Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/9/2022

20:47 | 03/09/2022

972 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - G7 nhất trí áp trần giá dầu Nga; Gazprom thông báo ngừng vô thời hạn đường ống Nord Stream 1; Lượng khí đốt Nga chảy vào châu Âu qua Ukraine tăng nhẹ… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 3/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/9/2022
Đường ống Nord Stream 1 và trạm trung chuyển trên Biển Baltic ở khu công nghiệp Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters

G7 nhất trí áp trần giá dầu Nga

Ngày 2/9, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhất trí thông qua quyết định đặt mức trần giá dầu nhập khẩu của Nga. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nêu rõ: "Mục tiêu là hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga" và cho biết quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 đối với dầu thô và từ ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm tinh chế.

Quyết định được đưa ra trong một cuộc họp trực tuyến của Nhóm G7, sau khi các nhà lãnh đạo nhóm này cho biết hồi tháng 6 rằng họ đang xem xét một kế hoạch nhằm làm tăng thêm áp lực đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn của Nga. Trên cơ sở đó, các nước G7 sẽ cấm cung cấp các dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ bảo hiểm, cho các tàu chở dầu đến từ Nga có giá cao hơn mức trần đã được thống nhất.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov tuyên bố, những biện pháp hạn chế đơn phương đã gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng và khiến giá năng lượng tăng cao trên khắp thế giới. Để giải quyết, theo Bộ trưởng Năng lượng Nga, cần loại bỏ nguyên nhân gốc rễ, song quyết tâm này sẽ đòi hỏi phải khôi phục chuỗi cung ứng năng lượng, cũng như thiết lập chính sách năng lượng và khí hậu cân bằng.

Gazprom thông báo ngừng vô thời hạn đường ống Nord Stream 1

Đường ống Nord Stream 1 dự kiến hoạt động trở lại lúc 1h sáng ngày 3/9 (giờ địa phương) sau khi tạm dừng ba ngày để bảo trì. Nhưng, chỉ vài tiếng trước khi mở lại, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga bất ngờ tuyên bố không thể khởi động lại việc vận chuyển khí đốt một cách an toàn cho đến khi khắc phục được sự cố rò rỉ dầu trong một turbine quan trọng. Đáng chú ý, không có thời hạn cho việc trì hoãn lần này.

Thông báo của phía Gazprom được đưa ra ngay sau khi G7 nhất trí áp giá trần với dầu Nga nhằm "ngăn chặn nước này thao túng thị trường", theo lãnh đạo Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Phản ứng trước tuyên bố từ phía Gazprom, Siemens Energy - công ty của Đức phụ trách sản xuất turbine cho đường ống Nord Stream 1, cho rằng sự cố rò rỉ như vậy không thể ngăn đường ống hoạt động.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng liên bang Đức Klaus Mueller hôm 30/8 cho rằng, quyết định của Gazprom về việc tạm ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 là “khó hiểu về mặt kỹ thuật”, đồng thời cảnh báo có khả năng đây là cái cớ để Nga sử dụng nguồn cung năng lượng như một lời đe dọa.

Siemens sẵn sàng giúp Nga khắc phục lỗi liên quan đến Nord Stream 1

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 3/9 cho biết hãng Siemens Energy sẵn sàng sửa chữa thiết bị bị hỏng liên quan đến tuyến đường ống "Dòng cháy phương Bắc 1" (Nord Stream 1), nhưng chưa tìm được nơi nào để tiến hành công việc này.

Trước đó, Gazprom thông báo rò rỉ dầu động cơ turbine cuối cùng còn hoạt động tại trạm Portovaya dẫn tới đường ống khí đốt Nord Stream 1 ngừng hoạt động lâu hơn lịch trình đã định. Đường ống Nord Stream 1 ngừng hoạt động kể từ 31/8 để bảo trì. Dự kiến, đường ống này kết thúc thời gian ngừng hoạt động lúc 1h00 ngày 3/9 (theo giờ GMT).

Đường ống Nord Stream 1 là huyết mạch quan trọng đưa lượng khí đốt khổng lồ của Nga đến châu Âu, chiếm khoảng 35% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong năm ngoái. Việc Nga không nối lại ngay việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt có nguy cơ đẩy châu lục này vào cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông năm nay.

Lượng khí đốt Nga chảy vào châu Âu qua Ukraine tăng nhẹ

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết lượng cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu qua Ukraine qua trạm nhập cảnh Sudzha là 42,7 triệu m3 trong ngày 3/9, tăng nhẹ so với mức 41,6 triệu m3 ngày trước đó.

Gazprom đưa ra thông báo trên vài giờ sau khi tập đoàn này cho biết đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt tới Đức, vốn dự kiến vận hành trở lại vào cuối tuần này, sẽ tiếp tục bị khóa cho tới khi một turbine được sửa chữa, qua đó đình chỉ vô thời hạn hoạt động của tuyến đường cung cấp khí đốt then chốt tới châu Âu.

Mặc dù, lượng khí đốt qua trạm Sudzha tăng nhẹ, song không đủ để bù đắp lượng khí bị thiếu, vốn được dự kiến bơm qua Nord Stream 1 trong ngày 3/9.

Đức khẳng định tiếp tục nỗ lực đối phó nguồn cung khí đốt bị gián đoạn

Trong tuyên bố mới nhất ngày 2/9, người phát ngôn của Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết nước này không có bình luận cụ thể nào về thông báo về thông báo dừng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt tới Đức của Gazprom.

Người phát ngôn của Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết nước này vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để củng cố khả năng độc lập cũng như giảm sự phụ thuộc vào lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Và thừa nhận đây là thời điểm khó khăn song Đức sẽ đẩy mạnh công tác chuẩn bị và sẽ nỗ lực hơn nữa để đối phó với tình hình nguồn cung khí đốt bị gián đoạn.

Trước đó cùng ngày, Gazprom thông báo trong quá trình bảo dưỡng dự kiến kéo dài 3 ngày, Gazprom đã phát hiện turbine khí chính tại trạm Portovaya gần thành phố St. Petersburg bị rò rỉ dầu. Theo đó, turbine không thể vận hành một cách an toàn cho tới khi đoạn rò rỉ được sửa chữa và Gazprom không đưa ra bất kỳ khung thời gian nào về việc nối lại hoạt động cung cấp khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.

Hungary được Nga bơm thêm khí đốt so với hợp đồng

Phát biểu từ Praha bên lề cuộc họp không chính thức của các Ngoại trưởng EU, ông Szijjarto cho biết, trong tháng 8/2022, lượng khí đốt bổ sung tối đa so với hợp đồng dài hạn là 2,6 triệu m3. Tuy nhiên, con số này sẽ được tăng lên tối đa 5,8 triệu m3 mỗi ngày kể từ 1/9. Hiện một hợp đồng về việc này đã được ký giữa Hungary và Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.

Theo Bộ trưởng Szijjarto, việc cung cấp thêm lượng khí đốt phụ thuộc vào các vấn đề kỹ thuật và công nghệ. Khi khối lượng tăng lên cũng sẽ góp phần vào an ninh năng lượng của Hungary và tránh phải đưa ra các hạn chế trong nước do tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên.

Ông Szijjarto cũng nhấn mạnh rằng, Hungary sẽ có đủ khí đốt tự nhiên trong giai đoạn tới. Hiện Hungary đang có vị thế tốt về khả năng dự trữ khí đốt với mức tiêu thụ là 36,5% so với mức trung bình là 21,5% ở các nước Liên minh châu Âu (EU).

Lô hàng dầu Nga tới Colombia chuyển hướng sang Cuba

Dữ liệu theo dõi hải trình của Refinitiv Eikon cho thấy tàu Transsib Bridge, mang cờ Liberia, đã rời cảng Nakhodka ở miền Viễn Đông Nga và đi vào khu vực neo đậu của cảng Cartagena, nằm trên bờ biển phía Bắc Colombia, sớm ngày 2/9 (giờ địa phương), song không dỡ hàng ở đó mà chuyển hướng lên phía Bắc để tới cảng Matanzas của Cuba.

Doanh nghiệp quốc doanh Ecopetrol, nhà nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất Colombia, khẳng định công ty này không phải là đơn vị mua dầu lô dầu diesel nói trên do đang áp dụng chính sách hạn chế với các lô hàng dầu có xuất xứ từ Nga. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Colombia tuyên bố nước này đang làm rõ thông tin liên quan.

Trước đó, một quan chức giấu tên của Bộ Năng lượng và Mỏ Colombia cho biết không có hạn chế nào về xuất xứ của các chuyến hàng (dầu mỏ) tới quốc gia Nam Mỹ này. Cuba đã tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ Venezuela, Nga và các nước khác trong năm nay để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, đặc biệt sau đám cháy kinh hoàng tại kho dầu chiến lược bên vịnh Matanzas.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/9/2022

T.H