Hội thảo “Định hướng và giải pháp tạo sự phát triển bền vững khâu sau của ngành dầu khí Việt Nam”

Phải nhìn thấy những thách thức, khó khăn để vượt qua

08:47 | 02/08/2013

1,025 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong nghề Dầu khí, thuật ngữ “khâu sau” là nhằm nói tới các việc như lọc hóa dầu, và chế biến các sản phẩm từ dầu thô như xơ sợi tổng hợp, các loại hóa chất…

Đây là khâu cực kỳ quan trọng và mang lại giá trị kinh tế cao và tạo sự phát triển bền vững cho ngành Dầu khí. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công nghiệp “khâu sau” còn đang ở mức mới phát triển, chưa xứng với tiềm năng của ngành dầu khí Việt Nam.

Nhằm giúp lãnh đạo Tập đoàn và các cơ quan chức năng của Chính phủ; Bộ Công Thương thấy được thực chất về ngành chế biến dầu khí, từ đó có sự tham mưu cho lãnh đạo có những quyết sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành đặc thù này; Hội Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội thảo: “Định hướng và giải pháp tạo sự phát triển bền vững khâu sau của ngành dầu khí Việt Nam”.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư Phạm Xuân Đương phát biểu tại Hội thảo

Dự Hội thảo có các đồng chí Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN; các đồng chí trong Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN; đại diện lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn của Tập đoàn, lãnh đạo Công ty Lọc - Hóa dầu Bình Sơn

Về phía Hội Dầu khí Việt Nam, có các ông  Ngô Thường San, Chủ tịch Hội; Nguyễn Huy Quý, Tổng Thư ký Hội và nhiều cán bộ từng là lãnh đạo ngành Dầu khí qua các thời kỳ.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Xuân Đương, Uỷ viên TU Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế T.Ư; đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DN T.Ư; Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuạt Việt Nam và đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương.

Đồng chí Cao Khoa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tới chúc mừng Hội thảo.

Sau lời khai mạc của Tiến sĩ Ngô Thường San; bà Trần Thị Bình, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN đã có bài tham luận với chủ đề “Chiến lược và các giải pháp phát triển lĩnh vực Lọc-hóa dầu ổn định trong hội nhập và cạnh tranh”.

Bà Bình được coi là một “nữ tướng” của ngành Dầu khí, nhất là ở khâu sau – khâu chế biến, lọc-hóa dầu. Bà là người gắn bó với sự phát triển của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, và là người có thời gian dài “đứng mũi chịu sào” đối với “khâu sau” của ngành Dầu khí. Theo bà Bình, trong 10 năm qua đã hình thành nền công nghiệp Lọc - Hóa dầu Việt Nam với một loạt nhà máy như Lọc dầu Dung Quất; Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau; và sắp tới là Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, Lọc hóa dầu Nghi Sơn…

Tuy có sự phát triển khá nhanh, nhưng thực tế cho thấy, nếu không có sự ưu đãi của Chính phủ thì sản xuất kinh doanh không hiệu quả; việc liên kết các dự án còn manh mún; quản lý sản xuất kinh doanh mới ở giai đoạn an toàn kỹ thuật vận hành, chưa tối ưu công tác quản lý kinh doanh, nhân lực…

Tuy chúng ta có nhiều thế mạnh và cơ hội để phát triển công nghiệp Lọc – Hóa dầu nhưng cũng phải nhìn thấy khó khăn và thách thức. Đó là cơ chế chính sách chưa đồng bộ; cơ sở hạ tầng kém; nguồn nguyên liệu hạn chế về khối lượng; khả năng tài chính hạn chế, và đặc biệt là phải cạnh tranh khốc liệt với các nhà máy Lọc-Hóa dầu trong khu vực, bởi các nhà máy của họ đã hết khấu hao, giá sản phẩm rẻ… Chính vì vậy, để phát triển bền vững khâu sau thì cần có những giải pháp quyết liệt về quản lý; nhân lực, khoa học công nghệ và tài chính.

Bà Trần Thị Bình trình bày tham luận

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San trao quyết định thành lập Chi hội Dầu khí Quảng Ngãi

Ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Vận chuyển và Chế biến dầu khí (Tổng cục Năng lượng- Bộ Công Thương) đã trình bày “Thực trạng về các công trình Lọc – Hóa dầu ở Việt Nam, quy hoạch và cơ chế chính sách phát triển Công nghiệp Lọc-Hóa dầu Việt Nam”.

Ông Sơn cho biết, phần lớn các dự án lọc – hóa dầu đang chậm tiến độ, thậm chí một số dự án trong quy hoạch không được triển khai. Theo ông Sơn, để ngành công nghiệp lọc - hóa dầu phát triển bền vững, điều quan trọng nhất là phải có chính sách ưu đãi đúng mức với các dự án lọc - hóa dầu, trong đó chính sách thuế có ý nghĩa quyết định. Ông đề xuất ý kiến là phải Điều chỉnh quy hoạch ngành dầu khí đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho phù hợp với thực tế; rà soát lại các dự án, mạnh dạn loại bỏ những dự án thiếu tính khả thi; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện cơ chế giá theo thị trường…

Trong phát biểu của mình, ông Phạm Xuân Đương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư,  đã thay mặt lãnh đạo Ban  chúc mừng những kết quả to lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tại hội thảo này, theo ông Đương, chúng ta cần thấy rõ thực trạng của ngành Lọc-Hóa dầu của Việt Nam, từ đó, có những kiến nghị, đề xuất để giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, Chính phủ có những chính sách mới nhằm tạo đà cho ngành Dầu khí phát triển bền vững. Sự phát triển của ngành Dầu khí ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chính vì vậy mà sớm có những thay đổi về cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho công nghiệp dầu khí, và rất cần thiết và cấp bách. Trước mắt phải tập trung vào ba nhóm giải pháp là quản lý, con người và khoa học-công nghệ, để đưa ngành công nghiệp dầu khí lên tầm cao mới.

Ông Joel Chow, Chuyên gia tư vấn cấp cao của công ty Wood Mackenzie thì cho rằng thách thức của ngành công nghiệp lọc - hóa dầu châu Á chính là ở chỗ có thể “dư thừa sản phẩm”, vì vậy sẽ có cuộc cạnh tranh rất khốc liệt, bên cạnh đó là các nguồn nguyên liệu mới và công nghệ sản xuất mới sẽ thay đổi bức tranh nguồn cung cấp sản phẩm hóa dầu. Ý kiến của ông Joel rất đáng để chúng ta suy nghĩ cho những bước tiếp theo của sự phát triển “khâu sau” ngành Dầu khí Việt Nam.

Chủ tich Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San (trái),Tổng thư ký Hội Nguyễn Huy Quý (phải) với một số đại biểu

Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Thoảng trao đổi với một cán bộ trẻ

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu đã cám ơn lãnh đạo Hội Dầu khí Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức cuộc hội thảo, bàn về những vấn đề hết sức cần thiết cho sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí. Sau khi phân tích những thuận lợi và khó khăn của ngành dầu khí đặc biệt là ở “khâu sau”; Tổng Giám  đốc cho rằng chúng ta phải nhìn cho rõ những khó khăn, thách thức để tìm cách vượt qua. Và có như vậy mới là đúng bản lĩnh, trí tuệ của người Dầu khí. Tổng Giám đốc Đỗ Văn Hậu đề nghị Hội Dầu khí, các nhà khoa học, các nhà quản lý có bề dày kinh nghiệm và trí tuệ của ngành Dầu khí qua các thời kỳ, cùng đồng hành với Tập đoàn để giải đáp các vấn đề: Cần những chính sách nào ưu tiên cho “khâu sau”; Các nhà khoa học sớm bắt tay vào nghiên cứu các sản phẩm hóa dầu của dự án Nghi Sơn và Long Sơn; đồng thời nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm…

Cũng tại Hội thảo, lãnh đạo Hội dầu khí Việt Nam đã công bố quyết định thành lập Chi hội Dầu khí Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lọc - Hóa dầu Bình Sơn được chỉ định là Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời; ông Đặng Hồng Sơn, Chánh văn phòng Công ty Lọc - Hóa dầu Bình Sơn được chỉ định làm Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội.

P.V

DMCA.com Protection Status