Sức mạnh mềm của công nghiệp văn hóa

13:56 | 26/11/2021

233 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngành công nghiệp văn hóa không chỉ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường mà quan trọng hơn là hình thành sức mạnh mềm, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Trong đó, công nghiệp văn hóa (điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa...) được kỳ vọng sẽ phát triển cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế; ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu. Công nghiệp văn hóa được kỳ vọng có thể đóng góp 7% GDP vào năm 2030.

Sức mạnh mềm của công nghiệp văn hóa
Phim "Mắt biếc" đạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam 2021

Sự phát triển của công nghiệp văn hóa trong vòng 10 năm qua cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, điển hình là lĩnh vực điện ảnh. Theo thống kê từ năm 2010-2019, số lượng phòng chiếu phim ở Việt Nam tăng từ 90 lên 1.096 phòng, số lượng lượt xem phim chiếu rạp tăng từ 7 triệu lên 57 triệu lượt/năm, doanh thu phim chiếu rạp toàn ngành tăng từ 540 tỉ đồng lên 4.147 tỉ đồng. Có rất nhiều phim đạt doanh thu trên 100 tỉ đồng, tạo những hiệu ứng tích cực với công chúng. Chất lượng nghệ thuật trong nhiều tác phẩm điện ảnh ngày càng được nâng cao...

Trải qua đại dịch Covid-19, công nghiệp văn hóa đã cho thấy khả năng linh hoạt, thích ứng với thực tiễn của mình. Nhiều chương trình âm nhạc, những triển lãm ý nghĩa hay những show thời trang vẫn diễn ra theo cách riêng phù hợp bằng hình thức online. Hình ảnh người nghệ sĩ biểu diễn trong những bệnh viện dã chiến để động viên tinh thần bác sĩ, bệnh nhân thời gian qua có lẽ là những hình ảnh đẹp nhất trong giới biểu diễn. Điều đó cho thấy, dù trong hoàn cảnh nào thì món ăn tinh thần vẫn được giới văn nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.

Lịch sử nhiều nước trên thế giới đã chứng minh rất rõ rằng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa không chỉ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường mà quan trọng hơn, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa tạo ra sức sống mới cho các di sản văn hóa, khai thác tốt hơn vốn văn hóa của dân tộc, đồng thời hình thành sức mạnh mềm, quảng bá hình ảnh đất nước, con người ra thế giới. Hàn Quốc với làn sóng “Hàn lưu” (Hallyu) là một điển hình.

Để công nghiệp văn hóa của Việt Nam ngày càng phát triển và có những đóng góp to lớn hơn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý là yếu tố tiên quyết nhằm tạo điều kiện cũng như kích thích sự sáng tạo để thúc đẩy công nghiệp văn hóa vươn lên những tầm cao mới.

Trúc Vân

Điện ảnh Việt và vấn đề của "cây kéo" kiểm duyệt
LHP Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức, trao giải trực tuyến
"Miền ký ức" tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 26