Khủng bố dầu mỏ - công cụ để tác động đến thị trường

17:17 | 23/12/2020

|
(PetroTimes) - Trong khi thị trường dầu đang theo sát diễn biến của đại dịch Covid-19 cũng như động thái của các nước tham gia thỏa thuận OPEC+ thì tình hình xung quanh việc vận chuyển dầu từ bán đảo Ả Rập bắt đầu leo thang ở Trung Đông và những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc chiến tranh tàu chở dầu khác đang xuất hiện.
Mozambique: Các cơ sở khí đốt chiến lược bị khủng bố tấn côngMozambique: Các cơ sở khí đốt chiến lược bị khủng bố tấn công
Nổ mìn ở cảng Saudi Arabia, một tàu bị hư hại, Riyadh nói do khủng bốNổ mìn ở cảng Saudi Arabia, một tàu bị hư hại, Riyadh nói do khủng bố
Khủng bố dầu mỏ - công cụ để tác động đến thị trường

Vào ngày 14/12 vừa qua, một tàu chở nhiên liệu BW Rhine của Singapore đang đậu tại cảng dầu ở Jeddah (KSA) đã bị tấn công. Sau vụ việc này, chính quyền KSA đã đóng cửa cảng vô thời hạn. Điều đáng chú ý là vụ tấn công xảy ra ngay sau vụ tấn công vào một con tàu ở Al-Shuqaiq (KSA), cũng như cuộc tấn công bằng tên lửa vào một kho nhiên liệu ở Jeddah và cuộc tấn công vào bệ dỡ hàng nổi của một trạm phân phối dầu ở Jizan (KSA).

Phong trào nổi dậy Ansar Allah đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các cơ sở của Saudi Aramco ở Jeddah. Đại diện của tổ chức này khuyến cáo các công ty nước ngoài hoạt động tại KSA nên thận trọng vì các hoạt động khủng bố như vậy sẽ tiếp tục. Trước đó vào ngày 23/11, một tàu chở dầu lớp Aframax Agrari, treo cờ Malta, đã bị tấn công ở ngoài khơi bờ biển KSA trên Biển Đỏ. Con tàu đã bị tấn công bằng mìn sau khi rời cảng. Sau sự việc này, có ít nhất 5 quả mìn khác do phiến quân Houthi (Yemen) lắp đặt, đã được tìm thấy và vô hiệu hóa trên Biển Đỏ. Ngày 25/11, liên quân do KSA dẫn đầu đã phá hủy một tàu của phiến quân Houthi chở chất nổ ở phía nam Biển Đỏ.

Khủng bố dầu mỏ - công cụ để tác động đến thị trường

Theo thời báo Independent, các vụ tấn công tàu chở dầu và cơ sở dầu mỏ ở KSA đã khiến Chính phủ Anh “bí mật” triển khai quân đội để bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở KSA mà không thông báo trước cho Quốc hội và công chúng. Theo Independent, chính quyền Anh quyết định như vậy do các mỏ dầu ở KSA là cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng. Điều gây tò mò cho dư luận là vào năm 2019, khi có một giai đoạn xảy ra các vụ bắt giữ tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư và sau đó là cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu ở KSA, không liên minh phương Tây nào cố gắng bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu mỏ của KSA mặc dù các cuộc tấn công bằng tên lửa vào tháng 9/2019 lớn hơn và gây ra hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả những tác động đến thị trường.

Tình hình ở Vịnh Guinea, nơi liên tục diễn ra các cuộc tấn công của hải tặc vào tàu chở dầu lại không khơi dậy được mối quan tâm đặc biệt nào của các nước phương Tây. Hơn 130 người đã bị bắt cóc trong khu vực kể từ đầu năm đến nay. Cuộc tấn công cuối cùng diễn ra vào ngày 15/12. Cướp biển đã cướp tàu chở dầu New Ranger trên hải trình từ cảng Douala (Cameroon) đến cảng Lome (Togo).

Khủng bố dầu mỏ - công cụ để tác động đến thị trường

Cuộc tấn công diễn ra ngoài khơi đảo Principe, cách bờ biển Nigeria 260 km về phía tây nam. Điều quan trọng là cướp biển trước đó đã tấn công con tàu này hai lần. Vịnh Guinea là một trong những tuyến đường biển huyết mạch quan trọng của thế giới. Qua đó dầu được vận chuyển từ đồng bằng sông Niger ra thị trường. Hiện tại, đối với các công ty dầu mỏ quốc tế đang hoạt động tại các quốc gia như Gabon, Togo, Guinea Xích đạo, Cameroon, Nigeria, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đã tăng lên đáng kể.

Có một đặc điểm là cho đến nay vẫn chưa có lực lượng nào đứng ra chấm dứt sự phá hoại và giáng đòn vào các tổ chức hải tặc trong thế kỷ XXI. Các chuyên gia dầu khí cho rằng, điều này có liên quan đến những lý do chính trị và kinh tế. Do đó, hiện tượng khủng bố dầu mỏ có khả năng sẽ sớm nở rộ. Các lý do chính bao gồm: sự thay đổi Tổng thống Mỹ, kéo theo sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước này; sự phục hồi của kinh tế thế giới sau đại dịch. Ngoài ra, khủng bố dầu mỏ có thể coi là một cung cụ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ “vừa rẻ và vừa vui”, và trong hầu hết các trường hợp hoàn toàn không bị trừng phạt. Những ảnh hưởng tới giá dầu cũng chỉ mang tính nhất thời.

Những dấu hiệu của cuộc xung đột lớn

Nhà khoa học chính trị Dmitry Evstafiev cho biết, vẫn còn một tháng nữa mới đến ngày Chính phủ mới của Mỹ ra mắt nên bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Do đó, chúng ta có thể quan sát thấy tình hình ở Trung Đông trở nên trầm trọng hơn, bao gồm những vấn đề ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dầu mỏ. Chuyên gia Evstafiev nhấn mạnh, chúng ta đang thấy ở Trung Đông những dấu hiệu của một cuộc xung đột lớn giữa KSA và Israel, cũng như Iran. Vị thế bá chủ trong khu vực dưới hình thức song song của KSA và Israel có lợi hơn nhiều cho Mỹ, bất kể Iran có động thái như thế nào. Những người đi trước có thể trì hoãn một cuộc chiến tranh lớn, như đẩy nó về phía Yemen, nhưng họ không thể loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa. Do đó, từ quan điểm quân sự và chính trị, dầu mỏ của Trung Đông sẽ phải chịu áp lực trong thời gian tới và biến động giá dầu có thể khá mạnh. Ngoài ra, chuyên gia Evstafiev lưu ý rằng, thế giới đang chuẩn bị cho một lối thoát khỏi những hạn chế của đại dịch song chưa ai biết liệu điều này có xảy ra hay không. Những gì chúng ta thấy là sự chuẩn bị của hệ thống kinh tế tại một số quốc gia, chủ yếu là khu vực châu Á cho một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới. Quốc gia chiếm lĩnh thị trường năng lượng sẽ là bên đóng vai trò chính. Trong cuộc đấu tranh giành nguồn cung, mọi phương tiện đều có thể sử dụng đến, trong đó các cuộc tấn công tàu chở dầu và cơ sở hạ tầng dầu mỏ khá phù hợp với mục tiêu này.

Iran vẫn sẽ bị trừng phạt

Chuyên gia phân tích Quỹ An ninh năng lượng quốc gia, Đại học Tài chính thuộc Chính phủ LB Nga Igor Yushkov cho biết, sau khi nhậm chức, Biden sẽ giải quyết các vấn đề nội bộ trước tiên. Vì vậy, tân tổng thống sẽ khó có thể thay đổi đáng kể cục diện chính trị nội bộ ở Trung Đông. Đây không phải là ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo mới. Biden được dự báo là sẽ giành ưu tiên cho chống đại dịch Covid-19. Đối với vấn đề Iran, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống nước này thực sự đang được thảo luận, song chỉ với điều kiện là chính quyền Iran đồng ý hợp tác và cắt giảm chương trình hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, người Mỹ đã đánh lừa Iran một lần trong quá khứ. Mặc dù đã hoàn thành tất cả các yêu cầu theo thỏa thuận hạt nhân 2015, Iran vẫn bị trừng phạt dưới thời Tổng thống D.Trump. Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và đưa ra các biện pháp trừng phạt đơn phương. Theo chuyên gia Yushkov, chưa có cơ sở khẳng định rằng Biden có cần phải thay đổi tình hình xung quanh Iran hay không. Tổng thống Trump đã tự nhận trách nhiệm là nhà lãnh đạo thay đổi tình hình chính sách đối ngoại theo ý thích của mình. Nhưng nhìn chung, Mỹ được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran. Nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran sẽ cố gắng khai thác càng nhiều dầu càng tốt. Điều này sẽ gây áp lực lên giá dầu, hạn chế sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ, kéo theo sản lượng khí đốt của Mỹ giảm. Khi sản lượng khí đốt của Mỹ giảm sẽ kéo theo giá điện tăng và ảnh hưởng xấu đến kinh tế vĩ mô. Điều này hoàn toàn không cần thiết đối với Biden. Đồng thời, chuyên gia Yushkov dự báo, Iran sẽ không tiến hành các hoạt động quân sự quá mức, vì nó có thể dẫn đến thực tế là liên minh phương Tây sẽ giải quyết vấn đề này bằng biện pháp vũ lực.

Sử dụng dầu mỏ làm vũ khí

Chuyên gia Aleksei Anpilogov, chủ tịch Osnovanie Foundation cho biết, khái niệm “khủng bố toàn cầu” hiện nay chưa cụ thể. Ví dụ như, lực lượng Taliban ở Afghanistan “hôm qua” là những kẻ khủng bố thì “hôm nay” đã trở thành một bên đàm phán hiệu quả. Bản thân người Houthis ở Yemen không nguy hiểm, nhưng Iran đứng đằng sau cung cấp vũ khí và tên lửa cho họ. Được biết trong cuộc tấn công các nhà máy lọc dầu của KSA vào tháng 9/2019, các tên lửa đã được Ucraina bí mật chuyển giao cho các chiến binh Houthis. Đây là loại tên lửa hành trình Ha-55 do Liên Xô chế tạo. Cuộc tấn công này nói chung có thể được gọi là động thái chiến tranh đảng phái.

Trên thực tế, người Saudi đang chiếm đóng 1 phần lãnh thổ Yemen, trong khi người UAE đã chiến đảo Socotra của nước này. Chuyên gia Yushkov nhận định, một cuộc chiến tranh đang diễn ra trong khu vực cùng lúc ở Yemen, Afghanistan và cuộc nội chiến ở Syria. Ở hầu hết các nước Trung Đông, khái niệm khủng bố còn khá mơ hồ. Ví dụ, vào đầu năm 2020, tướng Soleimani bị ám sát ở Iran và gần đây là một nhà vật lý hạt nhân cũng có thể được gọi là hành động khủng bố quốc tế. Ở Trung Đông, có lẽ tất cả mọi người ngoại trừ Nga đều sử dụng những phương pháp đấu tranh cực đoan như vậy. Sẽ rất khó để Biden thay đổi điều gì đó trong khu vực.

Tân tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ cố gắng quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran như đã tuyên bố trước đó. Thỏa thuận hạt nhân sẽ có thể đặt Iran vào vị thế của một bên tham gia hệ thống, sau đó có thể dập tắt xung đột Mỹ - Iran hoặc chuyển nó sang giai đoạn nguội lạnh. Tình hình ở Yemen chưa xác định. Vấn đề nước này chỉ có thể được giải quyết bằng một quy trình hiến pháp. Tổng thống Trump sẽ bỏ qua vấn đề Afghanistan và căng thẳng tại đây sẽ dần lắng xuống. Tuy nhiên có sự bất ổn ở Iraq, nơi chiến tranh lạnh vẫn tiếp diễn giữa người Hồi giáo Sunni, Shiite và người Kurd. Xung đột tại Syria sẽ tiếp tục khi mà có quá nhiều lợi ích đan xen tại quốc gia này. Tình hình tại Libya cũng không yên ổn. Vì vậy, có thể sẽ có ít vụ tấn công khủng bố hơn, nhưng chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn. Dầu mỏ được xem là một vũ khí địa chính trị và địa kinh tế.

Viễn Đông