Nhịp đập lớn

10:31 | 11/08/2011

395 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi bắt đầu đặt bút viết phóng sự này về ông vào thời điểm mà rộ tin đồn rằng, ông sẽ phải rời chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Nhưng chẳng có bất cứ dấu hiệu nhỏ nào cho thấy ông sắp chuyển công tác, sắp rẽ sang một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông. Vẫn hàng núi công việc phải giải quyết. Vẫn vào Nam, ra Bắc như con thoi.

Đồng chí Đinh La Thăng thăm công nhân ở Nhà máy điện Nhơn Trạch 2

Những ai đã quen với tác phong làm việc của ông – trong đó có tôi – sẽ không bao giờ nỡ “chiếm đoạt” thời gian của ông, thứ thời gian mà có thể với tôi hoặc với bạn thường thừa thãi, nhưng với ông thì luôn quý hiếm, phải tiết kiệm từng phút. Do Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đang diễn ra, khiến ông phải có mặt ở Hà Nội. Nhưng hễ xuất hiện khoảng trống nào, lập tức công việc lấp đầy ngay tức khắc.

Vì thế, để gặp được ông, tôi đã phải chờ đợi hàng tháng trời. Trót nhận lời với một tờ báo là sẽ viết về ông, tôi đâm ra lo lắng, sợ mình không hoàn thành lời hứa. Tôi phải nói thật với ông như vậy qua điện thoại, mong được gặp ông, một người không bao giờ sai hẹn, đồng cảm mà chiếu cố. Cuối cùng ông cũng dành cho tôi nửa buổi sáng ngày cuối tuần, như một ngoại lệ hiếm hoi.

Đã viết tới vài chục chân dung, vậy mà khi nhận lời viết về ông, thực ra trong lòng tôi cứ thấy mình thiếu tự tin, cái điều mà ít khi xảy ra với tôi. Là bạn của ông từ ngày còn ở công trường thủy điện, hiểu khá rõ tính cách của ông, nhưng tôi luôn linh cảm ông ngoại cỡ về tầm vóc so với hình dung của mình. Ông có nhiều thứ mà người khác phải lấy làm kỳ lạ. Đó là khả năng làm việc phi thường, sự dẻo dai phi thường, bản lĩnh cũng có thể nói là phi thường. Lúc nào cũng chỉ thấy ông chuẩn bị ra quyết định, những quyết định khiến người khác chóng mặt, đối tác nể phục và khiến người thân lo lắng.

Chỉ cần nhìn vào biểu đồ phát triển, sự hiện diện về địa lý của ngành Dầu khí trong thời gian hơn 5 năm qua, cũng đủ hiểu phần nào công việc mà ông phải làm. Nó khiến ta phải kinh ngạc! Nhưng khi tiếp xúc với ông thì lại chỉ thấy ông như một người bình dị, hài hước, nhân hậu và thân thiện. Ông rất khác người khi nói về bản thân và thường là vô cùng ngắn gọn. Ngắn gọn đến mức không đủ để ghi vài câu tóm tắt. Ông lại là người có óc thẩm mỹ tinh tế, sành sỏi chữ nghĩa, am hiểu văn chương nghệ thuật, vì thế khi viết về ông phải rất cẩn trọng, không phải vì để làm ông vừa lòng, mà vì chính danh dự của người viết.

Đồng chí Đinh La Thăng trao quà lưu niệm cho một đối tác Hàn Quốc

Tôi nhớ là sau khi nhận lời với tờ báo nọ, trong nỗi lo lắng, tôi bỏ ra mấy đêm liền để phác thảo vài ba cách tiếp cận ông Chủ tịch, ở những hướng khác nhau. Hướng nào cũng vô cùng hấp dẫn, phong phú về tư liệu sống, đủ để tạo ra cảm hứng mạnh mẽ khi đặt bút. Theo chính gợi ý của ông Tổng biên tập tờ báo đặt bài tôi, thì nên tiếp cận Đinh La Thăng ở khía cạnh ông đã đem đến cho ngành Dầu khí một phong cách làm việc mới và một nếp sống văn hóa mang tên Dầu khí. Tiếp cận hướng này, tôi có thể khai thác tư liệu về ông từ khi còn ở Hòa Bình và thời gian ông làm Phó bí thư Thừa Thiên – Huế, nơi ông để lại “một phong cách làm việc hoàn toàn mới” như lời nhận xét đầy thán phục của lãnh đạo tỉnh hôm chia tay ông.

Đó là nét dễ nhận thấy nhất trong số những dấu ấn mà ông để lại khi đến bất cứ đâu, ở Dầu khí thì dấu ấn này càng nổi trội. Ông đã thổi vào tinh thần mọi người, nhất là lớp trẻ, một luồng sinh khí mới. Họ tin theo ông rằng, muốn phát triển mạnh mẽ thì phải thay đổi, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đưa ra những quyết định kịp thời có lợi cho tập thể. Điều quan trọng nhất là phải biết đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Họ bị thuyết phục bởi tìm thấy ở ông một chỗ dựa vững chắc cho những hành động của mình. Ông luôn đứng sau họ, sẵn sàng chia sẻ thành công cũng như thất bại. Ông khác người ở chỗ ấy. Lớp trẻ thần tượng ông cũng ở bản tính đậm tinh thần xả thân ấy. Những thay đổi bắt đầu từ đó. Sự ù lỳ, trông chờ nghe ngóng người xung quanh dần trở thành lạc lõng. Mọi người đều khao khát thể hiện mình trong công việc.

Phong cách ấy tất yếu phải đi kèm với một lối ứng xử mới. Đó là lối ứng xử lấy tình thương, sự quan tâm đến người khác làm nền tảng. Cũng là làm từ thiện nhưng ông không muốn thấy đó là hành động mủi lòng nhất thời, mà phải là nhu cầu tinh thần, nhu cầu hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, lối sống. Nhờ thế mà Tập đoàn Dầu khí là nơi phong trào làm từ thiện phát triển rất mạnh mẽ. Mọi người cứ có điều kiện là nghĩ đến làm từ thiện. Đi theo hướng này, tôi có thể tìm tư liệu ở bất cứ đâu trong Tập đoàn. Còn nếu muốn khắc họa bản lĩnh, sự quyết đoán của ông, thì chỉ cần dựa vào hai việc ông làm khi mới tiếp nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dầu khí (nay là Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam).

Đó là vụ cơ cấu lại bộ máy quản lý của Tổng Công ty, với cải cách chế độ tiền lương và việc chuyển Công ty PTSC từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Trước ông có lẽ nhiều người cũng đã nghĩ đến việc đó. Có thể họ cũng biết như ông nếu không cải cách chế độ trả lương, thưởng và cơ cấu lại bộ máy quản lý, thì không thể tạo ra động lực phát triển. Ông hoàn toàn có thể mất bay chức Chủ tịch nếu bị sa lầy vào hai sự kiện ấy.

Thực tế thì ông cũng gặp khó khăn và cảm thấy bị cô lập một thời gian, nhất là sau quyết định điều chuyển ghê gớm kia, một việc đúng là ngoài mọi sức tưởng tượng về độ quyết liệt. Nhưng nhờ thế mà ngày nay, từ một công ty nhỏ, ít được biết tới, PTSC trở thành một con “khủng long” của Tập đoàn và cả khu vực. Đấy, giả dụ có thể khắc họa tâm trạng ông trước khi đưa ra hai quyết định đó. Ông dựa vào đâu để tin mình thành công? Ông có lường tới sự thất bại và khi đó điều gì sẽ xảy ra? Hàng loạt câu hỏi như vậy thật hấp dẫn và gây tò mò. Hoặc khi bị phản ứng dữ dội, bị vu cáo, bôi nhọ bằng đủ thứ phương tiện… lúc đó tinh thần của ông thế nào? Rồi khi mọi sự thành công thì ông nghĩ sao? Về mặt văn chương, tha hồ có đất mà tung tẩy. Vả lại, với ngần ấy thừa đủ để phác nên chân dung ông và chắc chắn không thiếu góc cạnh, đủ sức tạo một ấn tượng nghệ thuật cho người đọc.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều kịch bản khác cho tôi lựa chọn. Giả dụ, muốn làm bật lên sự dũng cảm của ông thì có vô số sự kiện có thể đưa ra làm dẫn chứng. Quá nhiều là đằng khác. Vấn đề còn lại chỉ là lựa chọn tinh tường của người viết nữa thôi. Hoặc cũng có thể trở lại với quá khứ của ông hơn chục năm trước, để người đọc thấy được tính logic của những gì ông làm bây giờ, được bắt nguồn từ thời trai trẻ như thế nào. Chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều sự tò mò. Mà tư liệu về giai đoạn này gắn với Đinh La Thăng là thứ dễ tìm nhất nếu ai từng quan tâm đến thời kỳ hậu Sông Đà hoặc quá trình quân tướng thủy điện tả tơi vì cơm áo, kéo nhau vào đánh thức Tây Nguyên và những miền đất mới. Lúc đó ông giống như một vị thủ lĩnh trẻ xông xáo không biết mệt và không biết sợ, chấp nhận mọi thách thức với hoàn cảnh. Ông nhanh chóng trở thành biểu tượng về sức mạnh ý chí cho lớp trẻ và làm yên lòng nhiều người tuổi xế chiều. Những ký ức tuyệt đẹp về ông còn lưu giữ nơi nhiều cuộc đời mà bạn muốn tìm họ không hề khó. Ông nổi tiếng bởi tài xoay chuyển tình thế, biến bại thành thắng, việc càng khó càng có hứng, chính là ấn tượng được tạo ra từ thời kỳ này.

Khi dẫn đội quân hết việc ở Hòa Bình, vào làm Thủy điện Yaly, giữa một Tây Nguyên bao la bí ẩn, ông nhìn ngay ra con đường sống cho hàng vạn người bằng một chương trình an sinh độc đáo có một không hai: Đó là xây dựng làng công nhân! Làm thế, ông tận dụng được tiềm năng đất đai mênh mông của vùng đất cao nguyên trù phú cho những người thợ kéo theo cả gia đình họ. Chỉ những người không chấp nhận lùi bước và luôn nghĩ về người khác như ông mới nghĩ ra phương cách đó! Nhờ thế mà hàng vạn người thở phào trước nỗi lo cơm áo cho mình và vợ con, để dốc lòng xây thủy điện, tạo ra bước ngoặt kỳ diệu Yaly.

Hoặc cũng có thể viết về ông như một người đam mê trẻ tuổi, đam mê đổi mới, với tính cách vừa bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc? Những người trẻ của Tập đoàn Dầu khí sẽ kể chuyện này rất hay và tôi có lẽ chỉ phải ghi chép lại thôi. Nhưng sau khi cân nhắc, xét đến cả khía cạnh nghệ thuật và tính thời sự của vấn đề lẫn khả năng của mình, tôi thiên về ý định sẽ bám theo hai sự kiện mang đậm dấu ấn Đinh La Thăng hơn cả. Trên thực tế thì ngoài ông ra, khó mà có ai khác dám làm như vậy, dám tin vào lương tâm mình một cách mạnh mẽ như vậy. Đó là hai quyết định “động trời” mà phần lớn những người ở cương vị của ông sẽ khôn ngoan né tránh.

Đồng chí Đinh La Thăng thăm và chúc tết một gia đình công nhân ở Nhà máy Đạm Cà Mau nhân dịp tết Tân Mão

Quyết định thứ nhất: Ông dùng quyền của mình chọn thầu Dự án thu gom khí mỏ Rồng – Đồi Mồi, thay vì đưa ra đấu thầu lại. Nguyên do là thế này. Mỗi ngày mỏ Rồng – Đồi Mồi phải đốt bỏ lượng khí khổng lồ trị giá 200.000USD. Đây là lãng phí rất lớn và gây ô nhiễm môi trường. Chậm một ngày thu gom, là mất đi của đất nước ngần ấy tiền. Mà đấu thầu lại, phải qua các trình tự thủ tục, sẽ chậm hoàn thành dự án hơn chọn thầu luôn rất nhiều. Ông dựa vào đó để ra cái quyết định ghê gớm kia. Đó là một quyết định có thể đi bay cái chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông.

Còn quyết định thứ hai liên quan đến Dự án Điện Nhơn Trạch II. Dự án đã được đưa ra đấu thầu quốc tế. Phát hiện có sự nhập nhèm giữa số vốn thực góp và số quyền đại diện khi bỏ phiếu thầu để hưởng lợi, ông kiến nghị Chính phủ hủy kết quả đấu thầu và cho phép chỉ định thầu. Ông đem “thế chấp” chức vụ của mình để đảm bảo sẽ tiết kiệm cho Nhà nước 100 triệu USD nếu chấp nhận phương án của ông. Và ông đã đúng trong cả hai sự kiện, như câu trả lời của thực tế. Chỉ nghe thôi đã thấy hấp dẫn. Tôi dự định khi gặp ông, tôi sẽ xoáy sâu vào những chi tiết của hai sự kiện đó. Tôi muốn biết ý nghĩ nào đã thôi thúc ông hành động quyết đoán và mau lẹ, bất chấp rủi ro cá nhân như vậy.

Đặc biệt, ông có gì hậu thuẫn để một mình dám cưỡi lưng hổ? Nhiều lần ông tâm sự, với bất cứ quyết định nào, ông luôn dựa vào lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì phải dốc sức mà làm”. Ông bảo, chỉ cần tựa vào đó là biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Một lời dạy vô cùng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm theo nhưng không phải ai cũng nghĩ thế. Họ biết việc gì đó có lợi hay có hại cho đất nước, biết rất rõ là khác nhưng chỉ vì lo giữ bản thân mà không dám chịu trách nhiệm khi đưa ra quyết định. Đành rằng đó là giải thích quan trọng, được chính ông nói ra, nhưng vẫn có vẻ mang tính lý thuyết. Thực tế cuộc sống hẳn phải diễn ra phức tạp, tinh tế, nhiều biến cố hấp dẫn hơn nhiều. Tôi nhất định sẽ thuyết phục được ông giúp tôi về tư liệu để tôi khắc họa ông như một nhà lãnh đạo coi lợi ích chung cao hơn hết thảy, hơn cả danh dự, chức vụ của mình. Bởi vì ông đã hành xử đúng như thế và đánh giá như vậy cũng là công bằng đối với ông, giả sử cần có một sự ghi nhận nào đó.

Chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chi tiết như vậy nên tôi đã có chút tự tin và yên chí để gặp ông. Đó là một buổi sáng thanh bình hiếm có với ông. Thanh bình vì thời tiết khá đẹp, trong khi ông có thể thoải mái nói đủ thứ chuyện mà không bị ngắt quãng bởi những cú điện thoại, những báo cáo của thư ký, những nhắc nhở đến giờ phải đi họp, phải chủ trì hội nghị hoặc thăm nom ai đó trong Tập đoàn. Vẫn như mọi khi, mở đầu bao giờ ông cũng chủ động hỏi thăm con cái, công việc, cuộc sống của tôi và người thân, bạn bè.

Đôi khi tôi tự hỏi, làm sao ông bận như vậy mà vẫn có thể nhớ hết mọi chuyện nhỏ nhặt của người khác. Có những chuyện ông chỉ nghe một lần, nghe khi vẫn làm việc, nhưng hàng năm sau ông vẫn nhớ. Có những việc của người này nhưng do người khác kể lại, cũng trở thành mối quan tâm của ông. Nhiều người ngạc nhiên như tôi về điều này. Chỉ có thể lý giải vì ông có thói quen quan tâm đến người khác, như một nhu cầu. Tôi sợ làm mất thời gian của ông nên tranh thủ nêu ngay lý do của buổi làm việc. Ông ngồi nghe, mặt đang thư giãn, thanh thản bỗng đổi sang đầy tâm trạng.

Tôi tiếp tục thao thao về cách thức mà tôi sẽ phác họa chân dung ông. Tôi dẫn lại một số sự kiện, định bụng sẽ lấy đó làm bối cảnh, làm nền, làm gam chủ đạo, làm cái cốt cho toàn bộ bài viết v.v… Có lẽ tôi còn nói nhiều nữa… nhưng tôi bỗng dừng lại, linh cảm thấy hình như ông không hề để tâm đến điều tôi trình bày một cách đầy háo hức. Đáp lại, ông chỉ khẽ mỉm cười độ lượng. Có vẻ như ông đang nghĩ về chuyện gì đó chẳng liên quan đến công việc của tôi. Bởi mắt ông trở nên xa xôi cho dù chưa khi nào tôi thấy ông dễ gần như vậy. Giống như hồi ông rời khỏi Sông Đà vào Huế, tôi lại đọc thấy một nỗi day dứt sâu xa, những yêu thương bị nén xuống, những nuối tiếc xen lẫn sự lo lắng rất khó chia sẻ…

- Đừng nói gì về tất cả những thứ đó – ông nói giọng chân thành và thẳng thắn – Dù sao cũng cảm ơn tình cảm của ông, nhưng đó là công việc tôi phải làm, là bổn phận của tôi. Nếu không như vậy thì tôi ngồi đây suốt 5 năm rưỡi qua để làm gì. Những chuyện ông nói nghe thì ghê gớm, nhưng thật ra cũng đơn giản thôi mà. Nếu để mỗi ngày đất nước đỡ mất đi 200.000USD (ông muốn nói đến Dự án thu gom khí Rồng – Đồi Mồi), nếu biết có thể làm lợi cho Nhà nước 100 triệu USD (ý ông muốn nhắc tới Dự án Điện Nhơn Trạch II), thì cái chức Chủ tịch Tập đoàn của tôi đáng gì mà không đánh đổi. Những việc khác cũng thế. Nó là việc bình thường, việc phải làm cả thôi.

(Xem tiếp kỳ sau)

Chu Quý

DMCA.com Protection Status