Những người không có giao thừa

20:13 | 09/02/2013

810 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Cứ mỗi độ Tết sắp về, tôi lại nhớ đến anh, một người anh lớn, người lãnh đạo, một cán bộ công đoàn được nhiều người yêu quý. Cách đây vài năm khi cùng anh trên đường công tác về nhà trong đêm giao thừa, trong cái giây phút thiêng liêng của đất trời ấy, anh trầm ngâm tổng kết “Phải đến hơn 20 năm có lẻ rồi tôi chẳng biết đón giao thừa là gì…”. Anh là Đỗ Văn Kế, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Hóa dầu & Xơ sợi Dầu khí (PVTEX).

Lo trước, vui sau

Tôi là người được tiếp xúc với ngành Dầu khí từ rất sớm, từng học phổ thông và đại học tại Vũng Tàu, nơi được mệnh danh là thành phố Dầu khí của Việt Nam. Ông, cha và các cô chú, anh em họ của tôi đều làm trong các đơn vị dầu khí nên tôi chẳng thấy lạ khi tiếp xúc với những người thuần túy về khoa học, công nghệ. Lần đầu tiên vào làm việc trong ngành Dầu khí làm việc dưới quyền anh Đỗ Văn Kế, tôi đã cảm nhận được nhiều điều từ anh như yêu cầu nghiêm khắc trong công việc, lối sống giản dị gần gũi và tấm lòng ấm áp đầy nhân văn.

Lần đầu tiên giao việc cho tôi, anh nhắc đi nhắc lại việc thực hiện đúng deadline (hạn cuối cùng hoàn thành), không hiểu chỗ nào thì hỏi ngay những người có kinh nghiệm. Chưa bao giờ làm báo cáo đầu tư nên tôi không khỏi bỡ ngỡ, chạy loăng quăng xin tài liệu khắp các phòng ban liên quan. Bởi vậy chỉ sau một tuần, cả cơ quan đều biết mặt, biết tên tôi đang đảm nhiệm công tác về truyền thông. Buổi chiều đầu tiên cùng anh em chơi thể thao sau một ngày làm việc căng thẳng, ra đến khu thể dục tôi đã thấy anh Kế mồ hôi nhễ nhại bên bàn bóng bàn cùng hơn chục anh em đang cổ vũ.

Lân la hỏi tôi mới biết anh Kế chỉ thích đánh bóng cho khỏe chứ không đánh từng séc. Phong cách của anh là tấn công ào ạt cộng thêm sải tay dài nên đường bóng luôn nhanh, mạnh, tốn sức. Những ai đánh bóng với anh mà phòng thủ thì chỉ có liên tục đi nhặt bóng hoặc bị “bắn thủng bụng”. Thanh niên đánh bóng với anh Kế không trụ được lâu, cứ nhoắng một lát là thay người. Anh em “lấy lý do” là thể lực hạn chế thì hay bị anh Kế trêu là “Làm gì có thể lực mà kêu yếu với khỏe…”.

Trong không khí ấm áp như một gia đình lớn này khiến tôi chợt nhớ đến lời của một vị thủ lĩnh công đoàn ngành Dầu khí nói về tiêu chuẩn đầu tiên để thành người cán bộ công đoàn đó là “khả năng tập hợp người lao động”. Tiêu chuẩn này đến với anh Kế như một sự tự nhiên, có sẵn trong nhân cách con người anh chứ không phải kiểu lên gân lên cốt, hô hào suông.

Anh Đỗ Văn Kế (ngoài cùng bên phải) tặng nhà mái ấm công đoàn.

Trong cuộc sống anh luôn giản dị, gần gũi cùng anh em chuyên viên, các nhà thầu, công nhân trên công trường. Mỗi khi có dịp tâm sự, anh hay kể cho chúng tôi nghe những ngày gian khổ vừa đi học vừa đi làm ở Nga. Thời ấy các anh thường phải xin những bao tải đựng bột mì của nhà ăn sinh viên để về giũ bột còn sót lại trong bao, nhiều khi còn lẫn cả bọ lúa mì nhưng vẫn phải ăn. Chính vì khó khăn như vậy mà các anh càng đoàn kết, thương yêu nhau hơn, động viên nhau vượt qua những khó khăn. Khi về nước làm việc, gặp lại bạn mới lấy vợ đang rất khó khăn về kinh tế. Anh Kế còn cho bạn mượn tiền mua hẳn một căn nhà.

Với những CBCNV trẻ anh luôn nhắc nhở gia đình gặp khó khăn thì phải báo cho anh biết để còn giúp đỡ, không được phép làm những chuyện bậy bạ. Khi khu liên hợp Lọc hóa dầu Dung Quất tổ chức lễ khánh thành được truyền hình trực tiếp, anh Kế mời anh em lên phòng anh xem để học hỏi kinh nghiệm. Nhìn căn phòng chẳng khác gì phòng ở của anh em chuyên viên, cái tivi bị nhiễm từ đến mức 4 góc chẳng ra màu gì, mọi người đều lắc đầu ái ngại thay cho anh. Lúc ấy anh Kế chỉ cười hiền bảo “Điều kiện như thế này là tốt lắm rồi”.

Những năm còn công tác tại PVTEX, tôi là thành viên của tổ an sinh xã hội nên thường xuyên đi cùng anh Kế là chủ tịch Công đoàn trao tặng nhà tình nghĩa hay đến tặng quà cho các hộ nghèo, cựu chiến binh, thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn. Những lần đó, tôi thường thấy anh Kế lấy tiền riêng của mình tặng thêm. Lúc ấy tôi rất ngạc nhiên và gặng hỏi tại sao anh lại làm như vậy thì anh bảo: “Với anh em mình, vài triệu không phải là lớn nhưng với những gia đình đang khó khăn là cả vấn đề đấy em ạ! Giúp được người là phải làm ngay”.

Những cái tết xa nhà

Năm đầu tiên công tác dưới Hải Phòng, tôi đón cái tết công trường đầu tiên trong đời. Khi ấy không khí lao động trên công trường xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đang sôi động lắm. Anh em cán bộ công nhân viên từ chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu cùng nhau tổ chức một đêm đón giao thừa ngay trên công trường. Công đoàn Công ty, ai cũng bận tối mắt tối mũi mỗi người lo một việc từ loa đài, đèn hoa, cờ quạt đến các tiết mục văn nghệ, đồ ăn thức uống cho anh em liên hoan. Cái không khí râm ran, háo hức ấy có đến cả tháng trước đêm giao thừa.

Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn, để tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nên toàn bộ các nhà thầu, chủ đầu tư đều làm việc bình thường trong dịp Tết. Cái đêm đón giao thừa ấy gần, hòa trong không khí háo hức đón xuân của gần 10.000 người, anh em trong ban Tổ chức ai cũng rưng rưng cảm động. Đứng trong cánh gà, giữa cái lạnh trên dưới 10 độ C, gió bắc thổi lạnh buốt nhưng anh Kế thì mồ hôi nhễ nhại do phải chạy đôn đáo kiểm tra, đôn đốc các bộ phận từ lễ tân, văn nghệ đến hậu cần. Khi kết thúc chương trình, anh em tỏa về các phòng ban, khu nhà ở CBCNV thì anh Kế là người cuối cùng rời khỏi. Nhìn cái dáng cao, gầy lênh khênh của anh bước thấp bước cao trên công trường mà tôi thấy lòng mình nao nao.

Năm thứ 2 đón Tết thì Nhà máy của chúng tôi đã xây dựng xong, bước vào giai đoạn vận hành chạy thử. Trong cái khí thế đón xuân mới, những lô xơ sợi đầu tiên của Nhà máy cũng là sản phẩm hóa dầu chất lượng cao. Đối mặt với những thách thức về công nghệ, kỹ thuật hoàn toàn mới kỹ sư và công nhân viên của PVTEX phải làm việc, học tập ngày đêm trong nhà máy. Những đêm mùa đông 2011 lạnh cắt da, anh em chia nhau gói xôi, cái bánh mỳ để lấy sức trực đêm. Trong cái nóng hầm hập hơn 40 độ C vì sức nóng tỏa ra từ dòng melt nóng chảy, hơi nước đổ ra từ các lỗ phun sợi. Những đêm ấy tôi vẫn thấy anh Kế đến kiểm tra từng miếng ăn, nước uống cho anh em.

Đón giao thừa với chúng tôi lần này là Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Tổng giám đốc Tập đoàn Đỗ Văn Hậu, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Hà Duy Dĩnh, Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên Hoàng Xuân Hùng. Đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVTEX đã sản xuất hơn 1.000 tấn sản phẩm các loại trong 3 tháng cuối năm. Cái Tết này anh Kế lại là người về nhà cuối cùng, trong đêm giao thừa, cả một quãng đường dài từ Hải Phòng về Hà Nội vắng tanh. Anh Kế chia sẻ: “Hơn 20 năm anh chưa đón tết cùng gia đình. Cũng may là vợ, con anh rất thông cảm và ủng hộ chứ anh thấy mình vẫn thiếu trách nhiệm với gia đình nhiều lắm”.

Với người Việt Nam, giao thừa, cái tết có ý nghĩa thiêng liêng, là sự đoàn tụ, sum họp gia đình, thời gian hàn gắn, thắt chặt tình cảm họ hàng, bạn hữu. Trong ngành Dầu khí, từ lãnh đạo Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, việc hi sinh ngày nghỉ tết, chia nhau đến thăm hỏi cán bộ, công nhân viên các đơn vị trên khắp các địa phương của Tổ quốc lại trở thành một điều bình thường, giản dị. Điều đó thể hiện tính nhân văn đặc trưng của văn hóa Dầu khí. 

Thành Công

DMCA.com Protection Status