Sẽ có thêm 130 tỉ USD đầu tư vào năng lượng sạch?

17:28 | 29/09/2021

544 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 29/9, GEM đưa ra bình luận về việc Trung Quốc “nói không” với các dự án điện than ở nước ngoài có thể giải phóng 130 tỷ đô la cho các khoản đầu tư vào năng lượng sạch. Động thái này sẽ khiến mức tăng trưởng nhu cầu than toàn cầu giảm 1.100 triệu tấn và ngăn chặn 8.000 triệu tấn CO2 phát thải trong suốt thời gian hoạt động của 44 dự án nhà máy điện than được đề xuất dự kiến sử dụng các nguồn tài chính công của Trung Quốc.

Theo cập nhật từ Chương trình theo dõi Tài chính công cho Điện than Toàn cầu (Global Coal Public Finance Tracker) của tổ chức Giám sát năng lượng Toàn cầu (GEM), cam kết của Trung Quốc nhằm chấm dứt tài trợ điện than ở nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến 44 nhà máy điện than với tổng công suất 42.220 megawatt (MW). Điều này sẽ giúp tiết kiệm được 130 tỷ đô la tổng chi phí cho toàn bộ vòng đời của các dự án và khiến mức tăng trưởng nhu cầu than toàn cầu hàng năm giảm 30 triệu tấn, tức là giảm thêm 1.100 triệu tấn than trong suốt thời gian hoạt động của các nhà máy.

Sẽ có thêm 130 tỉ USD đầu tư vào năng lượng sạch?
Trung Quốc sẽ tăng cường công suất năng cho lượng tái tạo.

Bản đồ tài chính công cho điện than mới được cập nhật của GEM mô tả những điều sẽ biến mất trong các dự án nhà máy điện than được đề xuất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc trong tương lai, khi Bắc Kinh đang cân nhắc tới các điều khoản chính xác trong cam kết ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới ở nước ngoài.

Cam kết này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba tuần trước. Ngay sau khi có tin này, Ngân hàng Trung Quốc đã đưa ra một thông báo vào thứ Sáu, rằng họ sẽ không còn tài trợ cho các nhà máy điện than mới và các dự án khai thác than bên ngoài Trung Quốc kể từ ngày 1/10/2021.

Dựa trên một cuộc khảo sát hồi tháng 9/2021 của GEM, 44 nhà máy điện than với tổng công suất 42.220 MW hiện đang được xem xét nhận tài trợ công từ các tổ chức nhà nước của Trung Quốc và do đó có thể bị ảnh hưởng bởi thông báo của quốc gia này. Các dự án được đề xuất trải rộng trên 20 quốc gia ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và Đông Âu.

Nếu thông báo của Trung Quốc nghiêm cấm tất cả nguồn tài chính công tài trợ cho điện than trong tương lai, tất cả 44 nhà máy điện than sẽ có nguy cơ bị hủy bỏ, do thiếu các lựa chọn tài trợ khác cho các nhà máy điện than mới. Đầu năm nay, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã cam kết ngừng cho vay tài chính công đối với điện than ở nước ngoài.

Năm trong số các dự án đó đang được xem xét cấp vốn từ Ngân hàng Trung Quốc, và vì thế chúng có nguy cơ bị ngân hàng hủy tài trợ ngay trong tuần tới.

44 nhà máy điện than này chiếm hơn 40% trên tổng công suất 103.000 MW của các nhà máy điện than mới ở 20 quốc gia. Nếu các nhà máy điện than bị hủy bỏ, sẽ có thể tiết kiệm hơn 130 tỷ đô la - 50 tỷ đô la chi phí xây dựng cùng hơn 80 tỷ đô la chi phí nhiên liệu và vận hành trong suốt thời gian hoạt động của các nhà máy.

Ở châu Phi, việc hủy bỏ các nhà máy sẽ cắt giảm một nửa lượng điện than được đề xuất, bởi Trung Quốc là nước hỗ trợ tài chính lớn cho các nhà máy điện than mới ở châu lục này.

Việc hủy bỏ các dự án cũng sẽ loại bỏ hoàn toàn các dự án nhà máy điện than mới ở Kenya, Madagascar và Bờ Biển Ngà. Việc cắt giảm này sẽ giúp cho 3 quốc gia trên đủ điều kiện gia nhập vào liên minh “Không có điện than mới”, một cam kết của Liên Hợp Quốc dành cho các quốc gia ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới.

Trong số các quốc gia bị ảnh hưởng ở châu Á, việc hủy bỏ các nhà máy được đề xuất tài trợ bởi Trung Quốc sẽ làm giảm các đề xuất nhà máy điện than của họ hơn 40%. Ảnh hưởng lớn nhất sẽ ở Bangladesh và Mông Cổ, vì số lượng các nhà máy điện than được đề xuất ở mỗi quốc gia này sẽ giảm hơn 90%, khiến các quốc gia này gần như đủ điều kiện cho cam kết “Không có điện than mới”. Hiện tại, Bangladesh và Mông Cổ lần lượt có số dự án đề xuất cao thứ 6 và thứ 8 trên thế giới.

Thông báo của Trung Quốc cũng sẽ có tác động lớn đến thị trường than đá toàn cầu, bởi có nhiều quốc gia trong số 20 quốc gia nhập khẩu phần lớn than để phục vụ nhu cầu của họ. 20 quốc gia đó cùng nhau chiếm hơn 10% lượng than nhập khẩu cho nhiệt điện vào năm 2019, tổng cộng là 130 triệu tấn.

Nếu 44 nhà máy điện than bị hủy bỏ, nhu cầu than trong tương lai ở các nước sẽ giảm khoảng 30 triệu tấn/năm, giáng một đòn mạnh vào triển vọng tương lai của các quốc gia xuất khẩu than. Nói chung, tăng trưởng nhu cầu than toàn cầu trong tương lai sẽ giảm 1.100 triệu tấn suốt thời gian hoạt động của 44 nhà máy, ngăn chặn phát thải khoảng 8.000 triệu tấn carbon dioxide.

Christine Shearer, Giám đốc Chương trình Điện than của GEM cho biết: “Thông báo của Trung Quốc là hồi chuông báo tử của tài trợ công cho điện than ở nước ngoài, và nhiều dự án đề xuất nhà máy điện than sẽ bị hủy bỏ do thiếu các lựa chọn tài chính thay thế. Tin tốt là động thái của Trung Quốc sẽ giúp một số quốc gia không đổ hàng tỷ đô la vào các nhà máy điện than, thứ sẽ sớm trở thành tài sản bị mắc kẹt, do chi phí năng lượng tái tạo giảm và động lực nhằm hạn chế phát thải carbon”.

Sẽ có thêm 130 tỉ USD đầu tư vào năng lượng sạch?
Trung Quốc vẫn đang là quốc gia có nhiều nhà máy điện than lớn nhất thế giới.

“Tuyên bố của Trung Quốc là một nước đi đúng hướng. Nó cũng thừa nhận tình hình thực tế, vì việc đầu tư vào các nhà máy điện than mới không còn có ý nghĩa tài chính vì các dạng năng lượng khác rẻ hơn nhiều”, Russell Gray, nhà nghiên cứu tài chính điện than của GEM cho biết. "Để thực sự có tác động đến khí hậu, Trung Quốc cần bắt đầu loại bỏ dần than càng sớm càng tốt và tập trung vào sản xuất năng lượng tái tạo".

Theo Chương trình theo dõi Nhà máy Điện than của GEM, Trung Quốc vẫn là nơi có công suất điện than lớn nhất thế giới, với gần 97.000 MW đang được xây dựng và 163.000 MW khác đang được lên kế hoạch xây dựng. Những dự án đề xuất trong nước này không nằm trong cam kết tài chính điện than của Trung Quốc và sẽ là vấn đề trọng tâm trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, các lộ trình để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C cần có một giai đoạn loại bỏ hầu như hoàn toàn điện than vào năm 2040.

Cơ quan Giám sát Năng lượng toàn cầu là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận phát triển thông tin về các dự án nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới. Các dự án hiện tại bao gồm Chương trình theo dõi Nhà máy điện than Toàn cầu, Chương trình theo dõi Cơ sở hạ tầng Nhiên liệu hóa thạch Toàn cầu, Chương trình theo dõi Khí đốt châu Âu, bản tin CoalWire và GEM wiki.

Tùng Dương

Vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nga trên thị trường dầu khí châu Á-Thái Bình Dương (Kỳ II) Vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nga trên thị trường dầu khí châu Á-Thái Bình Dương (Kỳ II)
Châu Âu sẵn sàng ứng phó tình trạng giá năng lượng tăng cao Châu Âu sẵn sàng ứng phó tình trạng giá năng lượng tăng cao
Chuyển đổi năng lượng - Cơ hội bị bỏ lỡ Chuyển đổi năng lượng - Cơ hội bị bỏ lỡ
LHQ kêu gọi phát triển năng lượng “sạch” cho người nghèo LHQ kêu gọi phát triển năng lượng “sạch” cho người nghèo

  • vietinbank