Kỹ sư Trần Đại Tính - “Bác sĩ” của những giàn khoan

07:12 | 16/05/2013

371 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Dáng người nhỏ, thấp, khuôn mặt có phần khắc khổ nhưng kỹ sư Trần Đại Tính để lại trong tôi ấn tượng rất sâu về một con người có niềm đam mê công việc và sáng kiến mãnh liệt. Niềm đam mê ấy được hình thành từ thời sinh viên ở xứ sở bạch dương đến những năm tháng anh công tác tại Xí nghiệp Địa vật lý Giếng khoan (Vietsovpetro). Và anh cũng là người có nhiều ý tưởng cải tiến, hợp lý hóa sản xuất được đồng nghiệp hiện thực hóa thành công.

PV: Anh công tác ở Vietsovpetro từ bao giờ?

Kỹ sư Trần Đại Tính: Từ khi tốt nghiệp ở Liên Xô (cũ) thì tôi về đây làm việc đến giờ, tính ra đúng là khá lâu, đã 25 năm rồi còn gì. Nhưng tôi đảm nhận chức Xưởng trưởng Xưởng Sửa chữa và chuẩn chỉnh chỉ từ năm 2007 đến nay thôi.

PV: Ấn tượng của anh về xưởng là gì?

Kỹ sư Trần Đại Tính: Có lẽ đặc điểm nổi bật nhất của xưởng là nơi có phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhưng nếu tính về mặt doanh thu thì chưa cao. Tuy nhiên dù sửa chữa và chuẩn chỉnh không phải là công đoạn trực tiếp tạo ra doanh thu nhưng xưởng là đơn vị có nhiều đóng góp cho xí nghiệp.

PV: Anh có thể cho biết cụ thể hơn về sửa chữa và chuẩn chỉnh?

Kỹ sư Trần Đại Tính: Giống như tên gọi thì bao gồm hai mảng chính sửa chữa và chuẩn chỉnh máy, ngoài ra còn có một công việc khác không kém phần quan trọng là tiếp nhận và ứng dụng hiệu quả công nghệ mới. Trong ngành địa vật lý hiện đang sử dụng rất nhiều máy đo phức tạp có chứa những bộ phận điện tử và vi mạch lập trình công nghệ cao, thường xuyên hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao, áp suất lớn nên dễ hỏng hóc. Nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi là chẩn đoán hỏng hóc, sửa chữa và hiệu chuẩn thiết bị để đảm bảo các thông số đo lường luôn trong phạm vi cho phép.

PV: Nghe nói anh là “bác sĩ” chẩn đoán bệnh tật hỏng hóc giỏi nhất xưởng?

Kỹ sư Trần Đại Tính: (Cười) Không hẳn, tôi làm quản lý là chính còn anh em thì nhiều người có chuyên sâu hơn tôi nên nhiều khi chỉ nghe qua, nhìn thoáng là biết hỏng ở đâu. Thực ra thì đa số các hỏng hóc chúng tôi đều chẩn đoán được nhưng quan trọng mình có thiết bị để thay thế không. Hơn nữa, đa số thiết bị đều mua ở nước ngoài với công nghệ hiện đại, nhiều phụ tùng phải phụ thuộc vào nhà sản xuất chứ không tự chế được nên đôi khi một thiết bị bị hỏng nhưng mất khá nhiều thời gian chờ đợi hàng từ nhà sản xuất.

PV: Làm quản lý xưởng cũng gần 10 năm, có lẽ anh cũng trải qua nhiều thuận lợi cũng như khó khăn?

Kỹ sư Trần Đại Tính: Thuận lợi lớn nhất là các anh em ở đây đa số đều học hành chính quy, làm việc lâu năm và có nhiều kinh nghiệm. Nhưng chúng tôi gặp không ít khó khăn là chủng loại máy quá nhiều và công nghệ luôn đổi mới nên đòi hỏi phải cập nhật công nghệ liên tục. Do đó làm việc ở đây nếu chỉ có kinh nghiệm không thì chưa đủ mà đòi hỏi mỗi người phải tự học, tự nghiên cứu thì mới mong đáp ứng tốt cho công việc.

PV: Còn bản thân anh thì sao? Sau bao năm niềm đam mê nghiên cứu vẫn còn cháy bỏng chứ?

Kỹ sư Trần Đại Tính: Tôi vẫn phải liên tục học tập, tự nghiên cứu, có thể không nắm từng cái chuyên sâu cụ thể nhưng phải nắm được cái chung để không lạc hậu so với anh em; quan trọng hơn là phải tạo được ý tưởng mới để anh em thực hiện. Trong công việc cái quý nhất là luôn giữ được niềm đam mê, có đam mê nghiên cứu học hỏi thì mới hoàn thành tốt được công việc. Ở xưởng, tôi đóng vai trò tác động anh em sáng tạo như đưa ra các ý tưởng và tạo điều kiện để anh em trực tiếp làm. Ví dụ máy đánh dấu từ tự động là xuất phát từ yêu cầu sản xuất, chúng tôi đã tiến hành thiết kế chế tạo mới thiết bị đánh dấu mét từ tự động riêng có ưu điểm hơn những bộ trước, độ dài cơ sở từ 10m rút gọn lại còn 1m, đảm bảo lắp đặt nhẹ nhàng và có thể sử dụng trên giàn khoan. Với sáng kiến này chúng tôi tham dự giải sáng tạo toàn quốc và đoạt giải 3. Kế đến chúng tôi thiết kế một máy đo độ lệch phương vị đường kính nhỏ, bước đầu mong muốn đặt cơ sở làm chủ các thiết bị máy giếng, chịu được nhiệt độ cao và áp suất lớn.

PV: Máy móc phục vụ sản xuất luôn đổi mới thì làm sao để chúng ta tiếp cận kịp thời các công nghệ mới này nhanh nhất, hiệu quả nhất?

Kỹ sư Trần Đại Tính: Xí nghiệp có chính sách riêng dành cho xưởng chúng tôi như gửi người đi đào tạo ở các hãng sản xuất, sau đó cùng nhau nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới về chuyển giao công nghệ lại cho toàn thể anh em trong xí nghiệp. Truyền thống của Xưởng là không bằng lòng với cái hiện có, luôn cải tiến để cái cũ - cái mới phù hợp với nhau, áp dụng cái mới một cách hiểu quả nhất. Qua đó anh em có điều kiện tiếp cận sâu với công nghệ, nâng cao được trình độ. Chẳng hạn chúng tôi thường phải đồng bộ hóa các thiết bị đo độ sâu, sức căng, dấu mét từ của các trạm đo khác nhau của các hãng nước ngoài, thậm chí chế tạo các thiết bị mới như bộ thu dấu mét từ để sử dụng thiết bị sao cho phù hợp và có hiệu quả nhất trong sản xuất.

PV: Việc tạo ra các sáng kiến như vậy sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị như thế nào?

Kỹ sư Trần Đại Tính: Những sáng kiến này giúp ích nhiều trong sản xuất nhưng tiết kiệm thì mỗi năm chỉ khoảng trên dưới 100.000USD thôi. Có nhiều sáng kiến không tính được thành tiền nhưng có ý nghĩa lớn về xã hội, về đảm bảo an toàn trong sản xuất. 

PV: Anh có biết vì sao đơn vị chọn anh là một trong những tấm gương điển hình của phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong đợt này?

Kỹ sư Trần Đại Tính: Tôi nghĩ rằng trong đơn vị có rất nhiều người tốt, giỏi nhưng theo cách nhìn của đơn vị có lẽ do tôi siêng năng, chăm chỉ, sáng tạo trong công việc và đều hoàn thành khá tốt công việc được giao. Và trong cuộc đời tôi cũng chỉ làm được một phần nhỏ thôi theo gương Bác Hồ. Là một công chức Nhà nước từ khi ra trường đến giờ, tôi rất biết ơn chế độ đãi ngộ của Nhà nước khi cho đi học ở nước ngoài nên sau này chỉ có một tâm niệm là tận tâm, tận lực với công việc được giao. Giờ đây, ngoài công việc chính, tôi vẫn đọc sách và làm nhiều việc để củng cố kiến thức để không lạc hậu.

PV: Là một người đam mê sáng tạo, anh có nhớ kỷ niệm nào về sự “phá phách” mà làm ra sáng kiến có giá trị?

Kỹ sư Trần Đại Tính: Vào khoảng năm 1991-1992 lúc đó đa số thiết bị máy móc của mình là mua của Nga nhưng bộ đo độ sâu rất cồng kềnh, hay hỏng. Trong quá trình sửa chữa tôi thấy thiết kế của họ không hay lắm nên đã tự thiết kế và chế tạo một bộ khác sử dụng ít vi mạch hơn và bộ tạo xung độ sâu này được xí nghiệp áp dụng một thời gian dài. Hiện nay tôi vừa làm công việc ở xưởng, vừa làm thư ký Hội đồng Sáng kiến - Sáng chế, thư ký Hội đồng Khoa học - Công nghệ và Phụ trách an toàn bức xạ trong đơn vị. Với công việc thư ký Hội đồng Sáng kiến - Sáng chế và Hội đồng Khoa học - Công nghệ tôi có điều kiện tiếp cận với các ý tưởng mới của đơn vị, có thể tham gia trong quá trình sáng tạo, nghiên cứu, cùng động viên mọi người gắn bó với công việc, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để đưa công nghệ mới vào sản xuất, đổi mới cách quản lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc của xí nghiệp.

PV: Cảm ơn anh!

Thiên Thanh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status