Rối lòng người làm xơ sợi Việt Nam

09:09 | 28/10/2015

2,370 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Khi giá dầu lao dốc, ngành công nghiệp dầu khí trở nên bấp bênh hơn. Những doanh nghiệp lâu năm, có vốn tích lũy, giàu kinh nghiệm còn khốn đốn vì thiếu việc, lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng thì Công ty CP Hóa dầu & Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) thuộc PVN kinh doanh thua lỗ dễ khiến dư luận băn khoăn về tính khả thi của nhà máy xơ sợi đầu tiên của Việt Nam. Vậy tại sao lại lỗ và những con người tại PVTEX đã và đang làm gì trước tình hình này?

Trong quý III năm 2015, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí đã đạt được sự tăng trưởng ổn định và lợi nhuận từ khai thác dầu thô và chế biến các sản phẩm dầu khí, cơ khí tăng từ 11-13%. Ngược lại, PVTEX là 1 trong 3 đơn vị khó khăn nhất Tập đoàn, vẫn phải “ngậm ngùi” báo lỗ. Có lẽ báo cáo của PVTEX là kỷ lục từ xưa đến nay, khi đã giải trình từng chi tiết sản xuất kinh doanh của công ty trong từng ngày, từng tuần.

roi long nguoi lam xo soi viet nam
Công nhân kỹ thuật tại nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Theo đó, từ tháng 4 đến hết tháng 9/2015, thị trường châu Á có một số biến động bất khả kháng ảnh hưởng lớn đến thị trường xơ sợi tại Việt Nam. Đầu tiên là việc 2 nhà máy sản xuất hóa chất lớn nhất Trung Quốc là Xinanglu (sản xuất PTA) và Sinopec (sản xuất MEG) bị hỏa hoạn cháy rụi, tạm dừng hoạt động. Tiếp đó, giá dầu thô lập đáy dưới 40 USD/thùng. Hai sự kiện này đã khởi đầu cho sự thu gom MEG, PTA (một trong 2 nguyên liệu chính sản xuất xơ sợi polyester) của các “đại gia” Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia.

Chỉ trong vòng 1 tháng giá công bố đầu kỳ và giá bán ra PTA và MEG đã tăng vọt từ 13-16% trong khi giá sợi và xơ chỉ tăng trong khoảng từ 4-5,6%. Các nhà máy có điều kiện vốn, kho bãi lớn nên kịp thời tích trữ nguyên liệu giá rẻ nên giá sản phẩm tăng chậm hơn. Ngược lại với các nhà máy còn non trẻ, thiếu vốn như PVTEX giá nguyên liệu tăng đột biến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào và giá thành sản phẩm bán ra. Thực tế, giá sản phẩm của PVTEX luôn thấp hơn giá sàn các sản phẩm cùng loại từ 21-80 USD/tấn.  

Trong thời điểm thị trường khủng hoảng do giá dầu, giá bông tự nhiên giảm mạnh, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ đã bán phá giá sản phẩm vào Việt Nam. Điều này càng khiến PVTEX thêm một lần nữa phải giảm giá để bán được hàng, khiến lỗ chồng thêm lỗ.

Một yếu tố bất ngờ nữa là việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức lên +/-2% (ngày 12/8/2015). Trong khi các nhà máy tương tự còn tồn kho một lượng hàng lớn, càng kiến cuộc cạnh tranh bán hàng trên thị trường xơ sợi Việt Nam trở nên quyết liệt. Ác nghiệt hơn nữa là thị trường xuất khẩu sản phẩm bị thu hẹp khi sợi DTY bị Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những quốc gia tiêu thụ xơ sợi tổng hợp lớn nhất đã tiến hành dựng các hàng rào thuế quan chống phá giá của hàng loạt quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam... Các yếu tố khách quan từ thị trường thế giới đã khiến PVTEX gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh các yếu tố khách quan bên ngoài, một số nguyên nhân nội tại như tài chính của PVTEX thiếu vốn lưu động từ nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn điện cấp từ Khu công nghiệp Đình Vũ cho nhà máy không ổn định (riêng tháng 5 và đầu tháng 6-2015 đã xảy ra 6 sự cố sụt điện áp) gây phát sinh hàng chục tấn phế phẩm, hàng trăm tấn sản phẩm phải hạ cấp, khiến PVTEX mất doanh thu hàng chục tỉ đồng gây ảnh hưởng lớn đến vận hành và chất lượng sản phẩm.

Một nguyên nhân nữa là địa điểm đặt nhà máy xa vùng sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, nên chi phí vận chuyển nguyên liệu chính PTA và MEG cao hơn so với đối thủ Formosa khoảng 2%. Quy đổi ra giá trị hàng hóa tương đương 32 tỉ đồng một năm. Mặt khác, chi phí vận chuyển sản phẩm của PVTEX từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh cũng cao hơn Formosa, mất thêm khoảng 2% doanh thu, tương đương 40 tỉ đồng/năm.

Đặc biệt là sản phẩm xơ sợi của PVTEX mới gia nhập thị trường lại không thuộc chuỗi sản phẩm của ngành dệt may nên cũng không được hưởng các chính sách ưu đãi, bảo hộ của Nhà nước. Đây là điều bất cập điển hình cho các doanh nghiệp đầu tư trong nước khi so sánh với các doanh nghiệp FDI (Nhà máy Xơ sợi Formosa) lại được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất, chi phí quản lý khu công nghiệp... từ 5 đến 15 năm. Tính ra, PVTEX bị âm thêm từ 10 đến 15%.

Ở đây, sẽ có một sự nghi ngờ rằng, tại sao biết sẽ lỗ vốn, biết sẽ thua thiệt đủ đường như thế mà vẫn làm? Vâng, xin thưa rằng, nếu là một doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài thì chẳng ai dại mà đâm đầu vào lửa. Bằng chứng thì cứ nhìn ngành dệt may hay nhìn rộng ra cái bệnh chung chung doanh nghiệp Việt Nam là tham cái lợi trước mắt thì rõ. Khi bóc ngắn, cắn dài đã thành thói quen, khi đụng đến cái khó là quay đầu rồi trước khi bỏ chạy lại còn hô lên một câu như “thánh” phán “biết ngay mà...” thì cần lắm những doanh nghiệp, những con người tiên phong để phá vỡ những rào cản, thổi bùng lên ý chí tự cường của dân tộc Việt.

Xót xa hơn khi chúng tôi tìm hiểu từ PVTEX thì được biết gần 1.000 con người ở đây đã và đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động cho nhà máy. Trong những năm qua, toàn thể cán bộ, công nhân viên PVTEX đã tìm đủ mọi cách, vượt qua mọi khó khăn để có thể học và làm chủ công nghệ sản xuất xơ sợi. Những con người phải ngày ngày “sống chung” với môi trường hóa chất, làm việc trong cái nóng 45-500C, sống xa nhà, xa gia đình. Thậm chí lãnh đạo, cán bộ quản lý của công ty đã có 3 lần tự nguyện giảm lương. Tệ hơn nữa là công nhân phải nghỉ việc luân phiên để dồn tiền mua nguyên liệu, vận hành nhà máy, giữ bằng được uy tín mới được xây dựng với khách hàng.

Từ các nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ của PVTEX, thử hỏi, 1 doanh nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn trong nước, do người Việt làm chủ công nghệ nhưng như một đứa trẻ vừa chập chững vào đời lại không được hưởng bất cứ một sự chăm bẵm nào từ chính sách của cha mẹ đẻ ra, trong khi từ trong đến ngoài nước thì vây quanh toàn những đối thủ thuộc dạng “chiến binh” dạn dày kinh nghiệm thì có thể trụ được bao lâu? Như vậy có thật sự là công bằng, sòng phẳng đối với doanh nghiệp trên một nền cơ chế thị trường tự do hay không?

Chẳng lẽ những hy sinh, cống hiến của cả ngàn con người trong những năm qua để xây dựng một nhà máy hiện đại, một sản phẩm công nghệ cao đầu tiên cho quốc gia sẽ trở nên vô ích? Chẳng lẽ bài học thất bại từ chuyện “há miệng chờ sung” của nền công nghiệp ôtô Việt Nam khi cứ một mực trông chờ vào “những lời hứa không có tí chất dinh dưỡng nào” của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh các nhà quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam, để hàng chục năm sau các thế hệ người Việt sẽ nhắc lại là sau sự thất bại lại là thất bại? Có lẽ những câu hỏi này chỉ có những lãnh đạo đủ tầm, đủ tâm và có cái nhìn đủ xa mới giải quyết được.

Tùng Phong

Năng lượng Mới số 469

DMCA.com Protection Status