Những người làm dầu khí quyết tâm bám biển

11:10 | 28/05/2011

1,466 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu khẳng định: Cán bộ, công nhân viên trên tàu Bình Minh 02 dù thường xuyên phải đối mặt với khó khăn nguy hiểm, đặc biệt là ở những vùng nhạy cảm, nhưng vẫn luôn quyết tâm bám biển làm việc và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Ngày 26-5-2011, 3 tàu Hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) khi đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam. Hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu.

Vị trí 3 tàu Hải giám của Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 tại Lô 148 có tọa độ 120 4825” Bắc và 1110 2648” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý về phía đông (tức là còn 84 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý), nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Vị trí tàu Bình Minh 02 bị ba tàu Hải giám Trung Quốc tấn công.

Trước sự việc trên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu khẳng định: Cán bộ, công nhân viên trên tàu Bình Minh 02 dù thường xuyên phải đối mặt với khó khăn nguy hiểm, đặc biệt là ở những vùng nhạy cảm, nhưng vẫn luôn quyết tâm bám biển làm việc và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Tàu địa chấn Bình Minh 02 được PVN đầu tư trang bị từ năm 2008 để tiến hành hoạt động thăm dò khảo sát địa chấn tại các khu vực nước sâu xa bờ trên vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc đầu tư tàu Bình Minh 02 là một chủ trương đúng đắn, đã phát huy tác dụng to lớn đối với công tác của ngành Dầu khí nói riêng và việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nói chung.

Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) là một công cụ rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông (Công ước được ký ngày 10-12-1982, có hiệu lực từ 16-11-1994). Công ước đã quy định rõ phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như vùng biển quốc tế.

Việc pháp điển hóa và sự phát triển theo chiều hướng tiến hóa của Luật biển được thực hiện trong Công ước sẽ góp phần tăng cường hòa bình, an ninh, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa tất cả các dân tộc phù hợp với các nguyên tắc công bằng và bình đẳng về quyền, và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiến bộ về kinh tế và xã hội của tất cả các dân tộc trên thế giới, phù hợp với các mục tiêu và các nguyên tắc của Liên hiệp Quốc như đã được nêu trong Hiến chương.

Theo quy định của Công ước (xem sơ đồ): Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852m) tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển được hưởng độc quyền trong việc khai thác đối với tất cả các tài nguyên thiên nhiên. Thềm lục địa là vành đai mở rộng của lãnh thổ đất cho tới mép lục địa (continental margin), hoặc 200 hải lý tính từ đường cơ sở, chọn lấy giá trị lớn hơn. Thềm lục địa của một quốc gia có thể kéo ra ngoài 200 hải lý cho đến mép tự nhiên của lục địa, nhưng không được vượt quá 350 hải lý, không được vượt ra ngoài đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách quá 100 hải lý. Tại đây, nước chủ có độc quyền khai thác khoáng sản và các nguyên liệu không phải sinh vật sống.

Cùng với các điều khoản định nghĩa các ranh giới trên biển, Công ước còn quy định các nghĩa vụ tổng quát cho việc bảo vệ môi trường biển và bảo vệ quyền tự do nghiên cứu khoa học trên biển.

Các vùng biển theo UNCLOS 1982.

Thực hiện quyền chủ quyền theo đúng Công ước Luật biển năm 1982, từ những năm 80 của thế kỷ XX Nhà nước Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của mình.

Theo kế hoạch Petrovietnam đã phê duyệt chương trình thăm dò khai thác dầu khí năm 2011, doanh nghiệp thành viên – Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, một thành viên của Petrovietnam, đã cử tàu địa chấn Bình Minh 02 triển khai khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam. Cả 4 lô này đều nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu địa chấn Bình Minh 02 đã khảo sát hai đợt tại đây, đợt 1 vào năm 2010 và đợt 2 bắt đầu từ ngày 17-3-2011. Quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy và tàu Bình Minh 02 đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Việc các tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Petrovietnam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam ngay trong thềm lục địa Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông ký năm 2002 giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.

Là một thành viên của Công ước Luật biển năm 1982, nhưng hành động này của Trung Quốc lại hoàn toàn trái với nghĩa vụ tuân theo Công ước này.

Dù xét từ góc độ nào và với bất lỳ lý do gì, việc làm nói trên của các tàu Trung Quốc hoàn toàn không có lợi cho quan hệ hữu nghị và hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực.

Trích Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 

ĐIỀU 56 quy định, trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió…

ĐIỀU 76 của Công ước quy định: Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852m), khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn…

ĐIỀU 77 quy định: Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình…

P.V

DMCA.com Protection Status