Nỗi niềm người làm xơ sợi Đình Vũ

08:40 | 13/01/2016

2,895 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chúng tôi trở lại Đình Vũ khi biết tin nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Ngay từ cổng nhà máy, một số cán bộ, công nhân đứng đón chúng tôi với khuôn mặt đầy lo âu. Nhìn công trình trọng điểm quốc gia duy nhất của Việt Nam làm ra xơ sợi tổng hợp đang phải “ngậm ngùi” tạm ngưng hoạt động vì thiếu vốn mà cám cảnh cho tương lai công nghiệp hỗ trợ của nước nhà.

Trái đắng hay trái ngọt

Hơn 10 năm kể từ khi có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hóa chất của đất nước, nhìn lại chúng ta vẫn đang bước những bước đi đầu tiên. Vẫn biết rằng công cuộc đổi mới như “ném đá dò đường”, cần có những người tiên phong nhưng không thể mãi phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Chính vì vậy trách nhiệm tạo ra một điểm tựa, tìm ra một viên đá để dò đường thuộc về Chính phủ. Khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận trọng trách xây dựng nhà máy xơ sợi tổng hợp đầu tiên của Việt Nam đã lường trước rất nhiều khó khăn thử thách như vốn đầu tư lớn, thiếu kinh nghiệm vận hành thương mại, chưa có thương hiệu trên thị trường… Nói cách khác dù biết trước sẽ ăn phải “trái đắng” nhưng là một doanh nghiệp nhà nước đó lại trở thành trách nhiệm và vinh quang. 

Chúng tôi leo cầu thang lên tầng 5 của tháp Polycon, nơi được ví như trái tim của cả Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Phạm Thanh Bình, quản đốc phân xưởng là một trong những kỹ sư vận hành đầu tiên của nhà máy. Vẫn cái dáng người thư sinh dong dỏng, đôi mắt trũng sâu quầng thâm vì mất ngủ ẩn sau cặp kính trắng dày cộp, Bình tâm sự với chúng tôi: “Các anh có biết là những ngày đầu tiên đến nhà máy, bọn em mới chỉ tiết tắt bật 2 cái nút là khởi động và dừng máy. Sau bao nhiêu thời gian mày mò, hết đọc bản vẽ kỹ thuật, lên mạng xem thông tin và đặc biệt là thời gian theo các “sư phụ” để học lóm. Đến nay chúng em đã dám tự tin bước đầu làm chủ được công nghệ, dám vận hành tới 100% công suất nhà máy, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm…”. 

Nghe vậy, tôi hỏi lại: “Nghe nói các anh được tuyển dụng và đào tạo bài bản lắm cơ mà?”. Như gãi đúng chỗ “ngứa”, Bình xả một tràng đến lạc cả giọng: “Đấy là anh không biết, khi bọn em đi học thì chủ yếu chỉ được dạy lý thuyết cơ bản. Đến khi đi thực tập tại các nhà máy thì người ta giữ bản quyền công nghệ “như mèo giấu…” ấy. Bọn em chỉ được đứng xem người ta làm mẫu, nhận biết được các loại máy móc, từng công đoạn đã khá lắm rồi. Về đến nhà vào giai đoạn chạy thử thì nhà thầu cũng chỉ cho đứng ngó, chỉ vào các đợt tập huấn tại công trường mới được mó vào máy, sờ vào xơ thôi. Mãi đến sau này khi bàn giao có điều kiện thì chúng em mới chính thức nhập cuộc. Bọn em cũng hiểu, sản xuất công nghiệp, công nghệ cao thì chẳng ai dại gì lại cho không người khác, nhất là những người đó sẽ thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình. Nên việc họ “giữ miếng”, dạy cho đủ bộ cũng chả trách được ai, có chăng chỉ thấm thía cái cảnh nước mình còn nghèo, công nghệ lạc hậu nên nhóm bọn em luôn phải động viên nhau “nhẫn nhục” để học hỏi mới có cơ hội vươn lên được”.

noi niem nguoi lam xo soi dinh vu
Công nhân kiểm tra chất lượng cơ lý của sợi filanment

Nghe những bộc bạch của Phạm Thanh Bình, tôi chợt giật mình. Hóa ra từ trước đến giờ mình vẫn giữ cái lối suy nghĩ kiểu ăn xổi ở thì, làm cái gì cũng muốn được “luôn và ngay”. Đã có lúc nghe các nước láng giềng họ làm xơ sợi kiếm tiền dễ như ăn kẹo nên cái thói đa nghi, phán định kiểu chủ quan cho rằng Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ “chắc chắn có vấn đề” mới phải mất nhiều thời gian để “kéo cái sợi” bé tí tẹo như thế chứ. Ai mà biết được mỗi chuyện đi học để vận hành thôi mà đã nhiêu khê như vậy.   

Sống chết với nhà máy

Năm 2015 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp ngành Dầu khí Việt Nam. Dù vậy nhưng hầu hết các đơn vị trực thuộc PVN đều thực hiện tốt các giải pháp để vượt qua nghịch cảnh. PVTEX là một đơn vị non trẻ nhất trong Tập đoàn và là một trong hai đơn vị không hoàn thành kế hoạch, các chỉ tiêu về doanh thu, chi phí, bù lỗ biến phí được giao. Nói như vậy nhưng không thể phủ nhận những điều PVTEX đã làm được trong hơn 1 năm đầu tiên vận hành thương mại.

Trước tiên phải kể đến việc PVTEX đã bước đầu làm chủ công nghệ, thiết bị của nhà máy, sản xuất ra các sản phẩm xơ, sợi theo tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường Việt Nam. Cho đến nay xơ sợi Đình Vũ đã bắt đầu có dấu ấn đối với các doanh nghiệp dệt may, sản xuất ra thêm một số sản phẩm xơ sợi mới theo đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu. Các kỹ sư vận hành của PVTEX đã tìm ra các nguyên nhân kỹ thuật để có những phương pháp điều chỉnh hoàn thiện công nghệ, giảm thiểu lượng xơ chết, xơ ngắn, xơ dài và độ bắt màu của xơ PSF. Đặc biệt, lực lượng vận hành nhà máy đã tự tìm tòi, xây dựng được bộ thông số vận hành tối ưu nhà máy với công suất 100%. Từ đó giảm thiểu chi phí sản xuất, từng bước hoàn thiện bộ thông số vận hành tối ưu để có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe hơn nữa về chất lượng xơ sợi tổng hợp.

Cùng với khối sản xuất, khối kinh doanh của PVTEX cũng đạt được những bước tiến đáng kể khi xuất bán được hơn 64,3 nghìn tấn xơ PSF, 9,6 nghìn tấn sợi Filament. Sản phẩm của PVTEX đã tiếp cận được với các phân khúc khá trên thị trường kéo sợi và dệt vải của Việt Nam, bước đầu được một số doanh nghiệp sản xuất vải chất lượng cao sản xuất thử. Lượng xơ sợi xuất khẩu của PVTEX cũng gia tăng với khối lượng lớn tới các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Mexico. Các cán bộ kỹ thuật phục vụ hậu mãi, giao hàng của PVTEX được khách hàng đánh giá cao về trình độ, thái độ chuyên nghiệp, hiệu quả. Đặc biệt, sau khi Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ tạm ngừng sản xuất, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Trần Quang Nghị đã dẫn đầu đoàn công tác gồm các đơn vị thành viên xuống nhà máy để động viên anh em PVTEX và bày tỏ mong muốn nhà máy sớm vận hành trở lại. Đây là động thái đáng suy nghĩ của Tập đoàn Dệt may, chứng tỏ vai trò đặc biệt quan trọng của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ với ngành dệt may Việt Nam đang trong cơn khát nguyên liệu chất lượng cao.

Tại lễ tổng kết năm 2015 của PVTEX, Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã chỉ rõ: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là còn yếu kém nhiều mặt như xây dựng kế hoạch, dự báo thị trường, quản lý chất lượng, quản trị chi phí. Trong đó, việc quản lý chi phí phải xác định bằng được ở đâu phát sinh, phát sinh cụ thể như thế nào, hay việc bảo dưỡng máy móc thì chi phí nào là chi phí bảo dưỡng thường xuyên do hao mòn thiết bị, chi phí nào là chi phí bảo dưỡng do vận hành kém… Chúng ta phải coi những chi phí như vậy những kẻ phá hoại, phải bắt bằng được những tên “tội phạm” ấy và nhanh chóng tiêu diệt.

Phó tổng giám đốc PVTEX Đỗ Văn Kế cho biết, thời gian vừa qua, để duy trì hoạt động cho nhà máy, PVTEX đã phải cho nghỉ việc 130 người và trong thời gian tới có thể chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho tạm dừng việc cho hơn 180 lao động nữa. Tôi đọc được sự chua xót từ ánh mắt của người lãnh đạo được ví như người cha tinh thần của PVTEX, người thủ lĩnh công đoàn đã chăm lo cho người lao động nhà máy từ những ngày đầu tiên xây dựng. Trong cái chua xót đó còn có cả sự bất lực khi đã xoay sở đủ mọi cách, nếm mật nằm gai để có thể vận hành nhà máy xơ sợi đầu tiên. Anh là người hiểu hơn ai hết những con người phải ngày ngày ngửi mùi hóa chất, làm việc trong cái nóng 45-500C, cắt giảm đủ thứ chế độ để dồn tiền mua nguyên liệu, vận hành nhà máy, giữ bằng được uy tín mới được xây dựng với khách hàng nhưng đến nay thì một nửa trong số họ lại phải rời bỏ PVTEX.

Một mùa xuân mới lại sắp đến, đất nước đang bừng lên sức sống và hy vọng vào sự phát triển kinh tế. Nhưng không biết có mùa xuân nào đến cho những người lao động PVTEX, những con người đang đau đáu một quyết tâm “sống chết cùng Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ”. 

Tùng Phong

Năng lượng Mới 489

DMCA.com Protection Status