Suy ngẫm về lời của Bác

18:06 | 28/11/2011

1,121 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thực hiện điều mong ước của Người, 50 năm qua, những người lao động của ngành Dầu khí, thế hệ sau tiếp nối truyền thống lao động quên mình, phát huy cao độ trí tuệ Việt Nam của thế hệ trước, đã xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí đi từ con số “không” trở thành một ngành công nghiệp hùng mạnh nhất, là trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam.

Nguyễn Như Phong

Người xưa có câu rằng: “Ai đứng được vào địa vị Thánh nhân thì có được quyền. Ai có đức của Thánh nhân thì hiểu được duyên cớ, hiểu được sự vần xoay của vũ trụ”.

Bác Hồ của chúng ta được coi là bậc Thánh, không chỉ với người Việt mà còn với nhiều dân tộc trên thế giới, bởi đức độ cao cả và công lao to lớn của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh vì hòa bình trên thế giới. Nhân dân ta còn coi Bác là bậc Thánh nhân bởi những dự báo chính xác của Người về vận nước, về con đường của cách mạng… Và cả sự ra đi của Người, khoa học sẽ không thể giải thích nổi rằng, tại sao Người lại từ biệt thế giới này vào đúng ngày Người đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước XHCN đầu tiên ở châu Á.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khi Công nghiệp Dầu khí Bacu, Azerbaijan - ngày 23/7/1959

Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhận những dự báo thiên tài của Người.

Vào tháng 2/1942, khi mà phát xít Đức – Ý – Nhật đang làm mưa làm gió trên thế giới và Liên bang Xôviết đang đứng trước nguy cơ bị Đức thôn tính thì trong bài diễn ca “Lịch sử Việt Nam” và kết thúc bài ở mục “Những năm quan trọng”, Bác Hồ đã viết “1945 – Việt Nam độc lập” – Nghĩa là Người tiên đoán rằng vào năm 1945, Cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi.

Quả đúng như thế, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã sinh ra một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở châu Á.

Rồi năm 1967, khi mà cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc XHCN vào giai đoạn ác liệt nhất thì Bác đã nói với bộ đội Phòng không – Không quân rằng: "Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Quả đúng như vậy, sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội của quân và dân ta, Mỹ đã phải ký Hiệp định Paris và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Trong bài thơ chúc tết xuân Mậu Thân, Bác đã viết:

"…Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Sau này, trong Hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Câu thơ Xuân đã “vạch đường đi nước bước để có thắng lợi hôm nay” - “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã trở thành quan điểm chiến lược của Đảng ta, quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại”.

Đấy là một vài ví dụ về những dự báo thiên tài của Bác về con đường đi của Cách mạng Việt Nam, về vận nước, thế nước.

Còn đối với ngành Dầu khí, khi mà Việt Nam chỉ là con số “không”, thì năm 1959, khi sang thăm Azerbaijan thuộc Liên bang Xôviết, nơi có ngành công nghiệp khai thác dầu nổi tiếng, Bác đã nói với các cán bộ lãnh đạo, kỹ sư, công nhân dầu khí tại khu Công nghiệp Dầu khí Bacu: "Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh…”.

Ngày ấy chắc chắn trong tay Bác chẳng có trang tài liệu thăm dò địa chất nào nói rằng, Việt Nam có tiềm năng dầu mỏ. Trước đó, người Pháp cũng chưa có điều kiện, khả năng thăm dò địa chất tìm ra dầu ở thềm lục địa Việt Nam. Nhưng chắc chắn là Người đã có sự hiểu biết nhất định về cấu tạo địa chất của vùng biển thềm lục địa Việt Nam và với cấu tạo đó thì khả năng có dầu khí là rất lớn. Người hiểu được rất sâu sắc tầm quan trọng của dầu mỏ trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đối với đất nước ta.

Nhưng những lời Bác nói về một tương lai của ngành Dầu khí Việt Nam thì rõ ràng không phải là nói cho vui… Cũng như khi Bác nói: "Năm 1945 Việt Nam độc lập” hay "Nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội…” là không phải nói theo kiểu “võ đoán”. Phải là người có kiến thức cực kỳ sâu rộng trên nhiều lĩnh vực mới dám đưa ra những dự báo như vậy. Những lời dự báo của Bác xuất phát từ tri thức uyên thâm về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và là người nắm được quy luật vận động của lịch sử. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong buổi gặp mặt với đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh tại Lễ kỷ niệm ngày sinh của Người 19/5/1985, đã nói về Bác Hồ như thế này: “Người có tầm nhìn cao rộng và sâu xa, xuyên qua lịch sử, bao quát không gian, thấy sáng tương lai, mở ra những bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam từ cảnh nô lệ lầm than ra ánh sáng độc lập tự do…”.

Thực hiện điều mong ước của Người, 50 năm qua, những người lao động của ngành Dầu khí, thế hệ sau tiếp nối truyền thống lao động quên mình, phát huy cao độ trí tuệ Việt Nam của thế hệ trước, đã xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí đi từ con số “không” trở thành một ngành công nghiệp hùng mạnh nhất, là trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam.

Trên các công trình trọng điểm của ngành Dầu khí và tại trụ sở của Tập đoàn và các Tổng Công ty thành viên đều có ban thờ Bác. Việc thắp hương thưa với Bác những gì mà con cháu của Người ở ngành Dầu khí đã làm được và đang làm trở thành thiêng liêng.

Mỗi lần thắp hương để thưa chuyện với Bác, chắc chắn trong lòng mỗi người lao động ngành Dầu khí đều tâm niệm một điều như lời của nhà thơ Tố Hữu:

"Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

N.N.P

DMCA.com Protection Status