoàn rất nặng nề, không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Công đoàn như một con tàu đang chạy chậm, bởi vậy, người làm công đoàn phải có trách nhiệm không chỉ đẩy cho nó nhanh hơn và mà còn phải nối thêm nhiều toa nữa để nó phù hợp với mô hình bên chuyên môn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Người cán bộ chuyên trách không chỉ am hiểu sâu rộng mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, mọi hoạt động của từng đơn vị trong ngành mà còn có nghệ thuật tổ chức, lôi cuốn mọi người tham gia và đặc biệt là phải có tài ăn nói sao cho có sức thuyết phục. Tại nhiều cuộc họp ở cơ quan ông vẫn thường nói: “Chúng ta đang sống bằng tiền đóng góp của người lao động thì chúng ta cần hoạt động thật tích cực hướng về người lao động và chính chúng ta không được nghĩ mình là cấp trên của họ, ngược lại phải biết ơn họ”.

Cũng chính từ quan điểm ấy mà trong suốt 10 năm làm cán bộ của văn phòng Đảng ủy và gần 11 năm làm cán bộ công đoàn ông toàn tâm, toàn ý với tổ chức, với con người. Đồng thời ông đã tuyên truyền giáo dục đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp cần quán triệt và thực hiện quan điểm đúng đắn ấy. Chính vì thế mọi sự kiện được tổ chức đều nổi bật tính chu đáo, có sức cuốn hút và lan tỏa mạnh mẽ.

Từ đầu nhiệm kỳ, Công đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với tập đoàn tổ chức phát động thi đua tại 12 công trình/dự án trọng điểm của Nhà nước và của ngành. Mở đầu cho những kỷ niệm sâu sắc nhất mà ông Dĩnh không thể quên là đợt phát động thi đua tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Một công trình tô đậm dấu ấn thi đua do công đoàn phát động. Bắt đầu từ năm 2005, đây là thời kỳ chủ đầu tư và các nhà thầu tổ chức phát động nhiều đợt thi đua đạt năng suất lao động cao. Nhờ đó, nhiều hạng mục công trình thi công đúng tiến độ và đạt chất lượng, nhiều tập thể đã đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất và những kỹ sư, công nhân đã trở thành gương lao động giỏi trên công trường, góp phần đưa nhà máy hoạt động đạt công suất, hiệu quả và an toàn. Để động viên phong trào thi đua, Công đoàn Dầu khí Việt Nam còn tổ chức nhiều đợt khen thưởng đột xuất, khen thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích cao với số tiền nhiều tỉ đồng và tài trợ rất cụ thể, rất nhiều các dự án xây dựng khu vui chơi, giải trí như sân thể thao, sân bóng đá, thư viện sách… để đội ngũ người lao động sau một ngày làm việc vất vả có được nơi hoạt động, giải trí, mang lại sức khỏe để tiếp tục sản xuất được tốt hơn.

Tiếp nối những thành quả lớn từ mô hình thi đua tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nhiều phong trào sau đó được triển khai hiệu quả như: Trung tâm Điện lực Long Phú - Sông Hậu, Trung tâm Điện lực Dầu khí Thái Bình, dự án chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước tại Vũng Tàu, xây dựng Nhà máy Sơ xợi Đình Vũ, Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch, Thái Bình 2, Thủy điện Đắkđrinh, Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ, Cà Mau, thi đua ở Vietsovpetro... Để làm tốt hơn, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, công đoàn đã thành lập ban chỉ đạo ở cấp công đoàn ngành do một đồng chí trong thường trực hoặc ủy viên thường vụ đứng đầu. Chính từ khâu tổ chức thực hiện chặt chẽ mà phong trào thi đua không còn mang tính hình thức trước đây (có phát động nhưng không giám sát, giao nhiệm vụ mà cuối năm chỉ bình bầu danh hiệu thi đua) mà được tổ chức chu đáo, có trách nhiệm nên phong trào thi đua đã gặt hái được nhiều thành công. Điều quan trọng là việc ký kết giao ước thi đua luôn có sự tham gia của công đoàn, chủ đầu tư, các nhà thầu phấn đấu hoàn thành 3 mục tiêu là tiến độ, chất lượng và an toàn.

Sau này nhiều người đã bình luận “Công đoàn ngành khóa ông Dĩnh làm Chủ tịch đã đánh dấu một sự trưởng thành vượt bậc của công tác đoàn thể ngành Dầu khí”.

Sau 2 năm về nghỉ theo chế độ, giờ cuộc sống của nguyên Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Hà Duy Dĩnh có thể gói gọn bằng hai chữ viên mãn, thảnh thơi. Có tiếp xúc nhiều với ông mới biết, bên trong con người hiền lành, thường trực nụ cười đôn hậu ấy là một tâm hồn đầy nhiệt huyết, sôi nổi và cống hiến. Có lẽ còn rất nhiều tâm sự từ ông trong phạm vi bài viết tôi chưa thể kể hết được. Tạm chia tay ông trong căn nhà nhỏ, đầy ắp tiếng cười, bất chợt ông ôm đứa cháu nhỏ vào lòng, bảo với tôi: “Tuổi trẻ không chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời mỗi người, mà quan trọng hơn, nó là ý chí, là hoài bão, là nhiệt huyết, đam mê với cuộc sống. Bởi vậy hãy sống và cống hiến hết mình nhé!”.

Nguyễn Mạnh Kiên

Năng lượng Mới 549

DMCA.com Protection Status