Tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở đào tạo của ngành Dầu khí

09:46 | 10/12/2014

956 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Để phục vụ cho 5 mục tiêu phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), công tác đào tạo nguồn nhân lực có vai trò cực kỳ quan trọng, Trường ĐH Dầu khí (PVU) và Cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) hiện là hai cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Thấu hiểu vai trò và vị trí của các cơ sở đào tạo nguồn lực cho PVN, trong chuyến công tác sau khi nhận nhiệm vụ, Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Quốc Khánh đã có buổi làm việc với lãnh đạo hai đơn vị PVU và PVMTC để tìm cách giải quyết thỏa đáng, tạo điều kiện cho PVU, PVMTC phát triển tốt nhất.

Năng lượng Mới số 381

Nâng cấp phân hiệu Nghệ An của PVMTC

Theo Hiệu trưởng PVMTC Vũ Duy Hảo, trải qua 39 năm hình thành và phát triển, PVMTC đã đào tạo và bồi dưỡng hơn 140.000 lượt học viên với hơn 100 chương trình đào tạo khác nhau, góp phần không nhỏ vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khoan - khai thác, vận chuyển và chế biến dầu khí cho đất nước. Nguồn nhân lực do PVMTC đào tạo hiện đang làm việc tại hầu hết các tổng công ty, đơn vị trong ngành và các liên doanh nhà thầu dầu khí nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Riêng năm học 2013-2014, PVMTC thực hiện đào tạo được 554 lớp với 12.071 lượt học viên. Tổng doanh thu và doanh số 11 tháng năm 2014 đạt 561 tỉ đồng, đạt 96% kế hoạch năm.

Trên tình hình chung thì trong những năm gần đây, lượng sinh viên đầu vào nhà trường có giảm đi nhưng PVMTC vẫn đảm bảo đầy đủ điều kiện cho giảng viên, CBCNV luôn có việc làm và thu nhập ổn định.

Giờ học thực hành môn an toàn của sinh viên PVMTC

Hướng đến mục tiêu đào tạo một số ngành đạt chuẩn quốc tế, ngày 14/11/2014 vừa qua, PVMTC đã khánh thành Trung tâm đào tạo An toàn và Môi trường chuẩn quốc tế. Trung tâm cao 9 tầng bao gồm văn phòng làm việc, hội trường, phòng học, phòng mô hình, thí nghiệm. Tòa nhà còn có khu phòng nghỉ cho cán bộ giảng dạy, chuyên gia, sinh viên nước ngoài. Với trang thiết bị hiện đại, phòng học đạt tiêu chuẩn, bể huấn luyện an toàn cứu hộ thoát hiểm trên biển đặt trong khuôn viên của Trung tâm, bãi tập phòng cháy chữa cháy tại cơ sở Bà Rịa cùng với bãi biển phía trước trung tâm là nơi để sinh viên tập huấn về các khóa đạo thuyền viên, trung tâm hoàn chỉnh đủ tiêu chuẩn OPITO và các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn đặt ra trong ngành Dầu khí. Khi đi vào hoạt động, trung tâm có thể đào tạo 4.000 học viên/năm và sẽ đạt 7.000 từ sau năm 2015, đủ tiêu chuẩn cấp chứng chỉ an toàn và môi trường theo chuẩn quốc tế cho học viên trong và ngoài nước.

Năm học 2014-2015 trên cơ sở kế hoạch PVMTC trình PVN, PVMTC tiếp tục triển khai đúng các kế hoạch đã đề ra. Các tổ chức cơ sở của PVMTC như Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên… hoạt động đều tay, tốt và đoàn kết là một trong những truyền thống được nhà trường giữ gìn và phát huy trong hơn 35 năm qua.

Từ nay đến năm 2020, PVMTC sẽ trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dựa trên các tiêu chí cụ thể về chất lượng đội ngũ giảng viên, khung chương trình đạt chuẩn quốc tế, trong đó giáo trình và một số nghề đạt chuẩn quốc tế phải giảng dạy bằng tiếng Anh. Và PVMTC vẫn giữ mục tiêu vừa đào tạo vừa làm dịch vụ, hai nhiệm vụ này bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau trong từng năm, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng của nhà trường vừa đảm bảo nguồn thu của trường để người lao động có thu nhập ổn định, ngày càng tăng.

Nhà trường mong tiếp tục nhận được sự quan tâm và đầu tư của PVN. Trong các phân hiệu của PVMTC trên cả nước thì phân hiệu ở Nghệ An đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Trước đây chỉ đào tạo trong tỉnh Nghệ An, còn 2 năm qua chỉ có 30 sinh viên dự thi, nên PVMTC phải tổ chức cho 30 sinh viên vào thi tại cơ sở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngay cả dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng muốn được đào tạo tại cơ sở Bà Rịa - Vũng Tàu chứ không học ở phân hiệu Nghệ An. Dù nhà trường yêu cầu đào tạo tại Nghệ An nhưng đối tác không đồng ý. Đề nghị lãnh đạo PVN xem lại, phân hiệu này nên có hướng hợp tác với các cơ sở giáo dục - đào tạo tại tỉnh Nghệ An ra sao cho hợp lý, nếu không thì rất lãng phí nguồn nhân lực và trang thiết bị cơ sở vật chất tại đây. Còn những vấn đề khác, PVMTC kiến nghị đều được PVN quan tâm giải quyết thỏa đáng.

Chăm lo đội ngũ giảng viên PVU

PGS.TS Lê Phước Hảo, Hiệu trưởng PVU thông báo, trong năm học 2013-2014, PVU thực hiện đào tạo trình độ đại học hệ chính quy cho 128 sinh viên khóa I, 120 sinh viên khóa II, 86 sinh viên khóa III với 4 chuyên ngành là Địa chất Dầu khí, Địa vật lý Dầu khí, Khoan - Khai thác dầu khí và Lọc hóa dầu. Bên cạnh công tác đào tạo sinh viên chính quy, năm 2014, PVU đã tuyển sinh thành công và bắt đầu tổ chức đào tạo chương trình Thạc sĩ khóa I ngành Công trình biển theo chương trình hợp tác đào tạo với Trường ĐH Công nghệ Delft của Hà Lan; đã có 20 học viên trúng tuyển là các cán bộ đến từ các đơn vị trong ngành Dầu khí.

Hiện tại PVU gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Khi thời điểm thành lập trường trùng vào thời điểm PVN thay đổi định hướng, quy mô, địa điểm và nhiều vấn đề khác nữa làm cho cán bộ PVU một thời gian khá bất ổn về tâm lý. Trong năm 2014, PVU được PVN hỗ trợ rất lớn, các ban PVN hỗ trợ tối đa, nhờ vậy cán bộ CBCNV nhà trường yên tâm công tác. Tuy nhiên, từ quy mô rất hoành tráng, địa điểm xây dựng trường tại Vĩnh Phúc sau thu hẹp quy mô và địa điểm chuyển về Bà Rịa khiến nhiều cán bộ về PVU với ước vọng lớn đã thất vọng, riêng năm 2014 có 15 giảng viên xin chuyển công tác.

Sinh viên PVU trong ngày hội hướng nghiệp “Company Day 2014”

Chúng tôi đang băn khoăn, không biết sẽ có bao nhiêu giảng viên nữa chuyển công tác. Cùng với đó, yêu cầu tuyển dụng của PVU tương đối cao nhưng chính sách đi kèm chưa thực sự thu hút nên nhiều giảng viên đã không ở lại lâu. Đó là một trong những khó khăn nhất của PVU hiện nay. Tổ chức Công đoàn dành khoảng 25% thời gian để thực hiện công tác ổn định tâm lý, tư tưởng cho giảng viên và CBCNV trong nhà trường an tâm gắn bó với trường.

Khó khăn nữa của PVU là hiện nay cơ sở vật chất không có gì nhiều. Chúng tôi đang sử dụng các cơ sở vật chất và trang thiết bị của PVMTC tại cơ sở Bà Rịa. Tuy nhiên có một số trang thiết bị thí nghiệm chưa đủ để các sinh viên năm cuối thực hành, khiến các em khá lo lắng, hoang mang. Trong khi chương trình đào tạo phải thực hiện đúng lộ trình, không thể chậm được.

Chưa kể, trong thời gian tới, nhiều chương trình đào tạo liên quan đến yếu tố nước ngoài, đào tạo chất lượng cao theo yêu cầu của Nhà nước, của PVN vì vậy việc đặt trụ sở ở Bà Rịa sẽ khó khăn cho PVU. Một ngôi trường mà không có nhiều thầy giỏi và trò giỏi thì khó hoàn thành mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được.

Dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với quyết tâm của cả trường, PVU có những tín hiệu đáng mừng, trong 4 khóa tuyển sinh thì khóa học năm 2014-2015 chất lượng đầu vào là cao nhất. Sinh viên được nhà trường quan tâm chu đáo, thành lập rất nhiều câu lạc bộ sinh hoạt và chính các em điều hành, góp phần cho kết quả học tập, sinh hoạt của các em cao hơn. Kết quả học tập của các em qua các khóa khá tốt. Đánh giá của nhà trường cũng trùng với đánh giá của các chuyên gia dầu khí trong ngày hội tuyển dụng “Company Day 2014” được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua. Cùng với đó, sinh viên PVU có kết quả cao trong các kỳ thi Olympic và thi tiếng Anh. Nghiên cứu khoa học trong sinh viên đang triển khai và nhiều em rất phấn khởi khi được PVN cấp học bổng du học.

Hiện nay tại PVU có 50 chuyên gia trong ngành dầu khí tham gia giảng dạy. Cùng với đó, PVU đang biên soạn giáo trình giảng dạy điện tử. Nhà trường cũng đang từng bước đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên. Từ năm 2011 đến nay, PVU có 48 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước (22 bài đăng trên tạp chí SCI SCIE), riêng 9 tháng năm 2014 có một bằng sáng chế và 14 bài (9 bài đăng trên tạp chí nước ngoài). Đó là những kết quả bước đầu trong một điều kiện vô cùng khó khăn.

Trước những khó khăn, thử thách như vậy, PVU đề nghị PVN có giải pháp để nhà trường sớm có tính chính danh thực sự, chứ chờ đến khi có Học viện Dầu khí ra đời tại Vĩnh Phúc thì PVU tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Cơ sở vật chất của trường sẽ đặt ở Bà Rịa hay là nơi khác, mong PVN có thông báo rõ với nhà trường, để người lao động, giảng viên, sinh viên biết, an tâm. Vì tốc độ xây dựng cơ sở Bà Rịa rất chậm, 3 năm qua mà chưa chọn được nhà thầu. Vì sao chậm thế, do cơ chế tổ chức đấu thầu xây dựng hay vì nguyên nhân khác. Nên chăng là chuyển quyền hoặc sáp nhập Ban Quản lý Xây dựng Đại học Dầu khí đang trực thuộc Công ty Mẹ quản lý về PVU để giải quyết vấn đề tiến độ nhanh hơn.

Thứ hai là vấn đề tư tưởng của giảng viên chưa thỏa mái, an tâm thì mong PVN và các ban hỗ trợ nhiều hơn cho người lao động an tâm, công tác, gắn bó lâu dài tại PVU. Với hoàn cảnh và tình thế của nhà trường, địa bàn lại nằm ở nơi khá xa xôi nên việc tuyển dụng giảng viên giỏi, có tâm huyết về công tác không hề dễ. Mong PVN, Ban Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực tìm cách tháo gỡ cho PVU.

Một số ý kiến về đào tạo nguồn nhân lực Dầu khí

Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh

Tôi đánh giá cao những kết quả mà PVMTC đạt được trên tất cả các chỉ tiêu, về đào tạo, sản xuất kinh doanh, doanh thu và mong nhà trường tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có, sớm đạt trường chuẩn quốc tế như chiến lược đã đề ra.

Còn đối với PVU, còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng lãnh đạo PVN rất biểu dương nhà trường luôn dành sự quan tâm đặt biệt cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, nhiều giảng viên có các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, đó là vốn quý đáp ứng yêu cầu phát triển của PVN trong tương lai. Còn những khó khăn của PVU, lãnh đạo Tập đoàn đã hiểu và sẵn sàng chia sẻ, hoàn hảo thì chưa có nhưng trong các giải pháp chỉ đạo phải chọn giải pháp tối ưu nhất.

Tôi rất chia sẻ những ý kiến, khó khăn, vướng mắc mà Hiệu trưởng Lê Phước Hảo đã trình bày, rất mong muốn PVU đặt ở thành phố lớn để thu hút giảng viên giỏi, sinh viên chất lượng… nhưng nếu theo quy trình đó thì mất rất nhiều thời gian. Nếu chúng ta tiếp tục "đẽo cày giữa đường" thì mất rất nhiều thời gian, trước đây sự hình thành và phát triển của PVU đã có sự thay đổi rất lớn, từ Vĩnh Phúc chuyển vào Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, chúng ta không nên thay đổi vị trí nữa. Mỗi đơn vị có mục tiêu riêng, PVMTC đào tạo công nhân lành nghề phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh cho PVN trong 40 năm qua và làm rất thành công. Còn đối với PVU, PVN đặt mục tiêu đào tạo nhân lực cho PVN là chính, trên cơ sở đó mà xây dựng đề án phát triển phù hợp.

Do đó, những kiến nghị của PVU trong vấn đề chậm xây dựng cơ sở vật chất nhà trường sẽ được xem xét kỹ, trong những cuộc họp tới của PVN. Phải lý giải tại sao, nhiều vấn đề lên Công ty Mẹ thì càng trì trệ, vấn đề đấy chúng tôi thấy từ lâu, sự phối hợp chưa nhịp nhàng đồng bộ, tầng tầng, lớp lớp trong tất cả các khâu… các vấn đề đều giải quyết rất chậm. Tôi hứa sẽ chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này, chứ Công ty Mẹ mà cứ chậm trễ như thế này thì cảm thấy rất xấu hổ với các công ty con.

PVN có những chính sách rất thoáng đối với các đơn vị làm công tác đào tạo - phát triển nguồn nhân lực thì các đơn vị nên mạnh dạn thực hiện. Để giải quyết những khó khăn hiện tại, nhất là đối với PVU mới thành lập còn non trẻ và thiếu thốn nhiều thứ, tôi đề nghị, hai trường đều là của PVN, khi là một cộng đồng nên làm việc trên tinh thần tương ái - hỗ trợ tốt lẫn nhau. PVMTC đã có đầy đủ về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đều đạt chất lượng và hướng đến là chuẩn quốc tế… Do đó nên chia sẻ giữa hai đơn vị, nhất là cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm mà PVU chưa trang bị. Đó là những yêu cầu cơ bản, cần có để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Phó tổng giám đốc phụ trách công tác đào tạo PVN Lê Minh Hồng

PVN biết hiện nay, PVU bức xúc nhất là vấn đề cơ sở vật chất. Bản thân tôi cũng rất bức xúc. Cùng vấn đề xây dựng nhưng tiến độ mỗi nơi mỗi khác, tôi từng chất vấn rất gay gắt với Ban Quản lý xây dựng trường ĐH Dầu khí của Công ty Mẹ về tiến độ xây dựng. Vì cũng cơ sở ở Bà Rịa vào thời gian đó, nhưng tại sao cơ sở do PVMTC quản lý đã xây dựng gần xong, trong khi cơ sở vật chất của PVU do Ban này quản lý thì vẫn giậm chân tại chỗ. Các thầy cô ở PVU rất bức xúc là đúng, có cảm giác như “ăn nhờ ở đậu” dù rằng PVMTC và PVU cũng là của PVN.

Chúng tôi cũng hiểu được sự thất vọng của nhiều giảng viên khi PVU thu hẹp quy mô và vị trí. Lãnh đạo PVN rất khó khăn khi quyết định chuyển cơ sở từ Vĩnh Phúc vào Bà Rịa - Vũng Tàu. Đúng là lúc đầu dự án PVU xây dựng trên 100ha, rất lớn. Sau đó, PVN tính lại đối với một trường ĐH trong doanh nghiệp thì không nên quá lớn. Nguồn sinh viên đào tạo chủ yếu phục vụ cho ngành, cung - cầu phải cân đối nên quyết định thu hẹp PVU và đặt yêu cầu đào tạo theo nhu cầu của PVN. Nếu năng lực tốt thì đào tạo cho xã hội. Tuy nhiên, xã hội giờ thất nghiệp nhiều nên chúng ta không nên đào tạo quá nhiều, cung vượt quá cầu thì sẽ thành gánh nặng cho xã hội.

Hiện nay, PVN không hề hạn chế bất cứ vấn đề gì trong đào tạo đại học, cơ chế dành cho giảng viên rất tốt nhưng dường như nhà trường chưa dám thực hiện. Có quy định mức lương 120 triệu/tháng cho giảng viên nên đề nghị lãnh đạo PVU phải mạnh dạn thực hiện để thu hút giảng viên giỏi về trường. PVN rất khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học, như năm qua PVU có 9 bài nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế là rất đáng tự hào. Hiệu trưởng Lê Phước Hảo nên có kiến nghị, đề xuất lên PVN và PVN sẵn sàng có mức thưởng xứng đáng với các giảng viên có kết quả nghiên cứu khoa học chất lượng cao, mang tầm quốc tế.

Còn vấn đề trụ sở PVU, 5 năm rồi mà chúng ta chưa xây xong thì giờ chuyển có thể mất 10 năm nữa PVU cũng chưa có trụ sở. Để giải quyết yêu cầu cấp thiết trước mắt thì đề nghị PVMTC và PVU có cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm có thể chia sẻ để sử dụng cho cả hai trường thì nên sử dụng chung. Đề nghị PVU nghiên cứu tất cả phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất của PVMTC mà PVU có thể sử dụng được thì nên sử dụng.

Trưởng ban Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PVN Nguyễn Hồng Ngọc

Ban đào tạo hết sức giúp đỡ công tác của PVU trong thời gian qua. PVU sẽ là một thành viên của Học viện Dầu khí. Theo tôi, giai đoạn đầu mới thành lập, nhà trường sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tư vấn trong ngành Dầu khí thì PVU nên đặt cơ sở ở Bà Rịa - Vũng Tàu vì nơi đây có các đơn vị dầu khí lớn trong PVN như Vietsovpetro, PTSC, PVD, Nhà máy Đạm Phú Mỹ và rất nhiều JOC… Hiện nay số lượng sinh viên tuyển vào PVU còn khá ít, chỉ 60-80 sinh viên/khóa nhưng thi tuyển đầu vào rất cao, gần như cao nhất cả nước, lực lượng giảng viên của trường cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, nếu chia theo tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ giảng viên/sinh viên có thể PVU là cao nhất trong các trường đại học trên cả nước. Với những cơ sở như vậy thì tôi tin rằng PVU sẽ phát triển tốt trong tương lai.


Nguyễn Thanh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status