Nỗ lực đưa Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của tỉnh Hà Giang

14:10 | 30/10/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Mèo Vạc có tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc. Những năm qua, huyện đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng huyện Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của tỉnh Hà Giang.
Mèo Vạc (Hà Giang): Hẻm Tu Sản - Điểm nhấn du lịch hấp dẫn du kháchMèo Vạc (Hà Giang): Hẻm Tu Sản - Điểm nhấn du lịch hấp dẫn du khách
Hà Giang: Sức hút từ ngành “công nghiệp không khói”Hà Giang: Sức hút từ ngành “công nghiệp không khói”

Một ngôi nhà nằm nép mình một góc thị trấn Mèo Vạc, có tên gọi là Zoong Xia Sảng Pủa gây ấn tượng với du khách với cách bài trí mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là nỗ lực của gia đình bà Nguyễn Thị Chanh và vợ chồng cô con gái Vàng Nguyễn Minh Trang và Mua Minh Hải. Zoong Xia theo tiếng đồng bào Mông nghĩa là tốt bụng, thân thiện, gia đình đặt tên ngôi nhà là Zoong Xia với mong muốn đây là điểm đến thân thiện, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục, tập quán và lối kiến trúc độc đáo ở Mèo Vạc.

Bà Nguyễn Thị Chanh, cho biết: Ngôi nhà được thiết kế mang đậm bản sắc riêng, mái nhà, cửa chính, cửa hai bên thiết kế theo kiến trúc của đồng bào Mông kết hợp với kiến trúc của các dân tộc khác, như: Gạch trình tường đại diện cho dân tộc Lô Lô; cầu thang lên xuống thiết kế theo dân tộc Tày và khung nhà đại diện cho dân tộc Giáy và Dao.

Nỗ lực đưa Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của tỉnh Hà Giang
Homestay Zoong Xia Sảng Pủa của gia đình bà Nguyễn Thị Chanh thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc

Để phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý báu, bảo vệ di sản địa chất, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống, đa sắc màu của người dân vùng cao; huyện Mèo Vạc chú trọng đầu tư, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và các sản phẩm du lịch, thương mại và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng chí Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: UBND huyện tạo điều kiện, duy trì và nâng cao chất lượng của các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, cải tạo, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống. Triển khai vẽ tranh bích họa hài hòa với cảnh quan cho một số ngôi nhà dọc trục đường Quốc lộ 4C nối từ huyện Mèo Vạc sang huyện Đồng Văn. Song song đó là việc biên soạn tài liệu về văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Giáy đưa vào giảng dạy trong các trường học góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở.

Nỗ lực đưa Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của tỉnh Hà Giang
Một góc Làng Văn hóa du lịch Cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi

Đặc biệt, Mèo Vạc có một điểm lưu trú tạo ấn tượng cho du khách khi đến với miền Cao nguyên đá, đó là Làng Văn hóa du lịch Cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. Từ con đường sạch sẽ được lát đá, hai bên trồng cây đào làm cảnh quan, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không gian văn hóa Mông hấp dẫn, khiến cho mỗi du khách khi đến đây chắc chắn sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ. Tại đây có 26 hộ đang sinh sống và 18 hộ làm du lịch. Đến với làng là đến với một không gian mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông, với những nếp nhà trình tường truyền thống, hàng rào vách đất nâu, những bắp ngô phơi trên xà nhà, những người dân thật thà chân chất trong những bộ váy áo thổ cẩm đặc sắc. Ngoài ra, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều nét văn hóa trong đời sống như đan quẩy tấu, se sợi, dệt vải, các sản phẩm thủ công truyền thống. Nhằm tạo điều kiện và động viên các hộ tham gia làm du lịch, ngoài hỗ trợ về vốn, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về nghiệp vụ du lịch cho bà con, hướng dẫn cách phục vụ, kỹ năng giao tiếp cơ bản với khách du lịch, xử lý tình huống, thu dọn buồng, phòng, lễ tân và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, huyện còn xây dựng các sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển du lịch, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hợp tác xã nâng cao chất lượng sản phẩm đã được công nhận OCOP, như: Gạo Khẩu mang, giò bò, rượu Tam giác mạch, rượu ngô Chí Sán, rượu ngô Mê Cung Đá, mật ong Bạc hà, kẹo Tam giác mạch, chè Cao nguyên xanh... Đến nay, huyện đã có 15 sản phẩm đạt sao, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượt du khách đến huyện Mèo Vạc đạt 273.881 lượt, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu từ du lịch ước đạt trên 235 tỷ đồng. Với sự thay đổi nhận thức của người dân cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhiều mô hình du lịch mới ra đời đã mang lại kinh tế cho một số hộ, góp phần tạo môi trường sống, lao động theo hướng mới, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần đưa du lịch Mèo Vạc ngày càng khởi sắc.

Bài, ảnh: Minh Chuyên/ Báo Hà Giang

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]