Khí thải ngày càng có giá

12:30 | 21/05/2011

1,302 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hơn 11 triệu euro là tổng số tiền đã thu được từ bán quyền phát thải (CERs) của Dự án thu gom và sử dụng khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông. Tuy nhiên, số tiền bán CERs mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể thu được vẫn còn rất nhiều cơ hội tại các lĩnh vực khác.

Việc đầu tư để sử dụng nguồn khí đồng hành đang mang lại cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các nhà phát triển mỏ dầu

Hợp đồng dầu khí lô 15.2 tại mỏ Rạng Đông giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đối tác được ký vào tháng 10/1992. Bên cạnh khai thác dầu thuận lợi, từ tháng 1/2001, công ty liên doanh JVPC, nhà điều hành hợp đồng dầu khí này cũng đã bắt đầu thu gom khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông và vận chuyển vào bờ, phục vụ nhu cầu công nghiệp và dân sinh. Không chỉ thu được lợi ích từ việc bán khí, việc đầu tư để sử dụng nguồn khí đồng hành tìm kiếm được trong quá trình khai thác dầu, thay vì đốt bỏ như trước đó cũng đã mang lại cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các nhà phát triển mỏ dầu này khi trở thành dự án đầu tiên hoạt động theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM) tại Việt Nam. Dự án sử dụng khí đồng hành từ quá trình khai thác dầu mỏ để cấp cho công nghiệp và dân sinh này có chi phí đầu tư 73 triệu USD và dự kiến sẽ giảm được 6,7 triệu tấn CO2 trong thời gian 10 năm, kể từ năm 2001.

Ngày 28/2/2008, Dự án đã được cấp các “Chứng nhận giảm phát thải” (CERs) đợt đầu tiên với hơn 2 triệu CERs thuộc sở hữu của PVN và Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) theo thỏa thuận phân chia CERs của Dự án. Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) được PVN ủy nhiệm thực hiện việc bán CERs này đã chia thành từng “gói” CERs để đấu giá. Tháng 5/2010, hợp đồng đầu tiên chuyển giao một phần số CERs này đã được ký kết giữa PVN với Tập đoàn Dầu khí Năng lượng Mercuria (Thụy Sỹ), với giá bán 13,5 USD/CER. Lần đấu giá này mang lại cho PVN gần 5 triệu euro. Hợp đồng bán CER thứ 2 được ký vào ngày 27/7/2010 với Tập đoàn Vitol SA (Thụy Sỹ) cũng mang lại gần 6 triệu euro, với giá bán 11,5 euro/CER.

Với phương thức chỉ cần có “chứng nhận giảm phát thải hiệu ứng nhà kính”, bất kể chứng nhận đó có nguồn gốc hay được thực hiện tại quốc gia nào, cũng được chấp nhận đã đóng góp giảm phát thải hiệu ứng nhà kính như cam kết trong Nghị định thư Kyoto (quy ước 1 CERs bằng 1 tấn khí gây hiệu ứng nhà kính), thị trường buôn bán CERs cũng đã phát triển mạnh tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, giá 1 CERs ở châu Âu đã tăng từ mức 3 euro thời điểm năm 2003 lên mức 13-14 euro hiện nay.

Bán CERs từ các dự án áp dụng CDM giờ đây không còn xa lạ với nhiều dự án trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối hay thủy điện nhỏ; xử lý rác thải, xử lý nước thải tại Việt Nam bởi sự hiện diện của rất đông người mua đến từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, không phải cứ có dự án áp dụng CDM, thì chủ đầu tư sẽ kiếm được tiền từ việc bán quyền phát thải.

Đến từ một văn phòng của Nhật Bản đang tìm kiếm các chứng chỉ phát thải từ những dự án thủy điện nhỏ, một chuyên gia cho hay, chỉ những dự án chưa khởi công xây dựng nhà máy mới có thể đàm phán được với đối tác để bán quyền phát thải này. Nguyên do khi đánh giá hiệu quả của những dự án thủy điện này, các cơ quan cấp chứng chỉ phát thải cũng xem xét rất kỹ về tính kinh tế của dự án và cho rằng, nếu dự án có thêm nguồn thu từ bán quyền phát thải, các chủ đầu tư sẽ quyết tâm đầu tư dự án này. Nhờ vậy, thế giới sẽ bớt đi một lượng phát thải do nhà máy điện không dùng nhiên liệu hóa thạch là than, khí hay dầu. Còn với các dự án đã đi vào hoạt động, tức là nguồn thu tự bản thân dự án đã đủ để trang trải kinh phí đầu tư, thì sẽ không bán được CERs.

Cũng không phải dự án nào thuộc các lĩnh vực trên cũng có thể bán được quyền phát thải, bởi có những dự án lượng phát thải mua được không cao, trong khi chi phí để đăng ký và công nhận ở trong nước và nước ngoài không nhỏ, bình quân cỡ 100.000 euro, nên chưa chắc thu đã đủ bù chi.

Một chuyên gia trong lĩnh vực mua CERs của Tập đoàn EDF (Pháp) cũng cho phóng viên Báo Đầu tư hay, quá trình đăng ký một dự án CDM khá phức tạp, nên cần sự hiểu biết chuyên sâu để giúp chủ đầu tư đăng ký thành công dự án đó. Chủ đầu tư cần tìm hiểu xem người mua “đã đăng ký thành công bao nhiêu dự án”, chứ không phải là “đang tư vấn cho bao nhiêu dự án”, vì có những người được tư vấn nhiều, nhưng lại không đăng ký thành công được dự án nào.

“Chủ đầu tư khi tìm người mua chứng chỉ phát thải dự án, ngoài việc quan tâm tới giá cả, còn phải đặc biệt quan tâm tới tình hình tín dụng và uy tín của người mua”, ông này nói.

Theo BDT

DMCA.com Protection Status