Cải cách luật dầu mỏ ở Nigeria

Tạo cạnh tranh cho “vàng đen”

09:00 | 21/11/2021

|
Dù là nhà sản xuất “vàng đen” lớn nhất châu Phi, có trữ lượng lớn nhưng Nigeria vẫn chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ.
Tạo cạnh tranh cho “vàng đen”
Ảnh minh họa ngành dầu khí Nigeria

Nigeria được biết là một quốc gia hoạt động kém hiệu quả trong lĩnh vực dầu mỏ, chi phí sản xuất đặc biệt cao. Hơn nữa, sau nhiều năm khai thác, những khu vực dầu mỏ bị ô nhiễm và cơ sở hạ tầng đổ nát đang trong tình trạng mất kiểm soát an ninh. Trong 15 năm qua, Chính phủ Nigeria vẫn loay hoay trong việc đưa ra các quy định mới để giải quyết những thách thức và tối đa hóa doanh thu từ dầu mỏ.

Tháng 9-2020, dự luật dầu mỏ mới đã được gửi đến các nghị sĩ. Về lý thuyết, dự luật sẽ được bỏ phiếu trong tháng 4 và nếu được thông qua sẽ được ban hành vào tháng 5-2021.

Luật quy định những gì?

Dự luật nhằm cung cấp một khuôn khổ pháp lý cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nigeria. Nếu được thông qua, nó sẽ tạo ra 3 thay đổi chính.

Thứ nhất là liên quan đến tiền trả định kỳ của các dự án dầu mỏ và chế độ thuế. Gail Anderson - giám đốc nghiên cứu tại Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie - nói với AFP: Thuế và tiền trả định kỳ được giảm, nhưng sẽ có nhiều khoản chi phí không còn được khấu trừ thuế.

Thứ hai, các công ty dầu phải thực hiện nghĩa vụ trong việc thành lập các quỹ phát triển vì lợi ích của người dân sống trong các khu vực dầu mỏ. Họ sẽ phải trả 2,5% chi phí cho khu vực khai thác để tài trợ cho quỹ. Nhưng trong trường hợp cơ sở hạ tầng của các công ty dầu mỏ bị cộng đồng phá hoại, họ có thể dùng các quỹ này để sửa chữa - các chuyên gia Nigeria giải thích.

Cuối cùng, dự luật nhằm chuyển đổi Công ty Dầu khí Quốc gia Nigeria (NNPC) thành một công ty thương mại, sẽ cho phép công ty huy động vốn trực tiếp trên thị trường mà không cần thông qua Nhà nước. Dự luật sẽ tạo ra hai cơ quan quản lý mới, với mục tiêu hạn chế quyền hạn của Bộ trưởng Dầu mỏ.

Tạo cạnh tranh cho “vàng đen”

Phản ứng của công ty dầu khí

Các công ty dầu mỏ quốc tế tuyên bố rằng, dự luật sẽ hạn chế các khoản đầu tư tốn kém ngoài khơi - nơi khai thác một nửa sản lượng dầu mỏ của Nigeria. Tại một buổi điều trần công khai, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất dầu mỏ, đại diện cho Total, Chevron, Exxon Mobil và Shell, đã kêu gọi giảm tiền trả định kỳ cho các dự án khai thác dầu mỏ vùng nước sâu trong 5 năm đầu sản xuất.

Nhiều người cho rằng, sau 60 năm suy thoái môi trường, số tiền các công ty dầu mỏ phải trả cho quỹ phát triển không phải là 2,5% mà phải là 10%.

Về việc tái cấu trúc NNPC thành một công ty thương mại, nhiều nhà phân tích tin rằng, quyền lực sẽ nằm trong tay chính phủ liên bang, nơi luôn có thể lựa chọn các thành viên trong hội đồng quản trị.

Việc xem xét tại Quốc hội hy vọng sẽ giải quyết được những vấn đề này.

Tác động của luật mới

Nếu dự luật được thông qua, vẫn chưa thể nhanh chóng xác định các ảnh hưởng vì luật sẽ cho phép các công ty lựa chọn quyết định hoạt động của họ được điều chỉnh theo các quy định cũ hay mới, cho đến khi giấy phép của họ hết hạn. Tuy nhiên, luật mới có thể làm cho “vàng đen” Nigeria có tính cạnh tranh hơn hay không thì vẫn còn phải xem xét nhiều khía cạnh.

Ông Anderson nói: “Tình hình an ninh vẫn là vấn đề lớn nhất. Các nhóm vũ trang đục đường ống dẫn dầu để ăn cắp, gây ra thảm họa sinh thái và làm gia tăng các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc trên đất liền cũng như trên biển. Tình hình mất an ninh thường xuyên này có tác động đáng kể đến giá khai thác, do đó ảnh hưởng đến các chính sách đầu tư”.

Dữ liệu sản lượng dầu sai lệch

Trong phiên điều trần mới đây, Hạ viện Nigeria cho biết: Sai lệch dữ liệu sản lượng dầu thô giữa NNPC và các cơ quan chính phủ có sự khác biệt, trong đó có Bộ Tài nguyên dầu khí (DPR), đã khiến Nigeria thiệt hại 5 tỉ USD. Phiên điều trần được tổ chức nhằm xác định và đề xuất các giải pháp lâu dài đối với những thách thức khác nhau liên quan đến nạn trộm cắp dầu thô.

Nằm trong hoạt động điều tra về hành vi trộm cắp dầu thô trong nước, một ủy ban đặc biệt mới được thành lập đã tiến hành phân tích kỹ càng tất cả các tài liệu do các bên liên quan trong ngành dầu mỏ cung cấp. Peter Akpatason - Chủ tịch ủy ban - phát biểu: “Thật đáng lo ngại khi các bên liên quan được ủy ban yêu cầu cung cấp các bản sao chứng từ cụ thể từ năm 2005-2019 về các khoản thu từ bán dầu, tiền bán quyền khai thác, phân chia sản lượng thì họ trì hoãn rất lâu và che đậy thông tin bằng các khoản giao dịch năm 2003-2009, tức là bỏ qua hầu hết các năm chúng tôi muốn kiểm tra”.

Akpatason quan sát thấy sự chênh lệch lớn trong dữ liệu do các cơ quan chính phủ cung cấp, đặc biệt là DPR và NNPC. Những số liệu sai sót đó có tính đến các số liệu về chế biến dầu thô ngoài nước; mua và bán trực tiếp dầu thô Nigeria; vận chuyển dầu thô xuất khẩu… Các tính toán sau phiên điều tra cho thấy Nigeria đã hao hụt 5 tỉ USD doanh thu, nguyên nhân bắt nguồn từ số liệu sản xuất khác nhau ở một số cấp độ quản lý.

Khi được chất vấn, Chủ tịch NNPC là Mele Kyari cho biết: Công ty đã sẵn sàng chia sẻ với ủy ban các dữ liệu liên quan đến giao dịch của công ty, bao gồm cả những giao dịch chưa được trình lên. Cơ sở dữ liệu giữa NNPC và các cơ quan chính phủ luôn có sai lệch, thậm chí, giữa công ty và các đối tác cũng như thế. Điều đó chẳng có gì đáng chú ý vì thông lệ điển hình trong ngành dầu mỏ phụ thuộc vào dữ liệu phát sinh được kiểm tra mỗi ngày. Môi trường ngành dầu mỏ rất linh động, dữ liệu đăng ký hôm nay chưa chắc giống với hôm qua.

S.Phương