Hợp tác quân sự với Nga: “Cú đâm sau lưng” các nước phương Tây của Cameroon

10:23 | 20/05/2022

3,853 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh các nước phương Tây đang ra sức trừng phạt Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, Cameroon lại bí mật ký hiệp định quân sự với Nga.
Hợp tác quân sự với Nga: “Cú đâm sau lưng” các nước phương Tây của Cameroon
Tổng thống Nga và người đồng cấp Cameroon

Trong chuyến thăm bí mật tới Moscow vào đầu tháng 4/2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cameroon Joseph Beti Assomo đã ký một thỏa thuận quân sự vào ngày 12/4 với người đồng cấp Nga, Tướng Sergei Choïgou. Thỏa thuận này không có nhiều điểm mới nhưng nó thực sự là một “cú đâm sau lưng” với các nước phương Tây.

Trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, tin về thỏa thuận quân sự này là một thông điệp chưa từng có. Moscow có một lợi thế mang tính biểu tượng ở trong chuyện này. Đó là một tiếng nổ vang dội đối với cộng đồng quốc tế, nhất là với các cường quốc thực dân trước đây ở Vịnh Guinea, trong bối cảnh Nga đang thực hiện "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine.

Người ta có thể tưởng tượng, thỏa thuận đã gây ra một phản ứng sôi nổi nhưng kín đáo trong giới ngoại giao châu Âu. Nó xuất hiện như một sự trùng hợp giữa "các lệnh trừng phạt tàn khốc" (theo lời Tổng thống Joe Biden) chống lại nước Nga của ông Vladimir Putin, bao gồm cả việc tẩy chay không phận của nước này. Theo một cách nào đó, Cameroon đã “vi phạm” lệnh cấm vận hàng không của phương Tây.

Thỏa thuận được ký kết giữa Nga và Cameroon, một quốc gia trung thành với tư cách là sân sau của Pháp, đang gây nhiều nghi vấn. Cameroon đã vắng mặt một cách bí ẩn tại Liên Hợp Quốc trong cuộc bỏ phiếu về nghị quyết (của Mỹ) vào ngày 2/3/2022 “yêu cầu Nga ngừng cuộc tấn công ở Ukraine”. Không cảnh báo trước, Yaoundé (thủ đô Cameroon) đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu thứ hai tại Liên Hợp Quốc, vào ngày 7/4, trước nghị quyết khác (của Mỹ) dẫn đến việc Nga đình chỉ tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Những sự kiện trên có thể khiến Cameroon bị coi là một kẻ chống phương Tây thực sự.

Nội dung của hiệp định quân sự Nga - Cameroon, được đưa ra sau hiệp định đầu tiên được ký với Cameroon vào ngày 15/4/2015, không chứa điều gì đặc biệt. Nó bao gồm “trao đổi ý kiến ​​và thông tin về chính sách quốc phòng và an ninh quốc tế; phát triển quan hệ trên các lĩnh vực liên hợp huấn luyện quân sự, công binh, quân y, địa hình quân sự, thủy văn quân sự, văn hóa thể thao; trao đổi kinh nghiệm gìn giữ hòa bình và tương tác trong các hoạt động hỗ trợ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc; tương tác trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển; tương tác trong các hoạt động chống khủng bố và chống cướp biển”.

Tuy nhiên, có một điểm mới nhỏ so với hiệp ước quan hệ Đối tác Quốc phòng giữa Cameroon với Pháp, được gia hạn dưới thời Nicolas Sarkozy vào ngày 21/5/2009, Nga sẽ giúp đỡ người bạn châu Phi với tư cách là một nhà tài trợ thực sự chứ không phải là một nhà cung cấp dịch vụ được trả tiền đơn giản: “...mỗi bên chịu các chi phí liên quan đến việc họ tham gia vào các hoạt động của các đại diện của mình (…). Việc tiến hành các hoạt động phụ thuộc vào sự sẵn có của quỹ từ các bên”.

Hợp tác quân sự với Nga: “Cú đâm sau lưng” các nước phương Tây của Cameroon
Ký thỏa thuận quân sự Nga - Cameroon

Thỏa thuận bí mật đã cố gắng né tránh sự chú ý của truyền thông. Nó đã không gây ra phản ứng chính thức ngay lập tức từ “cộng đồng quốc tế” thân Mỹ, đặc biệt là Liên minh châu Âu. Các đồng minh này thậm chí từng xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia châu Phi thân Nga. Thỏa thuận là bí mật. Vì sao thông tin lại bị rò rỉ? Ở châu Phi, ông Putin là người chơi cờ. Tổng thống Cameroon cũng không phải là người chống đế quốc triệt để. Ông ấy cũng là một kỳ thủ. Một người thông minh. Nhà ngoại giao nước ngoài mà Yaoundé tiếp thường xuyên nhất tại phủ tổng thống, đó là đại sứ Pháp, ông Christophe Guilhou.

Theo giới phân tích, vừa muốn bảo tồn những yếu tố cần thiết của hệ thống liên minh với Pháp, ông Paul Biya cũng muốn quốc tế hiểu hơn về cuộc chiến giữa chính phủ và Ambazonians, những người ly khai nói tiếng Anh. Cả ông Biya và người Ambazonians đều không đạt được bất kỳ cam kết thực sự nào của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ coi cuộc xung đột vũ trang này là cuộc xung đột vũ trang nhỏ dưới tay đồng minh Pháp. Vào tháng 3/2019, Mỹ rút toàn bộ 300 binh sĩ đóng quân ở Garoua phía bắc Cameroon vào năm 2015 do chính quyền Obama triển khai trong Lực lượng đa quốc gia chung chống lại giáo phái khủng bố Boko Haram.

Ông Paul Biya muốn ghi điểm trong trận chiến nhạy cảm giữa Ukraine và Nga. Nhưng ông Biya vẫn là đối tác của Nga chứ không phải đồng minh của Nga. Không có quốc gia châu Phi nào nằm trong danh sách "các quốc gia không thân thiện" với Nga do ông Vladimir Putin công bố hồi đầu tháng Ba. Hơn nữa, Điện Kremlin đã hứa: lúa mì Nga sẽ được ưu tiên bán cho các nước này, điều này sẽ làm sai lệch các dự báo của phương Tây về nạn đói sắp xảy ra ở châu Phi do khó khăn về nguồn cung gây ra bởi cuộc chiến ở Ukraine.

Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Đại sứ Nga tại Cameroon Anatoly Bashkin đã gợi ý rằng lúa mì Nga nhập khẩu vào Cameroon không còn qua trung gian nữa. Ông cũng hứa sẽ xây dựng lại công ty lọc dầu chiến lược của Cameroon bị tàn phá bởi một vụ hỏa hoạn bí ẩn.

Tại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đầu tiên được tổ chức tại Sochi, Nga vào tháng 10/2019, ông Biya đã không đến tham dự bất chấp việc đại sứ Nga đã đến gặp riêng ông để mời. Ông cũng không cử đại diện quan trọng đến đó. Liệu đây có phải để trấn an Pháp - Mỹ? Trên thực tế, việc phương Tây nói rằng họ không để ý hoặc không phản ứng trước việc Cameroon ký kết thỏa thuận quân sự với Nga chỉ là ngoài mặt. Nhà Trắng đang theo dõi rất chặt chẽ những diễn biến ngoại giao của Tổng thống Putin.

Thỏa thuận được ký vào ngày 12/4/2022 với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Choigou bị che đậy bởi vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp được tổ chức một ngày trước đó. Chỉ 3 ngày sau, vào ngày 15/4, ông Joe Biden đáp trả một cách kín đáo. Ông đã cấp quy chế tị nạn cho 40.000 người Cameroon xin tị nạn do cuộc chiến ly khai, sống ở khu vực thủ đô Washington DC và California, mặc dù trước đó trong nhiều năm, luật sư người Haiti Guerline M. Jozef, người sáng lập Mạng lưới vận động chính sách Cameroon đã yêu cầu rất rõ ràng nhưng vô ích.

Đó không phải là tất cả. Một dòng tweet từ cựu Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi thời dưới Tổng thống Donald Trump và cựu Phó trưởng Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Yaoundé, ông Tibor P. Nagy, tóm tắt cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh phản ứng của Mỹ đối với thỏa thuận quân sự Nga - Cameroon: “Tôi không thể tin được”. Nhà ngoại giao Mỹ phẫn nộ nói rằng "chính phủ Cameroon đã ký một thỏa thuận quân sự với Nga vào thời điểm cực kỳ tồi tệ - vào đỉnh điểm của cuộc chiến ở Ukraine. Đây là một cú đâm sau lưng trong mắt Hoa Kỳ và Pháp, hai quốc gia mà Cameroon có thể cần họ giúp đỡ trong tương lai". Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine có thể báo trước một kỷ nguyên mới, đó là chủ nghĩa đa phương.

Trong mọi trường hợp, thỏa thuận Nga - Cameroon giờ sẽ được âm thầm bàn tán trong các hội nghị về an ninh quốc tế. Các bộ trưởng quốc phòng châu Phi đều bày tỏ sự cần thiết phải được Moscow hỗ trợ trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo. Như vậy, Nga đã tiến hành một cuộc trở lại mạnh mẽ trên lục địa châu Phi và do sự kém hiệu quả của các cơ chế quốc tế, Moscow đang tiến hành một làn sóng đổ bộ vào các quốc gia châu Phi, những nước mà ý kiến ​​của họ không được chú ý tại các diễn đàn quốc tế.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một yếu tố thúc đẩy. Phương Tây sẽ phải hiểu rằng người Nga chắc chắn sẽ gần gũi hơn trong thế giới thuộc địa mà phương Tây chưa bao giờ thừa nhận sự trưởng thành hoặc khả năng tự quyết, ít có quyền đưa ra ý kiến ​​khác.

Các Các "ông lớn" năng lượng châu Âu được "bật đèn xanh" mua khí đốt Nga
Tổng thống Putin cảnh báo châu Âu Tổng thống Putin cảnh báo châu Âu "tự sát về kinh tế" khi cấm vận dầu Nga
Nga, Ukraine ký hợp đồng trung chuyển khí đốt 5 nămNga, Ukraine ký hợp đồng trung chuyển khí đốt 5 năm

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc