Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/1/2023

20:20 | 19/01/2023

12,243 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn điện dịp Tết; Dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng cao kỷ lục; Ấn Độ nhập dầu Nga tăng kỷ lục… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 19/1/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/1/2023
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sử dụng dầu mỏ năm 2023 dự kiến là 101,7 triệu thùng/ngày. Ảnh: Investors

Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn điện dịp Tết

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán sẽ giảm thấp đáng kể so với ngày thường. Dự báo, trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023 công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa có thể giảm còn 16.000 MW đến 17.000 MW, tương ứng với khoảng 60% so với ngày làm việc bình thường.

Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo rơi vào khoảng 21.000 MW (bao gồm gần 16.200 MW điện mặt trời và gần 4.000 MW điện gió), chiếm tỷ lệ 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống điện (khoảng 77.800 MW).

Với mức tiêu thụ điện giảm thấp, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải. Khi các nguồn truyền thống đã ngừng/giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ, việc điều chỉnh giảm công suất từ tất cả các loại hình nguồn điện, gồm cả năng lượng tái tạo (như thủy điện nhỏ, điện mặt trời nối lưới, điện mặt trời mái nhà, điện gió) là yêu cầu bắt buộc.

Dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng cao kỷ lục

Ngày 18/1, trong báo cáo hằng tháng về dầu mỏ, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sử dụng dầu mỏ năm 2023 dự kiến là 101,7 triệu thùng/ngày, cao hơn 80.000 thùng so với con số được đưa ra trong báo cáo tháng 12/2022 và là mức cao kỷ lục.

Theo Cơ quan năng lượng có trụ sở tại Paris (Pháp), dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, triển vọng kinh tế thế giới phần nào cải thiện và việc Trung Quốc mở lại nền kinh tế nhanh hơn dự kiến. IEA cũng cho rằng môi trường kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn có nhiều khó khăn, với đa số chuyên gia dự báo các nền kinh tế Mỹ và châu Âu suy thoái nhẹ trong năm nay.

IEA cho rằng Nga và Trung Quốc là 2 nước có tác động lớn đến triển vọng của thị trường dầu mỏ năm nay. Cụ thể, nguồn cung dầu mỏ của Nga chững lại do tác động mạnh của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với nước này trong khi việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy gần 50% mức tăng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.

Các tập đoàn dầu khí lớn sẽ tiếp tục lãi lớn trong năm 2023

Các tập đoàn dầu khí lớn nhất toàn cầu gồm BP, Chevron, Exxon Mobil, Shell và TotalEnergies hay còn gọi là Big Oil được dự báo tiếp tục lãi lớn trong năm nay sau khi thu được tổng lợi nhuận kỷ lục 200 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái nhờ giá dầu và khí đốt tăng vọt do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Theo ước tính của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Công ty dữ liệu Refinitiv, lợi nhuận của Big Oil sẽ đạt tổng cộng 158 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, thấp hơn so với mức cao kỷ lục trong năm 2022 do giá năng lượng suy yếu và các lo ngại lạm phát. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn so với mức lợi nhuận kỷ lục được ghi nhận vào năm 2011.

Các nhà phân tích của RBC Capital Markets cho rằng, với mức nợ giảm đáng kể, Big Oil sẽ tiếp tục tưởng thưởng lớn cho các cổ đông trong năm nay. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh siêu lãi của Big Oil có thể làm dẫn đến các lời kêu gọi các chính phủ trên thế giới tiếp tục tăng thuế đánh vào khoản lợi nhuận đột biến trong lĩnh vực dầu khí khi các nền kinh tế phải chật vật ứng phó giá năng lượng đắt đỏ.

Ấn Độ nhập dầu Nga tăng kỷ lục

Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ Vortexa cho biết, lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ trong tháng 12/2022 đã tăng 33 lần so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, đã nhập khoảng 1,2 triệu thùng/ngày từ Nga trong tháng 12 năm ngoái, tăng hơn 29% so với tháng trước đó.

Lượng dầu nhập khẩu tăng kỷ lục đã đưa quốc gia Nam Á này là một trong những khách hàng lớn nhất của Nga trong bối cảnh phương Tây đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Moscow. Hiện Nga đã vượt Iraq trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ.

Liban sẽ vay 116 triệu USD để tăng cung ứng điện

Chính phủ lâm thời của Liban ngày 18/1 đã quyết định thông qua hạn mức tín dụng 116 triệu USD nhằm hỗ trợ cho lưới điện quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng. Cụ thể nước này đã nhất trí vay 62 triệu USD để mua nhiên liệu và 54 triệu USD cho bảo dưỡng các nhà máy điện Zahrani và Deir Ammar.

Theo tờ Times of Israel, Liban trong hơn 2 năm qua đã phải hứng chịu tình trạng cắt điện thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân, đồng thời làm xấu thêm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn quốc khiến hơn 3/4 dân số rơi vào nghèo đói.

Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng việc tái cơ cấu khu vực năng lượng của Liban là một nội dung cải cách chủ chốt để nước này có thể vượt qua khủng hoảng.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/1/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/1/2023

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status