Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua

08:36 | 27/09/2021

251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuốn sách thể loại ký, ghi chép của nhà văn Sương Nguyệt Minh “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua” được NXB Văn học và Sbooks phát hành cuối tháng 9/2021.
Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua

Đại dịch thế kỷ Covid-19 được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Loại virus mới lạ này được cho là bắt nguồn từ khu chợ Hoa Nam chuyên bán hải sản và động vật hoang dã. Ngày 31/12/2019, Trung Quốc báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về một loại virus mới gây viêm phổi cấp ở 27 người. Một ngày sau, chính quyền Vũ Hán đóng cửa chợ hải sản Hoa Nam khi truy vết một số bệnh nhân là các tiểu thương hoặc người đến chợ này. Ba tuần sau, chính quyền Bắc Kinh ra lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán hơn 11 triệu dân. Người ta nghĩ đến có một loại virus Corona từ con dơi qua loại động vật khác lây sang người, rồi từ người sang người theo đường hô hấp là chủ yếu, và lây nhiễm rất nhanh. Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do sự bùng phát và lây lan của virus corona chủng mới bởi quy mô đã rộng lớn, tốc độ chóng mặt và nguy hiểm vô cùng.

Lúc đó, những người phiêu lưu, có trí tưởng tượng sáng tạo bay bổng, phong phú bao nhiêu cũng không nghĩ nhân loại đang đi dần đến thảm họa thế kỷ vô cùng tàn khốc, vô tận đau thương như bây giờ. Đại dịch thế kỷ Covid-19 đi đến đâu là nó càn quét con người, tiền bạc, vật chất và hủy hoại nhiều giá trị tinh thần. Đến đầu tháng 7 năm 2021, toàn thế giới đã có gần 200 triệu người lây nhiễm Covid-19, và hơn 4 triệu người chết. Sản xuất đình đốn. Kinh tế xuống dốc. Tài chính khủng hoảng. Hàng trăm triệu người thất nghiệp… Thiệt hại về vật chất và tinh thần nhiều vô kể. Thời đại hội nhập toàn cầu, không có quốc gia - vùng lãnh thổ nào đơn lập, mà đều liên quan tác động, ảnh hưởng lẫn nhau.

Nước Việt Nam cũng không đứng ngoài cơn bão giông thế kỷ mang tên Covid-19. Hậu quả do đại dịch để lại vô cùng lớn, không tính toán được. Những con virus Sars-Cov-2 (Covid-19) vô tướng, vô hình, vô thanh, mắt thường không nhìn thấy được, nhưng lại có sức mạnh bất tận. Dường như virus Sars-Cov-2 đặt ra “luật chơi”, và phá hủy nhiều hệ giá trị tinh thần đã ổn định của loài người, làm nhân loại thất điên bát đảo. Con người nhận thức về con người, về thế giới và hành động, ứng xử thế nào, phòng tránh thiên tai ra sao vẫn là cuộc hành trình bất tận đi tìm câu trả lời. Nhưng, những gì xảy ra trong đại dịch thì tất cả đều lộ diện y nguyên, trần trụi, khiến chúng ta giật mình phải điều chỉnh lại tư duy và cách sống.

Người Việt có câu: “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Nói một cách văn chương là “hoàn cảnh bộc lộ tính cách”. Quả thật, đại dịch Covid-19 như “hàn thử biểu” đo lòng người. Cuộc chiến chống virus Sars-Cov-2 càng khốc liệt, tang tóc, thì phẩm chất con người càng thử thách. Đọc “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua”, bạn đọc có thể hình dung được quá trình diễn biến của dịch. Dù đại dịch Covid-19 chưa đến hồi kết, nhưng đã có quá nhiều điều đáng kể, đáng nói, đáng ghi chép lại từ một hiện thực nóng bỏng và khốc liệt. Bên cạnh những người giả dối, cơ hội, trục lợi, chủ quan, lơ là, lo sợ, hoang mang, kỳ thị,… thậm chí vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì số đông là những người chân thực, thiện lương, tử tế, can đảm, tận tụy, tỉnh táo, giàu tình thương yêu, thầm lặng làm việc tốt trước thiên tai nghiệt ngã… Những sự kiện, câu chuyện, nhân vật ấy đã được ghi lại bằng cái nhìn tỉnh táo, nhân văn giàu trách nhiệm người cầm bút của Nhà văn, Nhà báo Sương Nguyệt Minh. Ông nêu sự kiện, ông trích văn bản đặt trong ngoặc kép, ông dẫn câu chuyện rồi ông bình luận, khái quát bằng một cái nhìn khách quan, sắc sảo.

Tập bút ký - bình luận “Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua” là tập sách sinh động, thú vị, hấp dẫn, sẽ được bạn đọc đón nhận, chia sẻ và đồng cảm.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh:

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: "Người Hà Nội thanh lịch" chỉ còn trong hoài niệm!

Không phải ngẫu nhiên khi đề cập đến những hành vi “phản văn hóa” đã và đang tồn tại trong đời sống thường nhật của người dân Thủ đô, nhiều người phải thốt lên rằng: “Hà Nội thanh lịch không còn”. Điều này chạm đúng vào “nỗi đau” của rất nhiều người vẫn “nặng lòng” với Hà Nội, trong đó có nhà văn Sương Nguyệt Minh. Trao đổi với Năng lượng Mới - PetroTimes, ông nói: "Hà Nội thanh lịch, chỉ còn trong văn chương".

Việt Châu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan