Người của một thời

08:35 | 06/10/2011

649 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nghe chúng tôi kể về sự phát triển vượt bậc của ngành Dầu khí và tương lai sáng sủa của ngành, ông ngồi im bằng tất cả sự chăm chú. Rồi ông đứng dậy lục tìm lôi ra những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian.

Bước ngoặt cuộc đời ông xảy ra vào năm 17 tuổi, vào một buổi ông đang cày thuê thì thấy mọi người hô hào nhau đi cướp chính quyền. Thế là ông theo với hy vọng rồi đây được cày trên chính mảnh ruộng của mình. Mọi việc diễn ra nhanh gọn ngoài sức tưởng tượng của ông. Chính quyền non trẻ bề bộn công việc, lại toàn những việc cũng vô cùng mới mẻ. Ai có thể làm gì thì trổ hết khả năng ra mà làm. Ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lại học hết bổ túc văn hóa lớp 7 – một trình độ học vấn không xoàng hồi ấy – thì được cử đi học cách làm giấy để trở thành công nhân. Mặc dù chỉ học trong 6 tháng nhưng vì thông minh nên khi về nhà máy giấy, ông có thể làm được từ khâu đầu đến khâu cuối. Thấy ông năng nổ, không nề hà bất cứ công việc gì, lại thẳng tính nên mọi người cử ông vào làm công đoàn, rồi sau lên Ban Thường vụ Công đoàn. Thế là có duyên làm cán bộ từ đấy.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông nằm trong diện được đi tập kết. Ông lên tàu đi Ba Lan khi đứa con đầu mới chết đuối, còn đứa thứ hai, sau này ông mới biết là gái, vẫn đang trong bụng mẹ. Ông chưa hình dung được chuyến đi ấy sẽ dẫn cuộc đời ông tới đâu. Chỉ nghe nói đó cũng là nhiệm vụ cách mạng, mà nhiệm vụ cách mạng thì không thể cưỡng lại. Người ta cử ông đi học lớp chính trị ở khu học xá thì ông đi.

Tại đấy ông nghe những cán bộ mà ông tưởng có mơ cũng không được gặp nói về những vấn đề của đất nước và thế giới, phe ta phe địch, của hiện tại và tương lai… Lòng phơi phới như một cậu bé, ông nhập tâm rất nhanh những gì nghe giảng. Học xong ông được đưa về Vụ Tổ chức Bộ Công nghiệp nặng, xuống dạy môn duy vật biện chứng và duy vật lịch sử ở một trường trung cấp. Ông chẳng bao giờ nghĩ từ một thằng bé chăn trâu, một tá điền thất học lại có ngày mình được đứng trên bục giảng nói về những điều sâu xa đến thế, trước hàng trăm người trẻ tuổi đang háo hức nuốt từng lời. Ông biết sao nói vậy. Kiến thức không nhiều nhưng tinh thần cách mạng thì có thể hun đốt tâm can người khác. Thôi dạy học thì ông đi học tiếp, trước hết là làm xong cái bằng lớp 10 bổ túc. Sau đó học tiếp chuyên môn. Lần này ông học về quản lý xí nghiệp do giáo viên Trung Quốc dạy. Con đường hoạn lộ đầy kiêu hùng nhưng cũng lắm trắc trở của ông bắt đầu từ đây. Và cũng từ đây ông nhập vào danh sách những vị tiền bối của ngành Dầu khí sau này.

Bản đồ phân vùng triển vọng dầu khí miền Bắc Việt Nam (1959-1960)

Đó là khi ông về làm Đoàn phó Đoàn Địa chất số 2 Uông Bí với nhiệm vụ thăm dò than, nhưng chưa kịp ấm chỗ thì chuyển sang làm Đoàn trưởng Đoàn Địa chất 36 chuyên về thăm dò địa chất dầu khí do một cú gẩy tay nào đó của số phận. Sau này Đoàn Địa chất 36 phát triển lên thành Liên đoàn. Ông Đoàn trưởng Đoàn 36 được thăng lên Liên đoàn phó không có liên trưởng. Thế là một tay ông phải với ra năm bảy chỗ. Trong lịch sử đầy vinh quang của ngành Dầu khí nước nhà, đây là thời kỳ tiền khởi nghiệp, đặt nền móng. Không có thời kỳ âm thầm này sẽ không thể có sự tự tin để vượt lên giai đoạn sau. Nhiều thành tựu nghiên cứu lúc bấy giờ đã trở thành cơ sở, nền tảng lý thuyết cho những nghiên cứu thăm dò tiếp theo. Nhưng những thành tựu kỹ thuật quan trọng ấy vẫn không thể sánh với những thành tựu về con người. Một thế hệ làm dầu khí, những hạt giống vàng của đất nước đã trưởng thành từ những đoàn cán bộ địa chất lang thang đi tìm tài nguyên cho đất nước. Giờ đây, khi ngồi kể lại cho tôi nghe, đôi lúc ông vẫn cảm thấy như mình đang sống với không khí thời kỳ trai trẻ. Đó là những năm tháng không thể nào quên được với bất cứ cuộc đời nào. Cơ quan của Liên đoàn thì chuyển hết nơi này đến nơi khác.

Lúc đầu ở Hà Nội, sau vì chiến tranh phá hoại và yêu cầu công việc phải chuyển về Bắc Ninh, rồi Hưng Yên. Không có điện thoại nên việc chỉ huy phải bằng vô tuyến. Các bộ phận nhỏ thì nằm rải rác suốt cả một vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Châu thổ sông Hồng, kéo dài vào đến bắc vĩ tuyến 17. Đại bộ phận đóng ở những vùng heo hút, nhiều nơi chỉ có thể liên lạc bằng cách đến trực tiếp. Ông luôn tự an ủi anh em tại các nơi đó còn khổ hơn ông rất nhiều. Họ cần một sự động viên đôi khi còn hơn cả những cân gạo, muối, thịt tiếp tế. Vì vậy ông tìm cách đến với họ bất cứ lúc nào, bằng đủ loại phương tiện.

Trên chiếc Gat do ông tự lái, thêm một phiên dịch, một bảo vệ, ông lang thang khắp đó đây trong đói khát, muỗi vắt và những cơn sốt vàng da. Nhiều phen máy bay địch đuổi ngay trên đầu. Nhiều phen thoát cơn lũ quét trong gang tấc. Đến đâu làm lán trại tại đó. Có những chỗ tất cả nhà ở, nhà làm việc cho đến bếp nấu ăn đều phải làm chìm dưới đất để tránh bom. Vất vả nhất vẫn là công tác đảm bảo an toàn tính mạng cho những chuyên gia Liên Xô. Vì tinh thần quốc tế mà họ rời quê hương, gia đình đến đồng cam cộng khổ với những người như ông. Nếu phải hy sinh tính mạng mình để họ an toàn, ông cũng không ngại. Giờ đây ông tự hào rằng, mặc dù quân số có lúc tới 5.000 người, lại phân tán trên một diện rộng nhưng chỉ duy nhất có một trường hợp bị chết do vô kỷ luật. Anh chàng này bỏ về nhà không xin phép và khi xuống đò Triều Dương thì trúng bom Mỹ.

Khu đoàn bộ Đoàn 36 tại thị xã Hưng Yên, năm 1963

Công việc cứ thế cuốn ông đi. Chỉ những khi đêm xuống, nhất là vào tiết trời trở lạnh, nằm nghe mưa rừng trong nỗi buồn lạnh buốt tim gan, ông mới sống cho riêng mình. Ông thèm khát được thấy mặt đứa con gái mà ông luôn hình dung nó xinh đẹp, hiền hậu. Ông thèm một sự chăm sóc bình dị của người vợ những khi mỏi mệt, đau yếu. Nhưng chẳng biết đến bao giờ cuộc chiến thảm khốc mới chấm dứt. Và rồi ông vẫn cứ chỉ là ông, âm thầm vò võ một mình, lấy công việc làm niềm vui và cũng là để quên đi nỗi đau riêng. Chỉ nhờ vào công việc mà ông vượt qua những giây phút giá mà chết đi được lại chính là hạnh phúc. Cũng may là thỉnh thoảng có những sự kiện khiến trái tim ông như hồi sinh. Chẳng hạn đó là ngày dòng khí phụt lên từ mũi khoan thăm dò tại huyện Tiền Hải, Thái Bình. Bao nhiêu là chờ đợi, thất vọng, rồi lại phập phồng hy vọng, rồi lại thất vọng, có lúc đến mức tuyệt vọng, cuối cùng cũng đã có cơ sở để tin vào việc mình làm bấy lâu nay không phải giống như dã tràng xe cát. Ông không thể quên được giây phút nhớ đời ấy. Luồng khí mạnh đến nỗi đẩy cả giàn khoan hàng chục tấn lên cao, y như ta ném một mớ lạt, trước khi ầm ầm sập xuống. Ông lại cồn lên một niềm rạo rực.

Nhưng cuối cùng dầu chẳng thấy đâu, chỉ thấy một mỏ nước khoáng có chất lượng sử dụng tốt. Thôi thì cũng là một niềm an ủi mặc dù nghĩ mà tự thương mình, thương anh em đồng nghiệp. Tuy thế các ông không được nản lòng, đúng hơn là không có quyền nản lòng. Nỗi buồn chưa kịp tan đi, các ông đã lại phải tiếp tục lao vào thăm dò những vùng đất mới. Vẫn cháy bỏng niềm hy vọng đất nước sớm có dầu để thoát nghèo. Ngày đó các ông làm việc trong điều kiện vô cùng cực khổ, bất chấp mọi logic. Giờ đây có những kỷ niệm mà khi kể lại ông vẫn hồi hộp như nó chỉ vừa mới xảy ra hôm qua. Ông vẫn không tin mọi việc lại có thể kết thúc giống như trong một giấc mơ vậy. Đó là kỷ niệm về chuyến vận chuyển chiếc cẩu tải trọng 45 tấn để cẩu thiết bị giàn khoan từ cảng Hải Phòng về Xuân Thủy, Nam Định thời bấy giờ. Khi công việc yêu cầu phải có loại cẩu như vậy, ông lập tức lên xin với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đang nóng ruột về chuyện dầu mỏ, Thủ tướng đã tức khắc điện sang Liên Xô trình bày yêu cầu với bạn. Cũng ngay lập tức bạn đồng ý. Chiếc cẩu khổng lồ thời bấy giờ lên tàu tại cảng Ô-đét-xa để sang Hải Phòng, tất cả mất 3 tháng. Nhưng mọi chuyện chỉ đơn giản đến đoạn ấy. Bởi chẳng có phương tiện nào chở được một thiết bị nặng chừng ấy. Chẳng có chiếc cầu nào chịu được tải trọng tới 45 tấn. Cuối cùng người ta bèn đấu những chiếc ôtô lại để giải quyết bài toán cộng trừ ấy.

Nhưng đưa chiếc cẩu bằng đường bộ hóa ra vẫn không phải là việc làm khó nhất. Làm sao để chuyển chiếc cẩu xuống phà đưa qua sông Hồng mới là vấn đề kinh khủng. Mọi người đều nghĩ nát óc không tìm ra cách. Cuối cùng ông đề nghị đào một tà luy nghiêng theo sườn đê rồi dùng 10 cái máy kéo đấu lại kéo chiếc cẩu trượt theo bờ đê xuống phà. Việc kéo thì đơn giản nhưng phải tính toán sao cho chiếc cẩu trượt thẳng vào giữa lòng phà lại là cả một vấn đề. Nếu kéo mạnh quá, chiếc cẩu có thể phá tan chiếc phà trước khi tự nát vụn. Còn nếu kéo nhẹ quá, chiếc cẩu mới chỉ bám vào đầu phà thì chiếc phà đắm là cái chắc.

…Nghe chúng tôi kể về sự phát triển vượt bậc của ngành Dầu khí và tương lai sáng sủa của ngành, ông ngồi im bằng tất cả sự chăm chú. Rồi ông đứng dậy lục tìm lôi ra những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian. Chỉ cần nhìn vẻ hăm hở của những con người thời đó cũng đủ cho ta một sự trân trọng khi nghĩ về quá khứ. Xuyên qua thời gian, hình ảnh họ là thứ biểu tượng sinh động và hấp dẫn cho đến ngày hôm nay về lòng quả cảm và sự xả thân cho lý tưởng. Run run lần giở lại những kỷ niệm, thoáng chốc tôi nhận ra gương mặt ông cũng như bừng lên một thứ ánh sáng rất lạ. Nó chính là phản chiếu của ngọn lửa mà ông đem theo mình từ khi dấn thân cho sự nghiệp chung. Ông đã bền bỉ nuôi dưỡng nó bằng niềm tin, lòng nhiệt tình và bằng chính cả nỗi đau của mình, để giờ đây vẫn đủ sức nóng thắp cháy lên ở người khác tình yêu cuộc sống.

Ông Bùi Đức Thiệu Ngày sinh: 19/2/1928Quê quán: Hành Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi

Nơi ở hiện nay: 183 F101, Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Vũng Tàu

Trình độ chuyên môn: Cao cấp quản lý xí nghiệp

Từng tham gia các chức vụ:- Bí thư Đoàn thanh niên Cứu quốc

- Thư ký Công đoàn Nhà máy Giấy Quảng Ngãi

- Đoàn trưởng, Phó bí thư Đảng ủy Đoàn Địa vật lý 36

- Liên đoàn phó Liên đoàn Vật lý 36

- Phó giám đốc Công ty I – Tổng cục Dầu khí

Đã nghỉ hưu

Khen thưởng:

- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba

- Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất

- Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1961

- Huy chương Vì sự nghiệp Dầu khí

Vân Phương

DMCA.com Protection Status