Không có giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu

17:07 | 09/10/2021

845 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - CNN ngày 7/10/2021 đưa tin cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn trước mùa đông, khi cần nhiều năng lượng hơn để thắp sáng và sưởi ấm. Giá khí đốt tự nhiên tăng một cách bất thường, chi phí than tăng vọt và dự đoán giá dầu là 100 USD.

Các chính phủ trên thế giới đang cố gắng hạn chế tác động đến người tiêu dùng, nhưng phải thừa nhận rằng khó có thể ngăn được giá tăng đột biến. Bức tranh càng phức tạp hơn khi các chính phủ chịu áp lực ngày càng tăng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26) đầu tháng 11.

Không có giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu
Nhà máy điện Neurath của công ty năng lượng RWE của Đức tại Cologne, Đức. Ảnh: Wolfgang Rattay/Reuters.

Cuộc khủng hoảng đẩy giá năng lượng tăng cao

Tại châu Âu, khí đốt tự nhiên hiện được giao dịch ở mức tương đương 230 USD/thùng nếu tính theo dầu, tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và cao hơn 8 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Tại Đông Á, giá khí đốt đã tăng 85% kể từ đầu tháng 9, tương đương 204 USD/thùng nếu tính theo dầu. Tại Mỹ, nước xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên, giá khí đốt vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá toàn cầu, nhưng đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm.

Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt cũng đang đẩy giá than và dầu lên cao, những nhiên liệu được sử dụng thay thế khí đốt nhưng gây ảnh hưởng xấu đến khí hậu. Chưa bao giờ giá điện lại tăng nhanh như hiện nay. Ở Trung Quốc, tình trạng mất điện kéo dài đã bắt đầu. Ở Ấn Độ, nước vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than, các nhà máy nhiệt điện đang tranh giành than. Sự tranh giành than cũng khiến giá nhiều công ty châu Âu phải trả cho các khoản tín dụng carbon để đốt nhiên liệu hóa thạch tăng vọt. Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến cho giá dầu tăng, mặc dù giá dầu đã đạt mức cao nhất trong bảy năm tại Mỹ trong tuần này. Ngân hàng Bank of America đã dự đoán một mùa đông lạnh giá có thể đẩy giá dầu thô Brent vượt 100 USD/thùng. Giá dầu đã không cao như vậy kể từ năm 2014. Sự lo lắng đã khiến thị trường bị tách ra khỏi các yếu tố cơ bản của cung và cầu.

Tình hình này khiến các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư lo lắng. Giá năng lượng tăng đang góp phần gây ra lạm phát, là mối quan tâm lớn khi nền kinh tế toàn cầu đang cố gắng loại bỏ những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19. Nhu cầu năng lượng tăng cao trong mùa đông có thể làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Hôm thứ Tư, Cao ủy về năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson cho biết cú sốc giá tăng cao là một cuộc khủng hoảng không mong đợi tại một thời điểm quan trọng, EU sẽ có phản ứng chính sách dài hạn hơn vào tuần tới nhưng ưu tiên trước mắt là giảm thiểu tác động xã hội và bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Không có giải pháp nhanh chóng

Một mùa đông dài và lạnh bất thường vào đầu năm nay đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên ở châu Âu. Nhu cầu năng lượng tăng cao đã cản trở quá trình tích trữ khí đốt, thường diễn ra trong mùa xuân và mùa hè. Cuộc khủng hoảng khí đốt của châu Âu cũng là cuộc khủng hoảng năng lượng tái tạo. Nhu cầu ngày càng cao của Trung Quốc đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG đã làm cho thị trường LNG không thể đáp ứng đủ. Xuất khẩu khí đốt của Nga sụt giảm và sản lượng gió thấp bất thường làm trầm trọng thêm vấn đề. Việc không có một nhà cung cấp duy nhất có thể nhanh chóng tăng cường sản xuất khí đốt, khiến cho vấn đề giá khí đốt tăng cao khó có thể được giả quyết nhanh chóng. Theo chuyên gia, có lẽ giá khí đốt cao sẽ kéo dài trong cả mùa đông ở Bắc bán cầu.

Không có giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang đến nhưng khó tìm ra một giải pháp nhanh chóng. Ảnh: Vitaly Nevar/Tass.

Về mặt lý thuyết, Nga có thể thúc đẩy giải quyết vấn đề khí đốt. Nếu cơ quan quản lý của Đức phê duyệt nhanh hơn thủ tục đối với Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), việc dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga đến châu Âu sẽ làm giảm đáng kể căng thẳng về khí đốt. Tuy nhiên, Nord Stream 2 đang là dự án gây tranh cãi ở châu Âu. Hôm thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gợi ý rằng Nga có thể tăng sản lượng xuất khí đốt vào EU, khẳng định Gazprom không bao giờ từ chối tăng nguồn cung nếu nhận được yêu cầu. Tại hội nghị ngành trong tuần qua, Neil Chapman, Phó Chủ tịch cấp cao ExxonMobil cũng nhấn mạnh những hạn chế ngắn hạn, cho biết ngành khí đốt đòi hỏi rất nhiều vốn và không thể chỉ bật nguồn cung lên là giải quyết được vấn đề.

Triển vọng trong tương lai

Theo các chuyên gia, kịch bản tốt nhất là mùa đông với nhiệt độ trung bình sẽ làm giảm áp lực về giá khí đốt trong Quý 2 năm 2022. Nhưng nếu thời tiết khắc nghiệt trong những tháng tới sẽ tạo ra căng thẳng lớn, đặc biệt là ở các nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên để sản xuất năng lượng, như Ý và Anh.

Khó tìm ra một giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay
Các kho chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở miền Nam nước Anh. Ảnh: CNN.

Nhiều nhà phân tích lo ngại giá khí đốt tăng sẽ khiến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của châu Âu gặp rủi ro. Chi phí năng lượng tăng cao hơn có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho các nhu cầu khác. Biến động giá khí đốt cũng làm tăng sự hoài nghi của công chúng về quá trình chuyển đổi năng lượng và có thể yêu cầu đầu tư nhiều hơn vào dầu và khí đốt để hạn chế những biến động trong tương lai.

Các chính phủ cam kết giảm phát thải đang cố gắng gửi đi một thông điệp rõ ràng là sẽ củng cố chứ không giảm đầu tư vào hỗn hợp nhiều nguồn năng lượng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định rằng với năng lượng trong dài hạn, điều quan trọng là phải đầu tư vào năng lượng tái tạo. Điều đó mang lại cho EU giá cả ổn định và độc lập hơn so với hiện nay khi 90% khí đốt được nhập khẩu vào EU./.

Thanh Bình