Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 12]: Động thái của thế giới và Nhật Bản đối với LNG

06:00 | 08/10/2021

709 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến ​​được tổ chức tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 năm nay, các nhà hoạt động liên quan đến vấn đề nóng lên toàn cầu vốn đang hạn chế hoạt động do vi rút Corona đã hoạt động sôi nổi trở lại. Mục tiêu của họ là chuyển từ phản đối than đá sang phản đối khí thiên nhiên. Nhưng nếu phát sinh vấn đề trong cung cấp nhiên liệu hóa thạch, Nhật Bản sẽ sớm đứng trước nguy cơ thiếu điện.

Động thái của thế giới đối với khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG:

Trước Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến ​​được tổ chức tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 năm nay, các nhà hoạt động liên quan đến vấn đề nóng lên toàn cầu vốn đang hạn chế hoạt động do vi rút Corona đã hoạt động sôi nổi trở lại. Mục tiêu của họ là chuyển từ phản đối than đá sang phản đối khí thiên nhiên. Nhưng nếu phát sinh vấn đề trong cung cấp nhiên liệu hóa thạch, Nhật Bản sẽ sớm đứng trước nguy cơ thiếu điện.

Cho đến nay, than đá và nhiệt điện than luôn được chỉ ra là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự nóng lên toàn cầu, do thải ra tương đối nhiều khí CO2. Có thể nói, khí thiên nhiên chỉ thải ra lượng khí thải bằng khoảng một nửa so với than đá, nhưng trong quá trình đốt cháy vẫn thải ra khí CO2, nên đã trở thành mục tiêu công kích tiếp theo. 

Khí thiên nhiên thải ra ít CO2 hơn hẳn than đá và dầu mỏ, nên trước đây đã được kỳ vọng là một "lá bài" quan trọng trong biện pháp đối phó với sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, khi các nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới tuyên bố sẽ đưa mức phát thải ròng khí nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050, vai trò của khí thiên nhiên đã và đang được xem xét lại. Bởi để đưa mức phát thải CO2 - chiếm phần lớn khí nhà kính xuống bằng 0, thì phải hạn chế sử dụng khí thiên nhiên. Các tổ chức tài chính quốc tế cũng đang tiến hành xem xét lại việc sử dụng khí thiên nhiên.

Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã quyết định cuối năm 2021 sẽ dừng cho vay đối với các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch, bao gồm khí thiên nhiên. Thống đốc EIB đã phát biểu tại một cuộc họp báo rằng: "Khí thiên nhiên đã kết thúc".

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đang xem xét việc dừng các khoản cho vay đối với các mỏ than, nhà máy nhiệt điện than, nhà máy sản xuất khí thiên nhiên và dầu. Tháng 5 năm nay, ADB đã thông báo dự kiến sau khi trao đổi với các nước liên quan, trong năm nay sẽ tiến hành tham khảo ý kiến của hội đồng quản trị về việc dừng các khoản cho vay. Trong khi xu hướng của khí thiên nhiên thay đổi, các nhà hoạt động liên quan đến vấn đề nóng lên toàn cầu đã bắt đầu nhắm đến các nhà máy khí thiên nhiên.

Nếu khí thiên nhiên được coi là nhiên liệu không lý tưởng trong biện pháp đối phó với sự nóng lên toàn cầu, sau này, việc đầu tư vào thiết bị sản xuất và các khoản cho vay cũng mất đi (giống như than đá), thì tương lai việc cung cấp nguồn nhiên liệu LNG sẽ trở nên bất ổn. Trên thế giới, có nhiều quốc gia coi nhiệt điện khí là nguồn cung cấp điện chính, ví dụ như Nhật Bản, nhưng nếu việc cung ứng nhiên liệu bị ảnh hưởng, khả năng bị mất điện sẽ xảy ra.

Vi rút Corona đã gây ảnh hưởng lớn đến nhu cầu năng lượng của nhiều quốc gia, nên năm 2020 nhu cầu về khí thiên nhiên cũng giảm. Dự đoán từ năm 2021 nhu cầu sẽ phục hồi trở lại, trong vòng 5 năm từ năm 2020 - 2024 sẽ tăng 9% và lượng cung cũng sẽ tăng. Nhu cầu về khí thiên nhiên đang dần gia tăng như một loại nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, sau khi các nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới đặt ra mục tiêu đưa mức phát thải ròng khí nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050, cung cầu khí thiên nhiên trong tương lai đã không còn rõ ràng. Ở Nhật Bản, nếu việc cung cấp nhiên liệu cho nhiệt điện LNG - chiếm 37% tổng lượng điện (năm 2019) bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu điện. 

Đối với Nhật Bản, điều quan trọng là sự thay đổi môi trường xung quanh khí thiên nhiên sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến cung cầu LNG của thế giới. Dự kiến sẽ bị Trung Quốc vượt mặt trong năm nay, nhưng Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới. Nếu việc xây dựng các cơ sở xuất khẩu LNG bị dừng lại do áp lực từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) về môi trường và các tổ chức tài chính, sẽ không còn sự hỗ trợ hay nói cách khác sẽ làm cho giá LNG tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp điện và giá cả.

Mặt khác, nếu các hoạt động hướng tới việc đưa mức phát thải ròng khí nhà kính xuống bằng 0 lan rộng, thúc đẩy người tiêu dùng đột ngột tách rời khí thiên nhiên, cũng có khả năng cung - cầu sẽ đột ngột nới lỏng. 

Năm 2019, trên thế giới, một loạt quyết định về việc xây dựng các cơ sở xuất khẩu LNG đã được đưa ra. Tổng số tiền quyết định đầu tư là 65 tỷ đô la, vượt hơn 7 nghìn tỷ yên và lượng xử lý đạt 95 tỷ mét khối. Ngay sau đó, số lượng dự án đầu tư mới giảm mạnh do ảnh hưởng từ chủng mới của vi rút Corona, trong năm 2020, chỉ có một dự án với quy mô 4 tỷ mét khối được quyết định đầu tư. Tuy nhiên, có thể thấy nhu cầu sẽ phục hồi, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán: Từ năm 2021 hoạt động đầu tư kinh doanh vào các cơ sở xuất khẩu LNG mới sẽ phục hồi, cho đến năm 2024 mỗi năm dự báo sẽ được đầu tư khoảng 24 tỷ đô la.

Do nhu cầu tăng ở khu vực châu Á, dự đoán lượng giao dịch LNG từ năm 2020 ​​sẽ tăng 16% và năm 2024 sẽ đạt 561 tỷ mét khối. Tương lai, các khoản đầu tư và cho vay liên quan đến khí thiên nhiên có khả năng cao sẽ bị đình trệ trong trung, dài hạn, nhưng nhu cầu về khí thiên nhiên trên thế giới cũng có khả năng cao sẽ giảm dần từ năm 2025 đến năm 2050.

Giá LNG tăng, người Nhật cảnh giác:

Hiện nay, giá khí thiên nhiên trên thế giới, bao gồm cả khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang có khuynh hướng tăng vọt. Các công ty điện lực Nhật Bản - những nhà tiêu dùng lớn đang tăng cường sự cảnh giác. Đặc biệt, tại Trung Quốc, lượng nhập khẩu LNG từ tháng 1 - 6 năm nay tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái - lên 39,78 triệu tấn, vượt qua lượng nhập khẩu của Nhật Bản và trở thành nhân tố chính tác động đến cung - cầu. Giá LNG tại Nhật Bản trong mùa hè năm nay đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Nếu xu hướng này kéo dài, có thể dẫn đến giá điện của Nhật Bản cao hơn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Điều này sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản, vốn đã bị tổn thương bởi chủng mới của vi rút Corona.

Theo Cơ quan tài nguyên dầu, khí và kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC): Giá LNG (số liệu sơ bộ) cho các điểm đến ở Nhật Bản vào tháng 7/2021 (hợp đồng quyền chọn) là 12,2 đô la/1 triệu Btu (đơn vị nhiệt của Anh). Nếu so sánh với giá trung bình của tháng 7 năm 2017 (5 năm trước) là 6,1 đô la, thì giá cả đã tăng gấp đôi. Mức giá cao này được biết đến từ năm 2014 khi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) bắt đầu thực hiện khảo sát.

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng do các hoạt động kinh tế hồi phục trở lại của các quốc gia trên thế giới và việc bãi bỏ các nhà máy nhiệt điện than được đẩy mạnh do xu hướng khử Carbon, các chuyên gia năng lượng chỉ ra rằng: Việc gia tăng hoạt động của các nhà máy nhiệt điện khí do ảnh hưởng của đợt nắng nóng, hay việc Trung Quốc giảm nhập khẩu than từ Úc (do đang có xung đột), thay vào đó đang gia tăng nhập khẩu khí đốt… cũng gây ảnh hưởng đáng kể. Không giống như than, hay dầu, LNG không thể dự trữ trong thời gian dài, nên rất khó khăn vì phụ thuộc vào giá cả tại thời điểm thu mua.

Dự thảo Kế hoạch Năng lượng cơ bản của Nhật Bản đã được trình bày vào tháng 7/2021 nêu rằng: Năm 2019, LNG đã chiếm 37% trong tổng nguồn điện, nhưng năm 2030 sẽ giảm xuống còn khoảng 20%. Tổng lượng điện năm 2030 cũng được lên kế hoạch giảm khoảng 10% so với năm 2019, nên lượng LNG cắt giảm là khá lớn.

Ngoài ra, LNG còn có vai trò bổ sung điện năng ứng phó với biến động của năng lượng tái tạo, nên sau này vẫn còn rất nhiều bài toán cần giải quyết.

(Đón đọc kỳ tới...)

Theo Năng lượng Việt Nam

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 11]: Thách thức chứng thực ‘Hydro xanh’ thương mạiNăng lượng Nhật Bản [Kỳ 11]: Thách thức chứng thực ‘Hydro xanh’ thương mại
Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 10]: Chi phí phát điện của các nguồn điện năm 2030Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 10]: Chi phí phát điện của các nguồn điện năm 2030
Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 9]: Dự thảo Kế hoạch ‘năng lượng cơ bản’ có khả thi?Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 9]: Dự thảo Kế hoạch ‘năng lượng cơ bản’ có khả thi?
Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 8]: Điện than ‘công nghệ mới nhất’ cũng gặp khóNăng lượng Nhật Bản [Kỳ 8]: Điện than ‘công nghệ mới nhất’ cũng gặp khó
Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 7]: Cập nhật diễn tiến tái khởi động điện hạt nhânNăng lượng Nhật Bản [Kỳ 7]: Cập nhật diễn tiến tái khởi động điện hạt nhân
Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 6]: Xu hướng của điện hạt nhânNăng lượng Nhật Bản [Kỳ 6]: Xu hướng của điện hạt nhân
Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 5]: Thách thức giảm phát thải carbonNăng lượng Nhật Bản [Kỳ 5]: Thách thức giảm phát thải carbon