PV Gas đạt lợi nhuận cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam

14:38 | 21/06/2014

754 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Với vị thế của doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí quốc gia, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PETROVIETNAM GAS - PV Gas) đang là một trong những thương hiệu “nóng” trên thị trường chứng khoán, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian gần đây, có một số thông tin đa chiều về các kết quả PV Gas đã đạt được cũng như định hướng phát triển của PV Gas trong tương lai. Phóng viên Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Khang Ninh - Tổng giám đốc PV Gas, để giải đáp những vấn đề này.

Năng lượng Mới số 332

PV: Xin ông cho biết khái quát quá trình xây dựng và phát triển của PV Gas?

TGĐ Đỗ Khang Ninh: PV Gas là một trong những tổng công ty chủ lực - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí toàn quốc, với nhiệm vụ chính là thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí. Sau 23 năm hình thành và phát triển, PV Gas đã xây dựng được một hệ thống cơ sở vật chất tương đối hoàn chỉnh về lĩnh vực khí với tổng tài sản gần 3 tỉ USD, gấp gần 3 lần năm 2008.

TGĐ PVGas Đỗ Khang Ninh

Hiện nay, doanh thu hằng năm của PV Gas chiếm khoảng 10% doanh thu toàn Tập đoàn, bằng 2,5% GDP cả nước. PV Gas đang cung cấp khí cho 11 nhà máy điện, 2 nhà máy đạm và nhiều hộ công nghiệp (năm 1995 chỉ có 1 nhà máy điện), góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực quốc gia. PV Gas đảm bảo nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất trên 40% tổng sản lượng điện quốc gia, 70% nhu cầu đạm cả nước, đáp ứng trên 60% nhu cầu khí hóa lỏng toàn quốc. Cùng với 2 nhà máy sản xuất ống thép và bọc ống đang vận hành, PV Gas có thể đáp ứng 100% nhu cầu ống thép dầu khí và bọc ống trong nước.

Nhiều năm liền, PV Gas luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức, về đích sớm các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh; giá cổ phiếu của PV Gas tăng cao và ổn định trên sàn giao dịch chứng khoán (giá trị vốn hóa trên thị trường gần 6 tỉ USD); thương hiệu của PV Gas ngày càng lớn mạnh trong và ngoài nước, tiếp tục là một trong số các đơn vị dẫn đầu của PVN cũng như trên sàn giao dịch chứng khoán về lợi nhuận; đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia, góp phần cùng PVN ổn định kinh tế vĩ mô của cả nước.

Cũng trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, cổ phiếu GAS tiếp tục làm nóng thị trường chứng khoán với những sức bật đáng ghi nhận, khẳng định quá trình cổ phần hóa PV Gas đã mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, PV Gas mong muốn đạt được các mục tiêu: Tăng nguồn vốn đầu tư từ việc huy động vốn từ các cổ đông; hoạt động sản xuất kinh doanh của PV Gas minh bạch hơn nhờ có sự giám sát của các cổ đông; Tạo cơ hội tốt để tìm các đối tác chiến lược và qua đó học hỏi, tiếp nhận phong cách quản lý hiện đại công nghệ tiên tiến của họ...

PV: Kể từ khi thực hiện cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của PV Gas đạt kết quả rất khả quan, đưa vị thế của GAS lên đỉnh cao trên sàn giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, vừa qua có một số ý kiến cho rằng lợi nhuận của PV Gas có được là nhờ độc quyền kinh doanh, mua thấp bán cao. Mong ông làm rõ thêm các nguyên nhân lợi nhuận của PV Gas tăng cao trong thời gian vừa qua?

TGĐ Đỗ Khang Ninh: Hoạt động kinh doanh khí của PV Gas bao gồm 3 hệ thống chính: Cửu Long, Nam Côn Sơn và PM3 Cà Mau. Đối với từng nguồn thì có giá khí đầu vào khác nhau. Trong đó, sản lượng bán cho hộ điện, đạm chiếm gần 95% tổng sản lượng tiêu thụ. Đối với các khách hàng này, giá khí được Chính phủ phê duyệt và xác định theo nguyên tắc chuyển chi phí (pass through): giá bán = giá mua + cước phí vận chuyển, phân phối.

PV Gas chỉ được hưởng cước phí vận chuyển, phân phối (được Chính phủ phê duyệt) và lợi nhuận PV Gas thu được là từ cước phí vận chuyển, hoàn toàn không có chênh lệch mua thấp, bán cao để hưởng lợi nhuận.

Đối với 5% sản lượng khí còn lại để PV Gas phát triển thị trường khách hàng hộ công nghiệp và giao thông vận tải, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đối với các hộ này giá khí được PVN phê duyệt theo nguyên tắc cạnh tranh với nhiên liệu thay thế và tăng theo lộ trình để tiếp cận giá khí thế giới. Trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về khí trong nước, PV Gas đang triển khai dự án khí nhập khẩu (LNG). LNG có giá cao (gấp 3 lần giá khí bán cho điện, đạm hiện nay). Do đó, các hộ công nghiệp là đối tượng khách hàng chính PV Gas hướng đến để tiêu thụ khí nhập khẩu LNG.

Ngoài ra, lợi nhuận của PV Gas thu được còn từ việc chế biến sâu sản phẩm khí để tạo ra các sản phẩm có giá cao hơn (LPG, Condensate) và các hoạt động dịch vụ khác. Để có được các sản phẩm có giá trị cao hơn, PV Gas đã phải đầu tư hệ thống hạ tầng bao gồm: Nhà máy xử lý, hệ thống kho tàng, phân phối với giá trị hàng trăm triệu USD và tốn chi phí vận hành, bảo dưỡng rất lớn hằng năm để vận hành an toàn hệ thống.

Liên quan thông tin cho rằng: Lợi nhuận của PV Gas thu được là nhờ lợi thế kinh doanh tài nguyên mua thấp, bán cao. Tôi xin khẳng định thông tin này là chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín của PV Gas.

PV: Liên quan đến việc cổ phần hóa PV Gas, vừa qua có một số thông tin nói rằng, Chính phủ chưa đồng ý việc bán vốn Nhà nước tại PV Gas và có ý định không tiếp tục cổ phần hóa PV Gas. Ông có thể thông tin  thêm về vấn đề này?

TGĐ Đỗ Khang Ninh: Hiện nay, tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ tại PV Gas là 97%. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa PV Gas , tỷ lệ phần vốn Nhà nước tại PV Gas có thể giảm xuống 75%.

Tại Kết luận cuộc họp số 384/2013/TB - VPCP ngày 28-10-2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã kết luận tạm thời giữ nguyên tỷ lệ góp vốn tại PV Gas là 97% để chờ cơ chế giá khí được phê duyệt. Tại cuộc họp tổng kết năm 2013 của PVN, Thủ tướng đã phát biểu đồng ý bán tiếp 20% sau khi cơ chế giá khí được phê duyệt.

Trải qua 2 năm thực hiện cổ phần hóa, thương hiệu của PV Gas ngày càng lớn mạnh trong và ngoài nước, tiếp tục là một trong số các đơn vị dẫn đầu của PVN cũng như trên sàn giao dịch chứng khoán về lợi nhuận; đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia, góp phần cùng PVN ổn định kinh tế vĩ mô của cả nước. Tạp chí Forbes cũng vừa công bố danh sách Global 2000 năm 2013, trong đó đã xếp PV Gas là một trong 2 doanh nghiệp Việt Nam lọt vào các công ty đại chúng lớn nhất thế giới, với tiêu chí để đánh giá là doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường.

Như vậy, lộ trình cổ phần hóa PV Gas vẫn đang diễn ra tốt đẹp và hứa hẹn nhiều lợi ích cho cổ đông cũng như doanh nghiệp.

PV: Vậy lợi ích từ việc bán bớt phần vốn Nhà nước tại PV Gas là gì, thưa ông?

TGĐ Đỗ Khang Ninh: So sánh lợi ích kinh tế từ việc bán vốn, nếu Nhà nước bán bớt 20% vốn tại PV Gas và đầu tư vào các dự án thì số tiền thu được lớn hơn rất nhiều so với giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ để hưởng cổ tức.

Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp là mô hình tiên tiến trên thế giới để tiến tới nền kinh tế thị trường; là kênh huy động vốn rất tốt, minh bạch trong quản lý, học hỏi kinh nghiệm chuyển giao công nghệ từ các cổ đông chiến lược... Đặc biệt là trong tình hình ngân sách Nhà nước hạn hẹp như hiện nay thì việc CPH là càng cần thiết.

Từ khi CPH đến nay, giá trị của PV Gas đã tăng từ 700 triệu USD lên gần 10 tỉ USD, tổng giá trị tài sản tăng lên nhiều lần. Trên thực tế cổ đông của PVGas được chia cổ tức tối đa 40%/năm, trong khi giá cổ phiếu là hơn 100.000 đồng/cp tại thời điểm hiện tại, thì giá trị thực nhận của cổ đông chỉ khoảng 4% một năm còn thấp hơn lãi suất ngân hàng. Vì vậy, nói phần lợi nhuận lớn thuộc về cổ đông - tổ chức, cá nhân bên ngoài là không chính xác.

Một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia... đều có mô hình công ty vận hành kinh doanh khí tương tự PV Gas mà phần vốn Nhà nước chỉ 50-60%.

Liên quan đến vấn đề điều tiết lợi nhuận, có ý kiến cho rằng việc giảm vốn thì sẽ dẫn đến Nhà nước khó điều tiết lợi nhuận. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 71/2013/NĐ - CP, 70% lợi nhuận PVN được chia từ cổ tức của PV Gas sẽ chuyển về ngân sách Nhà nước. Do đó, việc phân phối lợi nhuận hầu như không bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo PVN đi kiểm tra kho cảng Thị Vải

PV: Xin ông cung cấp một số thông tin liên quan đến tình hình kinh doanh của PV Gas 6 tháng cuối năm 2014 và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PV Gas trong thời gian tới. Chiến lược lâu dài của PV Gas là gì, thưa ông?

TGĐ Đỗ Khang Ninh: Trong 6 tháng đầu năm 2014, PV Gas hoạt động ổn định, hướng đến đạt những thành tích như mong muốn, đã được báo cáo tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông định kỳ. Trên đà này, cũng như theo những dự báo khách quan, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm cũng như cả năm 2014 sẽ đạt kết quả tốt. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt hơn 7.000 tỉ đồng.

Vừa qua, PV Gas đã thống nhất được với Tập đoàn Điện lực (EVN) về giá trị quyết toán khí Nam Côn Sơn trên bao tiêu trong các năm 2009-2013 để làm cơ sở ký kết bổ sung hợp đồng và ghi nhận doanh thu tăng thêm cho PV Gas.

Về lâu dài, PV Gas sẽ đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm đầu tư các nguồn khí mới, kể cả từ nước ngoài; đẩy mạnh công tác nhập khẩu LNG để không bị phụ thuộc vào nguồn khí trong nước.

PV: Ông đánh giá tương lai cổ phiếu GAS sẽ như thế nào?

TGĐ Đỗ Khang Ninh: PV Gas tiếp tục giữ vững vị thế là đơn vị lớn thứ 3 trong PVN, là doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận cao nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

So với nhóm cổ phiếu đang dẫn đầu thị trường thì cổ phiếu GAS còn có rất nhiều lợi thế và tiềm năng tăng cao. Nếu tính thanh khoản cao thì cổ phiếu GAS sẽ còn nhiều cơ hội tăng cao hơn nữa.

Bằng tất cả nỗ lực của mình, PV Gas đang vững bước đi lên, phấn đấu cho mục đích phát triển đã được xác định: “Đóng vai trò chủ đạo trong nền công nghiệp khí Việt Nam, phát triển ra thị trường quốc tế, có tên trong các thương hiệu mạnh của ngành khí châu Á”.

PV: Xin cảm ơn ông!

P.V

DMCA.com Protection Status