Những hạn chế ở kênh đào Panama làm tăng giá LNG của Mỹ

11:00 | 20/11/2023

|
(PetroTimes) - Những khó khăn trong vận chuyển qua Kênh đào Panama do hạn hán đã khiến việc vận chuyển LNG của Mỹ đến châu Á trở nên đắt đỏ hơn, làm gia tăng khoảng cách giữa giá LNG châu Á và châu Âu.
Những hạn chế ở kênh đào Panama làm tăng giá LNG của Mỹ

Theo báo cáo của Bloomberg, phí giao hàng cho khí đốt giao từ châu Á đến châu Âu vào mùa hè năm 2024 đã tăng gấp đôi kể từ tháng 10. Phí giao hàng vào mùa đông năm 2024 cũng tăng lên do những hạn chế liên quan đến hạn hán.

Hồi đầu tháng này, nhà chức trách địa phương cho biết sẽ giảm số lượng tàu mỗi lần đi qua kênh đào do hạn hán nghiêm trọng, theo báo cáo của Reuters.

Cơ quan quản lý kênh đào Panama cho hay: "Lượng mưa ghi nhận trong tháng 10 là thấp kỷ lục kể từ năm 1950 (thấp hơn 41%) và cho đến nay, năm 2023 được xếp hạng là năm khô hạn thứ hai trong cùng thời kỳ", đợt hạn hán này đã làm giảm mực nước trong hồ chứa vốn giúp tàu nổi qua kênh.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tình hình này đang đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa lên cao hơn ở những nơi khác cũng như gây ra hiệu ứng dây chuyền khi các tàu bị trì hoãn tại Kênh đào Panama không thể sử dụng trên các tuyến thương mại khác.

Cơ quan Thông tin Năng lượng báo cáo vào tháng trước rằng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm nay, trung bình 11,6 tỷ feet khối mỗi ngày. EIA lưu ý rằng con số này đã tăng 4% trong năm và diễn ra bất chấp sự sụt giảm xuất khẩu trong tháng 5 và tháng 6.

Điểm đến hàng đầu của LNG Mỹ là Hà Lan – quốc gia này nhập nhiều LNG nhất trong 5 tháng liên tiếp trong năm nay, tính đến tháng 9. Nhật Bản đứng thứ hai, tiếp theo là Pháp, Hàn Quốc và Ý.

Các cơ sở xuất khẩu LNG ở Mỹ hiện có tổng công suất hoạt động trong điều kiện vận hành thực tế là 11,4 tỷ feet khối mỗi ngày. Có thêm 7,3 tỷ feet khối công suất hàng ngày đang được xây dựng, trong khi công suất xuất khẩu LNG có thể đạt 18,3 tỷ feet khối mỗi ngày đã nhận được sự phê duyệt theo quy định từ Bộ Năng lượng Mỹ và Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang.

Bình An

OP