Nhà máy Đạm Cà Mau: Tất cả cho giờ G

10:10 | 28/03/2011

9,013 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sáng nay, ngày 283 tại Cà Mau, Nhà máy Đạm Cà Mau một trong 3 hợp phần thuộc Cụm dự án Khí  Điện Đạm Cà Mau, dự án trọng điểm quốc gia do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, một  nhà máy đạm  quy mô lớn nhất nước, chính thức ra mắt. Phóng viên báo Năng lượng Mới đã có mặt tại công trường thi công Nhà máy Đạm Cà Mau vào những ngày cuối tháng 3, khi hàng ngàn công nhân đang tất bật thi công ở giai đoạn nước rút nhằm sớm cho ra lò những mẻ phân đạm urê hạt viên đầu tiên vào cuối năm nay.

Nhà máy Đạm Cà Mau

Hối hả trên công trường

Cà Mau vào cuối tháng 3, những cơn mưa trái mùa chợt ùa đến khiến tiết trời ẩm ướt. Điều đó không làm nhịp sống hối hả ở Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau chùn lại. Nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau gần 20 cây số, công trình Nhà máy Đạm Cà Mau (nằm trong Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau ở xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) hiện ra trước mắt tôi với dáng vẻ quy mô của một đại công trường ở vùng rừng sâu U Minh hạ. Bất chấp cái nắng gay gắt khi trời quang mây tạnh, bất chấp những cơn gió mạnh từ biển thổi vào, không khí lao động trên công trường nhà máy luôn nhộn nhịp, sôi động, khẩn trương.

Mặc dù đã được lãnh đạo Ban Quản lý dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau giới thiệu kỹ về quy mô công trình, về tiến độ công việc, nhưng khi theo chân kỹ sư Đào Văn Ngọc (Chỉ huy trưởng công trình Nhà máy Đạm Cà Mau) đi khảo sát công trường, tôi vẫn bất ngờ với những gì đang diễn ra ở đây. Nhìn quang cảnh trên công trường, một lực lượng công nhân khổng lồ với gần 850 công nhân Trung Quốc của liên danh nhà thầu Wuhuan Engineering Co. Ltd (WEC), China National Machinery Import and Export Corporation (CMC) cùng với hơn 900 công nhân của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và một số nhà thầu phụ khác, cùng với thiết bị máy móc đang làm việc hết công suất thì quả thật là đáng nể. Tất cả tất bật và lạc quan, mong mỏi sớm làm xong phần việc của mình để công trình đi đúng tiến độ nhằm cho ra lò mẻ phân đạm đầu tiên vào tháng 11-2011.

Kỹ sư Ngọc hướng dẫn tôi nhìn từ xa các hạng mục thi công ở phía trước, nào là một loạt các gói thiết bị kỹ thuật phức tạp như lò phản ứng sơ cấp, máy nén khí amôniắc, máy nén khí CO2, máy nén khí công nghệ, thiết bị nồi hơi phụ trợ, lò phản ứng thứ cấp, vật tư ống ngầm, kết cấu thép…và nào là các thiết bị siêu trường, siêu trọng. Tất cả giờ đã được lắp đặt hoàn chỉnh, vào đúng vị trí, đảm bảo an toàn.

Khi đến khảo sát ở các hạng mục khác, tôi được dịp chứng kiến thêm các công đoạn thi công nước rút, như tòa nhà Cooling tower (tháp nước làm mát nước sâu), tòa nhà máy nén chính của xưởng amôniắc, khu chứa hạt urê, đường ống dẫn khí, kết cấu dãy nhà chứa urê, hai tháp cột thiết bị tổng hợp amôniắc có trọng tải hơn 720 tấn… Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, chỉ riêng việc tổ chức cho các đơn vị thi công cùng lúc vào thời điểm này đã là vấn đề không đơn giản, tuy nhiên, nhờ trao đổi, cập nhật thông tin thường xuyên trong ngày giữa các đơn vị thi công, giám sát nên mọi công đoạn đều diễn ra trôi chảy, an toàn.

Sự ấn tượng đối với tôi khi bước chân vào khuôn viên công trường là không khí làm việc cật lực của các công nhân tại vị trí bồn chứa hỗn hợp sản phẩm amôniắc, đây là một trong những hạng mục quan trọng nhất của công trình. Tiếng hàn xì, tiếng động cơ lắp đặt, tiếng gọi í ới nhau của công nhân, không khí tất bật ở khu vực công trình bồn chứa tạo nên những hình ảnh, âm thanh sôi động, thành điểm nhấn cho đại công trường. Theo giải thích của các kỹ sư ở đây, bồn chứa này với thể tích 20.000m3 đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện, khi hoàn thành sẽ có công suất chứa 10.000 tấn hỗn hợp amôniắc.

Theo Ban Quản lý dự án, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của công trình nhà máy đạm là khẩn trương tiến hành lắp đặt đồng bộ hàng loạt thiết bị kỹ thuật, công nghệ cho các phân xưởng của nhà máy. Công việc này đòi hỏi sự chính xác và độ an toàn tuyệt đối. Khắc phục sự chậm trễ tiến độ ban đầu do các khâu thiết kế, thi công…, đến nay, tất cả các hạng mục của toàn bộ công trình đều cơ bản bảo đảm đúng tiến độ.

Tôi cứ ngỡ những cơn mưa bất thường của tháng 3 sẽ khiến công việc thi công trên công trường gặp không ít khó khăn. Nhưng trên thực tế, trong công trường, khi mưa xuống, đất ngậm nước dẻo quẹo, một số công đoạn thi công thì chỉ tạm nghỉ trong chốc lát. Đến khi tạnh mưa cả công trường lại trở nên rộn rã. Được biết, với thời tiết dễ thay đổi như mùa này nên Ban Quản lý dự án đã triển khai những kế hoạch phân bổ các hạng mục thi công phù hợp, an toàn cho công trường khi có mưa xuống. Tuy nhiên, mọi hạng mục thi công đều được các công nhân dồn sức làm việc nhằm chạy đua với thời gian cho kịp tiến độ.

Thi công nước rút

Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ cho sản phẩm vào cuối năm 2011

Theo Ban Quản lý dự án, tính đến hết quý I/2011, tiến độ tổng thể dự án Nhà máy Đạm Cà Mau đã hoàn thành hơn 81,3%tổng khối lượng công việc toàn bộ dự án, đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra. Theo dự kiến, mốc thời gian cho tiến độ côngtrình là từ nay đến cuối tháng 7-2011 sẽ hoàn thành việc lắp đặt thiết bị kỹ thuật, công nghệ cho từng cụm, từng phân xưởng và tiến hành chạy thử. Tháng 9-2011 hoàn tất công tác lắp đặt toàn bộ Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngày 27-11-2011 sẽ cho ra lò mẻ phân đạm đầu tiên.

Chính vì thế, để đẩy nhanh tiến độ dự án và tăng cường nhân sự trong công tác giám sát, tôi còn được biết vào tháng 3 này, Ban Quản lý dự án đã đưa 18 học viên đang đào tạo tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ về công trường để tăng cường lực lượng hỗ trợ công tác giám sát, chế tạo, lắp đặt thiết bị đường ống tại công trường. Các học viên điều chuyển này gồm các chuyên ngành cơ khí và điện, khi đưa về công trường sẽ tiếp tục đào tạo bồi dưỡng trong quá trình giám sát lắp đặt tại công trường để đáp ứng mục tiêu đào tạo đề ra.

Còn với kỹ sư Đào Văn Ngọc, dù mới 35 tuổi đời, trước khi về đây làm chỉ huy trưởng công trình, anh đã có nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý giám sát công trình tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ và trên các công trường nhà máy đạm ở tận bên Trung Quốc. Chuyện đôn đốc giám sát các đơn vị thi công sao cho đúng tiến độ và an toàn giờ trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu đối với chàng kỹ sư này.

Mặc dù tòa nhà của Ban Quản lý dự án nằm cách công trình đến hơn 15 cây số, thế nhưng, tôi nghe các kỹ sư ở công trình kể rằng, ngày ngày lãnh đạo Ban Quản lý dự án luôn thường trực có mặt tại công trình để trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, không kể ngày đêm. Ngay đêm hôm trước, khi ở thành phố Cà Mau trời mưa lớn, đường vào giữa công trình còn nhão nhoẹt trơn trợt thì sáng sớm hôm sau, từ vùng ven thành phố này, ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng ban Quản lý dự án) đã tức tốc xuống có mặt tại công trình để khảo sát. Còn khi một vài hạng mục nào đó xảy ra những lỗi nhỏ trong thi công dẫn đến thiếu an toàn lao động, luôn luôn có sẵn một Phó trưởng ban quản lý dự án ứng trực tại chỗ để xuống ngay hiện trường chỉ đạo xử lý, nghiêm khắc kiểm điểm từ những công đoạn có sơ suất nhỏ nhất. “Chính những sâu sát như thế, nên đến bây giờ, dù quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định rằng, công trình Nhà máy Đạm Cà Mau chưa hề có tai nạn chết người, công tác an toàn lao động luôn đảm bảo tốt”, kỹ sư Đào Văn Ngọc hãnh diện khoe với tôi.

Nói về quá trình thi công Nhà máy Đạm Cà Mau, ông Hoàng Trọng Dũng – Phó trưởng ban Quản lý Dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau cho biết: Ban Quản lý dự án đang phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu huy động tối đa kỹ sư, công nhân dốc sức xây lắp đồng bộ, hoàn thiện các hạng mục còn lại. Chúng tôi sẽ tổ chức nghiệm thu, chạy thử đơn động, liên động và cố tải nhằm đạt mục tiêu đến cuối tháng 11-2011 sẽ cho ra tấn sản phẩm đạm urê đầu tiên. Bộ phận thi công cảng đạm Cà Mau tăng tốc thi công trong những ngày nắng ráo để bàn giao cho chủ đầu tư trong quý III/2011. Cả công trường đang dốc sức cho 200 ngày đêm thi đua nước rút, đảm bảo an toàn tuyệt đối để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Bởi vì công trình đang trong giai đoạn nước rút nên các công nhân luôn phấn đấu để hoàn thành. Chính vì thế, các công nhân, kỹ sư ở tất cả các công đoạn đều tăng ca, làm việc từ 2 đến 3 ca mỗi ngày. Một số hạng mục quan trọng cũng bố trí công nhân làm việc 24/24, bất kể ngày đêm, như hạng mục bồn chứa hỗn hợp amôniắc, bộ phận nồi hơi phụ trợ, bộ phận gia công chế tạo ống hàn…Nhờ những nỗ lực như vậy, đến thời điểm gần cuối tháng 3, ngoài những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi công được tháo gỡ, thì tất cả các hạng mục đều đạt tiến độ đề ra.

Kỹ sư Đào Văn Ngọc chia sẻ: Khi sắp đến ngày chính thức làm lễ ra mắt Nhà máy Đạm Cà Mau, nhiều anh em công nhân Việt Nam làm việc trên công trường này rất phấn khởi bởi vì phần lớn trong số họ sẽ được giữ lại để làm công nhân cho Nhà máy Đạm. Nhìn về một tương lai lâu dài, được gắn bó với nhà máy đạm đã giúp cho tinh thần làm việc của các anh em công nhân càng thêm phấn khởi, lạc quan.

Trước khi rời công trường, chia tay những anh em công nhân đang hăng say làm việc dù mặt trời đã đứng bóng, tôi không quên ngoái đầu nhìn kỹ lại lần nữa. Thế là sao những năm tháng miệt mài lao động, giờ đây trên vùng đất cuối trời của tổ quốc đã hình thành một cụm công nghiệp khí điện đạm hoành tráng, gần đến lúc hoàn chỉnh đến như vậy. Mong sao, khi công trình Nhà máy Đạm Cà Mau (dự án cuối cùng nằm trong cụm Khí – Điện – Đạm) được hoàn thành, đi vào hoạt động, sẽ là nhà máy sản xuất đạm quy mô lớn nhất của cả nước. Sẽ cho ra lò những mẻ phân đạm hạt viên đầy chất lượng cho bà con nông dân Cà Mau và các tỉnh miền Tây Nam Bộ có những mùa lúa vàng bội thu, cũng như xuất khẩu phân đạm ra thị trường quốc tế. Có như vậy, việc xây dựng nhà máy sẽ giúp mang lại những hiệu quả kinh tế xã hội, để những người nông dân đất mũi vốn quanh năm chân lấm tay bùn được hưởng những những thành quả mới ấm no, hạnh phúc trên vùng đất xa xôi, tận cùng của Tổ quốc.

Nhà máy Đạm Cà Mau là một trong 3 hợp phần thuộc Cụm dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau, là dự án trọng điểm quốc gia – do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy khởi công xây dựng từ tháng 7-2008 trên diện tích 52 hécta, tổng vốn đầu tư 900,2 triệu USD, công suất thiết kế 800.000 tấn phân đạm urê dạng viên/năm. Nhà máy đạm nằm cạnh Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2. Các thiết bị chính của nhà máy được cung cấp bởi các tập đoàn lớn như: Haldor Topsoe (Đan Mạch) cung cấp xưởng amôniắc, Saipem (Italia) cung cấp xưởng urê và Toyo (Nhật Bản) cung cấp xưởng tạo hạt. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Đạm Cà Mau là khí thiên nhiên khai thác từ các mỏ thuộc vùng biển chồng lấn Việt Nam và Malaysia, với hệ thống đường ống dẫn khí có chiều dài 325km về cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau. Khi Nhà máy đạm Cà Mau chính thức đi vào vận hành thương mại, sẽ cùng với Nhà máy đạm Phú Mỹ cung cấp cho nông nghiệp cả nước gần 70% sản lượng phân đạm đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, không những đảm bảo thị trường phân bón ổn định mà còn tiết kiệm cho Nhà nước mỗi năm hàng tỉ USD nhập phân bón, góp phần giảm thiểu nhập siêu.

Thế Vinh

DMCA.com Protection Status