NMLD Dung Quất: Những con số có hồn

17:35 | 18/09/2017

848 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Kể từ khi Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đi vào hoạt động cho đến khi dừng nhà máy (tháng 6/2017) để bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần thứ 3, đã sản xuất được 45.345 nghìn tấn sản phẩm các loại. Và xuất bán 45.135 nghìn tấn, chiếm 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Doanh thu 814.173 tỷ đồng (tương đương 38 tỷ USD). Nộp ngân sách Nhà nước 137.393 tỷ đồng (tương đương 6,5 tỷ USD). Gấp đôi so với tổng mức đầu tư xây dựng nhà máy (3 tỷ USD). Phía sau thành quả đáng trân trọng này là cả một quãng đường dài đầy truân chuyên…  

Vận hành vượt công suất thiết kế

Chính thức tiếp quản, nhận bàn giao NMLD Dung Quất từ nhà thầu vào cuối tháng 5/2010, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật vận hành của nhà máy không chỉ kiểm soát được mọi việc, mà đang vận hành nhà máy với trạng thái tốt nhất.

Minh chứng rõ nét là kể từ đó đến nay nhà máy luôn vận hành trên 100% công suất thiết kế, khi thị trường có nhu cầu, nhà máy vận hành 105 - 107% công suất mà vẫn không hề xảy ra sự cố nào ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

nmld dung quat nhung con so co hon

Cơ cấu sản phẩm do NMLD Dung Quất sản xuất từng bước được đa dạng hóa và có mặt hầu hết ở các ngành kinh tế của đất nước. Ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện nay Công ty Lọc hóa dầu Bình sơn (BSR) đã nghiên cứu và sản xuất thành công các loại sản phẩm mới như xăng nhiên liệu sinh học E5-RON 92, nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu Diesel L-62 dùng cho quốc phòng; chất lượng sản phẩm luôn được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và thương mại.

Từ năm 2010 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của NMLD Dung Quất có năm lỗ, năm lãi (đỉnh cao là năm 2013 lãi 3.000 tỷ đồng).

Năm 2016, NMLD Dung Quất hoàn thành chỉ tiêu sản lượng 5,8 triệu tấn sản phẩm các loại, về đích sớm 52 ngày so với kế hoạch năm. Tính đến hết thời gian còn lại của năm 2016, sản lượng sản xuất ước tính khoảng 6,84 triệu tấn, vượt 117,16% so với kế hoạch; sản lượng tiêu thụ đạt 6,8 triệu tấn, vượt 116,47% so với kế hoạch năm. Doanh thu đạt 72.516 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 11.986 tỷ đồng (tương đương khoảng 0,5 tỷ USD). Trong năm, BSR đã tiết giảm được 633,08 tỷ đồng từ nâng cao được hiệu quả chế biến, sản xuất, tiết giảm các chi phí sản xuất kinh doanh, vượt kế hoạch tiết kiệm cả năm 43%.

7 tháng đầu năm 2017 sản lượng sản xuất ước đạt 3,24 triệu tấn, vượt 123,6% kế hoạch 7 tháng; sản lượng tiêu thụ ước đạt 3,2 triệu tấn, vượt 122,1% kế hoạch 7 tháng; tổng doanh thu ước đạt 40,353 nghìn tỷ đồng, vượt 127,1% kế hoạch 7 tháng; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 4,61 nghìn tỷ đồng, vượt 125,7% kế hoạch 7 tháng.

Làm chủ công nghệ nhanh nhất

Cách đây 7 năm, tức là khi nhận bàn giao, để vận hành được nhà máy phải có tới hơn 1.000 chuyên gia. Gần 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của nhà máy hiện nay lúc ấy là những người “học việc”, là “vai phụ”. Vừa học, vừa làm tất cả các “vai phụ” ấy, đến nay hoàn toàn đủ khả năng đảm nhiệm công việc ở các phân xưởng công nghệ.

nmld dung quat nhung con so co hon

Hiện nay, tại NMLD Dung Quất chỉ còn khoảng trên dưới “hai chục” chuyên gia. Việc thay thế hầu hết các vị trí do chuyên gia đảm nhận từ trước, không chỉ thành công lớn trong việc vươn lên làm chủ công nghệ, làm chủ khoa học, kỹ thuật của cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của nhà máy, mà còn tiết kiệm cho ngân sách nhiều triệu USD.

Xin được nói thêm, NMLD Dung Quất là loại nhà máy “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Hầu hết các NMLD trên thế giới thường chỉ có từ 3 đến 4 phân xưởng công nghệ, còn Dung Quất là… 14 phân xưởng. Như vậy quy mô nhà máy, cũng như tính phức tạp khác hẳn với các nhà máy thông thường.

Bên cạnh sự vươn lên mạnh mẽ làm chủ khoa học kỹ thuật, trong quá trình vận hành nhà máy, đội ngũ kỹ sư cán bộ kỹ thuật còn có hàng nghìn sáng kiến, hàng trăm đề tài khoa học nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu USD. Trong 7 năm hoạt động, BSR đã thực hiện 130 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước 128,9 triệu USD (gần 3.000 tỉ đồng); có 596 cải tiến Kaizen, làm lợi 1,85 triệu USD và thực hiện 33 đề tài, nghiên cứu khoa học khác…

Không hề chủ quan để nói rằng, đây không chỉ là nguồn lực của NMLD Dung Quất, mà còn là nguồn lực của ngành công nghiệp lọc hóa dầu của cả nước. Tương lai gần, khi có thêm những nhà máy lọc hóa dầu mới ra đời, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật ở NMLD Dung Quất chính là những “chuyên gia” cho những nhà máy mới.

Bảo dưỡng thành công nhất

Sau 7 năm đi vào sản xuất, NMLD Dung Quất đã 3 lần dừng hoạt động để BDTT. Xung quanh chuyện này cũng phải xin được nói rõ. Có ý kiến cho rằng: sao mới hoạt động 7 năm mà phải dừng hoạt động đến 3 lần để “sửa chữa”? Xin thưa: dừng nhà máy để BDTT là một đòi hỏi khách quan, là theo quy định bắt buộc. Cũng như con người vậy, sau thời gian lao động vất vả, phải định kỳ kiểm tra sức khỏe, phải có an, điều dưỡng để bù đắp.

Nếu như lần bảo dưỡng thứ nhất là nằm trong hợp đồng với nhà thầu chính. Việc BDTT là để kiểm tra, rà soát từng chi tiết nhỏ nhất xem tình trạng của thiết bị như thế nào, cái gì khắc phục... Nói tóm lại, chúng ta là người mua hàng, là người sử dụng, chúng ta hoàn toàn có quyền yêu cầu người bán là nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu. Đây là điều khoản được quy định trong hợp đồng, chứ không phải vấn đề phát sinh.

nmld dung quat nhung con so co hon

Việc dừng nhà máy để BDTT 2 và lần thứ 3 cũng như thế, tức là nằm trong kế hoạch và yêu cầu nghiêm ngặt của kỹ thuật. Có thể nói, việc BDTT 3 lần vừa qua, không chỉ góp phần đảm bảo hoạt động ổn định của nhà máy, để bảo đảm nguồn an ninh năng lượng cho Quốc gia, tạo nguồn thu cho ngân sách. Qua mỗi lần BDTT là thêm một lần cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của nhà máy thêm sự trưởng thành trong quản trị doanh nghiệp và tiếp cận những công nghệ cao.

Sau 3 lần BDTT, lần nào nhà máy cũng rút ngắn thời gian. Lần BDTT thứ nhất theo kế hoạch diễn ra trong vòng 62 ngày. Nếu lấy mốc 100% công suất thì về đích sớm 2 ngày, còn nếu tính khởi động như dự kiến ban đầu thì vận hành trước 20 ngày. BDTT lần thứ 2 còn ngoạn mục hơn, về đích trước kế hoạch 9 ngày. Xin nhớ cho, đưa nhà máy vận hành sớm 1 ngày là Nhà nước có thêm 1 triệu USD. Lần thứ 3 còn có ý nghĩa hơn rất nhiều về mặt thời gian, theo tính toán sau lần BDTT này, thời gian vận hành liên tục của nhà máy được kéo dài thêm 1 năm so với quy định.

Song song với công tác vận hành, bảo đảm an toàn tuyệt đối nhà máy. Ngay từ khi ký biên bản nhận bàn giao, ban lãnh đạo nhà máy đã bắt tay ngay vào kế hoạch lập phương án xây dựng đề án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Đây chính là giai đoạn 2 trong kế hoạch xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu. Việc nâng cấp và mở rộng nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, ngoài việc bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia, còn là cơ sở cho nhà máy tăng tính cạnh tranh. Lại có ý kiến cho rằng, NMLD Dung Quất mới hoạt động 7 năm sao đã phải nâng cấp? Lại phải xin thưa: việc nâng cấp mở rộng nhà máy là yêu cầu bắt buộc, không riêng gì NMLD Dung Quất mà tất cả các NMLD trên thế giới. Thường thì sau 5-10 năm hoạt động bắt buộc phải nâng cấp, mở rộng để nhà máy tối ưu hơn. Trên cơ sở tình hình NMLD, các mỏ dầu, việc tiêu thụ và giá luôn thay đổi… nên buộc người vận hành nhà máy phải tính toán nâng cấp nhằm tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và cạnh tranh.

Theo tính toán, tổng chi phí vận hành NMLD Dung Quất khoảng 96-97%, các chi phí khác còn lại chỉ từ 3-4%. Vì vậy, nâng cấp nhà máy để có nguồn “đầu vào” rẻ hơn là điều những nhà sản xuất kinh doanh phải tính đến. Nguồn “đầu vào” ấy chính là chủng loại dầu chua, nặng hơn, nhiều tạp chất hơn dầu Bạch Hổ. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn quyết định đến chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V.

Việc nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất cũng chính là để hình thành ngành hóa dầu. Hiểu lọc dầu, ngoài việc lọc dầu thô ra các sản phẩm xăng dầu, “đầu ra” còn lại chính là “đầu vào”, là nguyên liệu cho hóa dầu để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: sản phẩm nhựa, các loại sợi nhân tạo, hóa chất, chất dẫn xuất…

Nền tảng tài chính bền vững

Theo thông tin mới nhất từ Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên. Dư nợ vay của BSR giảm 3 lần kể từ khi tiếp nhận Lọc dầu Dung Quất. Theo đó, năm 2016, tổng lãi vay BSR phải chi trả, giảm 63% so với năm 2011. Và trong 6 tháng năm 2017, lãi vay giảm tiếp 18% so với cùng kỳ 2016.

nmld dung quat nhung con so co hon

Những năm đầu khi nhà máy mới đi vào vận hành, BSR đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2013 khi nhà máy bắt đầu vận hành ổn định và ngày càng có hiệu quả. Tính tới cuối năm tài chính 2016, tổng tài sản của công ty đạt 61.319 tỷ đồng.

Nếu như năm 2010, năm BSR tiếp nhận nhà máy, dư nợ vay 41.387 tỷ đồng, thì đến hết quý II/2017, nợ vay chỉ còn 13.555 tỷ đồng. Việc nợ gốc vay dài hạn giảm dần giúp giảm đáng kể chi phí lãi vay. Cụ thể: năm 2016, tổng lãi vay mà BSR phải chi trả là 605 tỷ đồng, giảm 63% so với năm 2011. 6 tháng năm 2017, lãi vay giảm tiếp 18% so với cùng kỳ 2016.

Tính đến cuối quý II/2017, số dư tiền và các khoản tương đương tiền của BSR đạt 15.179 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản. Lượng tiền lớn cùng với dòng tiền hoạt động kinh doanh giúp BSR đáp ứng nhu cầu trả nợ, đảm bảo khả năng thanh toán, đầu tư mở rộng sản xuất. Theo các chuyên gia tài chính, để có được tốc độ chi trả tốt như vậy, quan trọng là bởi dòng tiền hoạt động kinh doanh của BSR duy trì khá tốt qua các năm.

Song song với nâng cao hiệu quả hoạt động, BSR cũng chú trọng công tác quản lý chi phí và giá thành. BSR đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chi phí từ cách phân loại chi phí, phân bổ chi phí, xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Năm 2010, BSR phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí - Viện Dầu khí Việt Nam (EMC) xây dựng 7 bộ định mức Kinh tế - Kỹ thuật chính phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, được ban hành và áp dụng từ tháng 5/2011. Đây là công cụ quan trọng để tính toán và kiểm soát các chỉ tiêu kỹ thuật, giá trị sản phẩm, chi phí, cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chỉ hơn chục năm về trước, ít ai nghĩ Việt Nam có thể tự đầu tư, xây dựng và điều hành một NMLD. Thì nay, một Tổ hợp Lọc hóa dầu lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang hình thành trên mảnh đất lịch sử Vạn Tường. Bằng khát vọng tiên phong cùng chiến lược đầu tư phát triển bền vững, BSR phấn đấu trở thành một tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đi tiên phong và ở đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực lọc hóa dầu, tạo nên một thương hiệu Việt, thể hiện tầm vóc trí tuệ và niềm tự hào Việt Nam trên trường quốc tế.

P.V

DMCA.com Protection Status