Ngành Dầu khí và thời khắc lịch sử 30-4

08:00 | 29/04/2021

5,151 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, miền Nam được giải phóng, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất. 46 năm qua, đất nước đã đổi thay và phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự lớn mạnh không ngừng của một ngành kinh tế kỹ thuật đặc biệt quan trọng: Dầu khí.
Giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ
Giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ

Những ký ức lưu giữ trong trí nhớ người Dầu khí về bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành sau chiến tranh vẫn luôn nóng bỏng, lan truyền như ngọn đuốc truyền thống, khơi dậy lòng tự hào và nhiệt huyết nơi trái tim những thế hệ hôm nay. Đó là những tháng ngày đầu tiên đầy gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Trước giải phóng miền Nam, tại miền Bắc, ngày 18-3-1975, Liên đoàn Địa chất 36 (Tổng cục Địa chất) phát hiện dòng khí thiên nhiên đầu tiên có giá trị công nghiệp tại giếng khoan số 61 ở xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với trữ lượng tại chỗ đến 1,3 tỉ m3. Đây là sự kiện nổi bật của 15 năm (1961-1975) tìm kiếm, thăm dò dầu khí theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Hồ Chủ tịch với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô.

Trong giai đoạn này ở miền Nam, hoạt động thăm dò dầu khí muộn hơn nhưng sự ra đời của Luật Dầu hỏa (năm 1970), Ủy ban Quốc gia Dầu hỏa (năm 1971) và Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (năm 1974) đã thúc đẩy công việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Trước ngày 30-4-1975, kết quả tìm kiếm thăm dò của các công ty tư bản đã khẳng định sự tồn tại dầu khí của các bể trầm tích khu vực thềm lục địa phía Nam nhưng chưa có một báo cáo tổng hợp chung cho toàn vùng, kể cả các vấn đề như giải thích địa chất tài liệu từ và trọng lực cũng như đánh giá triển vọng dầu khí ở mức độ khác nhau.

Từ năm 1972, lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước như Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Lê Thanh Nghị được Ban Dầu mỏ và Khí đốt, Tổng cục Hóa chất cập nhật thường xuyên về tình hình hoạt động dầu khí trên thế giới.

Thông tin về các công ty dầu khí phương Tây phát hiện dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam được biết đến ngay trong thời gian còn chiến tranh, cho nên ngày 30-4-1975, khi tiếng súng vừa chấm dứt tại Sài Gòn, Đoàn Địa chất B (do Tổng cục Địa chất cử vào khảo sát địa chất ở vùng do Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam kiểm soát) là tổ chức đầu tiên đã tiếp quản (về mặt hành chính) Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Sài Gòn. Đoàn đã thu thập được hầu như còn nguyên vẹn các tài liệu của các công ty dầu khí làm trước ngày giải phóng Sài Gòn.

Việc thu thập thông tin, tài liệu về dầu khí có từ thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa là rất khẩn trương để kịp thời báo cáo Chính phủ. Việc phát hiện dầu khí ở giếng Dừa-1X và dầu khí có giá trị thương mại ở giếng Bạch Hổ-1X... đã khẳng định thềm lục địa Nam Việt Nam nhất định có dầu và những đánh giá sơ bộ cho thấy tiềm năng dầu khí ở đây rất lớn. Đây chính là cơ sở để các cơ quan chuyên môn báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Công cuộc tái thiết đất nước Việt Nam thống nhất được bắt đầu ngay sau ngày 30-4-1975. Thực hiện mong ước của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước đã bắt tay ngay vào việc xây dựng ngành công nghiệp dầu khí bằng việc điều động từ quân đội sang những sĩ quan năng động nhất, những cán bộ nhiều kinh nghiệm trong khoa học kỹ thuật cũng như thực tiễn cuộc sống.

Chính phủ đã bổ nhiệm Trung tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) làm Bộ trưởng phụ trách dầu khí. Từ khoảng năm 1977 đến năm 1981, đã có rất nhiều cán bộ quân đội được điều sang ngành Dầu khí, trong đó có Trung tướng Nguyễn Hòa, Thiếu tướng Tô Ký, Đại tá Đặng Quốc Tuyển, Đại tá Phạm Văn Diêu, Đại tá Phan Tử Quang, Đại tá Trần Sanh, Đại tá Trần Thái Vĩnh, Thượng tá Hoàng Lộc, Trung tá Đỗ Ngọc Ngạn...

Ngành Dầu khí và thời khắc lịch sử 30-4

Đặc biệt, một cuộc chuyển quân rầm rộ được thực hiện, nhiều đơn vị quân đội được điều động, tập hợp thành Binh đoàn 318 Dầu khí với gần 20.000 quân do Bộ Quốc phòng quản lý quân số, con người, còn nghiệp vụ thì do Tổng cục Dầu khí chỉ đạo. Bộ tư lệnh Binh đoàn 318 Dầu khí gồm: Tư lệnh là Đại tá Nguyễn Cận; Chính ủy là Đại tá Trần Nguyên Độ (sau đó ông Trần Nguyên Độ được phong Thiếu tướng, Tư lệnh kiêm Chính ủy); Phó tư lệnh là Đại tá Nguyễn Cư, Đại tá Trương Chí Công. Binh đoàn có nhiệm vụ xây dựng căn cứ đầu tiên cho ngành Dầu khí ở Vũng Tàu.

Ngày 6-8-1975, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đồng thời sẵn sàng thảo luận với các chính phủ và các công ty nước ngoài muốn tham gia.

Ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng ta, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Thấm thoắt đã 46 năm giải phóng miền Nam, giang sơn thu về một mối. Thực hiện mong ước của Bác Hồ, bằng ý chí, nghị lực và trí tuệ, những người tìm lửa đã viết nên trang sử hào hùng của ngành Dầu khí Việt Nam, góp phần xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát huy truyền thống Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” cùng Tập đoàn vượt "khủng hoảng kép”
Bộ đội Cụ Hồ trên “mặt trận” dầu khíBộ đội Cụ Hồ trên “mặt trận” dầu khí
Ngành Dầu khí Việt Nam vào thời điểm lịch sử 30/4/1975Ngành Dầu khí Việt Nam vào thời điểm lịch sử 30/4/1975
Bài 1: Có nguồn gốc quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ HồBài 1: Có nguồn gốc quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Dầu khí bắt nhịp thời điểm lịch sử 30-4-1975Dầu khí bắt nhịp thời điểm lịch sử 30-4-1975
Xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ” trên “mặt trận” Dầu khíXứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ” trên “mặt trận” Dầu khí

Ngân Hà (tổng hợp )

DMCA.com Protection Status