Khoa học - công nghệ dầu khí đi trước một bước

15:30 | 18/01/2013

922 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Trong những năm qua, kể từ khi Chính phủ cho phép thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoạt động theo mô hình tập đoàn, lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN) đã bước sang một trang mới, được ưu tiên phát triển và trở thành 1 trong 3 nhóm giải pháp đột phá, là động lực thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế vừa mới được ban hành đã kịp thời chỉ ra nhiều nhiệm vụ cho khoa học cả nước nói chung, ngành Dầu khí nói riêng tăng tốc phát triển. 

Nghị quyết có nêu: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”. Thật vậy, trong những năm qua, kể từ khi Chính phủ cho phép thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoạt động theo mô hình tập đoàn, lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN) đã bước sang một trang mới, được ưu tiên phát triển và trở thành 1 trong 3 nhóm giải pháp đột phá, là động lực thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển.

Nhà máy Đạm Cà Mau đang sử dụng công nghệ hiện đại bậc nhất Đông Nam Á

Hiện tại, Viện Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) là một trong những viện nghiên cứu được đầu tư chiều sâu, bài bản, nơi tập trung hàng trăm nhà khoa học chuyên ngành hàng đầu Việt Nam. Năm 2012, Viện Dầu khí Việt Nam đã triển khai và thực hiện 200 đề tài/nhiệm vụ, với 113 đề tài/nhiệm vụ chuyển tiếp và 87 đề tài/nhiệm vụ ký mới. Trong đó có 18 đề tài cấp Bộ, Nhà nước, 109 đề tài/nhiệm vụ cấp Tập đoàn, 15 đề tài/nhiệm vụ cấp Viện và các nghiên cứu khoa học đối tác khác. Bên cạnh đó, Hội đồng Khoa học - Công nghệ Tập đoàn cũng là nơi tập hợp những cán bộ nghiên cứu khoa học hàng đầu, đã có công lao lớn trong cụm công trình nhận giải thưởng Hồ Chí Minh 2010 “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”. Có thể thấy, cơ sở vật chất trong nghiên cứu khoa học của ngành Dầu khí là rất lớn, đúng với định hướng của Đảng, mong ước của nhân dân.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế như tham gia thường xuyên vào các hội nghị, triển lãm dầu khí Đông Nam Á (ASCOP), tham gia diễn đàn KHCN với các đối tác chiến lược. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về việc các ngành, cấp đổi mới hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, PVN đang trình các cấp phê duyệt đề án nhập Viện Dầu khí Việt Nam và Đại học Dầu khí Việt Nam thành Học viện Dầu khí Việt Nam để hội tụ trí tuệ, nâng cao năng lực, nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm mới; đồng thời thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực.

Trong nhiệm vụ, giải pháp được Đảng đưa ra về phát triển KHCN có nêu: “Huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ. Nâng tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2015, trên 2% GDP vào năm 2020 và khoảng 3% GDP vào năm 2030. Tăng đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm. Có cơ chế sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế hỗ trợ đổi mới và chuyển giao công nghệ. Khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao”. Hiện tại trong ngành Dầu khí, các đơn vị thành viên đều có Quỹ KHCN và hoạt động có hiệu quả. Hằng năm, các hội nghị về KHCN ở cấp đơn vị được tổ chức nhằm kiện toàn bộ máy, đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động và đúc kết kinh nghiệm thực tiễn. Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling)... là những đơn vị trong ngành Dầu khí có cơ sở vật chất nghiên cứu KHCN hiện đại, được đầu tư dài hạn về tài chính và có định hướng lâu dài.

Với định hướng ưu tiên phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ liên ngành, trong ngành Dầu khí, nếu không sử dụng công nghệ hiện đại thì sẽ tụt hậu rất nhanh bởi giá trị kinh tế của một công nghệ lạc hậu và một công nghệ tiên tiến chênh nhau rất lớn cả về chất và lượng.

Một trong những điển hình về khoa học công nghệ trong ngành Dầu khí hiện nay là Nhà máy Đạm Cà Mau. Công nghệ được áp dụng tại Nhà máy Đạm Cà Mau được đánh giá là tiên tiến và hiện đại nhất Đông Nam Á. Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn urê/năm được xây dựng trên diện tích 52ha tại địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, với tổng mức đầu tư 900,2 triệu USD. Công nghệ được áp dụng cho nhà máy đều là các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay, bao gồm: Công nghệ sản xuất Ammonia của Haldor Topsoe SA (Đan Mạch); công nghệ sản xuất urê của SAIPEM (Italy); công nghệ vê viên tạo hạt của Toyo Engineering Corp. (Nhật Bản).

Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7. Các tiêu chuẩn áp dụng cho nhà máy là các tiêu chuẩn quốc tế (ASME, API, JIS…) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn, phòng chống cháy nổ của Việt Nam, tương tự Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Với công nghệ tổng hợp amoniac, nhà máy chọn công nghệ của Hãng Haldor Topsoe A/S nổi tiếng đã được khẳng định qua tính ưu việt của các cụm thiết bị công nghệ. Cụm tách CO2 sử dụng công nghệ của BASF với hiệu suất phân tách cao, tiêu hao năng lượng thấp và ít gây tác hại đến môi trường.

Quá trình tạo hạt, nhà máy sử dụng công nghệ của Toyo Engineering Corp. (TEC - Nhật Bản), cho ra nhiều sản phẩm hạt có kích thước khác tương ứng với mỗi mục đích sử dụng. Hệ thống tạo hạt có thể hoạt động liên tục không phải vệ sinh với thời gian khoảng 4 hay 6 tuần. TEC đã đẩy mạnh cải tiến phần thiết kế thiết bị lọc bụi nhằm mục đích thu hồi bụi tốt hơn và giảm giá thành lắp đặt. Bụi đạm có trong khí thải hầu như không có.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) Lê Mạnh Hùng cho biết: Ngoài đạt tiến độ và chất lượng theo yêu cầu, dự án đã tiết kiệm trên 150 triệu USD so với tổng mức đầu tư được duyệt. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Cà Mau không chỉ góp phần bình ổn nguồn phân bón trên cả nước, mà còn thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về một nhà máy khép kín, hướng đến “xanh hóa” nền công nghiệp của Việt Nam.

Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí: Do đòi hỏi khách quan của ngành cũng như sự có mặt của nhiều nhà thầu dầu khí hàng đầu thế giới, trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, PVN đang sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, kể cả các ứng dụng mới nhất của công nghệ tin học như các phần mềm xử lý và minh giải số liệu, tài liệu địa chất vật lý, mô hình hóa và mô phỏng mỏ, thiết kế khai thác, công nghệ khai thác dầu trong móng…

Tóm lại, những định hướng của Đảng trong phát triển KHCN có nhiều mục tiêu, giải pháp, PVN đã thực hiện thành công trong nhiều năm nay. Nghị quyết số 20 ra đời là một cú hích lớn cho KHCN Dầu khí có thêm định hướng, thêm quyết tâm của Đảng, Nhà nước để ngành Dầu khí vươn cao, vươn xa.

Đ.Chính

DMCA.com Protection Status