Phát triển nhiên liệu xanh để ứng phó với nước biển dâng tại Việt Nam

22:56 | 26/10/2011

209 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 26/10 tại Viện Dầu khí Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Phát triển nhiên liệu xanh ứng phó với nước biển dâng ở Việt Nam”.

Đến dự buổi tọa đàm có ông Hoàng Xuân Hùng – Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), ông Nguyễn Xuân Thắng – Thành viên HĐTV, ông Nguyễn Văn Minh – Phó tổng giám đốc Tập đoàn, ông Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cùng các vị lãnh đạo Hội Dầu khí Việt Nam, đại diện các viện nghiên cứu khoa học, ban lãnh đạo Công ty UOP LCC, The Seawater Foundation (Mỹ)…

Ông Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết cả thế giới đang phải chịu ảnh hưởng từ sự nóng lên của trái đất. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới vào năm 2007, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng thêm 1m, 10% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc phát triển nhiên liệu xanh sẽ góp phần giúp cho sự nóng lên của trái đất chậm lại, và cũng là những bước đi để thay thế dần những loại nhiên liệu hóa thạch.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức – Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng mục đích của tọa đàm là các bên tham gia đánh giá lại mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và lộ trình trồng những loại cây trên vùng đất bị nước biển làm ngập để vừa phục vụ nhu cầu kinh tế của con người, vừa phát triển vùng nguyên liệu phục vụ phát triển nhiên liệu xanh.

Chuyên gia đến từ công ty UOP LCC chia sẻ kinh nghiệm phát triển các cây trong vùng đất ngập mặn.

GS.TS Hồ Sĩ Thoảng cung cấp thêm, thế giới đang sản xuất các dạng năng lượng tái tạo chủ yếu như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, biomass, nhiên liệu sinh học, năng lượng địa nhiệt… Trong đó Việt Nam đang phát triển mạnh năng lượng gió và nhiên liệu sinh học. “Thực tế, giải pháp nhiên liệu sinh học (biofuels) vẫn còn chứa nhiều vấn đề chưa có lời giải thỏa đáng. Việt Nam đi sau cũng có những điểm lợi nhất định. Chúng ta cần thận trọng tìm ra những giải pháp thích hợp nhất với tình hình cụ thể của nước mình” – GS.TS Hồ Sĩ Thoảng nhấn mạnh.

Theo ông Jim Rekoske – Phó Chủ tịch Công ty UOP LCC (Mỹ), nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất nhiên liệu xanh uy tín trên thế giới, các thế kỷ trước, con người dựa quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ. Thế kỷ này và tương lai, thế giới phải bắt tay ngay vào sản xuất nhiên liệu xanh để cứu thế giới khỏi nguy cơ nước biển dâng.

Lãnh đạo Petrovietnam rất quan tâm phát triển nhiên liệu xanh.

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia nhấn mạnh vào việc Việt Nam nên thúc đẩy sản xuất Ethanol. Hiện Petrovietnam đang triển khai xây dựng 3 nhà máy Ethanol tại Phú Thọ, Quãng Ngãi và Bình Phước với tổng công suất là 300.000 tấn/năm. Chính phủ cũng đang có lộ trình bắt buộc phải chuyển sang sử dụng xăng E5 và giao cho Petrovietnam phát triển bền vững vùng nguyên liệu sắn, hỗ trợ giá bán cho nông dân. Các chuyên gia ở Hội Dầu khí Việt Nam băn khoăn về việc có nên trồng cây đậu, cây ngắn ngày khác xen cây sắn để tạo mùn và giữ đất không? Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức – Phó viện trưởng Viện Dầu khí cho biết, đây là một cách làm hay, vừa tăng chất đất, vừa tăng năng suất. Về giống sắn, Tiến sĩ Đức cũng cho biết thêm, Petrovietnam đang hợp tác với Đại học Thái Nguyên để nghiên cứu và đưa ra những giống sắn có năng suất cao, chịu được mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Trong bài phát biểu về chủ đề “Khái quát chiến lược phát triển kinh tế trên nền tảng sinh học”, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) luận bàn về việc châu Âu là khu vực đang đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế dựa trên cơ sở công nghệ sinh học sản xuất ra các vật liệu, nhiên liệu để không còn phụ thuộc vào than đá, dầu mỏ, khí đốt. PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà viện dẫn, đến năm 2020 bắt buộc 10% nhiên liệu cho giao thông chạy trên các con đường thuộc khối EU phải là sản phẩm năng lượng tái tạo. Ước tính thị trường kinh tế dựa trên cơ sở sinh học ở EU khoảng 2 tỉ Euro và tạo ra khoảng 22 triệu việc làm.Những kinh nghiệm từ các nước đi đầu trong phát triển nhiên liệu xanh như Mỹ sẽ giúp cho Việt Nam có nhiều hướng đi thích hợp.

Ở Việt Nam đã manh nha phát triển kinh tế dựa trên nền tảng sinh học như sản xuất Ethanol, một số nhà máy điện đang sử dụng nguyên liệu sinh khối từ rơm rạ, trấu, xơ ngô… Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cũng mong muốn có nhiều cơ chế chính sách của Nhà nước để phát triển nền kinh tế xanh và sản phẩm xanh. Trong trường học phải dạy dỗ những chủ nhân tương lai của đất nước về tác dụng của sản phẩm xanh, từ đó hướng người tiêu dùng làm quen với nền kinh tế dựa trên nền tảng sinh học.

Cuối buổi tọa đàm, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi về tình hình đầu tư, xây dựng các nhà máy Ethanol các vùng nguyên liệu sắn của Petrovietnam. Buổi tọa đàm mở ra nhiều ý tưởng hợp tác với các công ty của Mỹ có kinh nghiệm trồng nguyên liệu trong điều kiện nước ngập mặn và công nghệ chế biến nhiên liệu xanh.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status