Thạc sĩ Hoàng Văn Mạnh: Tự hào là người dầu khí

08:00 | 10/05/2014

1,278 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Là cái nôi đào tạo nên những người lao động dầu khí, Trường Cao đẳng nghề Dầu khí cũng là nơi để cho các thầy cô giáo thử thách nhiệt huyết, trau dồi phẩm chất riêng của người dầu khí, nhằm góp phần định hình nên văn hóa dầu khí ngay từ gốc rễ. Thạc sĩ Quản lý môi trường, Khoa An toàn môi trường Hoàng Văn Mạnh là một trong những con người hết lòng vì ngành Dầu khí như thế.

Năng lượng Mới số 319

PV: Vì sao anh lại chọn nghề dạy học, thay vì đi làm việc tại các công ty, xí nghiệp sản xuất trực tiếp?

Thạc sĩ Hoàng Văn Mạnh: Sau khi tốt nghiệp, năm 2006, tôi cũng có mong muốn ban đầu là sẽ làm việc trong các cơ quan hoặc nhà máy sản xuất, nhưng nghề dạy học đã “chọn” tôi như một sự tình cờ may mắn. Trường Cao đẳng nghề Dầu khí là một môi trường làm việc rất thuận lợi để tôi có thể học tập, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp của mình.

Khi được tuyển dụng là giáo viên Khoa An toàn môi trường, ban đầu, tôi hình dung công việc sẽ gắn liền với giảng dạy lý thuyết trong lớp học về an toàn và môi trường. Nhưng khi lần đầu tiên được chứng kiến các anh chị giáo viên trong khoa giảng dạy khóa học bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, tôi rất bất ngờ. Lúc đó, với tôi, mọi thứ thật mới mẻ.

Thạc sĩ Hoàng Văn Mạnh đang hướng dẫn an toàn cho học viên

PV: Dạy nghề dầu khí có gì khác so với các nghề khác?

Thạc sĩ Hoàng Văn Mạnh: Công tác đào tạo trong ngành Dầu khí có những nét đặc thù rất riêng biệt, đòi hỏi người giáo viên cần nắm vững chuyên môn, khả năng sử dụng tiếng Anh và một yếu tố rất quan trọng khác đó chính là sức khỏe, lòng dũng cảm và tinh thần yêu nghề để có thể phụ trách huấn luyện thực hành: khi thì ngụp lặn dưới nước với các bài tập thoát hiểm máy bay trực thăng, cứu sinh trên biển, hay phải đổ mồ hôi đối mặt với nguy hiểm trên bãi chữa cháy để cùng học viên chiến đấu với các tình huống cháy giả định trên công trình dầu khí, tìm kiếm cứu nạn trong môi trường có khí độc… Còn đối với các khóa học nâng cao về hệ thống quản lý an toàn, kỹ năng làm việc an toàn… thì đòi hỏi người giáo viên phải đầu tư thời gian, công sức và tích lũy học hỏi kinh nghiệm thực tế để có thể chia sẻ với người học những kiến thức sát với thực tế ngành Dầu khí một cách sinh động nhất.

PV: Cùng một bài giảng, cũng truyền đạt những nguyên tắc an toàn, những kỹ năng đặc thù đó, làm thế nào để dạy giỏi?

Thạc sĩ Hoàng Văn Mạnh: Phương pháp dạy học hiện đại hiện nay là dạy học theo hướng tích hợp, lấy người học làm trung tâm, áp dụng các kỹ thuật giảng dạy, tạo không khí thoải mái cho lớp học và tham gia chủ động vào bài giảng của người học, đem lại hiệu quả cho tiết học.

Giáo viên Khoa An toàn môi trường có nhiều thuận lợi trong việc kế thừa sử dụng bài giảng các khóa học theo hướng dẫn của tiêu chuẩn quốc tế, học tập phương pháp dạy học tích hợp từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước, từ các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Để tạo sự thành công cho bài giảng, kinh nghiệm của tôi là trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và những trải nghiệm thực tế về ngành Dầu khí, tập luyện thành thục bài giảng, thiết kế bài giảng sinh động, nhiều hoạt động nhóm, minh họa nội dung bằng phim ảnh, giáo cụ trực quan và áp dụng kỹ thuật giảng dạy linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng học viên.

PV: Nói vậy, hẳn là anh có hiểu biết về ngành Dầu khí, cả lý thuyết lẫn thực tế. Vậy cảm nhận mang tính cá nhân của anh về ngành Dầu khí - nghề dầu khí - người dầu khí là gì?

Thạc sĩ Hoàng Văn Mạnh: Ngành công nghiệp dầu khí là lĩnh vực tập trung hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao và trình độ quản lý hiện đại. Qua 8 năm công tác tại Trường Cao đẳng nghề Dầu khí, tôi đã cảm nhận và tiếp thu được những nét văn hóa rất đặc trưng của ngành Dầu khí.

Công tác tại Trường Cao đẳng nghề Dầu khí, tôi cũng như các anh chị, đồng nghiệp luôn có môi trường công tác thuận lợi. Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, Ban Chấp hành Công đoàn và lãnh đạo các khoa rất quan tâm đến đời sống của người lao động, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, luôn tạo điều kiện thuận lợi để các giáo viên có thể phát huy hết khả năng chuyên môn cũng như khả năng sáng tạo trong công việc.

Tôi nhận thấy, công tác đào tạo nói chung và đào tạo an toàn nói riêng đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, phải cập nhật liên tục các quy định và tiêu chuẩn quốc tế cũng như của ngành. Với đặc thù công tác đào tạo ngành Dầu khí đó, đòi hỏi người giáo viên phải nỗ lực không ngừng nghỉ, chủ động học tập, nghiên cứu giảng dạy và vượt qua những khó khăn thử thách trong nghề nghiệp để đạt được những thành quả trong lao động, cùng chung tay góp sức vào sự nghiệp phát triển bền vững của Trường Cao đẳng nghề Dầu khí.

PV: Việc được công đoàn ngành Dầu khí Việt Nam vinh danh là người lao động tiêu biểu có ý nghĩa như thế nào với anh? Anh sẽ làm gì để phát huy hơn nữa tính sáng tạo trong lao động của người dầu khí nói chung, trong lĩnh vực công tác của mình nói riêng?

Thạc sĩ Hoàng Văn Mạnh: Đây là niềm tự hào và là vinh dự to lớn cho cá nhân tôi. Tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã có sự quan tâm sâu sát đến những người lao động dầu khí và tổ chức buổi lễ rất có ý nghĩa ghi nhận sự đóng góp công sức của người lao động dầu khí vào sự nghiệp phát triển bền vững của Tập đoàn.

Tôi cũng xin gửi đến Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo khoa lòng biết ơn sâu sắc vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV) nhà trường nói chung và bản thân tôi nói riêng phát huy sáng tạo và phát triển trong nghề nghiệp. Bản thân tôi tự nhận thấy mình cần tiếp tục học hỏi và tích lũy kinh nghiệm hơn nữa trong công tác và phát huy những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của người lao động dầu khí Việt Nam, của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - một tập đoàn kinh tế trụ cột, mũi nhọn, đóng góp 25-30% cho ngân sách Nhà nước.

PV: Xin cảm ơn anh! Và chúc anh thành công hơn nữa trong công tác!

Lê Chi (thực hiện)

DMCA.com Protection Status