Thế giới cấp tốc phát triển vaccine ứng phó "siêu biến chủng" Omicron

07:05 | 01/12/2021

2,489 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các nhà khoa học và các hãng dược trên khắp thế giới vẫn đang chạy đua "giải mã" Omicron và phát triển vaccine để đối phó siêu biến chủng này.
WHO, CDC Hoa kỳ khuyến cáo gì để Việt Nam ứng phó với biến chủng Omicron?WHO, CDC Hoa kỳ khuyến cáo gì để Việt Nam ứng phó với biến chủng Omicron?
Chuyên gia Đức: Omicron có thể làm đại dịch Covid-19 kết thúc sớm hơnChuyên gia Đức: Omicron có thể làm đại dịch Covid-19 kết thúc sớm hơn
"Siêu biến chủng" Omicron lan rộng nhiều nước châu Âu
Thế giới cấp tốc phát triển vaccine ứng phó siêu biến chủng Omicron - 1
Tiêm vaccine Covid-19 tại California, Mỹ ngày 29/11 (Ảnh: AFP).

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới dừng các chuyến bay và cấm nhập cảnh đối với những người trở về từ nam châu Phi do lo ngại nguy cơ lây nhiễm của biến chủng Omicron, các nhà khoa học đã nhanh chóng vào cuộc để thu thập dữ liệu về chủng virus mới và nghiên cứu hiệu quả của các loại vaccine hiện tại trong việc đối phó với Omicron.

Những phát hiện ban đầu về biến chủng Omicron mới chỉ cho thấy một bức tranh hỗn độn. Các chuyên gia nhận định biến chủng mới có thể dễ lây nhiễm hơn và có khả năng né tránh các phản ứng miễn dịch của cơ thể, kể cả đối với những người đã tiêm chủng hoặc đạt được miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm bệnh.

Nhiều chuyên gia và giới chức y tế các nước nhận định, các loại vaccine hiện nay vẫn có thể tiếp tục ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong, mặc dù vẫn cần các liều vaccine tăng cường để tăng khả năng bảo vệ. Các nhà sản xuất vaccine cũng đang chuẩn bị cải tiến các mũi tiêm của họ nếu thấy cần thiết để đối phó với biến chủng mới.

"Chúng ta thực sự cần phải cảnh giác với biến chủng mới này và chuẩn bị trước. Có thể trong vài tuần nữa, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về mức độ lan truyền của biến chủng này cũng như mức độ cần thiết của việc thúc đẩy một loại vaccine chống lại nó", tiến sĩ Jesse Bloom, nhà sinh vật học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ), cho biết.

Ngay cả khi các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng biến chủng mới, các quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng áp lệnh hạn chế việc đi lại đối với các quốc gia ở phía nam châu Phi, nơi biến chủng Omicron lần đầu tiên xuất hiện tại Botswana và Nam Phi. Bất chấp những hạn chế này, biến chủng mới đã lan tới hàng loạt quốc gia châu Âu, trong đó có Áo, Bỉ, Séc, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Italy. Ngoài ra, các ca mắc biến chủng Omicron còn được tìm thấy ở Hong Kong, Israel, Canada.

Thế giới cấp tốc phát triển vaccine ứng phó siêu biến chủng Omicron - 2
Nhân viên mặc đồ bảo hộ hướng dẫn hành khách tại sân bay Incheon, Hàn Quốc ngày 30/11 trong bối cảnh ca nhiễm biến chủng Omicron bùng phát (Ảnh: AFP).

Theo New York Times, các nhà khoa học đã phản ứng với sự xuất hiện của biến chủng Omicron nhanh hơn bất kỳ biến chủng nào khác. Theo tiến sĩ Tulio de Oliveira, nhà di truyền học tại Trường Y Nelson R. Mandela, chỉ trong 36 giờ kể từ khi có dấu hiệu đầu tiên ở Nam Phi hôm 23/11, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu từ 100 bệnh nhân bị nhiễm bệnh, đối chiếu dữ liệu và cảnh báo cho thế giới.

Trong vòng một giờ kể từ khi có báo động đầu tiên, các nhà khoa học ở Nam Phi cũng gấp rút thử nghiệm vaccine chống lại biến chủng mới. Giờ đây, hàng chục nhóm nghiên cứu trên toàn thế giới, bao gồm các nhà nghiên cứu tại các hãng dược hàng đầu thế giới Pfizer-BioNTech và Moderna, đã tham gia cuộc đua.

Kết quả sẽ có sớm nhất trong 2 tuần, nhưng những đột biến trên chủng Omicron cho thấy vaccine có thể sẽ kém hiệu quả hơn, ở một mức độ nào đó chưa xác định, so với bất kỳ biến chủng nào trước đó. Omicron gây lo ngại bởi có khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, gấp đôi số đột biến ở Delta - biến chủng trội toàn cầu hiện nay.

"Dựa trên những gì chúng tôi biết và cách các biến chủng đáng lo ngại khác phản ứng với vaccine, chúng tôi cho rằng vaccine vẫn có hiệu quả cao đối với các ca nhập viện và bệnh nặng và khả năng bảo vệ của vaccine vẫn mạnh mẽ" - Giáo sư Salim Abdool Karim.

"Dựa trên rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên các biến chủng khác, chúng tôi có thể tin rằng những đột biến này sẽ gây ra sự sụt giảm đáng kể của kháng thể trung hòa", tiến sĩ Bloom nói.

Tiến sĩ Richard Lessells, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal, cho biết các bác sĩ Nam Phi đang nhận thấy sự gia tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người đã từng mắc Covid-19. Điều này cho thấy biến chủng mới có thể đã vượt qua khả năng miễn dịch tự nhiên.

Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, giúp virus có thể bám dính và xâm nhập tế bào cơ thể người tốt hơn và né tránh hệ miễn dịch mạnh hơn. Một số đột biến này đã được nhìn thấy trước đây. Một số được cho là đã hỗ trợ khả năng né vaccine của biến chủng Beta, trong khi một số khác rất có thể làm tăng khả năng lây lan nhanh của biến chủng Delta.

"Dự đoán tốt nhất của tôi là biến chủng này kết hợp cả hai yếu tố đó", tiến sĩ Penny Moore, chuyên gia về virus tại Viện quốc gia về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi, nói về biến chủng mới.

Nhóm của tiến sĩ Moore có lẽ là nhóm nghiên cứu tiến xa nhất trong việc thử nghiệm mức độ chống lại biến chủng Omicron của vaccine. Moore và các đồng nghiệp đang chuẩn bị xét nghiệm máu của những người đã được tiêm chủng đầy đủ chống lại một phiên bản của biến chủng Omicron.

Giáo sư Salim Abdool Karim, cố vấn của chính phủ Nam Phi trong giai đoạn đầu dịch Covid-19, cho rằng hiện còn quá sớm để kết luận liệu Omicron có dẫn đến các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng hơn các biến chủng trước đó hay không. Tuy nhiên, chủng mới có vẻ dễ lây lan hơn và nhiều khả năng lây nhiễm cho cả những người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19 trước đó.

Các hãng vaccine vào cuộc

Thế giới cấp tốc phát triển vaccine ứng phó siêu biến chủng Omicron - 3
Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã vào cuộc để giải mã biến chủng virus mới (Ảnh minh họa: New York Times).

Theo các chuyên gia, nếu vaccine được chứng minh là kém hiệu quả hơn đối với Omicron, chúng cần được điều chỉnh để nâng cao hiệu quả đối với biến chủng mới. Moderna, Pfizer-BioNTech và Johnson & Johnson đang có kế hoạch thử nghiệm phiên bản vaccine chống lại Omicron

Các vaccine sử dụng công nghệ mRNA, như Moderna và Pfizer-BioNTech, cho phép cập nhật phiên bản mới nhanh chóng. Jerica Pitts, phát ngôn viên của Pfizer, cho biết các nhà khoa học của hãng "có thể điều chỉnh vaccine hiện tại trong vòng 6 tuần và xuất xưởng các lô vaccine đầu tiên trong vòng 100 ngày trong trường hợp có một biến chủng mới né tránh hệ miễn dịch".

Stephen Hoge, chủ tịch Moderna, cho biết hãng này bắt đầu nghiên cứu từ ngày 23/11, ngay sau khi các nhà khoa học của Moderna biết đến biến chủng Omicron. Đây là tốc độ phản ứng nhanh nhất đối với một biến chủng mới của Moderna từ trước đến nay.

Ông Hoge cho biết Moderna có thể cập nhật vaccine hiện tại của mình trong khoảng 2 tháng và có kết quả lâm sàng trong khoảng 3 tháng nếu cần thiết.

Cả Pfizer-BioNTech và Moderna đều có kế hoạch kiểm tra xem liệu các mũi tiêm tăng cường có hỗ trợ hệ thống miễn dịch đủ để chống lại biến chủng mới hay không. Mũi tăng cường của vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna đã được chứng minh là giúp tăng đáng kể mức độ kháng thể.

Tuy nhiên, tiến sĩ Michel Nussenzweig, nhà miễn dịch học tại Đại học Rockefeller ở New York cho rằng, các vaccine đó chưa đủ để vô hiệu hóa hoàn toàn Omicron. Nussenzweig và các đồng nghiệp của ông đang chuẩn bị thử nghiệm vaccine mRNA đối với Omicron, cũng như vaccine do Johnson & Johnson và AstraZeneca sản xuất. Họ hy vọng sẽ có kết quả trong vòng một tháng.

Giám đốc y tế của hãng dược Moderna, Paul Burton, cho biết nếu phải sản xuất một loại vaccine hoàn toàn mới để đối phó biến chủng Omicron, ông dự đoán sẽ là đầu năm 2022 trước khi loại vaccine đó sẵn sàng được sản xuất với số lượng lớn. Vào ngày Lễ Tạ ơn, Morderna, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Massachusetts, Mỹ đã huy động hàng trăm nhân viên nghiên cứu về biến chủng Omicron, sau khi thông tin về biến chủng này được lan truyền.

AstraZeneca cho biết họ đã tiến hành nghiên cứu ở Botswana và ESwatini, nơi biến chủng đã được tìm thấy, để kiểm tra tác động của nó đối với vaccine.

Người đứng đầu bộ phận dịch tễ học và các bệnh truyền nhiễm của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, tiến sĩ Samiran Panda cho biết, mặc dù vaccine mRNA nhắm vào protein gai của virus có thể cần được điều chỉnh, nhưng vaccine được sản xuất ở Ấn Độ thì không cần.

Covidshield, bản sao của vaccine AstraZeneca ở Ấn Độ, và Covaxin, vaccine bất hoạt do hãng Bharat Biotech của Ấn Độ phát triển, tạo ra khả năng miễn dịch thông qua kháng nguyên và sẽ cần thời gian để quan sát trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu dựa trên dân số để kiểm tra.

Thế giới cấp tốc phát triển vaccine ứng phó siêu biến chủng Omicron - 4
Hãng dược Sinovac của Trung Quốc tuyên bố có thể bào chế vaccine đối phó biến chủng Omicron (Ảnh minh họa: AP).

Theo SCMP, nhà sản xuất vaccine Trung Quốc Sinovac tự tin rằng họ có thể nhanh chóng sản xuất hàng loạt một phiên bản vaccine chống lại biến chủng Omicron. Tuy nhiên, Sinovac cho biết sẽ chỉ sản xuất sau khi có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, cùng với bằng chứng cho thấy cần phải có vaccine cập nhật để ngăn ngừa biến chủng mới.

"Công nghệ và sản xuất là giống nhau. Chúng tôi có thể chuẩn bị rất nhanh để sản xuất vaccine sau khi phân lập được dòng virus và việc sản xuất không phải là vấn đề. Nhưng các nghiên cứu liên quan cần phải được hoàn thành và vaccine mới cần được chấp thuận theo các quy định. Còn quá sớm để nói liệu có cần phải phát triển và sản xuất một loại vaccine riêng biệt cho biến chủng này hay không", tuyên bố của Sinovac cho biết.

Sinovac nói rằng họ đang theo dõi chặt chẽ các nghiên cứu và thu thập các mẫu liên quan đến biến chủng Omicron thông qua mạng lưới đối tác toàn cầu để xác định xem liệu có cần phải tiêm vaccine mới hay không.

"Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ có thể thúc đẩy nhanh chóng việc phát triển và sản xuất hàng loạt vaccine mới để đáp ứng nhu cầu", Sinovac cho biết thêm.

Nga ngày 29/11 cho biết vaccine Covid-19 Sputnik V do Viện Gamaleya phát triển có thể sẽ ngăn chặn biến chủng Omicron và họ sẽ sẵn sàng sản xuất hàng trăm triệu mũi tiêm nhắc lại nếu cần thiết.

"Viện Gamaleya tin rằng Sputnik V và Sputnik Light sẽ vô hiệu hóa Omicron vì chúng đạt hiệu quả cao nhất đối với các biến chủng khác. Trong trường hợp cần tiêm vaccine tăng cường, chúng tôi có thể cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine Sputnik để đối phó với biến chủng Omicron trước ngày 20/2/2022", Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), thông báo trên Twitter.

Nga đã nhanh chóng phát triển vaccine Sputnik V hai liều vào năm ngoái và cũng đã triển khai vaccine Sputnik Light một mũi. Cả hai đều được cho là đã chứng minh hiệu quả cao trong các cuộc thử nghiệm, nhưng vẫn đang chờ sự phê duyệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thế giới cấp tốc phát triển vaccine ứng phó siêu biến chủng Omicron - 5

Theo Dân trí