Kỹ sư Trần Trọng Đạo - Cống hiến & Thành công

07:24 | 01/01/2018

1,112 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Gần 9 năm gắn bó với ngành Dầu khí và 7 năm làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, kỹ sư Trần Trọng Đạo đã có nhiều nghiên cứu, tìm tòi nhằm cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí và luôn là người tiên phong trong hoạt động lao động sáng tạo.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Dầu khí Ploiesti tại Rumani, anh Trần Trọng Đạo về Công ty Khí Vũng Tàu làm việc và đã có nhiều đóng góp cũng như có kiến thức sâu rộng về ngành công nghiệp khí của Việt Nam. Hai năm sau, cuối năm 2010, anh chuyển về công tác tại Phòng Tự động hóa, Ban Bảo dưỡng sửa chữa (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn) như một cơ duyên và trở thành “cây sáng kiến” với nhiều đóng góp cho đơn vị.

Với những kiến thức đã có và quá trình làm việc trong ngành Dầu khí, anh Trần Trọng Đạo đã nghiên cứu và hoàn thành “Sáng kiến chế tạo, lắp đặt con lăn cho cơ cấu phản hồi vị trí của van điều khiển tốc độ quạt gió giúp nâng cao độ tin cậy và ổn định của vận hành lò hơi”. Sáng kiến này vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương trong Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2017.

ky su tran trong dao cong hien thanh cong
Kỹ sư Trần Trọng Đạo

Nói về sáng kiến này, kỹ sư Trần Trọng Đạo cho biết, trước đây, các van điều khiển tốc độ quạt cấp khí cho lò hơi (FDF) hoạt động không ổn định dẫn đến công suất lò hơi dao động gây mất ổn định phân xưởng. Để khắc phục vấn đề này đòi hỏi chi phí bảo dưỡng cao, đồng thời phải dừng khởi động lò hơi nhiều lần dẫn đến không đảm bảo tính sẵn sàng của thiết bị, gây mất an toàn, ổn định vận hành cho phân xưởng và nhà máy.

Nhận thức được vấn đề này, anh đã bắt tay tìm hiểu nguyên nhân của việc cấp khí cho lò hơi và phát hiện ra vấn đề nằm ở cơ cấu phản hồi vị trí của van thường xuyên bị mài mòn do ma sát giữa các chi tiết dẫn đến vị trí van không được phản hồi chính xác và ổn định về bộ điều khiển.

Với tính cách ham học hỏi, đam mê nghiên cứu, tìm hiểu, anh Đạo mong muốn nâng cao độ ổn định vận hành của thiết bị và phân xưởng, đồng thời giảm chi phí, nhân lực bảo dưỡng sửa chữa và đã bắt tay vào tìm cách khắc phục những trục trặc khi vận hành lò hơi. Trên cơ sở xác định nguyên nhân gây mài mòn là do ma sát trượt giữa thanh phản hồi vị trí (feedback arm) và cánh tay đòn (lever arm), anh và các đồng nghiệp đã cùng nhau nghiên cứu các giải pháp để làm tăng độ hoạt động ổn định của thiết bị.

Lúc này, hai giải pháp được đưa ra để đánh giá gồm: nghiên cứu giải pháp làm giảm ma sát giữa các chi tiết và thay thế sang chủng loại thiết bị khác. Sau khi nghiên cứu chi tiết các ưu nhược điểm của từng phương pháp, nhóm tác giả đã đi đến lựa chọn giải pháp làm giảm ma sát giữa các chi tiết bằng cách lắp đặt con lăn để chuyển ma sát trượt giữa các chi tiết thành ma sát lăn. Theo anh Đạo, giải pháp này có rất nhiều ưu điểm, bởi khi chuyển từ ma sát trượt sang ma sát lăn lực ma sát sẽ giảm đi hàng trăm lần từ đó tuổi thọ thiết bị sẽ tăng lên đáng kể. Đồng thời, cách làm này hoàn toàn không tốn chi phí đầu tư do có thể tận dụng cơ cấu hiện hữu để thực hiện cải hoán trong khi giải pháp nâng cấp vật liệu cần chi phí đầu tư cho thiết kế và mua sắm thiết bị vật tư.

Bên cạnh đó, giải pháp có thể áp dụng được ngay mà không tốn thời gian chờ đợi mua vật tư thay thế để sớm đưa phân xưởng và nhà máy đi vào hoạt động ổn định. Ngoài ra, giải pháp có thể khắc phục hoàn toàn hiện tượng mòn cơ cấu phản hồi vị trí gây mất ổn định hoạt động van điều khiển tốc độ quạt cấp khí tại phân xưởng lò hơi và có thể áp dụng cho các van tương tự trong toàn nhà máy. Theo thống kê, giải pháp đã tiết kiệm được 1,5 tỉ đồng thay vì phải thay thế thiết bị và chi phí thiết kế.

Chia sẻ về quá trình nghiên cứu, cải tiến công nghệ, anh Đạo cho biết, khó khăn anh gặp phải trong quá trình thực hiện nghiên cứu chính là việc thiết bị phải vận hành liên tục, khó phân tích các rủi ro ảnh hưởng đến vận hành. Vì thế, khi nhóm tác giả bắt tay vào nghiên cứu, cải tiến công nghệ phải đảm bảo độ chuẩn xác cao nhất trong quá trình khắc phục vấn đề kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành nhà máy.

Bên cạnh những khó khăn, anh cùng các đồng nghiệp may mắn được làm việc trong môi trường làm việc chuyên nghiệp và được hỗ trợ từ đồng nghiệp cũng như học hỏi từ các chuyên gia tư vấn. Đặc biệt, nhóm kỹ sư còn có “lợi thế” là sự ủng hộ, động viên rất lớn từ lãnh đạo Ban Bảo dưỡng sửa chữa và lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Anh chia sẻ, nếu không có sự ủng hộ hết mình, tạo điều kiện để đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả nhất, có điều kiện học hỏi nhiều hơn từ các chuyên gia thì “đứa con tinh thần” của các kỹ sư trẻ khó lòng được ra đời.

Nhìn lại chặng đường đã qua, kỹ sư Trần Trọng Đạo thấy rất hạnh phúc, tự hào vì những gì mình đã làm được, đã góp sức cho công ty. Không ngại khó khăn, thử thách, vất vả, dám đương đầu và chấp nhận, sẵn sàng tiên phong như là một chất đặc trưng của người lao động Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Hiện nhà máy còn rất nhiều vấn đề kỹ thuật cần giải quyết và tối ưu hóa sản suất cũng như duy trì sự ổn định cũng như kéo dài tuổi thọ của nhà máy. Đối với anh, đó cũng là một thử thách rất lớn và cũng là động lực mạnh mẽ giúp anh thêm nỗ lực trau dồi kiến thức để cho ra đời những “đứa con tinh thần” tiếp theo, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đơn vị.

Được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tôn vinh vì những đóng góp trong lao động sáng tạo, kỹ sư Trần Trọng Đạo khiêm tốn cho rằng, đây là thành quả của tập thể, anh chỉ là người đại diện cho tập thể để nhận giải thưởng này. Đồng nghiệp là những người vừa đóng góp trực tiếp vừa đóng góp gián tiếp cho mỗi sáng kiến, có thể là những ý kiến phản biện, trái chiều cũng giúp cho tác giả điều chỉnh sai sót, nâng cao hiệu quả của sáng kiến. Anh cũng luôn mong muốn thế hệ trẻ hãy luôn cố gắng phấn đấu, sáng tạo, mạnh dạn đưa ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nhỏ bé vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Năm 2017, BSR đã xét công nhận 33 sáng kiến cấp cơ sở, hiệu quả kinh tế mang lại từ các sáng kiến khoảng 167,55 tỉ đồng. BSR đề xuất 8 sáng kiến cấp Tập đoàn và có 4 giải pháp đã đạt giải trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi năm 2017; đồng thời triển khai 9 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong đó 3 đề tài BSR tự thực hiện và 6 đề tài phối hợp với các đơn vị bao gồm Trung tâm Hợp tác dầu mỏ Nhật Bản (JCCP/JXNRI), Viện Dầu khí (VPI), JGC, MCI…

Khánh An

DMCA.com Protection Status