Liên tiếp các vụ cướp manh động - Hệ lụy hậu Covid-19

08:38 | 23/01/2022

429 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Công an đánh giá, hoạt động của tội phạm có dấu hiệu hình thành một giai đoạn mới, gắn liền với 2 yếu tố: "Dịch Covid - hậu Covid và Cách mạng 4.0"; có nguy cơ gia tăng tội phạm thời gian tới.

Theo thống kê của Công an Hà Nội trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ 30/12/2021 đến 13/01/2022, toàn thành phố phát hiện 201 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 41,5% so với thời gian liền kề trước đó. Hầu hết các loại tội danh đều tăng. Cụ thể, cướp tài sản: tăng 200%, cướp giật tài sản: tăng 60%.

Liên tiếp các vụ cướp manh động - Hệ lụy hậu Covid-19 - 1
Đối tượng Vũ Hoàng Huân dùng dao chặt thịt chém tài xế taxi để cướp tài sản (Ảnh: CTV).

Đặc biệt, trong những ngày đầu năm 2022, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 5 vụ cướp tài sản với phương thức, thủ đoạn manh động, gây hoang mang dư luận. Các đối tượng sau khi gây án đều bỏ trốn đi tỉnh ngoài, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt.

Công an Hà Nội nhận định, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng triệt để môi trường trên không gian mạng, thành lập các hội, nhóm kín trên mạng xã hội, kết bạn, cùng nhau thống nhất biện pháp, cách thức thực hiện hành vi cướp tài sản.

Các đối tượng rà soát, nhắm đến những người kinh doanh online, chọn làm mục tiêu để phạm tội; theo dõi, tìm hiểu kỹ địa điểm kinh doanh, đợi thời cơ thuận lợi để thực hiện hành vi cướp tài sản.

Đối với những nạn nhân ở chung cư, nhà cao tầng, các đối tượng đi cầu thang bộ để tránh camera phát hiện, lưu giữ hình ảnh. Ngoài ra, các đối tượng thường lảng vảng tại khu vực, địa bàn, tìm nhà có sơ hở, vắng người để khống chế, cướp tài sản.

Đối với các vụ cướp xe ôm, xe taxi, đối tượng thuê xe, yêu cầu lái xe đi lòng vòng trên nhiều tuyến đường, đến đoạn đường vắng thì thực hiện hành vi cướp tài sản. Thời gian thực hiện vào đêm tối.

Liên tiếp các vụ cướp manh động - Hệ lụy hậu Covid-19 - 2
Ba nghi phạm xịt hơi cay tấn công chủ nhà để cướp điện thoại ở Linh Đàm (Ảnh: Công an Hà Nội).

Theo Công an Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do ý thức cảnh giác của người dân trong tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản cá nhân còn thấp. Một số vụ án có nguyên nhân từ việc bị hại tự khoe khoang, thể hiện tài sản cá nhân trên các trang mạng xã hội nhằm mục đích quảng cáo sự giàu có để bán sản phẩm.

Đối với các vụ cướp tài sản của lái xe taxi, mặc dù lái xe đã được cơ quan công an tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn nhận và chở khách đi lòng vòng qua nhiều tuyến đường, không rõ điểm đến, để đối tượng lợi dụng gây án.

Ngoài ra, công tác nắm tình hình, quản lý trên các trang mạng xã hội của các cơ quan chức năng còn chưa chủ động, chưa kịp thời phát hiện các thông tin liên quan để tổ chức phòng ngừa, đặc biệt là các hội, nhóm kín, có tư tưởng tiêu cực, vi phạm pháp luật, mua bán trái phép công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ...

Liên tiếp các vụ cướp manh động - Hệ lụy hậu Covid-19 - 3
Tang vật cơ quan điều tra thu giữ trong vụ cướp tài sản của lái xe taxi ở Cầu Giấy (Ảnh: CTV).

Theo nhận định, đánh giá của Bộ Công an tại Hội nghị Trung ương 4 về công tác phòng, chống tội phạm, từ năm 2020 đến nay, hoạt động của các loại tội phạm đã và đang có dấu hiệu hình thành một giai đoạn mới với những đặc trưng riêng, gắn liền với 2 yếu tố: "Dịch Covid - hậu Covid và Cách mạng 4.0".

Trong thời gian tới, dự báo tình hình "hậu Covid" cho thấy bức tranh khó khăn về kinh tế - xã hội, việc làm, thu nhập, đời sống của nhân dân. Vì vậy, theo Bộ Công an, nguy cơ gia tăng tội phạm là hiện hữu, nhất là nhóm tội phạm chiếm đoạt tài sản, xâm phạm sở hữu.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã nhận diện đúng, trúng tình hình; đã ban hành phương án chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong và sau dịch Covid-19. Công an Hà Nội cũng đã ban hành các phương án, kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện phòng ngừa đối với các loại tội phạm nói chung và tội phạm cướp tài sản nói riêng.

Khoe tiền để bán hàng online, bị cướp đòi 100 tỷ đồng

Theo thống kê của Công an Hà Nội, chỉ trong những ngày đầu tháng 1/2022, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra liên tiếp 5 vụ cướp tài sản với thủ đoạn hết sức liều lĩnh, manh động. Điển hình là vụ cướp đòi 100 tỷ đồng của chị H. (ở huyện Thạch Thất), một người khá có tiếng trong giới bán hàng online, thường xuyên khoe hình ảnh những cọc tiền mệnh giá lớn trên facebook.

Liên tiếp các vụ cướp manh động - Hệ lụy hậu Covid-19 - 4
Hai nghi phạm dùng súng cướp tài sản của người phụ nữ khoe tiền trong những lần livestream bán hàng (Ảnh: Công an Hà Nội).

Cùng chung cảnh túng tiền, ham cờ bạc, lười lao động, Trần Văn Hào (ở Can Lộc, Hà Tĩnh) và Phan Ngọc Trăm (ở Chi Lăng, Lạng Sơn) quen nhau qua facebook nhưng nhanh chóng "chập lại" thành cặp bài trùng. Phát hiện chị H. thường khoe tiền trong những lần livestream (phát trực tiếp) bán hàng, Hào và Trăm lên kế hoạch theo dõi, chuẩn bị hung khí để đi cướp.

Rạng sáng ngày 16/1, hai đối tượng đột nhập vào công ty nơi có kho hàng của chị H., khống chế bảo vệ. Tiếp đó, Hào và Trăm đạp cửa xông vào phòng ngủ của vợ chồng chị H., nổ súng chỉ thiên để đe dọa, yêu cầu chị H. phải đưa cho chúng 100 tỷ đồng.

Do không có nhiều tiền như vậy, vợ chồng chị H. đã đưa cho cặp đôi này 200 triệu đồng, xin đến sáng hôm sau sẽ chuyển khoản cho Hào từ 3 đến 5 tỷ đồng. Trước khi rời đi, hai đối tượng yêu cầu vợ chồng chị H. phải chuẩn bị 5 tỷ đồng để tiếp tục nộp cho bọn chúng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

Liên tiếp các vụ cướp manh động - Hệ lụy hậu Covid-19 - 5
Tang vật trong vụ cướp đòi 100 tỷ đồng ở Thạch Thất (Ảnh: Công an Hà Nội).

Trong vụ cướp xảy ra tại căn hộ ở đường Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm), đối tượng gây án nhằm vào nhà có sơ hở, vắng người để ra tay. Cụ thể, do không có công việc ổn định, lại nợ tiền của nhiều người không có khả năng chi trả, Đỗ Ngọc Tú (SN 1991, ở Nam Từ Liêm) đã đột nhập vào căn hộ chỉ có người phụ nữ cùng 2 con nhỏ, dùng dao bầu đe dọa, cướp điện thoại và thẻ ATM.

Vụ cướp tài sản ở Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai), các đối tượng ngắm "con mồi" là nam thanh niên bán điện thoại cũ qua mạng; nghiên cứu kỹ địa bàn, đi cầu thang bộ để tránh camera; tẩu thoát mỗi người một nơi sau khi gây án.

Trong hai vụ cướp tài sản của lái xe taxi, nghi phạm gây án đều là những đối tượng túng quẫn về tiền bạc. Lê Văn Trường (SN 1991, ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) do thiếu tiền mua ma túy nên đã dùng dao bầu lấy từ nơi làm việc là lò mổ chó, điều tài xế taxi đến đoạn đường vắng để ra tay khống chế, cướp tài sản.

Manh động hơn, nắm bắt được hoạt động lái xe dịch vụ của anh Văn (tên nạn nhân đã được thay đổi), Vũ Hoàng Huân (ở Ân Thi, Hưng Yên) thuê anh này chở từ quê lên Hà Nội. Đến khu đường vắng, lợi dụng đêm tối ít người qua lại, Huân bất ngờ dùng dao chém một nhát chí mạng vào vùng cổ của nạn nhân, cướp tiền rồi nhanh chân tẩu thoát.

Theo Dân trí

Vì sao Trung Quốc kiên quyết giữ vững chính sách Zero Covid?Vì sao Trung Quốc kiên quyết giữ vững chính sách Zero Covid?
Xem xét đề nghị mở cửa lại rạp chiếu phim tại Hà NộiXem xét đề nghị mở cửa lại rạp chiếu phim tại Hà Nội
Hà Nội tạm dừng tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán 2022Hà Nội tạm dừng tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán 2022
Nguồn cung chip vẫn còn eo hẹp trong một thời gian dàiNguồn cung chip vẫn còn eo hẹp trong một thời gian dài
Những tác động lên não do Covid-19 ít được biết đếnNhững tác động lên não do Covid-19 ít được biết đến

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc