Nhà máy chế tạo ống thép dầu khí lớn nhất Việt Nam: Sức bật mới để phát triển

10:16 | 22/06/2011

2,118 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Dự án Nhà máy chế tạo ống thép của Công ty CP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PVPIPE) chuyên chế tạo ống thép phục vụ cho ngành Dầu khí, là một công trình lớn đã đánh dấu bước chuyển biến tích cực kể từ khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sớm tiếp nhận Dự án Khu Công nghiệp Tàu thủy Soài Rạp lúc còn sơ khai, dang dở của Vinashin và nhanh chóng chuyển đổi thành Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, đồng thời triển khai rốt ráo Dự án Nhà máy ống thép Dầu khí ở đây…

Bước ngoặt chuyển đổi ngoạn mục

Bỏ lại sau lưng những cơn mưa tầm tã giữa hè tháng 6, với chặng đường dài hơn 110km từ TP HCM theo tuyến Quốc lộ 50, chúng tôi đến thăm Khu Công nghiệp Dầu khí Soài Rạp ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Ở nơi đây có công trình xây dựng Nhà máy Chế tạo ống thép hàn thẳng phục vụ ngành Dầu khí đầu tiên của Việt Nam do PVN phân cấp, ủy quyền cho PV-PIPE làm chủ đầu tư và tổng thầu là Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Ông Nguyễn Trung Trí, Phó tổng giám đốc PVC cho biết: Các kỹ sư, công nhân của tổng thầu PVC, các đơn vị thành viên đã làm việc liên tục và bám trụ trên công trường suốt nhiều tháng qua để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa nhà máy vào sản xuất vì mục tiêu đáp ứng sản phẩm cho các dự án quan trọng khác của PVN. Với sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng cùng chủ đầu tư là PV-PIPE nên tiến độ, chất lượng luôn đảm bảo và nhà máy sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11 năm nay.

Cụm thiết bị cuộn ống thép của nhà cung cấp Haeusler

Theo dự tính, khi nhà máy đi vào vận hành, sẽ cung cấp ống thép hàn thẳng phục vụ cho Dự án đường ống khí Lô B – Ô Môn, Dự án Nam Côn Sơn 2 và các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu, khí tại Việt Nam. Ngoài ra, nhà máy sẽ đầu tư bổ sung thiết bị tạo hình vào dây chuyền công nghệ sản xuất các loại ống thép kết cấu phục vụ những dự án chế tạo giàn khoan, các kết cấu kim loại, các dự án nhà máy lọc dầu, nhà máy nhiệt điện, dự án chuyên ngành Dầu khí tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Nhà máy này cũng sẽ giúp tiết kiệm cho Nhà nước mỗi năm khoảng 90 triệu USD nhập khẩu ống thép. Để từ những thành quả đó, sẽ tạo cú hích mới trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ cho PVN nói chung và tạo sức bật mới cho Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp nói riêng. Điều đó khẳng định một bước chuyển đổi hiệu quả, ngoạn mục sau khi PVN tiếp nhận “mảnh đất trống” của khu công nghiệp này từ Vinashin theo tinh thần thực hiện Quyết định số 926 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin vào tháng 7-2010 (PVN đã tiếp nhận một số đơn vị, dự án của Vinashin, trong đó có Khu Công nghiệp Tàu thủy Soài Rạp).

Chúng tôi được kỹ sư Nguyễn Văn Nghi (52 tuổi, chỉ huy giám sát của nhà thầu PVC-PT), người tham gia dự án từ những ngày đầu, dẫn đi khảo sát công trình. Với tuổi đời dày dạn sương gió, kinh nghiệm “chinh chiến” qua hàng loạt công trình lắp đặt của ngành Dầu khí trong nhiều năm nay, kỹ sư Nghi cho rằng mỗi công trình là một trải nghiệm mới nhưng cũng đầy bản lĩnh, tự tin của các kỹ sư PVC. Đến vị trí trung tâm khu nhà xưởng, kỹ sư Nghi chỉ dẫn tỉ mỉ cho chúng tôi xem những công đoạn lắp đặt hệ thống dây chuyền sản xuất ống thép. Một loạt thiết bị công nghệ sản xuất ống thép hàn thẳng tiên tiến nhất trên thế giới trong số 18 cụm thiết bị có tổng khối lượng 2.680 tấn của nhà cung cấp Haeusler (Thụy Sĩ), đã được tập kết về đây để phục vụ cho việc lắp đặt.

Sẽ cung cấp 100.000 tấn ống thép/năm

Được biết, hiện tại hai hạng mục chính của công trình đã được hoàn thành, gồm khu nhà xưởng chính và cảng tạm ở cửa sông Soài Rạp, đủ sức cho các xà lan, tàu thuyền có trọng tải 5.000 tấn ra vào thường xuyên. Nói về tiến độ thực hiện dự án, ông Phạm Quốc Trung, Phó giám đốc PVC-PT cho biết: Tính từ lúc triển khai công trình vào tháng 11-2010 đến nay, thời gian thực hiện đã trải qua được hơn 7 tháng. Tổng khối lượng dự án thực hiện được 95%, tổng số có 30 hạng mục công trình. Thời gian 5 tháng còn lại, công việc chính của các đơn vị thi công là tập trung lắp đặt thiết bị dây chuyền công nghệ, hệ thống khí nén, hệ thống phòng cháy chữa cháy, chạy thử đơn động, liên động và hoàn thiện xây dựng các hạng mục phụ trợ.

Theo ông Trung, các công nhân của PVC-PT đã hoàn thành gia công lắp đặt toàn bộ nhà xưởng chính, nhà kho với khối lượng 1.650 tấn kết cấu thép, lợp mái bao che 35.000m2 tôn. Các công nhân cũng đáp ứng tiến độ đề ra khi triển khai lắp đặt toàn bộ thiết bị máy cho dây chuyền công nghệ nhà máy. Tính đến giữa tháng 6, nhà thầu đã lắp đặt 4 cụm tổ máy với khối lượng 900 tấn, gồm: tổ máy cắt thép tấm, tổ máy lốc ống thép (riêng tổ máy này có thiết bị nặng đến 150 tấn), tổ máy làm tròn mép ống và tổ máy hàn đính.

Để tìm hiểu thêm về tầm vóc của dự án, chúng tôi gặp đại diện chủ đầu tư – ông Đào Minh Sơn, Phó giám đốc PV-PIPE, ông cho biết: Dự án được xây dựng trên khuôn viên có diện tích 22,9ha, có tổng mức đầu tư 2.175 tỉ đồng, nhà máy sẽ có công suất 100.000 tấn ống thép/năm. Nhà máy sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến 3-Roll Bending có xuất xứ từ Thụy Sỹ – EU. Sản phẩm của nhà máy là ống thép đặc thù, chuyên cung cấp cho các dự án của ngành Dầu khí, đạt tiêu chuẩn khắt khe của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (tiêu chuẩn API).

Nói về những khó khăn khi thực hiện dự án, ông Sơn nhắc lại, hồi tháng 10 năm ngoái, khi PVN vừa tiếp nhận Khu Công nghiệp Tàu thủy Soài Rạp, toàn bộ khu vực là bãi đất trống, chưa có điện, có nước, đường vào lầy lội, rất khó khăn. Đây là dự án đầu tiên trong khu công nghiệp này, do vậy, việc triển khai gặp rất nhiều thách thức về thủ tục hành chính cũng như hạ tầng cơ sở khu vực còn yếu kém.

“Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo PVN và tỉnh Tiền Giang, cũng như sự sâu sát của lãnh đạo PVC, PV GAS, điều đó đã giúp PV-PIPE từng bước tháo gỡ những khó khăn để dự án triển khai và thực hiện đúng tiến độ. Đến nay PV-PIPE đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục về pháp lý, hoàn thành xây dựng cảng cho việc nhập thiết bị và xuất nhập khẩu sản phẩm sau này, đã kết nối điện, nước, tuy nhiên giao thông đường bộ vẫn còn nhiều khó khăn. PV-PIPE đang phối hợp với chủ đầu tư khu công nghiệp tháo gỡ khó khăn này”, ông Đào Minh Sơn bộc bạch.

Nhìn lại mốc thời gian theo tiến độ công trình cho thấy, sau khi khởi công ngày 25-10-2011, tổng thầu PVC đã cho triển khai đồng bộ các hạng mục xây dựng, đến cuối tháng 1-2011 đã hoàn thành cảng tạm ở cửa sông Soài Rạp để kịp thời tiếp nhận chuyến hàng chở thiết bị lắp đặt đợt 1, đến ngày 10-3-2011 đã tiến hành lắp đặt máy roll bending (cuộn ống thép), đây cũng là thiết bị lớn nhất và quan trọng nhất trong dây chuyền. Đến nay, 3 chuyến hàng đã về đến nhà máy an toàn. Chuyến hàng thứ 4 (chuyến cuối cùng) sẽ về nhà máy vào tháng 8-2011. Về nguồn vốn của dự án, PV-PIPE đã thu xếp đủ nguồn vốn và hiện đã giải ngân được 60% vốn đầu tư. Qua hơn 7 tháng thi công, đến nay dự án đang trong cao điểm thi công lắp đặt thiết bị và hoàn thiện công tác xây dựng để đến ngày 30-10-2011 sẽ hoàn thành công tác thi công xây lắp và bắt đầu tiến hành vận hành chạy thử toàn nhà máy. Dự kiến sản phẩm ống thép hàn thẳng đầu tiên của PV-PIPE sẽ được xuất xưởng vào tháng 12-2011.

Hy vọng rằng, khi dự án hoàn thành sẽ mang tính đột phá, làm tiền đề để thu hút các dự án khác đầu tư vào Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp – Tiền Giang, góp phần thúc đẩy phát triển thêm lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của PVN và giúp nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới…

Bài, ảnh: Thế Vinh

DMCA.com Protection Status