Tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp

06:50 | 20/09/2021

676 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành nông nghiệp luôn gánh vác trách nhiệm làm "bệ đỡ” cho nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 khiến ngành nông nghiệp trải đang trải qua nhiều khó khăn, một mặt đảm bảo nguồn lương thực trong nước, một mặt đảm bảo xuất khẩu lại đang rơi vào thế “hụt hơi” khi nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt…

Cần tự chủ nguồn thức ăn chăn nuôi

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn các kênh tiêu thụ sản phẩm của hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp tại nhiều địa phương, các đơn vị phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng khiến thu nhập của các thành viên, người lao động bị sụt giảm đáng kể. Đơn cử như bà con nông dân tại Hợp tác xã Rau an toàn xã Kim Long, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc).

Chăn nuôi lợn tại tỉnh Vĩnh Phúc
Chăn nuôi lợn tại tỉnh Vĩnh Phúc

Trước khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, sản lượng rau, củ, quả tiêu thụ trung bình mỗi tuần của hợp tác xã đạt trên 10 tấn, không chỉ cung cấp cho thị trường Vĩnh Phúc mà còn có mặt tại thủ đô Hà Nội. Nhưng khi các trường học cho học sinh nghỉ, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, sản phẩm không tiêu thụ được, sản lượng tiêu thụ của hợp tác xã đã giảm tới 2/3, chủ yếu là bỏ đất trống, chỉ thu hoạch các loại rau củ đang có rồi bán ra chợ để thu lại một phần vốn, công sức bỏ ra mà không thể bù lại chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Kiều Thị Huệ, giám đốc một hợp tác xã chia sẻ: “Do thị trường tiêu thụ của hợp tác xã chủ yếu là cho một số doanh nghiệp chuyên cung ứng sản phẩm cho các bếp ăn trường học và bếp ăn công nghiệp ở thành phố Hà Nội và một số thương lái lớn trên địa bàn tỉnh nên khi các hoạt động phải tạm dừng để bảo đảm phòng chống dịch đã khiến doanh thu của hợp tác xã giảm gần 70%, đời sống của các thành viên gặp rất nhiều khó khăn".

Không chỉ các hợp tác xã lao đao, ngành chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang chịu những tổn thất nặng nề khi giá thức ăn chăn nuôi đang tỷ lệ nghịch với giá lợn xuất chuồng. Ông Phạm Văn Hải, thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) buồn bã chia sẻ, trang trại rộng hơn 10.000 m2 của gia đình nuôi hơn 200 con lợn nái và 2.000 lợn thịt, chủ yếu xuất cho thương lái ở huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, thương lái phải tạm dừng mọi hoạt động thu mua nên giá thịt lợn dù giảm xuống mức kỷ lục còn 51.000-52.000 đồng/kg vẫn khó xuất bán. Với giá mỗi bao cám tăng giá 30.000-40.000 đồng so với vài tháng trước đó, trung bình mỗi ngày, chi phí bỏ ra cho trang trại tốn cả trăm triệu đồng, người nông dân chịu lỗ là điều không tránh khỏi.

Nghịch lý này đã chỉ ra, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở top đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-85% nguyên liệu từ nước ngoài và hàng năm đều tăng cả về lượng cũng như giá trị. Riêng trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản. Cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển trồng các loại cây phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, tăng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Đồng thời có giải pháp thúc đẩy chế biến các phụ phẩm của ngành thủy sản như bột vụn cá, bột vỏ sò để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tháo gỡ ách tắc cho nông lâm thủy sản

Về nông sản, trong đó có mặt hàng gạo, đang gặp trở ngại trong hoạt động xuất khẩu, nguyên nhân không phải vì thiếu đơn hàng, mà do Covid-19 bùng phát mạnh khiến vận chuyển gặp khó, thiếu nhân công thu hoạch lúa, nhiều nhà máy chế biến lúa buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất… Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 8 tiếp tục xu hướng giảm từ tháng trước đó, là bởi nhu cầu từ khách hàng nước ngoài chậm, cước phí vận chuyển cao, dịch Covid-19 tái bùng phát. Ngoài ra, việc giá gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm cũng tác động đẩy giá gạo Việt Nam giảm theo.

Cụ thể, từ giữa tháng 8/2021 trở đi, giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam chỉ còn 385 USD/tấn, thấp nhất từ giữa năm 2019 đến nay. Tình trạng này không chỉ diễn ra với gạo Việt Nam, mà cả với xuất khẩu gạo của các nước khác, bao gồm Ấn Độ, Thái Lan.

Trong khi đó tại thị trường trong nước, giá lúa thu mua tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19, hoạt động mua bán, sản xuất bị ngưng trệ hàng loạt.

Tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp
Từ giữa tháng 8/2021 trở đi, giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam chỉ còn 385 USD/tấn

Nếu như một số mặt hàng nông sản giá xuống thấp, khó tiêu thụ thì lĩnh vực thủy sản cũng không khá khẩm gì. Trải qua hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động 3 tại chỗ, kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 đã giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản. Xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong hơn 1 tháng vừa qua, chỉ có khoảng 30-40% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động tham gia sản xuất, do đó công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.

Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, thiếu nguyên liệu sản xuất không đảm bảo tiến độ giao hàng, thủ tục xuất nhập khẩu bị chậm trễ ách tắc, chi phí đầu vào và chi phí vận tải tăng… Hàng loạt khó khăn chồng chất do bùng phát dịch Covid đang và sẽ là gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp
Xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 giảm 36%, dự báo tiếp tục giảm trong tháng 9

Theo Tổng cục Thủy sản, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các địa phương tại ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua tôm; việc tiêu thụ bị đình trệ do hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực hiện giãn cách hoặc phải đóng cửa. Thiếu người và phương tiện vận chuyển, thu mua, cung ứng (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm) do yêu cầu kiểm soát người và phương tiện từ các vùng có dịch đều cách ly 14-21 ngày, nên rất khó đáp ứng kịp thời và phát sinh tăng chi phí. Một số nhà máy chế biến tôm phải dừng hoạt động hoặc thực hiện "3 tại chỗ" nên công suất giảm.

Hoạt động thả nuôi tôm đang có chiều hướng giảm do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Vì vậy, dự báo các tháng cuối năm 2021 sẽ khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu.

Để tháo gỡ khó khăn chung của ngành nông nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Tây Nguyên triển khai nhiều giải pháp. Đó là, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, hoạt động các cảng cá, tàu đánh bắt hải sản… vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của hàng ngàn hộ nông dân kể cả trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ giá điện sản xuất cho các DN sản xuất, chế biến nông, thủy sản để tăng cường mua nông sản bảo quản sản phẩm đông lạnh...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, thì việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của cả nước càng trở nên cấp bách. Do đó, các địa phương cần rà soát nắm chắc số lượng chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ, có giải pháp để tự cân đối nhu cầu tại chỗ, số còn lại phải khẩn trương kết nối với ngành Công Thương, NN&PTNT, Quản lý thị trường cấp tỉnh, thành phố; kết nối với hai Tổ công tác đặc biệt của hai Bộ và các Vụ, Cục chức năng của hai Bộ; kết nối với các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp thu mua, tập đoàn phân phối… để được tư vấn hỗ trợ tiêu thụ khẩn cấp.

Trong đó, các doanh nghiệp thu mua cần thực hiện các biện pháp bắt buộc (tiêm ngừa vắc xin, xét nghiệm cho người và cấp mã QR cho phương tiện vận tải hàng hóa). Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT cam kết hỗ trợ tối đa, giải quyết một cách nhanh chóng trong thẩm quyền của mình. Trường hợp vượt thẩm quyền sẽ có các trao đổi với các bộ, ngành và kiến nghị Chính phủ để quan tâm giải quyết”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu giữ tốc độ tăng GDP khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 3%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 44 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, nâng cao chất lượng rừng.

Ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Coivid-19. Nghị quyết 84/NQ-CP đã đề ra một loạt các nhiệm vụ, nhóm giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Nghị quyết cũng đề ra một loạt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp, không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu kép: phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp...; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; năng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liệu, nhũng nhiễu; tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công...

* Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Minh Châu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank

Giá vàng

Tỉ giá