Nhớ những công trường dầu khí

07:00 | 22/06/2014

661 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Xuất phát ở Hà Nội lúc 7 giờ sáng, vậy mà gần tối chúng tôi mới đến được Nhà máy Thủy điện Hủa Na. Hơn 30 năm làm báo, có mặt ở hầu hết các công trình thủy điện ở Việt Nam, song chưa có nhà máy thủy điện nào (kể cả Yaly, Sơn La, Lai Châu) mà đường vào lại gian nan, hiểm trở và xa như vậy.

Năng lượng Mới số 332

 

Chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh vào đến Ngọc Lặc (Thanh Hóa) còn phải đi qua 4 huyện miền núi của Nghệ An là Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong với chiều dài gần 300km đường đồi núi quanh co, xung quanh bạt ngàn là rừng núi mới đến được nhà máy. Mùa mưa Hủa Na nhiều lần bị biến thành ốc đảo, cô lập với thế giới bên ngoài. Mấy nhà báo trẻ lần đầu vào nhà máy thủy điện hăm hở, phấn chấn là thế, vậy mà đến nơi mệt nhoài, có chút thức ăn gì trong bụng là nôn ra hết. Họ bảo: Thế mới biết những người đi làm thủy điện gian nan, vất vả đến nhường nào…

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Hủa Na, người đã gắn bó với Thủy điện Hủa Na từ ngày đầu vui vẻ nói: “Phải phong các nhà báo nữ là anh hùng, là những người dũng cảm bởi gần như chưa có nhà báo nữ nào cam đảm vào Hủa Na”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu gian nan, vất vả của những người đi làm thủy điện ở vùng rừng núi miền Tây xứ Nghệ, giáp tỉnh Sầm Nưa của Lào…

Với vai trò là ngành kinh tế đầu tàu và ý thức trách nhiệm với an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề nghị Chính phủ cho phép được đầu tư 5 trong số 13 dự án điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam trả lại do khó khăn về nguồn vốn, trong đó có Dự án Thủy điện Hủa Na (công suất 180MW). Đây là dự án thủy điện đầu tiên do PVN làm chủ đầu tư và cũng là dự án thủy điện được coi là “xương xẩu” nhất, khó khăn nhất trong các dự án thủy điện đã thi công ở Việt Nam. Hủa Na “xương xẩu” không chỉ xa xôi, giao thông phức tạp, không thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị, trong đó có nhiều thiết bị siêu trường, siêu trọng mà điều quan trọng hơn là kết cấu địa tầng phức tạp, diện tích lòng hồ quá lớn, đường hầm dẫn nước quá dài, công tác di dân khó khăn.

Tác giả (giữa) cùng các nhà báo trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau

Ngày ấy, không ít người đã hoài nghi về hiệu quả của dự án và cho rằng: Hủa Na ngay từ đầu đã đi ngược quy luật. Theo họ, trình tự của thủy điện là nhà máy được đặt thấp hơn đập nước nên đường vào công trình thủy điện là nhà máy trước rồi mới đến đập nước nhưng Hủa Na thì ngược lại, do chỉ có một con đường độc đạo nên phải đi theo đường xoắn ốc từ thấp lên cao rồi lại vòng xuống. Vì vậy Hủa Na đã xa lại càng xa hơn, đã khó khăn lại càng khó khăn hơn…

“Không gì là không thể làm được, càng khó càng phải có quyết tâm lớn” Khẩu hiệu và tinh thần ấy được lan tỏa từ những người lãnh đạo PVN đến các nhà thầu và cả từng người thợ. Những khẩu hiệu màu đỏ chữ vàng, những mốc thời gian cụ thể được đưa ra, những phong trào thi đua yêu nước, những đồng tiền thưởng được trao đúng lúc, đúng người đã giúp Hủa Na lập nên những kỳ tích. Chỉ trong vòng 3 năm thi công với tinh thần dầu khí và trí tuệ, công sức của hàng ngàn người thợ giữa trùng điệp rừng núi, Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã phát điện giữa niềm vui, niềm hạnh phúc của hàng ngàn con người.

Hủa Na là một trong nhiều công trường, nhiều dự án của ngành Dầu khí mà tôi may mắn có mặt trong những năm tháng cầm bút. Nếu như làm thủy điện ở vùng rừng núi xa xôi gian nan vất vả kiểu này thì làm nhiệt điện chạy than, chạy khí hay phân đạm lại có cái khó khăn, phức tạp kiểu khác.  

2. Dù hồi đi học đã đọc tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, song xuống Cà Mau tôi vẫn cứ ngỡ ngàng và không tin nổi vào mắt mình. Rừng U minh Hạ âm u với trùng điệp đước, tràm cùng đặc sản là “muỗi đói” cứ ào ào đuổi theo con người. Chẳng những thế, khí hậu cũng rất khắc nghiệt, chia làm hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Nắng chói chang, xám da thịt từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối 6 tháng liền, còn mưa lại xối xả, trắng trời trong những tháng cuối năm. Cam go và khó khăn như vậy nên tôi không thể hình dung ra nổi, bằng cách nào hàng ngàn người lao động dầu khí cùng các nhà thầu đã đưa 3 dự án lớn của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau (được coi là “Người khổng lồ” nơi đất mũi) vào hoạt động trong một thời gian kỷ lục, làm thay da đổi thịt cả vùng cực Nam Tổ quốc.

Hơn chục lần xuống Cà Mau, chứng kiến nhiều kỳ tích, nhiều mốc thời gian, nhiều lễ tuyên dương cá nhân điển hình xuất sắc của những người lao động ngành Dầu khí ở cả 3 công trường trong suốt 6 năm lao động quả cảm, song hình ảnh về những người thợ thi công nền móng để đặt hai nhà máy điện rộng hơn 30ha tại vùng đầm lầy ngập mặn xen lẫn những vuông tôm cứ đeo đuổi tôi cho đến tận bây giờ. 

Ngày ấy Cà Mau đang vào mùa mưa, trong khi dự án lại không được phép chậm tiến độ. Những kỹ sư và công nhân dầm mình giữa bùn đất 3 ca liên tục. Khi khoan thăm dò khu vực nhà máy xuống sâu 25m mà vẫn thấy bùn, tới 40m mới thấy đất đông lại và phải sâu 90m thì mới thấy chạm vào nền đất sàn. Chiếc cọc bê tông đầu tiên khi đóng xuống đã “mất hút” luôn tới độ sâu 75m. Để có một nền đất cứng vững xây dựng nhà máy, công nghệ bơm hút nước trong đất bùn để phần đất còn lại cấu kết với nhau thành nền đất cứng đã được những người thợ lắp máy cùng nhà thầu Vinci (Pháp) thực hiện với quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Nhìn những bao tải cát chất cao tới cả chục mét với mục đích gia tải cho nền đất và khuôn mặt xạm đen cùng bàn tay chai sần của những người thợ, tôi hiểu họ đã phải trải qua những thử thách, cam go đến mức nào.

Hơn 3 năm thi công, công trường điện Cà Mau gần như không có ngày và đêm. Với vai trò là nhà tổng thầu EPC, Lilama đã đưa về đây thiết bị máy móc hiện đại cùng đội quân tinh nhuệ nhất, trong đó hầu hết tuổi đời chỉ trên dưới 30. Thời điểm thi công nước rút, công trường có tới 3.500 người thợ. Họ mặc áo bảo hộ lao động phản quang màu đỏ hối hả làm việc cùng các chuyên gia nước ngoài với áo bảo hộ màu tím, màu xanh. Ngày nào trên công trường cũng diễn ra ít nhất 3 cuộc họp giao ban giữa chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát. Tôi đã ngồi thông trưa, quên cả ăn để tham dự một cuộc họp như thế và không khỏi tự hào cho tuổi trẻ Việt Nam. Những kỹ sư chỉ trên dưới 30 tuổi, song lại điều hành cả cuộc họp mà người tham dự là các chuyên gia Đức, Pháp, Ý, Nhật...

Sau cuộc họp, tôi nói vui với các kỹ sư “Các bạn đang điều hành cả thế giới đấy”. Chẳng những thế, một vài chuyên gia của Tập đoàn Siemens (Đức) và Vinci (Pháp) còn bị nhà thầu Lilama đuổi khỏi công trường vì thái độ làm việc thiếu trách nhiệm và trung thực. Điều đó lý giải vì sao: Điện Cà Mau được coi là công trình Thanh niên Cộng sản thứ hai sau công trình Thủy điện Hòa Bình.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên khuôn mặt thông minh, ngời sáng của chàng trai trẻ quê sông Hàn Phạm Duy Lợi khi anh hát vang “Ai cùng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai, ai cũng một thời trẻ trai…” trong Lễ tuyên dương 200 thanh niên tiêu biểu trong các phong trào thi đua trên công trường. Nhịp điệu lao động quên ngày, quên đêm ở Cà Mau như thì thầm nói với tôi rằng, để có dòng điện cho Tổ quốc, biết bao bạn trẻ đã để lại cả tuổi thanh xuân của mình trên các công trường. 

Tôi không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu lần xuống công trường dầu khí, xi măng, thủy điện, nhiệt điện…. Chỉ biết rằng khi trở về với những bài phóng sự, ghi chép về những người thợ, về tinh thần, ý chí và cả sự lao động quả cảm của họ, tôi lại càng gắn bó và yêu mến những công trường này hơn và lại sẵn sàng cho những chuyến đi mới. Đó không chỉ là trường học thực tế cho tôi học tập, cho tôi trưởng thành mà còn cho tôi sự ngưỡng mộ và cảm xúc trong suốt những năm tháng cầm bút.

Ghi lại những kỷ niệm ở hai công trường lớn của ngành Dầu khí nhân Ngày Nhà báo Việt Nam, tôi muốn gửi đến họ một lời tri ân và một tấm lòng. Tôi hiểu rằng, mùa xuân đất nước đã và đang được khắc họa từ chính những công trường, những con người như thế này. Chưa bao giờ tôi lại thấy yêu thương họ như thế.

Trần Thị Sánh

 

DMCA.com Protection Status