PV Power với việc đầu tư và phát triển thủy điện

08:17 | 27/08/2011

416 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Với PV Power, thủy điện có chỗ đứng khá quan trọng trong phần trách nhiệm chung tay đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

"Có một thực tế là ở Việt Nam hiện nay, các dự án thủy điện có công suất trên 30MW không còn nhiều hoặc đã có trong quy hoạch và có chủ đầu tư. Do đó, việc tìm kiếm và xúc tiến đầu tư các dự án thủy điện mới sẽ là một khó khăn thách thức không nhỏ đối với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cũng như đối với các nhà đầu tư dự án điện” – Trưởng ban Đầu tư phát triển PV Power Nguyễn Đình Thi cho biết.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng để phát triển thủy điện, đặc biệt ở khu vực miền Trung với hệ thống sông ngắn chằng chịt, có lợi thế về độ dốc lớn. Năm 2010, tổng công suất đặt các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia của Việt Nam khoảng trên 17.000MW, thủy điện chiếm tới 35-36% cơ cấu nguồn điện. Bản thân Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch VII) vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu “ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đặc biệt là các dự án lợi ích tổng hợp: Chống lũ – Cấp nước – Sản xuất điện vẫn được đặt lên hàng đầu”. Quy hoạch VII “quy định” rõ ràng, các nhà đầu tư hiện tại còn phải đẩy tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200MW hiện nay lên 17.400MW vào năm 2020.

Trong một hội nghị ngành Điện do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức gần đây, Phó trưởng ban Điện PVN Nguyễn Thanh Hương đã khẳng định, tất cả dự án điện PVN đang đầu tư đều sử dụng công nghệ tiên tiến nhất vào thời điểm xây dựng. “Điều đó có nghĩa là các Dự án của PVN đều thân thiện với môi trường, mang tính an sinh xã hội cao, đồng thời giảm thiểu tối đa sự lãng phí trong quá trình vận hành các tổ máy”, bà Hương nói.

Với PV Power – đơn vị thành viên của PVN, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và phát triển nguồn điện; thủy điện có chỗ đứng khá quan trọng trong phần trách nhiệm chung tay đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của PVN.

Hiện PV Power đang vận hành 4 nhà máy điện với tổng công suất là 2.700MW, cung cấp khoảng trên 12 tỉ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia, chiếm khoảng 14% tổng sản lượng điện toàn quốc. Để thực hiện mục tiêu chiến lược đáp ứng 24-25% nhu cầu điện năng của đất nước vào năm 2015, Trưởng ban Đầu tư Phát triển PV Power Nguyễn Đình Thi, cho biết: Tổng Công ty đang khẩn trương đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án điện, thực hiện đa dạng hóa nguồn điện, đặc biệt là các nguồn điện tái tạo được như thủy điện, phong điện, địa nhiệt…

Thủy điện ĐăkĐrinh hoàn thành sẽ bổ sung lượng điện lớn cho miền Trung (Ảnh: Mạnh Thắng).

Với riêng lĩnh vực thủy điện, PV Power đang góp vốn chi phối để đầu tư hai dự án thủy điện lớn tại miền Trung là thủy điện Hủa Na (công suất 180MW) tại Nghệ An và Thủy điện ĐăkĐrinh (công suất 125MW) tại Quảng Ngãi. Đặc biệt, PV Power cũng tham gia góp vốn đầu tư vào rất nhiều các dự án thủy điện vừa và nhỏ khác như: Thủy điện Nậm Chiến 1&2, Thủy điện Sông Tranh 3, Thủy điện Ngòi Hút 1, Thủy điện Nậm La, Nậm Cắt…

“Về đặc thù nguyên lý hoạt động, các nhà máy thủy điện đều dựa vào thế năng và động năng của dòng nước (cột áp thủy lực và lượng nước đến). Bởi vậy, các dự án thủy điện thường phải xây dựng trên vùng núi cao, nơi có chênh lệch độ cao lớn, điều kiện về hạ tầng như đường điện, đường giao thông vận tải, liên lạc, dịch vụ cung ứng đều kém phát triển dẫn đến chi phí thi công cao, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả của dự án bị giảm. Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế và tình hình trượt giá trong thời gian vừa qua cũng gây ảnh hưởng lớn đến hiệu của của dự án. Hầu hết các dự án đều bị tăng tổng mức đầu tư do chênh lệch ngoại hối và giá nhân công, nguyên vật liệu đã thay đổi theo hướng không có lợi”, ông Thi phân tích theo thực tế các dự án.

Tuy nhiên, theo người viết tìm hiểu, giá điện đầu nguồn EVN đang mua hiện nay còn nhiều bất cập, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, với các dự án thủy điện được đầu tư trước đây, có khấu hao rất thấp như Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Đa Nhim, Hòa Bình… chắc chắn giá thành điện năng sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều so với các dự án mới đầu tư hiện nay.

“Chắc chắn Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ có những cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển nguồn điện” – ông Thi nhận định một cách tin tưởng. Niềm tin này không phải là không có cơ sở khi mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2011/NĐ-CP cho phép Vụ Năng lượng thuộc Bộ Công Thương được thay đổi thành Tổng cục Năng lượng. Đây cũng là một động thái hết sức “lạc quan” đối với các nhà đầu tư ngành Điện, tiếp theo sự ra đời của Thông tư 41/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành khung giá phát điện và phê duyệt hợp đồng mua bán điện mới có hiệu lực từ tháng 1/2011.

Trở lại với vấn đề giá điện có nguồn từ thủy điện, chúng ta đều biết rằng, giá thành sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo này thấp hơn so với các dự án nhiệt điện khí hoặc nhiệt điện than. Ngoài ra, đa số các dự án thủy điện còn có thêm nhiệm vụ quan trọng khác là phòng chống lũ cho hạ du. Đơn cử như Thủy điện ĐăkĐrinh, khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp một sản lượng điện khoảng 500 triệu kWh/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải cho cả một khu vực rộng lớn miền Trung.

“Bên cạnh trọng trách đảm bảo nguồn điện cho cả khu vực miền Trung, dự án còn tạo nguồn nước cung cấp cho công trình Thủy lợi Thạch Nham, Khu Kinh tế Dung Quất về mùa khô, đồng thời cắt lũ cho hạ lưu vào mùa mưa lũ” – ông Nguyễn Quốc Hùng, trợ lý Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện ĐăkĐrinh khẳng định.

Với những lợi thế về điều kiện vận hành, với lợi ích tổng hợp và thậm chí cả giá bán điện cạnh tranh, chắc chắn thủy điện vẫn giữ vai trò chủ lực trong an ninh năng lượng bền vững.

Hữu Tùng

DMCA.com Protection Status