Ra mắt Chi nhánh PVFCCo tại Phnom Penh: Đưa trực tiếp phân bón đến với nông dân Campuchia

17:52 | 01/08/2011

544 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) sẽ triển khai kế hoạch trực tiếp đưa sản phẩm phân bón của mình đến với rộng rãi nông dân Campuchia sau khi nâng cấp Văn phòng đại diện tại Thủ đô Phnom Penh lên thành Chi nhánh với đầy đủ chức năng kinh doanh. Đây là chi nhánh đầu tiên của PVFCCo tại nước ngoài do Bộ Thương mại cấp phép vào ngày 15/6/2011.

Ra mắt Ban lãnh đạo Chi nhánh PVFCCo tại Campuchia.

Lễ ra mắt Chi nhánh PVFCCo tại Campuchia đã được tổ chức long trọng hôm 29/7 tại thủ đô Phnom Penh với sự tham dự của bà Men Sam On, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Hoàng gia Campuchia cùng hơn 100 quan khách.

Bà Men Sam On cho rằng việc nâng cấp Văn phòng đại diện lên thành Chi nhánh của PVFCCo tại Campuchia là biểu tượng cho sự hợp tác lâu dài giữa Campuchia và Việt Nam. Quyết định của PVFCCo vào đúng thời điểm Chính phủ Campuchia cam kết thúc đẩy nền nông nghiệp để đến năm 2015 Camphuchia có thể xuất khẩu 1 triệu tấn gạo.

“Tôi hy vọng rằng nông dân Campuchia sẽ được hưởng lợi từ việc được mua trực tiếp các loại phân bón do PVFCCo sản xuất với một mức giá tốt hơn. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển của nền nông nghiệp Campuchia”, bà Men Sam On khẳng định.

Bà Men Sam On, Phó thủ tướng thường trực Campuchia phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu trong buổi lễ, ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT PVFCCo đã nhấn mạnh việc thành lập Chi nhánh sẽ giúp PVFCCo phục vụ nông dân Campuchia hiệu quả hơn. "Thông qua việc trực tiếp bán hàng cho nông dân Campuchia, chúng tôi có thể cắt giảm đáng kể thời gian cung ứng hàng, đồng thời mở rộng chương trình chuyển giao kỹ thuật tại các vùng nông thôn” – ông Tiến nói.

Ông Bùi Minh Tiến cũng nhắc lại thời điểm bắt đầu sự hiện diện của PVFCCo tại Campuchia hồi năm ngoái với việc triển khai thực hiện các thửa ruộng mẫu có sử dụng sản phẩm urê Phú Mỹ cùng với những tiến bộ kỹ thuật tại các tỉnh Takeo, Battambang, Kompong Chhnang và Kandal đều cho năng suất lúa cao gấp 2 đến gần 3 lần so với bình thường.

“Hiện nay PVFCCo đang tiếp tục mở rộng chương trình này tới các địa phương khác”, ông cho biết thêm.

Ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT PVFCCo phát biểu tại lễ ra mắt Chi nhánh

Nhân dịp này, ông Phạm Quý Hiển, Giám đốc Chi nhánh PVFCCo tại Campuchia đã ký 2 hợp đồng khung phân phối urê Phú Mỹ với 2 đại lý phân bón lớn Heng Pich Chay (tỉnh Takeo) và Chhun Sok An (tỉnh Kandal). Ông Hiển cũng ký thỏa thuận tặng 25 tấn phân urê cho các gia đình nông dân nghèo tỉnh Battambang.

Được biết, Chi nhánh PVFCCo tại Campuchia cũng vừa nhận giấy phép nhập khẩu 35.000 tấn phân urê Phú Mỹ và 5.000 tấn NPK Phú Mỹ cho thời gian 12 tháng tới. Theo giá phân bón hiện nay trên thị trường, thường dao động theo giá dầu mỏ thế giới, thì trị giá của 40.000 tấn phân bón vào khoảng hơn 20 triệu USD.

Ký thỏa thuận hợp tác cung ứng phân bón tại lễ ra mắt Chi nhánh

Kể từ khi thành lập VPĐD tại Phnom Penh vào tháng 5 năm ngoái, PVFCCo đã bán khoảng 6.000 tấn phân urê Phú Mỹ cho các công ty Campuchia có giấy phép nhập khẩu. Năm 2010, PVFCCo cũng đã tặng 50 tấn phân urê cho các gia đình nông dân nghèo tại hai tỉnh Prey Veng và Svay Rieng. Và năm nay cam kết sẽ tặng tiếp 25 tấn phân cho nông dân tỉnh Battambang nhân dịp ra mắt Chi nhánh. PVFCCo cũng tiếp tục triển khai chương trình chuyển giao kỹ thuật tại các tỉnh Takeo, Kandal, Kongpong Chhnang và Battambang.

Theo nhận định của các chuyên gia, ngành nông nghiệp Campuchia hiện nay tiêu thụ mỗi năm khoảng trên 700.000 tấn phân bón các loại, trong đó phân urê chỉ chiếm 1/3, còn lại là NPK, DAP và các loại phân bón khác. Tại Campuchia cũng như Việt Nam, phân urê thường được sử dụng để tăng sản lượng cho lúa, nhưng cũng được sử dụng cho nhiều loại cây trồng khác như cà phê, cao su, cây ăn trái…

Trong 8 năm vừa qua, thương hiệu Đạm Phú Mỹ của PVFCCo đã được công nhận là Hàng Việt Nam chất lượng cao, là thương hiệu rất có uy tín đối với người dân Campuchia. Ngoài Campuchia, PVFCCo hy vọng sẽ mở rộng thị trường tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Myanmar, Philippines và Thái Lan.

Thế Vinh

DMCA.com Protection Status